Truyện ngắn: Sống qua mùa dịch

04:07, 12/07/2020

Nhưng rồi họa vô đơn chí. Thằng Nam con cô đang yên, đang lành bỗng dưng bị nạn trên đường đi học về. Mấy thằng thanh niên choai choai, cô hồn các đản, trên đường làng mà nó rú ga chạy xe máy bạt mạng như trên đường cái, đụng thằng nhỏ văng tuốt xuống mương rồi bỏ chạy luôn. 

 

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

NGUYỄN SAN

Nhưng rồi họa vô đơn chí. Thằng Nam con cô đang yên, đang lành bỗng dưng bị nạn trên đường đi học về. Mấy thằng thanh niên choai choai, cô hồn các đản, trên đường làng mà nó rú ga chạy xe máy bạt mạng như trên đường cái, đụng thằng nhỏ văng tuốt xuống mương rồi bỏ chạy luôn. 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

 

May mà có mấy người ở xóm kịp tri hô, tức tốc bồng thằng Nam ra bệnh viện huyện băng bó, cấp cứu kịp thời. Út Hiền nghỉ bán cả tháng để chăm sóc cho con, đã mất thu nhập còn thêm tiền chạy chữa. Lúc thằng Nam xuất viện thì tiền cũng sạch bách, không còn đồng xu nào dính túi.

Út Hiền quay trở lại xóm trọ, ngập ngừng bước vô cửa nhà thằng cha Tư Thẹo, cúi đầu, run run ngửa tay lấy mấy triệu đồng làm vốn, nước mắt ứa ra nơi khóe mắt. Cô biết rất rõ, kể từ đây cô khó thoát ra được nơi này, phải cày để vừa nuôi mình vừa phải mất mấy chục ngàn mỗi ngày trả góp.

Vợ thằng cha Tư Thẹo còn nói ân nghĩa: “Chị thấy em tội nghiệp, thôi một triệu chị lấy mầy triệu hai thôi, mỗi ngày góp bốn chục, hai triệu thì mỗi ngày góp tám chục, ba triệu thì trăm hai tính tới, chứ mấy thằng bán đồ la ngoài chợ chị lấy tới bốn, năm phân lận đó nghen”.

Bươn chãi bao nhiêu năm bán vé số khắp thành phố này, cô còn lạ gì mấy cái tiệm cầm đồ, mấy thằng cha, con mẹ cho vay nặng lãi với đám đàn em mặt mày vằn vện, xăm trổ có mặt khắp nơi. Nó như cái mạng lưới, chiếc thòng lọng sẵn sàng siết le lưỡi từ chị tiểu thương, bác công nhân, người lao động nghèo như cô cho đến mấy cô tiếp viên nhà hàng, quán karaoke cũng không thoát.

Rồi mùa xuân rộn ràng đến với mọi nhà, người đi làm ăn xa xứ từ khắp nơi đổ về, hàng quán, phố xá đông hơn, những người bán vé số cũng được nhiều hơn. Ham tiền, đến chiều muộn ba mươi tết, Út Hiền mới tranh thủ về nhà, dắt thằng Nam ra chợ xã mua cho nó bộ đồ, đôi giày mới, làm mâm cơm cúng ba, giao thừa thì thắp mấy nén nhang khấn bàn thờ, sáng mùng một lại đi sớm.

Thấy mẹ có vẻ buồn, thằng Nam quấn quýt, cô muốn ở chơi thêm một bữa cho vui cửa vui nhà nhưng lại tiếc. Mấy ngày tết người ta ăn xài nhiều hơn. Từ dân làm ăn kinh doanh khá giả, giàu có, cho đến viên chức, người làm công, làm thợ quần quật cả năm gom góp cũng đều để tiêu tiền trong ba ngày tết.

Họ tỏ ra hào phóng, rộng rãi với mọi người, kể cả đối với những người bán vé số như cô. Có người không cần đếm bao nhiêu tờ, ưng ý là mua cả xấp, không cần tiền thối lại. Bán được nhiều, mỗi ngày để dành tiền lời vài trăm, Út Hiền dự tính ráng tiện tặn, chắt bóp đến qua rằm trả bớt tiền vay bạc góp.

Nhưng rồi thiên tính, vạn tính không bằng trời tính. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, mọi năm, trừ một số người trở về thành phố, Bình Dương, Đồng Nai,… phố xá miền Tây đông vui cả tháng.

Nhưng năm nay, không hiểu sao, mới qua mùng, chưa kịp hạ nêu mà người đi đâu mất hết, quán xá thưa dần. Mấy điểm vui chơi giải trí, ăn nhậu, hát hò, nhảy múa người ta ngại đến nên vắng như chùa bà đanh. Học trò, thầy giáo nghỉ từ trước tết cả hơn tháng rồi mà vẫn chưa trở lại trường.

Trước đây, khẩu trang là thứ để chị em phụ nữ đeo che nắng, che bụi, giờ ai đi ra khỏi nhà cũng đeo kín mít. Mọi người gặp nhau trước đây tay bắt mặt mừng nay đứng xa xa, vẫy vẫy chào, chẳng dám xáp lại gần.

Nhiều người vội vã ra chợ, chen nhau mua gạo, mắm, mì tôm và đủ thứ đồ ăn thức uống, hàng thiết yếu dự trữ dành cho cả tháng chở về nhà, tưởng chừng như sắp có giặc tới nơi.

Út Hiền nghe nói dịch bệnh cô vy, cô vít gì đó bên Trung Quốc, bên Anh, bên Mỹ người ta chết dữ lắm. Xem ké truyền hình ở quán cà phê, cô thấy cảnh xe chở xác đi mà phát sợ. Rồi người ta nói dịch bệnh đã theo mấy người đi du lịch, làm ăn bên Tây, bên Tàu lây vào Việt Nam, phải đưa vào bệnh viện, cách ly, phong tỏa cả làng, cả phố, Nhà nước phải tốn tiền nuôi ăn, nuôi ở, trị bệnh.

Rồi ông trưởng khóm cùng mấy người trong tổ dân phố đến nhà trọ nói dịch bệnh nguy hiểm lắm, phải cách ly toàn xã hội, nghỉ làm ăn buôn bán, nghỉ phát hành vé số từ đầu tháng, ai ở đâu ở đó, không được đi lung tung lây bệnh từ người này sang người khác.

Út Hiền nghĩ trong bụng mà không dám nói ra: Mấy người giàu mới đi lung tung rồi đem bệnh về lây ra tùm lum, gây khổ cho người ta; họ được lo đủ thứ vậy mà có người còn đòi hỏi này nọ; so với người nghèo thì họ sống trong khu cách ly sướng thấy mồ; hổm giờ có nghe người nghèo bán vé số nào mắc bệnh gì đâu; hổng biết người nghèo mắc bệnh có lo được như vậy hông; hổng chừng chưa chết vì bệnh thì đã chết đói rồi.

Bỗng dưng mấy nhà giàu như vợ chồng thằng cha Tư Thẹo, bà Năm Mập tốt bụng quá chừng. Họ dựng bảng phát lương thực, thực phẩm miễn phí cho người nghèo với khẩu hiệu hay hay: “Ai cần đến lấy, ai chưa cần thì nhường cho người khác”, nhà báo đến quay phim, chụp hình lia lịa, ca ngợi lên tận mây xanh.

Út Hiền cũng được một phần gạo, mì gói, xì dầu, đường, bột ngọt, khẩu trang, xà bông để rửa tay. Bà Năm Mập cho hay công ty xổ số có hỗ trợ cho người bán vé số dạo thật sự khó khăn mỗi người mấy trăm ngàn nhưng không tới Út Hiền. Bữa đi bán cuối cùng, đang ế thì anh ấy xuất hiện, lại chìa tay lấy xấp vé số còn lại, móc hết tiền trong bóp đưa cho cô và nói: “Em cứ giữ lấy, khỏi trả tiền thừa, coi như anh giúp em sống qua mùa dịch”.

Chỗ Út Hiền ở là hai dãy nhà trọ cách nhau chỉ mỗi đường đi, mở cửa phòng này thì đụng ngay phòng đối diện, qua khỏi hành lang là ra đường hẻm, chẳng có cái sân để thở. Những ngày đầu cách ly, nhà ai nấy ở, cửa đóng then gài, cô ở miết trong phòng có mấy mét vuông.

Trời nóng hầm hập, cô mở quạt hết cỡ, ngày tắm mấy bận mà mồ hôi vẫn đổ ướt áo. Sáng ra, may mà còn bà bán xôi đầu ngõ ăn tạm rồi lại đi nằm, trưa thì nấu mì gói, chiều lại nấu gói mì, không biết làm gì, chẳng có ti vi, mở điện thoại nghe nhạc chán rồi a lô cho hết người này đến người khác.

Út Hiền nghe anh Hai than lúc này cấm qua lại cửa khẩu biên giới nên thương lái không mua nông sản chở qua Trung Quốc nữa, khoai lang, trái cây xuống giá, cả gia đình ảnh bữa làm, bữa nghỉ; còn anh Ba cũng không thể đến công trường kể từ ngày cấm bến qua sông, nghe thêm rầu thúi ruột. Thằng Nam lúc này nghỉ học, nghe nói ở thành thị cô giáo dạy qua mạng nhưng ở nông thôn thì đành chịu.

Út Hiền dành nhiều thời gian điện thoại cho con, dặn dò đủ thứ, sợ nó đi ra đường, leo cây, lặn hụp dưới mương,… Có bữa, giữa trưa mà cúp điện, nóng như rang, mấy đứa con nít phòng kế bên khóc ngằn ngặt, dỗ hoài không nín, rồi tới phiên hai vợ chồng cãi nhau như dậy giặc.

Chịu hết nổi, Út Hiền xách giỏ, đội nón đi ra bến xe ôm, mấy ổng đòi mấy trăm ngàn vì phà nghỉ chạy rồi, phải đi vòng xa lắm. Tiền đâu mà trả, đánh liều, Út Hiền lấm lét dòm trước ngó sau đi ra bến tàu, may sao gặp được ghe của vợ chồng Tư Lùn chở bắp qua chợ giao cho vựa rồi cho cô quá giang về xứ rẫy. Không thể ở không cả tháng, Út Hiền xách lưỡi hái đi làm cỏ vườn, nhặt khoai, bẻ bắp, ngày có ngày không, lấy mấy đồng tiền công sống qua ngày.

Rồi tình hình cũng giãn giãn ra, bà Năm Mập sáng nay gọi điện kêu qua lấy vé số để ngày mai bán lại. Út Hiền lại đội nón qua bến phà giờ đã chạy lại để trở về thành phố miền Tây mà trong bụng rối bời.

Tiền vay bạc góp, tiền nhà trọ cả tháng nay không đóng, tiền vốn vé số, tiền lẻ để thối lại cho khách,…chắc lại phải lết đầu đến năn nỉ thằng cha Tư Thẹo khất nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, đút đầu vào tròng cho thằng chả cắt cổ nữa chứ biết làm sao?

Từ bến phà về, Út Hiền ghé liền nhà vợ chồng Tư Thẹo để hỏi vay thêm tiền. Thằng chả trợn mắt: “Tiền đâu mà đưa, mầy còn mấy triệu bạc cả tháng nay lặn mất tiêu, không thèm đóng góp gì hết, giờ còn mở miệng hỏi thêm hả?” Còn con mẹ Tư Thẹo thì mở hơi: “Thôi, thấy mầy tội nghiệp tao cũng muốn đưa mà phải tăng lãi góp lên gấp đôi. Chịu thì chiều lại đây lấy, giờ tao chưa có tiền”.

Bí lối, Út Hiền ghé đại lý năn nỉ bà Năm Mập lấy vé số chịu, bán xong chiều trả. Bả mơn trớn: “Mầy là mối lâu của tao, tao cho thiếu chịu cũng được nhưng phải giảm tiền huê hồng xuống một phân mà chỉ một trăm vé thôi nghen”. Bấm bụng làm liều, vậy là bán hết vé số, trừ đi các khoản chỉ còn đủ tiền cơm. Trời ơi! Sao khổ quá vậy nè trời!

Út Hiền ơi! Có khách!- Tiếng bà chủ nhà trọ gọi làm Út Hiền bừng tỉnh. Ai tìm mình giờ này. Hổng lẽ,… vợ chồng thằng cha Tư Thẹo trở mặt, quay lại đòi nợ thì chắc chết.

Út Hiền uể oải ra mở cửa và đứng chết trân nhìn người đàn ông đứng choáng hết cả lối đi, nói lí nhí: “Sao anh Hai biết em ở đây?”

Người đó không nói gì, nhẹ nhàng lách qua khung cửa, ngồi xuống cái giường cũ kỷ, lướt nhìn xung quanh căn phòng chật hẹp vừa là chỗ ngủ, vừa là nhà bếp, chỗ ăn, chỗ tắm của Út Hiền, rồi khẽ khàng hỏi: “Hổm rày em đi đâu? Sống ra sao?”

- Dạ, hổm rày em về bên quê, đi làm thuê, làm mướn sống qua ngày anh ơi!- Út Hiền ngập ngừng trả lời.

Người đàn ông tên anh Hai móc ví lấy xấp tiền để trong phong bì đưa cho Út Hiền, nói: “Mấy tấm vé số em bán cho anh bữa cuối hôm đó trúng được giải nhì, cũng được một số tiền kha khá, anh dành cho em một phần làm vốn nè!”

Út Hiền nín thinh, ngồi xuống mép giường, không nói nên lời. Cô quá xúc động, chơi vơi như người chết đuối vừa mới được cứu lên khỏi mặt nước. Trong vô thức, nàng ngã đầu lên vai người đàn ông, để mặc cho nước mắt lăn dài trên gò má.

Nhưng Út Hiền cũng không dám đưa tay đón nhận món quà trời ban từ tay anh ấy. Không biết người ta thương hại hay thương mình thiệt tình. Đã qua một lần đổ vỡ với nhiều đau khổ, tổn thương, Út Hiền đâm ra lo sợ. Thấy vậy, anh Hai nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Út Hiền, đặt lên môi nàng nụ hôn nồng cháy thay cho bao lời an ủi, động viên.

Đêm đó, Út Hiền ngủ ngon lành bù lại bao ngày trăn trở, trằn trọc, lo toan. Trong mơ, Út Hiền thấy mình thật hạnh phúc trong căn nhà nhỏ, ấm cúng, đầy ắp tiếng cười, xung quanh có nhiều hoa thơm, cỏ lạ. Ở đó, Út Hiền có một bờ vai vững chãi để nương tựa suốt đời.

Vĩnh Long, tháng 6 năm 2020

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh