Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM vừa dựng xong vở mới Lửa thiêng (tác giả Phi Hùng, chuyển thể và đạo diễn NSƯT Hữu Danh) với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Đông Hồ, Hữu Hòa, Bảo Châu, Thanh Bình, Kiều My, Ngọc Giàu, Anh Thi…
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM vừa dựng xong vở mới Lửa thiêng (tác giả Phi Hùng, chuyển thể và đạo diễn NSƯT Hữu Danh) với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Đông Hồ, Hữu Hòa, Bảo Châu, Thanh Bình, Kiều My, Ngọc Giàu, Anh Thi…
Một cảnh diễn trong vở Lửa thiêng |
Đây là một trong những tác phẩm sân khấu mang đậm dấu ấn lịch sử, được Nhà hát Nghệ thuật Hát bội đầu tư dàn dựng nhằm góp phần quảng bá giá trị các tuồng tích lịch sử trong đời sống xã hội ngày nay. Tác phẩm sẽ được nhà hát lưu diễn phục vụ nhân dân theo kế hoạch của Sở VH-TT TPHCM.
Lửa thiêng là bản hùng ca của nhân dân vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Trước khi triều đình Huế ký hòa ước giao nốt 3 tỉnh miền Tây cho thực dân Pháp, các sĩ phu yêu nước lãnh đạo phong trào nghĩa quân nổi dậy chống lại quân Pháp khắp nơi; trong đó, nổi bật có Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực và Võ Duy Dương (còn gọi Thiên Hộ Dương)
Đặc biệt, Thiên Hộ Dương là vị chỉ huy đa tài, ông không những giỏi võ, thao lược binh pháp mà còn tập hợp được sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, kêu gọi binh lính trở về với nghĩa quân. Những năm 1862-1866, Thiên Hộ Dương cùng Phó tướng là Đốc binh Kiều quy tụ nghĩa quân, gầy dựng căn cứ địa tại Gò Tháp (nay là di tích đặc biệt cấp quốc gia). Dựa vào vùng đầm lầy hiểm trở của Đồng Tháp Mười, nghĩa quân dùng chiến thuật du kích tổ chức đánh Pháp trên một vùng rộng lớn từ Hà Tiên, Rạch Giá đến Đồng Tháp, gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề.
Vở được NSƯT Hữu Danh dựng rút gọn, cô đọng, súc tích, tiết tấu nhanh, nhiều kịch tính và cách xử lý các tình huống kịch bản hợp lý, giúp khán giả dễ xem, dễ cảm nhận. Tái dựng tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM đã nỗ lực dàn dựng một tác phẩm sân khấu đậm chất oai hùng của dân tộc, tái hiện một giai đoạn lịch sử bi thương mà hào hùng của quân và dân miền Tây Nam bộ, đồng thời khắc họa đậm nét tấm lòng yêu nước của người dân Nam bộ trong giai đoạn đất nước chiến tranh loạn lạc, khói lửa binh đao. Đây cũng là giai đoạn mà quan điểm, tư tưởng của con người dễ lung lay, sa ngã trước bao gian khó, trước lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết, trước tiền tài danh vọng và hành trình đấu tranh vất vả vì độc lập tự do dân tộc, vì đất nước hòa bình...
NS Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, chia sẻ: “Nhiều năm qua, tình hình tổ chức biểu diễn lĩnh vực sân khấu gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động của nhà hát cũng không nằm ngoài quy luật phát triển chung của xã hội. Thực tiễn, anh em nghệ sĩ hát bội khá vất vả với vấn đề lo kinh tế cho cuộc sống gia đình, nhưng ai đã theo nghề rồi thì cũng vì đam mê nghề mà cố gắng bám trụ, nỗ lực làm nghề, giữ nghề, với mong mỏi đơn giản là được góp sức gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật của bộ môn hát bội mà ông cha đã gầy dựng, phát triển, bảo tồn đến ngày nay.
Đặc biệt, ở giai đoạn này, nhà hát sẽ tập trung nguồn nhân lực để tìm kiếm tác phẩm, sáng tác, chuyển thể và dàn dựng thêm nhiều vở diễn đề tài lịch sử chất lượng để đáp ứng tốt hơn nữa công tác biểu diễn phục vụ, quảng bá tuyên truyền những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua các vở tuồng đa sắc, hấp dẫn, ý nghĩa”.
Theo THÚY BÌNH/SGGP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin