Ăn cơm xong, Tùng cảm thấy buồn ngủ nên vừa đặt lưng lên chiếc ghế bố một lát là hai mí mắt đã nhắm híp. Tùng mơ màng nghe như có một giọng nói trầm ấm phát ra từ bức ảnh bán thân của mẹ treo trên bàn thờ: "Tùng à, con đã sai rồi! Con rất có lỗi với chị con. Con hãy xin lỗi chị con đi…" Tùng bật ngồi dậy, bỗng hai chân cứng đờ, miệng la ú ớ một lát rồi giật mình, dụi mắt. Thì ra đây là một giấc mơ.
Hoài Phương
Ăn cơm xong, Tùng cảm thấy buồn ngủ nên vừa đặt lưng lên chiếc ghế bố một lát là hai mí mắt đã nhắm híp.
Tùng mơ màng nghe như có một giọng nói trầm ấm phát ra từ bức ảnh bán thân của mẹ treo trên bàn thờ: “Tùng à, con đã sai rồi! Con rất có lỗi với chị con. Con hãy xin lỗi chị con đi…” Tùng bật ngồi dậy, bỗng hai chân cứng đờ, miệng la ú ớ một lát rồi giật mình, dụi mắt. Thì ra đây là một giấc mơ.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Cả một buổi chiều hôm đó, Tùng ngồi im lặng trong căn nhà quạnh hiu. Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đã lần lượt hiện về trong đầu Tùng giống như một khúc phim quay chậm…
Hai chị em Tùng mồ côi cha từ lúc còn nhỏ dại. Mẹ một mình bươn chải nuôi chị em Tùng đắp đổi qua ngày. Vì hoàn cảnh túng thiếu nên Thu- chị của Tùng- vừa học hết lớp tám đã thôi học ở nhà tiếp mẹ lo cơm nước.
Thời gian trôi nhanh. Sau khi Tùng đậu vào đại học thì mẹ Tùng qua đời vì một cơn đau tim. Từ đó, hai chị em sống nương tựa vào nhau, trái ổi xẻ đôi, gói xôi chia nửa. Nhờ vậy mà mặc dù thiếu mẹ vắng cha nhưng không bao giờ chị em gục ngã.
Trước khi đi xa, mẹ của Thu đã dặn lời cuối cùng: “Mẹ đi rồi, con hãy thay mẹ chăm lo cho thằng Tùng ăn học tới nơi tới chốn, đừng để nó hư hỏng nghe con”. Từ lời trăng trối đó, Thu đóng vai trò vừa là chị vừa là mẹ, hết lòng chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ để Tùng dốc hết tâm trí vào việc học hành.
Học đến năm thứ ba đại học, bạn bè ai cũng có laptop hoặc máy tính để bàn, còn Tùng thì hàng ngày phải vào thư viện hoặc nhờ vả của bạn bè. Vì quá thương em nên Thu đánh liều nhận làm ô- sin (mỗi ngày một buổi) cho một gia đình giàu sang, được bà chủ thương tình trả trước 3 tháng lương.
Vẫn chưa đủ tiền nên Thu lén cắt tóc bán cho một người bạn thân. Thu có mái tóc đen huyền, bồng bềnh phủ khỏi bờ vai trông rất đài các. Một hôm đi học về, Tùng phát hiện mái tóc của chị mình sao hôm nay khác thường bèn hỏi:
Mái tóc của chị sao hôm nay ngắn ngủn, lạ quá vậy?
Có gì đâu. Trời nóng nực chị cắt ngắn gọn cho mát.
Thấy vậy Tùng không hỏi nữa.
* * *
Ngày Tùng ra trường, Thu nấu mâm cơm cúng mẹ, báo tin vui với mẹ rằng thằng Tùng đã nên người, nay mai nó sẽ làm thầy giáo…
Đi dạy được hai năm, Tùng yêu Thủy- một cô gái học cùng trường- nhưng không được chị đồng tình vì qua tìm hiểu, Thu đánh giá Thủy là một cô gái đua đòi, luôn chạy theo “mốt”, thích mặc đồ siêu mỏng, siêu ngắn, cá tính mạnh bạo. Thu khuyên em nên tìm một cô gái nết na thùy mị, phù hợp với gia đình giáo viên, nhưng Tùng không nghe lời chị. Vì thương em nên Thu phải đành lòng chấp nhận.
Nghề của Thủy là bán hàng qua mạng nên cô ta giao thiệp rất rộng, quen biết nhiều người. Từ lâu cô ta đã quen với lối sống tự do nên ít khi về nhà đúng giờ, thậm chí tới bữa cơm cũng không có mặt.
Thu rất buồn nhưng ngại không nói ra sợ Tùng đau khổ. Có lúc chị khuyên Thủy nên sinh con để gia đình có tiếng khóc của trẻ thơ cho vui cửa vui nhà. Thủy thẳng thừng: “Em không sinh con đâu. Sinh con sẽ mất eo. Vả lại có con rồi mình sẽ mất hết tự do”. Vừa nghe qua, Thu choáng váng, giật thót người, không ngờ đứa em dâu mình có suy nghĩ táo bạo đến thế!
Nhiều lần chị nhắc nhở, khuyên Tùng nên có thái độ nghiêm khắc với vợ. Nếu không kịp thời quay đầu, đường đi sẽ bít lối. Biết vậy nhưng Tùng vẫn thờ ơ, không đủ bản lĩnh để ngăn ngừa.
Thu rất buồn, cái tuổi U.35, già không già, trẻ không trẻ nhưng ngày tháng thanh xuân đã vùn vụt bay đi nên chị không còn thiết nghĩ gì đến chồng con.
Đêm nằm gác tay lên trán “Ngó lên nuộc lạt mái nhà. Bao nhiêu nuộc lạt nhớ mẹ mình bấy nhiêu”. Bao nhiêu nỗi nhớ lại ập về. Chị nhớ cái thời mẹ mình tay xách tay mang, suốt ngày lầm lũi mua bán rau củ, trái cây, chạy cơm từng bữa. Vậy mà đến lúc ngã bệnh vẫn không tiền thuốc thang.
Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lần lượt dâng trào khiến Thu chạnh lòng thương nhớ cái thời mười tám đôi mươi, cái tuổi đầy mộng mơ đã có nhiều chàng trai say đắm nhưng chị đều từ chối vì mẹ bệnh.
Trời ơi, mới đó mà đã nửa đời người, tuổi xuân sao mà đi qua nhanh thế! Chị rưng rưng nước mắt. Bất giác chị muốn núp vào quá khứ cho tâm hồn yên tĩnh. Chị muốn tìm một công việc gì cho khuây khỏa tâm hồn sau bao nhiêu năm vật lộn với đời.
Một hôm xem đài, chị thấy ở một ngôi chùa có nuôi nhiều trẻ em mồ côi. Sáng hôm sau, chị liền đến đó tìm hiểu hầu góp chút công sức của mình cho “mái ấm tình thương”. Sau vài lần trò chuyện với vị sư trụ trì và các cô bảo mẫu, Thu cảm thấy động lòng trắc ẩn về hoàn cảnh côi cút của các cháu.
Sau một vài lần tiếp xúc với các cháu, được các cháu âu yếm như mẹ, Thu đã quyết định rời bỏ gia đình để đến với “Mái ấm tình thương”. Hay tin này, Tùng khóc lóc van xin chị đừng bỏ nhà ra đi nhưng không sao kéo chân chị lại được một khi chị đã quyết định.
Trước khi ra đi, Thu gọi vợ chồng Tùng lại nhắn nhủ đôi điều:
- Cuộc đời chị đã trải qua bao buồn vui cay đắng nhưng chị rất mãn nguyện vì đã làm tròn lời hứa với mẹ, lo cho em ăn học thành tài. Từ nay về sau, thành công hay thất bại là do vợ chồng em tự quyết. Chị không còn trách nhiệm nữa. Nay đã đến lúc chị phải theo đuổi lý tưởng riêng của chị. Hai em phải giữ gìn sức khỏe và sống sao cho xứng đáng với kỳ vọng của mẹ lúc mẹ còn sống.
- Vậy là chị bỏ em đi thật à! Tụi em xin lỗi chị. Vợ chồng em hứa sẽ sửa chữa chị à! - Tùng vừa nói vừa mếu máo khóc.
- Em không có lỗi. Tất cả lỗi lầm đều từ vợ em…
Thu đi rồi, vợ của Tùng ngày càng bê tha. Việc mua bán trên mạng do làm ăn gian dối nên bị khách hàng tẩy chay, thất nghiệp.
Tùng càng lúc càng phát hiện vợ ḿnh có quá nhiều tật xấu, một cô gái đua đòi, lúc nào cũng mơ làm cô Tấm thời nay, ra đường sực nức nước hoa, sành sỏi tâm lý trong quan hệ bạn bè, ngồi đâu cũng lướt web, chiếc smarphone lúc nào cũng kè kè bên tay. Thế là ngày qua ngày, vợ chồng thường cự cãi, gây gổ nhau, kết quả cuối cùng là đường ai nấy đi. Tùng xót xa như muối đổ vào lòng.
Một hôm, nhân lúc dọn dẹp tủ sách, Tùng phát hiện một cuốn sổ tay của chị mình, trong đó có trang viết: “Ngày… mình bắt đầu làm ô- sin cho một bà chủ tốt bụng. Ngày… mình cắt tóc bán cho chị Tuyết Nhung với giá 2 triệu đồng để mua cho em mình cái laptop…” Vừa đọc xong mấy dòng chữ đó, Tùng choáng váng, hai chân khuỵu ngã.
Tùng không muốn khóc nhưng nước mắt cứ trào ra tức tưởi. Tới lúc này Tùng mới nhận ra tấm lòng cao cả vĩ đại của chị mình. Trời ơi! Nếu tạo hóa quay ngược dòng thời gian thì mình nguyện suốt đời sẽ hiếu thảo và nghe lời chị - Tùng lẩm bẩm một mình.
* * *
Thời gian dần trôi, Tùng được đề bạt làm Hiệu trưởng và cưới được một cô vợ dạy cùng trường, nết na, nhu thuận, hết lòng chăm sóc cho gia đình.
Thu rất vui mừng, ngày ngày yên tâm đến với “Mái ấm tình thương” chăm sóc cho những mảnh đời bất hạnh. Tại đây, các cháu bé gọi chị bằng mẹ, đứa nào cũng thánh thiện, vừa ngây thơ vừa hồn hậu thật đáng thương và tội nghiệp. Tuy không phải ruột rà nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, chị vẫn yêu chúng như con, coi chúng như những thiên thần của tuổi thơ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin