Vừa bước xuống xe, bà Bình thoáng giật mình bởi một lời chào: "Bà khỏe không?" Hắn, người có lời chào đó chính là hắn- người đàn ông đã khởi nguồn một góc khuất của cuộc đời bà. Đó là một bí mật chỉ có bản thân và người chồng rất mực yêu thương của bà biết, mà ông ấy thì đã không còn nữa. Còn hắn thì đang đứng lù lù trước mặt sau hàng chục năm bà cố lẩn tránh…
Hồng Vân
Vừa bước xuống xe, bà Bình thoáng giật mình bởi một lời chào: “Bà khỏe không?” Hắn, người có lời chào đó chính là hắn- người đàn ông đã khởi nguồn một góc khuất của cuộc đời bà. Đó là một bí mật chỉ có bản thân và người chồng rất mực yêu thương của bà biết, mà ông ấy thì đã không còn nữa. Còn hắn thì đang đứng lù lù trước mặt sau hàng chục năm bà cố lẩn tránh…
- Mẹ! Xe mẹ đến lâu chưa?
Gương mặt rạng rỡ của đứa con trai trong bộ quân phục thẳng nếp vừa đến đón mẹ ở bến xe kéo bà Bình về với thực tại.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Chuyện bắt đầu từ rất lâu: Hồi ấy là giữa năm một ngàn chín trăm năm mươi tư, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta sắp đến hồi kết thúc. Trong không khí phấn khởi của thắng lợi đã gần kề lan ra khắp xóm làng thì cha mẹ bà Bình được phép cưới nhau. Rồi Hiệp định Genève được ký kết, cha bà được tập kết ra miền Bắc trong khi đứa con của họ- chính là bà Bình- đã tượng hình trong bụng mẹ. Ngày chia tay bịn rịn, cha bà dặn vợ đặt tên cho con mình là “Hòa Bình” dù là gái hay trai, bởi theo ông con họ sinh ra trong ước vọng hòa bình của cả dân tộc và cũng trong hòa bình gia đình họ rồi sẽ sum họp nhau sau hai năm xa cách để thực hiện cuộc tổng tuyển cử theo tinh thần của hiệp định, mà lực lượng kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Cụ Hồ Chí Minh nhất định sẽ chiến thắng...
Thế nhưng khi bà Bình ra đời thì thực tế trước mắt họ hoàn toàn khác, chính quyền Ngô Đình Diệm với sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ đã không thực hiện hiệp định. Những ngày tháng đen tối của các gia đình kháng chiến ở miền Nam như gia đình bà cũng bắt đầu từ đó. Các chiến dịch “tố cộng” rồi “diệt cộng” của địch liên tục diễn ra. Nhà mẹ bà cũng như các gia đình có người đi kháng chiến không có người ra trình diện bị gắn bảng đen là “gia đình Việt cộng”. Khi địch lập các “khu trù mật”, nhà họ bị chúng gom vào một khu với các quy định kiểm soát đi về rất gắt gao. Trong hoàn cảnh đó, mẹ con bà đã tìm cách rời làng quê lên ở nhà một người bà con ở thị trấn của một xã nằm trên trục lộ giao thông liên tỉnh giáp với quận lỵ Châu Thành. Đối với một phụ nữ trẻ quê nách một con như mẹ bà lại không nghề nghiệp, không vốn liếng thì cuộc sống mới tuy nhẹ nhàng hơn về tinh thần nhưng việc chạy chợ mưu sinh hàng ngày ở một thị trấn xa lạ thì thật không dễ dàng. Cho nên khi con gái đến tuổi phải đi học, mẹ bà đã phải bước thêm một bước nữa với một người địa phương để con gái không phải đối mặt với các khó khăn cùng cực. Ông ấy hiền lành có nghề chạy xe lôi chở hàng thường xuyên giúp đỡ mẹ con bà nhiều năm qua…
***
Mọi việc khởi nguồn từ khi cô Bình bước vào tuổi mười bảy, sau hai năm bỏ học đi học nghề may rồi mở một tiệm may nhỏ nhưng chưa dám trưng bảng hiệu tại nhà. Lúc này, người cha dượng vẫn hành nghề cũ, hàng ngày chăm chỉ đưa rước vợ- là mẹ cô- chăm sóc quầy bán rau củ ở chợ xã. Cuộc sống họ khá chật vật vì có thu nhập thất thường, còn cái tiệm may mới mở của cô Bình cũng ít khách. Thế nhưng từ khi có hắn xuất hiện ở cái xã này thì cái tiệm may không có tên của “cô chủ nhỏ”- theo cách gọi của hắn- bắt đầu đổi khác.
Hình như sức trẻ căng phồng trên thân thể của một cô gái đang vào tuổi dậy thì lại có gương mặt sáng sủa luôn điểm nụ cười tươi tắn làm người khác ưa nhìn của cô khiến hắn để ý. Thường ngày, nếu không phải đi làm những việc theo chức trách của mình, lợi dụng những lúc dượng và mẹ cô vắng nhà vì cuộc mưu sinh, hắn cứ tìm cách lân la ở tiệm may, lúc thì cần may một chiếc áo mới, lúc thì muốn sửa bộ quân phục mới lãnh về cho vừa vặn hay làm mai mối cho người khác đến tiệm may đồ, đều là cái cớ tuyệt vời để hắn tiếp cận cô chủ nhỏ... Với những lời khen có cánh và số tiền trả công hậu hĩnh, nhất là cái lon trung úy trên vai viên phân chi khu trưởng trẻ tuổi tại xã, hắn cũng đã khiến cô chủ trẻ này dành cho mình nhiều cảm tình đặc biệt…
Ngày tháng qua nhanh, “Tiệm may Bình” là cái tên hiệu may đang ăn nên làm ra của cô chủ trẻ. Có điều ngoài tay nghề khéo léo của cô chủ, ai cũng dễ dàng nhận ra hiệu may này phất nhanh nhờ sự ủng hộ trên mức nhiệt tình của viên trung úy phân chi khu trưởng nhiều quyền lực tại xã. Khách hàng của tiệm may Bình ngoài gia đình bọn làng lính thuộc hạ của viên trung úy còn có nhiều người muốn kết thân với hắn để nhờ vả qua cô chủ nhỏ của hiệu may. Chẳng có gì là lạ khi ai đó nghe người trong xã đồn đoán về mối quan hệ không bình thường của viên trung úy hào hoa với cô chủ tiệm may xinh đẹp…
Sự bình yên thường ngày ở thị trấn này như bị khuấy động sau một cuộc chạm súng dữ dội vào nửa đêm hôm trước tại một nơi sát cái đồn dân vệ đầu xã có nhiệm vụ giữ an ninh cho con lộ đá đi xuyên qua thị trấn. Ngay sáng hôm sau, có người kể rằng viên trung úy phân chi khu trưởng vừa hí hửng khoe với một ông chủ tiệm tạp hóa trong thị trấn rằng hắn vừa tóm được một “Việt cộng” tại cuộc nổ súng đó, nhưng việc này không vui bằng việc hắn bất ngờ phát hiện và cắt đúng một con đường giao liên quan trọng của Việt cộng qua lại con lộ này mà bấy lâu nay cấp trên của hắn rất đau đầu…
Cuộc sống hối hả thời chiến cuối cùng rồi cũng xua nhanh những xôn xao đó của thị trấn dù sự việc xảy ra mới hơn nửa tháng. Nhưng với cô chủ Bình, dù khá bận rộn với các công việc của hiệu may, cô cũng không khỏi băn khoăn với thái độ bồn chồn bất thường của người cha dượng mấy ngày qua. Không phải đợi lâu, mọi băn khoăn đó đã được giải đáp. Vào một buổi chiều, ông về nhà sớm hơn mọi ngày. Nhân lúc hiệu may vắng khách, ông gọi cô lại thấp giọng hỏi thẳng không cần rào đón:
- Ông trung úy phân chi khu trưởng là gì của con?
- Ông ấy giúp đỡ gia đình mình nhiều mà dượng…
Cô gái hiểu rõ ông muốn hỏi gì, nhưng làm sao có thể trả lời khi đó là mối quan hệ khó nói nên cô chỉ ngượng ngùng giãi bày. Nghe cô nói thế, ông có vẻ đã hiểu ra. Nét mặt bỗng nhiên rất buồn bã, ông hỏi cô lần nữa mà như nói với chính mình, giọng nghèn nghẹn đứt quãng:
- Đã thân thích với ông ấy như vậy nên con gái đã kể hết mọi việc trong nhà này với người ta? Chắc là có cả chuyện dượng vui miệng nói về các dấu vết nghi ngờ có nhiều người qua lộ đá trong đêm ở gần đồn cho mẹ con con nghe trong bữa cơm hôm đó… Lớn chuyện rồi con ơi…
Là con gái lớn lên thời loạn lạc, cô không khỏi hoảng hốt khi cảm nhận được cái lo trong hai từ “lớn chuyện” của người cha dượng. Xâu chuỗi lại mọi việc từ cái đêm có vụ chạm súng giữa toán lính của người tình trung úy của mình với số “người trong vùng”, đến các món quà là mấy xấp vải mà người tình nói rằng để người nhận cùng chia vui với chiến tích của anh ta đã khiến cô mấy đêm mất ngủ… Rồi cái việc “lớn chuyện” ấy cũng đến nhanh tới không ngờ. Mấy hôm sau, người cha dượng cũng về nhà sớm hơn thường ngày và cho cô biết có người trong vùng muốn gặp họ. Thấy cô quá lo lắng, ông trấn an rằng ông sẽ đi cùng. Ông cũng căn dặn kỹ đây là chuyện rất hệ trọng, người ngoài gia đình không thể biết, nhất là viên trung úy. Đúng hẹn, cả gia đình họ về quê của mẹ cô với lý do là thăm người thân. Tại đây, một cuộc gặp như yêu cầu đã diễn ra.
Không như Bình tưởng tượng trước đó, người đại diện ấy hơi mập người, có dáng vẻ hiền lành. Ông mỉm cười mở lời bằng một câu trấn an cô gái trẻ đang lo lắng nhìn ông chăm chăm: “Con gái về quê chơi?” Khi thấy cô đã lấy lại bình tĩnh, ông nhẹ nhàng hỏi cô có biết rõ thân thế gia đình mình, nhất là về người cha ruột đã đi tập kết ngoài miền Bắc. Bình cuối gằm mặt lí nhí không ra lời. Cô nhớ lời mẹ kể đêm qua khi hai mẹ con cô gần chục năm qua mới lại có dịp được ngủ chung. Mẹ kể về những kỷ niệm ngắn ngủi của bà với cha, ký ức những ngày tháng khổ sở cô đơn của hai mẹ con ngày đầu ra thị trấn lánh nạn; rồi lời nói bâng quơ bỏ dở của mẹ hồi hôm “biết đâu lâu nay ông ấy đã về Nam ở đâu đó…” như bóp chặt con tim, khiến cô bật khóc như chưa bao giờ được khóc. Đợi cho cô gái dần dần kiểm soát được cảm xúc, ông nắm tay cô gái nhẹ nhàng cho biết ông là bạn của cha ruột cô hồi kháng chiến đánh Tây. Ông nói ông không nói nhiều bởi ông tin con gái hiểu thế nào là tình thương yêu của gia đình, sự tin tưởng của cha ruột cô khi muốn đặt tên cho con là “Hòa Bình”, rồi đây cha cô sẽ về với mẹ con cô, cô phải biết sống sao cho xứng đáng với cha mình và truyền thống của một gia đình kháng chiến… Đến đó thì ông không thể nói tiếp vì Bình lại tiếp tục khóc đến run cả người. Thấy không cần nói thêm nữa, ông vuốt tóc cô để trấn an rồi nghiêm trang cho cô biết tổ chức qua thời gian thẩm tra đã hiểu rõ sự việc và biết cô rất ân hận, bởi bất cứ ai thời đó cũng biết một người như trường hợp của cô dù vô tình tiết lộ với tên trung úy địch địa điểm con đường giao liên của lực lượng giải phóng cũng là một tội nặng. Đó là tội gián điệp và nghiêm trọng hơn là cách mạng đã bị thiệt hại, nhưng suy xét do cô còn quá trẻ mà cạm bẫy là cái mã quyền uy và tiền bạc mà tên trung úy ấy giăng ra để lừa cô gái nghèo này thì quá thâm độc. Ông cũng cho cô biết hắn đã có vợ con đầy đủ đang ở tỉnh lỵ, cô cần phải xa lánh hắn…
Sau lần gặp gỡ đó, Bình có đề nghị với tổ chức cho phép được tiếp tục duy trì tiệm may để cô tạo cơ hội cho tổ chức diệt tên trung úy ác ôn, nhưng xét trên nhiều mặt, nhất là sự an toàn của cô và gia đình, tổ chức đã khước từ. Tiệm may Bình từ đó không còn ở thị trấn và cũng không làm mấy người để ý vì cuộc chiến ngày càng ác liệt. Chỉ có gia đình biết Bình đã về quê của mẹ sinh sống, nơi ấy đã là một xã giải phóng, duy có một bí mật rất éo le khác mà chỉ một mình Bình lặng lẽ ôm trong lòng, đó là hình hài một sinh linh bé nhỏ đã bắt đầu lớn lên trong bụng cô gái trẻ từ sai lầm của mối tình vụng trộm với viên trung úy phân chi khu trưởng…
Tại nơi ở mới, những tưởng những ngày tháng tiếp theo của Bình sẽ là khoảng thời gian buồn dài lê thê vì mặc cảm tội lỗi nếu như cô không gặp một người hào hiệp mà sau đó là chồng cô, người mà cô yêu kính suốt đời… Anh là chiến sĩ du kích xã, lớn hơn cô vài tuổi, nhà ở gần nhà cô. Mến tài may vá của Bình, anh hay tìm cơ hội lân la trò chuyện. Hợp tính tình, họ mau chóng thân nhau rồi một hôm anh bất ngờ ngỏ lời cầu hôn với cô. Lúc này cái thai của Bình đã gần hai tháng, lời cầu hôn của anh khiến cô quá bất ngờ và bật khóc. Trước mối chân tình đó, cô đành thú nhận với anh sự thật về những bất hạnh của cuộc đời mình và từ chối. Phải cả tháng sau bằng tất cả tình cảm chân thành của anh và vượt qua hết các rào cản trong tình cảm, hai người họ đến được với nhau sau một bữa tiệc nhỏ giữa hai gia đình. Sau đó, anh là người cha đầy trách nhiệm của con cô và cũng từ đó anh là một người độ lượng đã góp phần làm nên một góc khuất của cuộc đời cô, bởi anh đã hy sinh trong một trận đánh trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
***
Nhìn con trai bảnh bao trong bộ quân phục vui vẻ đốt cây nhang để cho mẹ cắm trên bàn thờ chồng theo yêu cầu của bà khi họ vừa về đến nhà của vợ chồng nó, bên cạnh là thằng cháu nội gần hai tuổi liền miệng bi bô làm bà Bình thấy mình quá may mắn. Trên bàn thờ, ảnh người chiến sĩ du kích mãi mãi trẻ trung đang nhìn bà với nụ cười rất tươi và độ lượng như ngày nào. Gương mặt người trong ảnh cùng gương mặt con trai bà và cả đứa cháu nội sao mà giống nhau quá, có một mối liên hệ thiêng liêng nào đó với người đã khuất hay bà đang choáng ngợp với hạnh phúc của mình? Phúc chốc bà bỗng nhớ lại gương mặt không thể lầm lẫn với người khác của người mà bà luôn cố ý lẩn tránh nhưng vừa thoáng gặp lại ở bến xe khách lúc nãy. Hắn hoàn toàn không biết hắn đã gieo mầm một đứa con với bà và nó hiện đang đứng trước mặt bà… Nhưng nhất định đó là một bí mật sâu lắng trong cuộc đời bà vì niềm kiêu hãnh của đứa con trai về người cha yêu dấu là chiến sĩ giải phóng của nó, một người sẵn sàng quên thân mình vì quê hương… Điều đó sẽ mãi mãi là một góc khuất của cuộc đời bà…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin