Truyện ngắn: Nghề của má

09:10, 27/10/2019

Nghỉ hè, tôi cụ bị đồ đạc về quê thăm má. Đến ngã tư Tà Suôl, tôi gọi điện má bơi xuồng ra rước. Vừa bước vào quán chú Mười, lúc này có vài người quen ở trong xóm đang ngồi uống cà phê. Tôi gật đầu chào rồi sang ghế đá ngồi đợi má. Mọi người thấy tôi liền trầm trồ khen ngợi. Dì Ba nhanh nhẩu bảo:

 

Nguyễn Văn Dô

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

 

Nghỉ hè, tôi cụ bị đồ đạc về quê thăm má. Đến ngã tư Tà Suôl, tôi gọi điện má bơi xuồng ra rước. Vừa bước vào quán chú Mười, lúc này có vài người quen ở trong xóm đang ngồi uống cà phê. Tôi gật đầu chào rồi sang ghế đá ngồi đợi má. Mọi người thấy tôi liền trầm trồ khen ngợi. Dì Ba nhanh nhẩu bảo:

- Chèn ơi! Bà Hai coi vậy mà bả hay chớ bộ. Xóm mình có ai được như bả đâu hà.

Chú Mười đang bưng ly cà phê mới pha ra cho khách, nói chen vào:

- Thì đó! Thấy vậy chớ chỉ lo cho con cái học hành đàng hoàng lắm. Vả lại, thằng Nhân nó học giỏi mà, phải hông mậy?

Tôi nhìn chú Mười cười “hì” một tiếng thay cho câu trả lời. Dì Ba nhìn chằm chằm vào tôi hỏi liên tiếp:

- Con học ở đâu? Học ngành gì? Chừng nào ra trường?

Tôi từ tốn trả lời:

- Dạ, con học ngành sư phạm ở Đại học Cần Thơ. Hết năm sau con tốt nghiệp đó dì.

Dì Ba tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Mèn ơi! Vậy là thầy giáo tương lai đây hen.

Một lát sau, má bơi xuồng ra tới. Tôi chào từ giã mọi người, bước xuống xuồng. Má quay xuồng lại, bơi đi được một đoạn thì thoảng nghe tiếng của ai đó ở trên quán còn tấm tắc khen:

- Lẩm rẩm coi vậy mà bà Hai bả có phước thiệt. Có thằng con trai vừa bảnh trai, lễ phép, lại học giỏi nữa chớ.

Vừa nghe loáng thoáng có người khen con trai, má như thở phào nhẹ nhõm, nhìn tôi với đôi mắt sáng rỡ, miệng tủm tỉm cười. Có lẽ, má đang rất đỗi tự hào về đứa con trai của má.

Nhà tôi cất trên bờ kinh sáng, nằm thoi loi giữa đồng. Một căn nhà nhỏ lợp bằng lá dừa nước. Căn nhà cũ kỹ, xiêu vẹo, được chằng chống bằng những cọng kẽm to đùng giăng xung quanh. Chiếc xuồng cập bến. Lúc này, hiện lên trước mắt tôi là đống ve chai gồm những chai nhựa, thau bể, mủ bể… nằm ngổn ngang cạnh sàn nước. Vừa bước chân lên sàn nước, má liền chỉ vào đống ve chai giải thích:

- Lúc nãy, má đang soạn lại. Đang làm thì nghe con gọi. Má lật đật bơi xuồng đi nên còn dở dang. Con mang đồ đạc vô trỏng cất đi! Má soạn đống ve chai này cho xong để lát nữa bán.

Tôi nhanh chóng vào nhà cất đồ, thay quần áo rồi quay trở ra phụ má. Lúc đang cặm cụi lựa đống ve chai, tự dưng má ngồi xổm xuống đất, hai tay vò vò trán, nét mặt xanh xao, nhợt nhạt. Tôi liền hỏi:

- Bộ má bệnh hả? Có sao hông má?

Má gượng gạo đứng dậy lựa tiếp. Cố tỏ ra như không có chuyện gì. Má bảo:

- Má không sao. Có bịnh hoạn gì đâu hà.

Ngay sau đó, từ xa nghe văng vẳng tiếng rao inh ỏi: “Ai ve chai, lông vịt, mủ bể… bán hông?” Má lóng tai nghe rồi thúc giục:

- Lựa nhanh lên con! Người ta tới rồi đó.

Tôi liền tăng tốc. Lựa thật nhanh. Lựa xong, người mua vẫn chưa tới. Tiếng tắc ráng chạy, kết hợp tiếng rao nghe càng lúc càng gần. Tôi nóng lòng bước ra chỗ trống để đón và kêu người mua ve chai tấp vào. Nhưng má cản lại:

- Khỏi đâu! Tự con Mên nó ghé vào hà!

Thì ra má đã hợp đồng trước với người thu mua ve chai. Chị mua ve chai tấp vào bến. Một người phụ nữ trạc ba mươi lăm tuổi, tóc xoăn dài, làn da ngăm đen. Vừa thấy tôi, chị niềm nở hỏi với giọng hơi cứng:

- Mèn ơi! Cưng mới dìa hen?

Nhìn bộ dạng của chị, kết hợp với giọng nói tôi biết ngay chị là người Khmer. Điều này khiến tôi lấy làm bất ngờ và tự hỏi mình rằng: “Ủa bộ mình có quen chỉ sao ta?” Tôi cố lục lại trong trí nhớ của mình. Nghĩ mãi vẫn không biết chị ta là ai. Cuối cùng, tôi đành cười giả lả, trả lời:

- Dạ, em mới về hồi nãy!

Chị mỉm miệng cười tươi rồi quay sang đống ve chai của má. Cũng với giọng ấy, chị nhìn quanh đống ve chai thắc mắc:

- Sao ít dị dì Hai?

- Ừa! Tại vì hôm qua bận công chuyện nên tao đi có nửa buổi hà.

Chị gọi má bằng dì, xưng con. Còn má gọi chỉ bằng tên, xưng tao. Nhìn cử chỉ, hành động của họ, tôi đoán là hai người có vẻ thân thiết với nhau. Cũng phải. Chỉ là “mối” làm ăn lâu nay của má mà. Lúc này tôi mới nhận ra:

- Hèn chi chị Mên biết rành mình như vậy.

Xóm của tôi ở xen lẫn giữa người Kinh và người Khmer. Vì thế má quen biết, giao thiệp với người Khmer là chuyện bình thường. Những người Khmer trong xóm quen biết với má, tôi biết cũng khá nhiều. Riêng chị Mên thì tôi chưa từng gặp bao giờ. Đang lúc tôi đứng thững thờ, băn khoăn thì má cầm chai nhựa lên hỏi chị bằng tiếng Khmer một cách ngon ơ:

- Th’ngay nis, rô bòt nis đòm lây pôn-man? (Hôm nay, cái này giá bao nhiêu?)

Chị quay qua nhìn rồi đáp:

- Bây pô-on muôi ky lô. (Ba nghìn đồng một ký).

Lập tức má mặt ủ mày chau, cao giọng hỏi:

- Mếch đom lây thôt mles? (Sao rẻ quá vậy?)

Chị Mên cười hề hề, giải thích:

- Knhom thin tờ râu đom lây hơi, m’đai ming ơi! (Con mua đúng giá rồi đó, dì ơi!)

Suy nghĩ một lúc, má đành xuống giọng bảo rằng:

- Ban hơi luốch ồi te mđòn. (Được rồi, bán đại luôn).

Chị vui vẻ lấy đống ve chai lần lượt để lên cân. Vừa cân, vừa lấy máy tính tay nhỏ ra bấm tính tiền. Tính xong, chị mở túi xách đang quảy trên vai, lấy tiền đưa má:

- Nis lui! (Tiền nè dì!)

Kể ra, má tôi cũng giỏi thiệt. Nói tiếng Khmer nghe có vẻ rành rõi lắm. Y chang như người Khmer thực thụ chớ bộ. Cũng phải thôi. Lâu nay má vẫn vậy. Bất cứ việc gì, hễ má nhìn sơ sơ qua người khác làm, thì má có thể bắt chước tập tành làm theo được liền hà. Điển hình như chuyện may quần áo chẳng hạn. Má kể, hồi thời con gái, má chưa từng được đi học may ngày nào. Tuy nhiên, má chỉ đứng bên ngoài cửa nhìn lóm người ta may một vài lần là tự về bắt chước may theo và may thành bộ đồ cho bà ngoại mặc.

* * *

Hôm sau, khi trời mới tờ mờ sáng là má cặm cụi nấu ăn dưới bếp. Nghe tiếng “lụp cụp” làm tôi thức giấc. Mắt lờ đờ. Người bần thần. Tôi bước xuống bếp thì thấy má đang giở cơm vào gà mên. Vừa thấy tôi, má âu yếm hỏi:

- Sao con hông ngủ thêm chút nữa?

Tôi ngáp ngắn ngáp dài, lắc đầu:

- Dạ thôi, con ngủ đủ giấc rồi ạ.

Tôi đi thẳng ra lu nước phía sau hè. Đánh răng, rửa mặt. Má ở trong bếp nói vọng ra:

- Má nấu cơm và làm đồ ăn sẵn để trên bếp. Chừng nào con thấy đói bụng thì tự lấy ra ăn nhen.

Nghe má dặn, tôi trở vô nhà. Nhìn bộ dạng của má, đồ đạc, tôi nhận ra ngay là má chuẩn bị đi làm. Tôi xin má cho đi theo. Má bảo:

- Đi chi cho cực hổng biết nữa cà? Con cứ ở nhà chơi, má đi một mình là được rồi.

Tuy nhiên, tôi năn nỉ ỷ ôi mãi nên má đành chịu cho đi theo. Má chèo xuồng. Hai tay cầm chặt cây chèo, đẩy nhịp nhàng, nhẹ tênh. Chèo dọc theo các con sông, kinh, rạch… Vừa chèo xuồng, vừa nhìn dáo dác xung quanh. Tôi ngồi đằng mũi bắt chước quan sát theo. Nhưng lúc nào má cũng nhìn thấy những chai nhựa, đồ mủ bể trôi trên sông trước tôi hết thảy. Thấy chai nhựa trôi bồng bềnh trong kẹt lá dừa nước xanh um ở mé sông, mắt má bỗng sáng ngời. Nhanh chóng rẽ mái chèo cho xuồng cập sát vào rặng dừa nước. Má thò tay vớt chai nhựa. Giũ lia lịa rồi bỏ lên xuồng.

Má chèo thêm vài thước lại thấy có chai nhựa nữa đang trôi. Lần này, tôi dành phần vớt. Tôi vừa vớt, vừa thắc mắc:

- Ở đâu mà chai nhựa trôi dưới sông nhiều quá má hen? Chỗ này có tới hai chai lận nè.

Tôi nói chưa dứt câu thì chiếc tắc ráng chạy tới. Vừa ngang qua, bỗng có người phụ nữ cầm vỏ chai trà xanh “Không độ” vứt xuống giữa sông nghe cái “tủm”. Bất thình lình, tôi ngước mắt dõi theo chiếc tắc ráng. Thấy có bốn người (tôi đoán là vợ chồng và hai đứa con nhỏ). Họ ăn mặc rất sang trọng. Chiếc tắc ráng chạy rất nhanh, tạo thành những làn sóng vỗ vào chiếc xuồng nghe “anh ách, anh ách…”, khiến xuồng của tôi chao đảo, lắc lư. Thấy chai nhựa, tôi mừng húm, đưa tay chỉ, miệng nói sang sảng:

- Chai nhựa kìa má. Người ta mới quăng kìa. Chèo ra vớt đi má!

Má vẫn chèo xuồng thẳng ra chỗ chai nhựa người phụ nữ vừa vứt. Nhưng má không trả lời. Mặt mày bí xị. Hai tay chèo, đôi mắt má nhìn trân trân theo chiếc tắc ráng đã khuất xa. Đến giữa sông, má ngưng mái chèo. Tôi đưa tay vớt chai nhựa. Má tặc lưỡi, nói giọng mỉa mai:

- Uống nước xong, rồi cứ quăng xuống sông, thế là xong!

Thực tế cuộc sống là vậy. Để tiện cho bản thân, một số người luôn xem dòng sông, kinh rạch là nơi để vứt rác. Họ không màng đến hậu quả của việc vứt rác bừa bãi ra bên ngoài môi trường. Tôi hiểu rõ nỗi bực tức trong lòng má. Vớt chai nhựa xong, tôi tìm cách đánh trống lảng:

- Mình đi tiếp đi má! Phía trước chắc có nhiều lắm!

Tánh má xưa nay là thế. Hàng ngày hễ có chuyện gì cảm thấy không hài lòng là cứ biểu hiện rõ trên nét mặt và hành động. Bất cứ ai thoáng nhìn qua là nhận ra ngay. Nhưng qua rồi thôi chớ không hề để bụng. Chính vì thế, sự khó chịu trong lòng của má cũng sớm nguôi ngoai.

Mặt trời đứng bóng, nắng nóng gay gắt buông xuống khắp nơi, mồ hôi má nhễ nhại, trào tuôn và ướt đẫm chiếc áo bà ba ngả màu phèn. Người đờ đẫn. Mặt mày tái mét. Tay chà lên trán liên tục. Cứ tưởng má bị say nắng, nên tôi đề nghị:

- Má mệt hả? Để con chèo cho!

Má ưỡn người. Hít một hơi thật sâu. Gồng hai tay, đẩy thật mạnh mái chèo. Chiếc xuồng đủ lực đẩy lướt nhanh hơn. Má xua tay, cười hì:

- Thôi đi ông tướng. Để tui chèo cho! Ông mà biết chèo chống gì mà giành.

Má có vẻ kiên quyết lắm! Nhưng ngặt nỗi người má đã thấm mệt. Bất đắc dĩ tôi đành tìm cách khác. Tôi giả đò:

- Nắng nóng quá trời! Con thấy mệt trong người quá hà. Hay mình nghỉ một chút rồi đi tiếp nghen má.

Nghe con trai nói mệt, má liền đồng ý rẽ xuồng tấp vào bờ. Cột dây xuồng vào rễ cây gừa to tướng cạnh mé sông để nghỉ. Dưới tàn cây mát rượi, má lấy phích nước đá đưa tôi uống mấy hớp cho đã khát. Giở gà mên cơm ra, hai má con cùng ngồi ăn. Đang ăn cơm, má nhìn tôi một lúc rồi khẽ khuyên:

- Mai mốt con đừng có theo má nữa nghen. Má đi một mình được mà. Con giang nắng hông quen dễ bịnh lắm! Vả lại, con sắp ra trường. Ai đời thầy giáo mà đi lụm ve chai. Người ta cười con chết.

Má nói vừa hết câu, bỗng dưng nước mắt tôi lưng tròng. Tôi thừa biết vì thương con nên má mới nói như thế thôi. Má là má của con. Hàng ngày đi nhặt ve chai má không ngại, thì lý nào tôi lại ngại? Là thầy giáo thì sao chớ? Chẳng lẽ thầy giáo không được lụm ve chai bán?! Nghĩ đến đây, tôi càng thương má hơn.

Tôi vẫn nhớ như in, năm đó tôi đang học lớp 9. Một lần, má đưa ba vào bệnh viện khám bệnh thì phát hiện ba bị bệnh ung thư gan thời kỳ cuối. Má hoảng hốt chạy vạy khắp nơi mượn tiền đưa ba lên thành phố điều trị. Nhà có hai công ruộng cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Từ lúc biết bệnh tình, sức khỏe của ba ngày một yếu. Không bao lâu sau thì ba mất. Khó khăn lại chồng chất khó khăn. Một mình má lặn lội thân cò để nuôi con. Hàng ngày má phải đi lụm ve chai bán kiếm từng đồng từng cắc trang trải cuộc sống và lo cho tôi ăn học.

Mỗi ngày, trời mới hừng đông là má chèo xuồng đi đến chạng vạng tối mới về đến nhà. Những lúc trời nắng nóng, cảm thấy trong người mỏi mệt, má tìm lùm cây có bóng mát ở mé sông, tấp xuồng vào nghỉ. Khi trời có cơn mưa lớn thì kiếm người để xin lên nhà đụt nhờ. Có hôm, mưa lớn quá cửa nhà người ta đều đóng kín mít. Mặc dù, đầu đội nón lá và choàng lên người tấm mủ cao su nhỏ cắt ra từ bao phân. Nhưng, khắp người má ướt nhèm, lạnh run cầm cập. Đến nơi thấy trại xuồng còn trống, má lủi xuồng vào đụt tạm, chờ trời dứt mưa mới đi tiếp. Biết má vất vả, có lần tôi định xin nghỉ học để đỡ đần phụ má. Lúc tôi mới vừa mở lời là bị má mắng cho một trận ra trò. Mắng xong, má bảo:

- Nhà mình nghèo. Má không có của cải gì để dành cho con cả. Nhưng, má sẽ cố gắng làm lụng để lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Đó là tài sản duy nhứt mà má có thể làm để dành cho con.

Kể từ đó, tôi không dám nhắc đến chuyện xin nghỉ học nữa. Thay vào đó, cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của má.

Ăn cơm xong, tôi uống thêm một ngụm nước rồi đưa mắt nhìn ra giữa sông. Những bập bè dừa nước nối tiếp nhau đang trôi lửng lờ theo dòng nước. Chiếc ghe hàng bán tạp hóa bóp kèn inh ỏi mời gọi khách đến mua. Không còn bao lâu nữa là tôi tốt nghiệp. Tôi dự tính sau này đi làm dành dụm kiếm tiền để sửa sang lại căn nhà. Đặc biệt phải lo lắng, chăm sóc cho má đàng hoàng để bù đắp lại những tháng ngày cơ cực. Khi ấy, má sẽ không còn chịu cảnh dầm mưa dãi nắng, suốt ngày lênh đênh trên sông nước như bây giờ. Và, ngày ấy sẽ không còn xa nữa…

* * *

Ngày tôi tốt nghiệp má mừng đến rơi nước mắt và càng mừng hơn khi hay tin con trai được phân công giảng dạy ở trường phổ thông ngay ở huyện nhà. Mỗi khi gặp bà con trong xóm, má luôn miệng khoe rằng:

- Thằng Nhân tốt nghiệp rồi. Nó vừa được phân công dìa dạy cấp ba ở huyện của mình nè!

Niềm vui chưa được bao lâu. Bỗng một hôm, má đi chợ huyện. Lúc băng qua lộ mua đồ, do bất cẩn không quan sát kỹ. Bất ngờ chiếc xe tải chạy tới, tông trực diện vào người má. Cú va chạm khiến má ngã sõng soài trên lộ. Cũng may tài xế chạy chậm. Nếu không thì hậu quả sẽ khó lường.

Ngay lập lức má được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu và gọi điện cho tôi hay. Nghe điện thoại xong, tôi tức tốc chạy đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ mời tôi vào phòng làm việc và thông báo là má “mắc bệnh tim thời kỳ cuối”. Vừa nghe tin, tay chân tôi rã rời, nước mắt trào dâng. Tuy nhiên tôi vẫn không tin đó là sự thật và hy vọng là mình đã nghe lầm. Tôi cố lấy bình tĩnh và gặng hỏi bác sĩ thêm một lần nữa. Bác sĩ đưa giấy xét nghiệm cho tôi xem. Kết quả hiện ra trước mắt. Đúng là tôi không hề nghe nhầm. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, tôi chỉ kịp thốt lên tiếng “Trời ơi!” rồi người ngã quỵ. Ngay lập tức bác sĩ đỡ tôi ngồi lại trên ghế, vỗ nhẹ vào bờ vai tôi, khuyên nhủ:

- Anh hãy cố gắng bình tĩnh để còn lo cho bác nữa nhé!

Nhờ sự động viên của bác sĩ, tôi dần lấy lại bình tĩnh. Nhưng tâm trí vẫn rối bời. Tôi lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Chân bước đi khập khiễng từng bước một, không buồn nhấc; thững thờ như thể người bị mất hồn. Về đến phòng bệnh lúc nào tôi không hề hay biết. Má đang được băng bó khắp người, cầm chặt lấy tay tôi, má dặn dò từng lời trong nước mắt:

- Nhân à! Hiện con đã đi dạy rồi. Thiệt tình mà nói, má vui lắm con à! Nhưng rất tiếc nhà mình nghèo quá. Má chỉ lo được cho con có thế thôi. Con hãy cố gắng sống cho tốt nghen con.

Tôi cố dằn cảm xúc, ôm chầm lấy má khóc thút thít. Má ơi! Suốt cuộc đời má đã tảo tần sớm hôm lo cho con ăn học. Đối với con, má đã cho quá nhiều. Có được nghề trong tay là tài sản lớn nhất. Tài sản ấy sẽ theo con đến suốt đời. Má hãy sống để con còn phụng dưỡng, đền đáp công ơn của má. Má đừng bỏ con nghe má!

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh