Biết quân chủ lực ta về hoạt động, Tiểu khu Vĩnh Long và Vùng 4 chiến thuật của địch tăng cường càn quét, dội bom, bắn pháo vào vùng lõm mà chúng nghi ta đóng quân nhiều hơn. Chiến sự ở vùng này ngày càng ác liệt.
>> Chuyện tình anh bộ đội (P1)
TRUNG NGÔN
(Phần tiếp theo và hết)
Biết quân chủ lực ta về hoạt động, Tiểu khu Vĩnh Long và Vùng 4 chiến thuật của địch tăng cường càn quét, dội bom, bắn pháo vào vùng lõm mà chúng nghi ta đóng quân nhiều hơn. Chiến sự ở vùng này ngày càng ác liệt.
Tám Thiện không dám móc nối vợ lên thăm nữa, nhưng khoảng 3 tháng sau được tin vui từ người quen đi rước vợ anh hôm trước nói có gặp và vợ anh nói rằng đã mang thai! Tám Thiện vui sướng vô ngần vì mình sắp được làm cha, còn nói gở nếu rủi hy sinh thì cũng còn giọt máu của mình an ủi cho người vợ!
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Anh Hai Hòn sau trận đánh Chi khu Càng Long được điều về làm Đại đội trưởng Đại đội bộ binh 59. Khi anh đi, chị Út Trọn- vợ anh- đã mang thai. Về đơn vị mới được vài tháng, anh bị máy bay ném bom nổ gần sát công sự nên hy sinh.
Đau khổ nhất là anh chưa biết mặt con và đứa con sinh ra không biết mặt cha, chỉ còn tình thương của mẹ! (Anh hy sinh, chị ở vậy thủ tiết thờ chồng nuôi con khôn lớn, đến nay chị đã gần 70 tuổi!)
Tám Thiện cùng anh Út Thao qua Hóc Bà Tùng (xã Mỹ Lộc) liên hệ với các anh Xã đội Mỹ Thạnh Trung đang sống lưu vong ở đó, nhờ các anh dẫn đường tìm nơi đặt trận địa pháo bắn vào Chi khu Tam Bình. Trong đêm đi điều nghiên xong, Tám Thiện ở lại nghỉ cùng với Xã đội Mỹ Thạnh Trung tại Hóc Bà Tùng.
Địa hình ở đây bị địch phát quang không còn cây lớn, chỉ còn lùm bụi, cây trâm bầu mới mọc lại cao chưa quá đầu người. Khoảng 1 giờ chiều, nghe tiếng máy bay trực thăng ầm ì từ hướng sân bay Vĩnh Long bay xuống, Tám Thiện xách súng AR.15 chạy ra tới một công sự được ngụy trang kín đáo cùng với anh Ba Xiêm, Sáu Đức là du kích xã. Tốp máy bay gồm 1 chiếc Chỉ huy sở, 2 chiếc “cán gáo”(*), 2 chiếc “cá lẹp”.
Tốp máy bay quần đảo trên khu vực này, 2 chiếc “cán gáo” hạ thấp độ cao bay vòng hẹp. Lúc này còn mười mấy anh cán bộ dân chánh chưa chạy ra tới công sự, núp vào mấy bụi trâm bầu thấp chủng, trước sau gì cũng bị tụi “cán gáo” phát hiện bắn chết ráo!
Tám Thiện nói với Ba Xiêm, Sáu Đức là phải bắn bọn “cán gáo” này để cứu các anh cán bộ dân chánh đang bị kẹt và được các anh đồng thuận. Chiếc “cán gáo” bay thấp gần tới, 3 anh em nâng súng AR.15 nhắm vào nó mà bắn.
Nó hốt hoảng bay tưng lên cao, các anh cán bộ dân chánh nhanh chóng chạy ra được tới công sự an toàn, nhưng vị trí công sự của Tám Thiện đã bị lộ. Lập tức, tốp máy bay “cá lẹp” bổ nhào xuống phóng rốc kết liên tục, nổ xung quanh công sự của Tám Thiện làm cây cỏ trống hoang, chỉ còn trơ ra cái công sự trụi lũi, mùi thuốc pháo khét lẹt!
Bọn “cá lẹp” phóng pháo xong thì đến bọn “cán gáo” bay vòng bắn đạn đại liên cực nhanh vào công sự, tiếng đạn nổ chát chúa, đạn găm nghe phầm phập. Tám Thiện và Sáu Đức ở 2 miệng công sự chữ Z, máy bay “cán gáo” bay hướng của ai thì người đó bắn, không cho chúng đến gần.
Chừng nửa giờ sau, bọn máy bay “cán gáo” và “cá lẹp” bay về sân bay Vĩnh Long, còn chiếc trực thăng chỉ huy quần đảo trên cao, bắn đạn đại liên xuống chỗ công sự của Tám Thiện nên mấy anh em không chạy đi đâu được!
Lúc đó có tiếng súng bộ binh của bọn lính Bảo an Tam Bình từ lộ Cái Ngang đang kéo xuống. Chừng 10 phút sau, 2 chiếc máy bay “cá lẹp” và 2 chiếc “cán gáo” từ sân bay Vĩnh Long bay xuống tới. Chiếc trực thăng chỉ huy quăng trái màu rớt sát công sự của Tám Thiện, 2 chiếc “cá lẹp” bổ nhào phóng pháo xong tới lượt 2 chiếc “cán gáo”.
Lần này chúng đổi cách đánh: 1 chiếc “cán gáo” bay vòng hẹp bắn đại liên cực nhanh vào công sự, 1 chiếc bay phía trên công sự ném thuốc khối TNT xuống. Một viên đạn đại liên cực nhanh bắn trúng ngực xuyên qua lưng anh Sáu Đức, xì máu có bọt (chắc là trúng phổi), anh thở nghe tiếng khẹt… khẹt…
Anh Ba Xiêm kéo Sáu Đức vào giữa, anh ra miệng công sự để bắn máy bay. Một loạt đạn đại liên nữa bắn vào công sự, 1 viên đạn trúng ngực anh Ba Xiêm máu xịt có vòi làm anh chết tại chỗ. Một loạt đạn nữa bắn vào công sự, 1 viên đạn găm vào trong thành công sự xịt lửa làm Tám Thiện bị cháy thịt 1 lỗ ở lưng to bằng 4 ngón tay ngay giữa cột sống, đau điếng!
Chiếc “cán gáo” ném thuốc khối thêm nhiều trái nữa, tiếng nổ điếc tai, tức ngực. Rắc. Tám Thiện chết giấc. Chừng tỉnh dậy mới biết công sự của mình bị thuốc khối đánh trúng, khúc cây dừa dùng để đắp công sự sụp xuống đè lên lưng làm Tám Thiện không cựa quậy được, cái đầu bị cây dừa đè xuống, lỗ mũi cách chừng lóng tay nữa là đến lớp đất sình, đau nhức ê ẩm cả người, hộc máu miệng máu mũi, lỗ tai điếc đặc, một bên mặt rát rạt vì bị tro mạt thuốc khối phả vào!
Đánh sập công sự của Tám Thiện xong, tốp máy bay bay hết về sân bay Vĩnh Long. Tám Thiện nằm kẹt trong công sự mà tâm trạng ngổn ngang: nhớ đồng đội, nhớ cha mẹ, anh chị em, nhớ người vợ trẻ đang mang thai mà chưa biết giọt máu của mình là trai hay gái!
Lo là mình có được các anh tìm thấy, giải cứu kịp thời hay bị bọn lính Tam Bình vô bắt sống! Anh buột miệng gọi khẽ: “Út ơi, không biết anh có được sống để gặp em và con không!”
Chừng 5 phút sau, Tám Thiện được các anh của xã Mỹ Thạnh Trung đến cứu, kéo lên khỏi công sự. Anh Sáu Đức đã chết! Các anh cán bộ dân chánh nói nếu không được Tám Thiện, Ba Xiêm, Sáu Đức dũng cảm bắn giải vây thì mấy anh bị tụi “cán gáo” bắn chết hết, ơn nghĩa này các anh sẽ không quên. Tám Thiện cũng cảm ơn các anh cứu mạng mình. Các anh kè Tám Thiện tới chỗ an toàn xong thì bọn lính Bảo an Tam Bình kéo tới chỗ công sự bị sập.
Đêm đó, Tám Thiện được anh em kè qua Trạm Quân y huyện Tam Bình chỗ rạch Tư Nhì (xã Hậu Lộc) trị thương. Được 3 hôm, sức khỏe Tám Thiện mới khá hơn một chút thì tai họa lại ập đến: Anh em trạm quân y tát hố bom bắt cá, được nhiều cá nóc mít đen nên đem nấu canh chua.
Khi ăn cá xong bị ngộ độc, 8 người ăn thì bị chết 4 người! Tám Thiện cũng trúng độc, may mắn không chết nhưng vừa mới bị chấn thương nặng, nay bị nhồi thêm một vố nữa là trúng độc nặng nên ảnh hưởng nội tạng, thần kinh… Thanh niên mà không đi nổi đến 300m!
Biết tin chồng liên tục bị nạn, cô Út ruột đau như cắt, ăn ngủ không yên, nôn nóng được đi thăm chồng. Thời điểm đó giặc đánh phá ác liệt nên không thể móc nối gặp nhau được! Xa người thương, cô Út thấy ngày đêm sao dài đăng đẳng, nghe tiếng bom rơi đạn nổ nơi chiến trường hướng đơn vị của chồng hoạt động mà lòng thấp thỏm âu lo.
Cô Út chỉ còn biết cầu Trời khẩn Phật phù hộ cho chồng bình an, sớm được đoàn tụ! Cô quấn quýt gần gũi với mẹ chồng, đỡ đần công việc, gắng gượng làm vui để an ủi mẹ bớt lo cho đứa con yêu quý của mình! Nhưng đêm khuya canh vắng cô khóc một mình, nỗi nhớ thương chồng không nguôi trong dạ!
Tám Thiện phải nằm quân y trị bệnh, chuyển dần từ Tam Bình qua Trà Ôn, Vũng Liêm. Trong thời gian nằm trị bệnh, lúc nhớ người thương anh liên tưởng đến câu thơ cổ: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”(một ngày không gặp nhau dài như ba mùa thu) sao giống tâm trạng của anh hiện nay quá! Đến khi được chuyển về an dưỡng ở Càng Long, Tám Thiện xin ghé thăm vợ.
Chị Năm Lẹ ra nhà ngoài Lộ Mới (quận Càng Long) rước cô Út vào. Gần 2 giờ sau, nghe tiếng chống xuồng lộp cộp, Tám Thiện ra bến đón. Cô Út ôm đứa con trong lòng, anh bước xuống dắt vợ lên. Vừa bước lên bờ xong, anh đưa tay ôm con vào nhà. Thấy mặt con anh không cầm được nước mắt. Con gái anh xinh xắn làm sao, nó giống anh như 2 giọt nước. Qua bao gian truân, nguy hiểm, nay anh đã nhìn thấy mặt con. Vợ anh mắt đẫm lệ, nói:
- Em cứ sợ con mình sẽ không được nhìn thấy mặt cha! Ngày mai nó tròn một tháng tuổi rồi đó!
- Anh cũng ngỡ mình sẽ không gặp được vợ con. Hai đứa mình xa nhau lâu quá, anh suýt chết mấy lần, nay thấy mặt em và con là hạnh phúc lắm rồi!
Chị Năm Lẹ nói:
- Dượng Út mày về được tới đây là quá tốt rồi. Ngày mai làm đám đầy tháng cho con bé này ở đây nhé!
Còn gì vui hơn ngày đoàn tụ của đôi vợ chồng son. Họ yêu nhau, cưới nhau, chỉ gắn bó với nhau được mấy ngày đêm ngắn ngủi rồi cách biệt mỗi người một phương, anh xông pha nơi chiến trường lửa đạn, chị cô đơn ôm gối chiếc mong đợi anh về. Hình bóng họ ngự trị trong khối óc, trái tim của nhau. Thể hiện rõ nét nhất là đứa con gái yêu của họ giống cha như đúc!
Tám Thiện đi an dưỡng một thời gian. Khi sức khỏe khá hơn anh được điều về công tác ở Ban Chính trị Trung đoàn 3. Khi đất nước thống nhất, anh được ra quân về tiếp tục công tác ở xã, huyện, tỉnh. Chị từ thời chiến đến thời bình đều đảm đang làm lụng, lo việc nhà, chăm sóc con để anh yên tâm công tác.
-o0o-
- Thời gian trôi qua nhanh quá. Con gái lớn của mình nay nó 47 tuổi rồi phải không em?- Tám Thiện nói với vợ.
- Ừ, mau thiệt hén. Chuyện lúc mình gặp nhau em còn nhớ rõ mồn một, ngỡ như chuyện mới hôm qua, vậy mà đã gần 50 năm rồi!
- Hồi lúc tụi mình làm đám cưới, anh không có mặt để đứng cạnh em làm lễ tơ hồng. Để bù lại thiệt thòi cho em, đến dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới, mình sẽ tổ chức đám cưới vàng cho hoành tráng. Em sẽ mặc soa rê, đội mũ miện, cài hoa cưới. Nếu đi nổi thì ta đi đến từng bàn chào quan khách, còn nếu đi không nổi thì mình ngồi cho quan khách đến chúc mừng mình. Em đồng ý không?
- Thôi, mắc cỡ chết, em hỏng chịu đâu! Có làm vầy thì em chịu: Mình tổ chức tiệc nhỏ ở nhà, kêu con cháu lại ăn bữa cơm chung vui thì được!
- Ừ, đồng ý như vậy đi. Tới lúc đó anh sẽ đứng lên tuyên bố lý do, ôn lại quãng đời gian nan khổ cực, tình huống éo le trong lúc mình mới yêu nhau, nhất là cho chúng biết “nhờ anh té xuồng ba lá” mà 2 đứa mình mới có dịp gặp nhau, yêu nhau rồi nên duyên chồng vợ, có con đàn cháu đống, được hưởng hạnh phúc như ngày nay!
Chị khẽ bấm vào tay anh, mỉm cười- một nụ cười mãn nguyện tràn đầy hạnh phúc!
* Tên 2 nhân vật chính thay đổi thành Tám Thiện và cô Út.
* Máy bay “cán gáo” và “cá lẹp” là cặp bài trùng, ở Vĩnh Long chúng xuất hiện sau năm 1968. Máy bay “cán gáo” tên là OH 6 Cayuse, địch còn gọi nó là “cái trứng bay”; do khi bay trên trời hình dáng nó giống cái gáo dừa dùng múc nước nên bà con mình gọi nó là máy bay “cán gáo”! Còn máy bay “cá lẹp” chính là loại máy bay lên thẳng chiến đấu chủ lực của Mỹ AH-1 hay UH-1 Cobra mà chúng đặt tên là “hổ mang chúa”. Do thân của nó dẹp lép nên bà con mình đặt cho cái tên là “cá lẹp”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin