Truyện ngắn: Ám ảnh một lời than...

08:10, 25/10/2020

Cái thôn lẻ bên hữu ngạn sông Thu với gần hai trăm con người sống chủ yếu bằng nghề dệt chiếu, trồng khoai, sắn… lặng lẽ như vậy đã lâu. Muốn lên xã, muốn tiếp xúc với văn minh, sôi động một chút của thị xã giáp ranh phải qua sông bằng phương tiện duy nhất là ghe bơi. 

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Cái thôn lẻ bên hữu ngạn sông Thu với gần hai trăm con người sống chủ yếu bằng nghề dệt chiếu, trồng khoai, sắn… lặng lẽ như vậy đã lâu. Muốn lên xã, muốn tiếp xúc với văn minh, sôi động một chút của thị xã giáp ranh phải qua sông bằng phương tiện duy nhất là ghe bơi.

Trai tráng lớn lên một chút đều đi làm thợ hồ, thợ mộc tha phương. Họa hoằn lắm thôn mới được vài người học hết trung học ở trường thị xã rồi vào Sài Gòn hoặc ra Huế học đại học.

Bị chìm đò trong một trận lụt, ba Tâm mất khi ông vừa hăm chín tuổi. Mẹ anh kể vậy. Tần tảo với nghề dệt chiếu, bà nuôi anh và hai đứa em ăn học… Tâm đang học năm thứ hai đại học Văn khoa ở Huế thì hòa bình. Anh bỏ học quay về vì hoàn cảnh kinh tế gặp khó khăn không thể tiếp tục.

Để có việc làm thoát đói nghèo lúc ấy, anh theo học trường sư phạm tỉnh. Sau gần một năm đào tạo cấp tốc, anh về huyện nhận nhiệm sở. Ngành giáo dục điều động đến giảng dạy tại chính ngôi trường tiểu học ở thôn, nơi anh từng mài đũng quần suốt thời thơ dại. Là thầy giáo mà phải gọi học trò có đứa bằng anh, đứa bằng chú nghĩ cũng vui vì hầu hết là bà con thân tộc cả…

Niềm vui của anh giáo trẻ chia đều cho những cô cậu học trò khó nghèo bằng những bài giảng có đồ dùng dạy học sinh động và những câu chuyện kể cuối tuần hấp dẫn ngoài… sách giáo khoa như từng nhân vật trong trích đoạn “Thủy Hử”, “Tam quốc chí”.

Cuối những năm thập niên 70 của thế kỷ trước, hoạt động văn hóa văn nghệ cách mạng nhằm bài trừ lối sống lai căng đồi trụy rất sôi nổi. Thôn xã nào cũng tổ chức văn nghệ văn gừng đón ngày này mừng mùa nọ rất khí thế.

Tối nào mà có đội chiếu bóng lưu động về xã chiếu phim cách mạng với phim Liên Xô thì thôi khỏi phải nói. Nam nữ thanh niên, trẻ nít của thôn rộn ràng lo ăn cơm tối sớm, rủ nhau bàn cách sẽ lấy trộm ghe của ai đó bơi qua sông.

Dọc triền sông, ba bốn chiếc ghe của mấy người mỗi sáng sớm thường đi lên cồn trồng khoai, sắn,... chiều về để nằm đó như mời gọi. Chạng vạng có người kéo vào sâu trong đường thôn, lấy bao, bạt che đậy sơ sài.

Nhưng nếu… mượn trộm mà bị lộ thì họ sẽ… rút kinh nghiệm khiêng tuốt vô nhà cất là lần sau có chiếu phim khỏi đi xem luôn! Khi bên kia sông phát ra âm thanh phù phù, phụt phụt… a lô, một, hai, ba,… cho đến mười theo gió vọng qua thì đã tám giờ tối rồi. Nhiều lúc quáng gà tìm không đủ ghe bơi vì đông người giành chỗ chen chúc qua sông cho kịp giờ chiếu.

Có người bất đắc dĩ về khiêng ghe dành chạy lụt của mình dùng đỡ. Hôm qua, có người trên xã về nói tối mai sẽ có chiếu phim chiến đấu của Hồng quân Liên Xô với quân phát xít Đức hay lắm… Người ta cho dán giấy quảng cáo phim đầy trên tường nhà dân, trên các gốc cây ven đường. Có lần đi coi phim ghe khẳm, tròng trành đành đuổi bọn học trò về cho an toàn... sông nước.

Phải xem cho bằng được phim là quyết tâm của Tâm nhưng với Tiến, đồng nghiệp dạy cùng trường thôn, đây là cơ hội cho anh ta… cưa gái! “Tâm ơi, lần trước tôi thấy con Hạnh đi cặp với con Giang. Hai đứa học cùng lớp 12 dưới thị xã. Lần này tôi sẽ nói Hạnh giới thiệu Giang cho ông. Chịu không?”

Nghe vậy Tâm cũng thấy háo hức: “Mà cô bé có dễ nhìn không đã?” “Nói thiệt, tôi lỡ quen với Hạnh rồi chứ không thì… với lại tôi thấy ông được hơn thằng Chiến nên mới giới thiệu đó!” Đêm ấy, người tập trung xem phim đông nghịt. Chứng tỏ bộ phim hứa hẹn rất hấp dẫn. Nhưng Tâm với Tiến lại tập trung cho việc đi tìm Hạnh và Giang.

Quần tới quần lui bãi chiếu, hết vấp chân người lớn đến vấp chân con nít í ới chạy đuổi bắt, họ cũng tìm ra hai cô. Nhìn phía sau thấy dáng của họ nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ là rất chuẩn. Áo bà ba, quần đen, tóc xõa ngang vai…

Khi chiều, Tiến nói chắc như bắp sẽ nhờ Hạnh giới thiệu Giang cho Tâm rõ ràng thế mà gặp họ, Tiến quên béng, đã khều tay ra dấu Hạnh tách đi… Cái cô Hạnh thiệt vô tâm! Bỏ bạn theo… trai. May mà có Tâm điền vào chỗ trống không thôi tội nghiệp Giang và… cả anh nữa. “Giang hả?”. Giang quay lại nhoẻn cười. “Dạ…” “Anh là Tâm, giáo viên thôn 5 …” Giang lộ vẻ ngạc nhiên.

“Ui, anh bạn với thầy Tiến ở bên kia sông hả?” “Đúng rồi, bọn anh dạy cùng trường”. Trong ánh sáng điện chạy máy nổ yếu ớt chập chờn, Tâm vẫn cố nhìn cho rõ gương mặt của Giang. Cảm nhận của Tâm là gương mặt thanh tú. Anh mà thấy con gái, đàn bà có cái sống mũi cao là thích mến. Giang là người anh có cảm tình ngay lần gặp đầu tiên… Tâm ngỏ ý rủ Giang ra khỏi bãi chiếu phim để nói chuyện.

“Thôi mà, em ngại lắm!” “Có chi đâu mà ngại!” Tâm mạnh dạn nắm tay Giang. Bàn tay thon nhỏ, ấm áp run run nằm gọn trong lòng bàn tay anh. Giang dùng dằng một lúc rồi miễn cưỡng bước theo...

Tâm là người xuống ghe quay về sau cùng. Thì cũng hỏi chuyện học, chuyện nhà cửa, gia cảnh của Giang. Ba Giang lái xe khách, mẹ cô bán tạp hóa ở chợ xã. Cô lại là con một. Vài lần đi họp chuyên môn trên huyện về Tâm có ghé nhà Giang. Thường thì anh gặp bà Loan- mẹ cô- nhiều hơn…

Bọn họ bốn người có rủ đi chơi chung mấy lần. Về sau rất ít có dịp gặp nhau. Hai cô đều thi hỏng vào đại học. Quan hệ tình cảm giữa Tiến và Hạnh dang dở… nửa chừng xuân. Nếu có xem tiếp hồi sau cũng không rõ. Tiến bỏ dạy theo gia đình đi kinh tế mới tận một huyện vùng cao trong tỉnh. Hạnh làm gì, ở đâu chắc chỉ có mỗi Tiến biết…

Những lần anh giáo Tâm gặp cô Giang, đã nghỉ học, ở nhà phụ mẹ bán quán, là những lần ghi lại kỷ niệm tình yêu trong sáng, ngọt ngào. Và họ chỉ dừng lại ở mức độ cầm tay, tựa vào nhau rồi hôn nhau, hẹn hò sẽ đi đến tương lai… Chỉ hẹn hò chứ không thề non hẹn biển cũng chẳng hề tặng kỷ vật làm tin. Không có chuyện nếu không lấy được nhau sẽ như Lương Sơn Bá với Chúc Anh Đài!

Vài ba năm sau đã có nhiều thay đổi. Gia đình Giang chấp thuận gả cô cho Thông- phó chủ nhiệm trẻ của hợp tác xã mua bán. Tâm lấy vợ. Chị Thủy đảm đang, giỏi tính toán việc bán buôn. Quán cà phê thôn lẻ lúc nào cũng đông khách. Bốn người họ thất lạc nhau vì lúc bấy giờ cuộc sống có quá nhiều khó khăn ai cũng phải gồng lên, bung ra bươn chải. Tình yêu thời mới lớn kết thúc không ngọt ngào âu cũng là lẽ thường. Như bên kia sông, thôn lẻ, phù sa bồi lấp, bãi bờ như rộng xa ra.

Bên này sông, phía giáp thị xã, bờ lở vào đến tận đường nhựa. Rồi ai cũng có cho riêng mình một mái ấm về sau. Rồi “Chuyện hôm qua như nước chảy về đông. Mãi xa ta không sao giữ được”như lời bài hát “Mộng uyên ương hồ điệp” trong phim “Bao Thanh Thiên” chiếu hoài trên ti vi vậy thôi...

Chuyện không ngờ lại xảy ra mới là… cuộc đời nó thế! Phẳng lặng, bình yên quá đôi khi cũng đơn điệu, chán nhàm. Thông- chồng Giang- lên chức chủ nhiệm đâu được một năm thì bị kỷ luật buộc thôi việc do vi phạm những hợp đồng kinh tế.

Anh đâm ra nhậu nhẹt và thường xuyên trút những bực bội, những lời cay nghiệt lên vợ lẫn con. Bạn bè thân thiết cũng dần xa anh. Bia rượu đã tàn phá nhân cách lẫn bào mòn hình thể của anh rất rõ. Nghe đâu Giang không hạnh phúc từ khi mới sinh con, dù giữa họ là thằng con trai kháu khỉnh.

Những chuyến công tác ra ngoài huyện, Thông thỉnh thoảng dẫn cô Thơ kế toán của hợp tác xã đi theo giao dịch. Hết giao dịch trong nhà hàng là họ… giao dịch nhau trong nhà nghỉ. Cô Thơ đã một lần âm thầm phá thai. Không ai trong hợp tác xã không biết nhưng họ lặng thinh. Chỉ khi Thông bị kỷ luật thì chuyện mới vỡ ra.

Sau đó Thơ lấy chồng. Chồng cô một chuyên viên kinh tế trên tỉnh, góa vợ. Thông biết càng cay. Mất việc, mất luôn người tình nhỏ. Nhưng có lẽ đau đớn cho Thông nhất, chắc anh nghĩ, đó là lần tát vợ bạt tai trong cơn say túy lúy.

Giang đã khóc ấm ức và than thành tiếng: “Hồi ấy mà tôi ưng anh Tâm có phải đỡ khổ hơn không! Trời ơi là trời!” Chỉ là lời than lửng lơ thế thôi nhưng Thông như chợt tỉnh cơn say. “Phải rồi… cô lấy… lão Tâm giáo viên… thì… thì… đời cô quá sướng!

Mầy có nghe không Long? Mẹ con mày… dắt đi hết qua bên kia sông đi!” Thông lè nhè rồi đổ gục xuống nền. Mẹ con Giang phải dìu anh ta lên ghế salon nằm tạm. Lời thở than của mẹ trong lúc bi thương đã in sâu trong tiềm thức non trẻ của Long.

Mới học có lớp năm nhưng thỉnh thoảng cũng bị bố mắng la, đánh đập nếu có ý bênh vực mẹ. Cậu bị mấy trận đòn oan. Từ thương mẹ chuyển dần sang căm ghét bố. Từng có lúc cậu ta tự hỏi mình có phải con bố Thông không nữa. Bởi nếu là con sao ổng ghét bỏ, đánh đập mình hoài vậy. Trước nay ổng cũng chẳng hề quan tâm chăm sóc chi mình… Nhiều lần nó định hỏi mẹ nhưng rồi lại thôi.              

Giang tránh không dám thường xuyên về nhà ba mẹ, sợ họ hỏi chuyện về Thông… Đồng lương công nhân nhà máy giấy của chị không đủ sống nên phải nhận thêm việc in bao bì về nhà làm. Chẳng ai nghĩ cô Giang xinh xắn, chịu khó gặp phải chồng không những đã ngoại tình còn uống rượu vào là mắng chửi có khi bạo hành vợ.

Hàng xóm phải sang can gián. Say rượu đến mức có lần Thông ngất ngưởng về nhà trong đêm khuya khoắt rồi ngã té trước hiên, nằm ngủ luôn tới sáng! Có phải là một giải thoát cho mẹ con cô chăng khi Thông mắc bệnh khó chữa? Rồi lại bị tai nạn giao thông, nằm bệnh viện đâu được một tháng, anh mất. Giang gầy rộc hẳn…

Vợ chồng Tâm vừa bán quán cà phê vừa trồng chuối, trồng chanh quanh vườn… Nhờ có hiểu biết chút ít về trồng trọt qua việc tham khảo sách báo, xem ti vi, anh tìm mua cây chanh thơm giống về chiết rồi nhân ra.

Chị Thủy cũng khéo tay trong việc nuôi gần 200 cặp chim bồ câu đẻ. Cứ bồ câu ra ràng chừng nửa tháng là có nhà hàng trên huyện về mua. Thu nhập mỗi năm mỗi tăng. Ông bà nhường quán cà phê lại cho cô con gái út, tập trung làm kinh tế vườn. Chuyện bà Giang mất chồng thì ông Tâm có nghe và chép miệng: “Thôi thì số phận vậy, tội nghiệp!” Bà Thủy cười cười: “Tội nghiệp cho ông Thông hay bà Giang rứa?” Ông Tâm như làm mặt buồn: “Mệt bà quá nà!”

Cầu mới đã bắc qua sông. Thôn lẻ không còn lẻ loi. Quán xá mọc lên… Ông Tâm xây nhà mới. Lúc đào móng đã có anh nhân viên tiếp thị công ty gạch men đến chào hàng. Nhanh thiệt! Mấy cậu thợ chỉ dẫn gặp ông Tâm. Hôm ấy ông Tâm đi vắng, anh nhân viên tạt qua quán cà phê ngồi nhâm nhi đợi… Hôm sau lại ghé quán ngồi đồng vì thấy cô chủ xinh xinh... Gặp được ông Tâm, anh mừng ra mặt.

Sau khi giới thiệu các mặt hàng và được chủ nhà ưng ý, anh nhân viên hẹn ít hôm sẽ chở gạch đến. Trước khi ra về, anh nói gì đó với ông Tâm khá lâu… Ông Tâm mặt thoáng biến sắc nhưng trấn tĩnh lại ngay, cười khà khà… Bà Thủy chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Hình như cậu tiếp thị gạch, tuổi chừng ngoài ba mươi, có nói đến bà Giang rồi kêu ông Tâm bằng cậu…“Là sao? Ông Tâm có cháu gọi bằng cậu mà mấy chục năm nay mình không hề nghe ai nhắc tới...”.

Bà thoáng chút băn khoăn rồi quay đi. “Mà thôi, ba cái chuyện trên trời dưới biển để ý làm chi, mệt. Không khéo ổng rầy rồi ồn ra.” Đợi lúc ông Tâm vui vui bà Thủy mới hỏi cái chuyện mình trót… để bụng. Ông Tâm cũng lại cười khà khà, vân vê hàng ria mép. “Bà hỏi thì tôi nói luôn. “Tội nghiệp!”. Lại tội nghiệp. Dừng một lát, ông chậm rãi như tỉ tê với vợ…

Đôi ba lần đến nhà ông Tâm, ghé quán cà phê nhâm nhi, anh nhân viên tiếp thị gạch như đã phải lòng cô chủ quán nhưng tiếp cận khó vì cô ta coi bộ hơi khinh khỉnh… Sau đó dù không còn tiếp thị hàng nội thất nhưng anh vẫn đến quán ngồi đồng.

Ông Tâm cũng có lần đến ngồi cạnh, nói đủ hai người nghe: “Coi bộ con thích con Thanh của cậu rồi phải không?”. “Dạ thấy thích thích nhưng cổ gay lắm hả cậu?” “Gay hay dễ do mình cả thôi. Con gái cũng có đứa vồn vã, mạnh mẽ; có đứa điềm đạm, giữ kẽ”. “Cậu có ủng hộ không đã chứ?” “Yên tâm. Miễn là cậu không nói ra nói vô chi hết. Còn là do con, với lại em hắn có thích con không nữa chứ!” Nghe ông Tâm nói vậy là chuyện đi tìm quá khứ của mình thật sự đã vào ngõ cụt, tắt ngúm…

Bà Giang đã từng khẳng định với Long làm gì có chuyện mẹ tằng tịu với ông Tâm rồi mang thai con trước khi ba cưới mẹ. Hồi đó còn trẻ. Cũng có cảm tình thương yêu với nhau, tuổi trẻ bồng bột, rồi sau ai đi đường nấy. Lúc ấy là mẹ bức xúc ba con mới than rằng vậy thôi. Ba Thông là ba ruột của con. Đừng có hỏi tầm phào, vớ vẩn nữa!

Long nghĩ nếu như mình mà con của ông Tâm sao ổng lại có ý động viên mình tán tỉnh con gái ổng? Không cần cô Thanh nhưng được ông Tâm làm cha thì hay biết mấy! Công toi rồi! Nhưng Long quý ông Tâm ở cái tính phóng khoáng, vui vẻ. Anh vẫn qua lại giữ quan hệ tốt với gia đình ông Tâm.

Đôi lần muốn xin được nhận ông làm cha nuôi nhưng Long thấy khó mở miệng quá. Bà Thủy ít nói hơn nhưng không còn phải để bụng điều gì nữa. Bà nhớ lại lần ông Tâm tỉ tê… chậm rì rì trong khi bà muốn biết ngay sự thật có phải cậu nhân viên tiếp thị gạch là… con rơi con rớt của ổng không.

“Chuyện tôi với cô Giang bà biết rồi. Hồi ấy tôi còn đi dạy, mới ngoài hai mươi tuổi. Quen nhau đâu hai, ba năm chi đó rồi không còn gặp lại nữa… Hoàn cảnh cổ tội nghiệp. Gặp phải ông chồng bất đắc chí rồi sinh ra nghiện ngập...

Cổ góa chồng đã lâu. Thằng con trai cổ, tên Long, là cậu nhân viên tiếp thị gạch đó… Không biết tin đồn từ đâu mà nghĩ tôi là cha rồi cậu ta đi tìm mới là tội nghiệp. Tôi muốn cho cậu Long quen với con gái mình là bà biết rồi… Thấy cậu ta hiền, khéo nói, lo làm ăn”. Bà Thủy thấy nghi ngờ được tháo tung, không nhắc lại chuyện cũ.

Long cảm thấy chinh phục được Thanh- cô con gái út của cậu Tâm- là điều không thể. Chưa một lần ngồi gần để tỏ ý nói chi đến chuyện tiến xa hơn… Chỉ một năm sau, Long lấy vợ. Cô công nhân xí nghiệp giày của thị xã. Hôm anh đến gửi thiệp mời đám cưới, ông Tâm nói chi đó với bà Thủy…

Lát sau bà Thủy cầm cái phong bì dày cộm đưa cho Long. “ Đây là quà tặng mừng hai đứa. Cậu mợ phụ một ít với con lo trang trải. Đừng bày biện, vẽ vời tốn kém. Có khó khăn chi mấy đứa cứ nói hỉ!” Long thấy khó mà từ chối ân tình của ông bà Tâm, Thủy. Anh nghĩ chắc rồi sẽ phải kể hết cho mẹ mình biết...

Hơn ba mươi lăm năm sau, lời than của bà Giang đã không còn là nỗi ám ảnh day dứt trong lòng thằng con… tội nghiệp…

LÊ KUNG DIỄM

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh