Cây cần câu

08:09, 30/09/2018

Chiều xuống, những tia nắng vàng úa le lói vội tắt nhường chỗ cho màn đêm. Tiếng những con ễnh ương kêu rền vang trên đồng. Báo hiệu thời điểm mà những người thợ giăng câu, thả lưới bắt đầu chuyến mưu sinh.

NGUYỄN VĂN DÔ

“Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”

Chiều xuống, những tia nắng vàng úa le lói vội tắt nhường chỗ cho màn đêm. Tiếng những con ễnh ương kêu rền vang trên đồng. Báo hiệu thời điểm mà những người thợ giăng câu, thả lưới bắt đầu chuyến mưu sinh.

Cơm nước xong xuôi, Khởi mặc lên mình chiếc áo vá quàng, đầu đội nón kết có mắc sẵn cây đèn pin trên đầu. Anh tay xách nách mang, nào là bó cần câu cắm, đãi nhái, rồi tay lưới… tất cả đều được anh cho xuống chiếc xuồng ba lá.

Lúc đang cặm cụi để đồ đạc xuống xuồng, Khởi nghe có tiếng chiếc tắc ráng đang chạy dưới kinh xáng. Tiếng máy chạy nghe càng lúc càng gần và hình như có người sắp ghé vỏ vào bến trước nhà của anh. Đúng là như vậy!

Chiếc tắc ráng vừa ghé vào, con Phèn ở trước sân sủa inh ỏi. Khởi từ trong trại xuồng bước vội lên bờ xem là ai ghé nhà. Vừa lên tới trên bờ thì Khởi thấy anh Khoa- cán bộ ở ấp- đang cầm cây dầm bơi lũm bũm dưới kinh.

- Sáng mai chú mày đi ra xã nhận heo về nuôi nghen!- anh Khoa thông báo.

- Heo gì mà nhận hả anh?

- Xã mình có chánh sách tặng heo con cho người nghèo nuôi. Gia đình chú mày thuộc đối tượng được nhận heo nuôi đợt này. Đây, thơ mời nè! Nhớ sáng mai tranh thủ đi nhận sớm nghen- anh Khoa căn dặn.

- Dạ!

Khởi bước xuống sàn nước dưới mé kinh nhận lấy thư. Cầm thư mời giơ cao lên, anh rọi đèn pin thẳng vào thư để đọc. Ban đầu, tay anh run lẩy bẩy. Cố gắng lấy bình tĩnh lắm, anh mới đọc được thư, nhưng tay anh vẫn còn hơi run.

Anh cầm thư đọc đi, đọc lại nhiều lần mà không biết chán. Dù anh Khoa giựt máy chạy đi khuất xa trong màn đêm, nhưng Khởi vẫn đứng một mình dưới sàn nước. Anh cầm thư đọc mà miệng cứ mãi cười mỉm chi, như thể người đang nằm mơ. Một lát sau, có tiếng của Thu từ trong nhà hỏi vọng ra:

- Ai đến mà con Phèn sủa um sùm trời đất vậy cà?

Lúc này Khởi mới bật tỉnh người ra, anh lót tót đi vào nhà khoe với vợ:

- Nhà nước cho nhà mình heo con để nuôi. Anh Khoa vừa mới thông báo cho tui hay tin. Ảnh kêu tui sáng sớm ngày mai ra xã nhận heo đó.

- Chèn ơi! Thiệt hả?- Thu bán tín bán nghi.

Khởi lại khẳng định với vợ:

- Tui nói thiệt đó. Thơ mời đây nè!

Thu cầm lấy thư mời, vẻ mặt cười tươi như hoa:

- May quá, vậy là vợ chồng mình có con heo làm vốn để mần ăn rồi hen anh!

- Ừa, em coi chuẩn bị đồ đạc, sáng tui với em bơi xuồng ra xã nhận nghen.

Sực nhớ đến công việc thực tại của mình, Khởi bước vội vã xuống xuồng, mở dây, lấy dầm bơi dọc theo con kinh, bắt đầu chuyến mưu sinh của mình. Anh bơi xuồng lẻn vào bờ kinh thủy lợi, ở nơi có cánh đồng lúa bạt ngàn.

Đến nơi, Khởi móc mồi, cặm câu. Xong, anh lại tiếp tục đi thả lưới dưới kinh. Thả lưới xong rồi anh quay trở lại thăm câu. Cánh đồng lúa mùa nước nổi, cá lóc nhiều vô kể.

Anh cắm chừng trăm cần câu. Anh thăm giác đầu có gần hai ký lô cá lóc. Con nào con nấy bự chảng. Thăm câu xong, rồi anh lại bơi xuồng thăm lưới. Công việc của anh cứ liên tiếp như thế cho đến lúc hơn nửa đêm mới về tới nhà.

Khởi và Thu cưới nhau gần 5 năm. Gia đình đôi bên nội ngoại đều có chung cảnh ăn bữa hôm, lo bữa mai. Vả lại, anh em trong nhà thì đông.

Cho nên lúc ra ở riêng, vợ chồng Khởi được người chú bà con cho ở đậu trên xẻo đất nhỏ ở ngay bờ kinh xáng. Hàng ngày, vợ chồng Khởi đi làm mướn để mưu sinh. Vợ thì nhổ cỏ, giặm lúa, bắt ốc,...

Người chồng thì chọn làm những công việc nặng nhọc hơn như vác đất thùng, vác lúa bao, phụ hồ,… Nói chung ai mướn gì thì họ làm nấy. Ban đêm Khởi còn đi giăng câu, thả lưới kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, cuộc sống của họ vẫn thiếu trước hụt sau.

Họ đã từng ước mơ có được một đứa con cho vui nhà vui cửa. Mỗi buổi chiều nắm tay con dẫn đi chơi khoe với hàng xóm, hay những lúc đi làm về mệt mỏi, nghe được tiếng gọi “ba”, “má” thân thương, trìu mến của con trẻ cũng thấy vui trong lòng.

Một lần nọ, lúc trên đường đi làm về, Khởi bơi xuồng ngang qua khu đất trống ở trong xóm, trông thấy mấy đứa con nít đang đùa giỡn trên bờ, anh ghé xuồng lại rồi vụt chạy đến gần ôm chầm lấy một đứa bé trai hôn lia lịa. Đúng lúc ấy, chị Hồng- mẹ của đứa bé- đi tới. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, chị vui miệng nói đùa:

- Coi bộ cô cậu thích em bé dữ rồi hen! Vậy sao hổng tranh thủ kiếm một đứa đi?

- Dạ! Tụi em cũng muốn lắm chớ. Nhưng…

Nói tới đây, Khởi tự dưng im lặng, vẻ mặt buồn bã, giọng càng lúc càng nhạt dần. Lúc sau, anh mượn cớ là ở nhà có công chuyện cần làm nên ra về trước. Anh xuống xuồng bơi một mạch, thẳng theo hướng về nhà. Thấy vậy, chị Hồng thầm nghĩ:

- Hông biết có phải mình đã nói chạm lòng tự ái của thằng Khởi? Nhưng chuyện đâu có gì mà phải tự ái. Vợ chồng ăn ở với nhau có con là chuyện bình thường, chẳng lẽ nào… Thật là khó hiểu!

Mới 5 giờ sáng, trời vẫn còn tối đen như mực, Khởi đã gọi vợ thức dậy để chuẩn bị đi nhận heo. Vì sợ đến trễ sẽ hết phần, nên anh không ngừng hối thúc Thu. Đến nơi, trời vẫn chưa được 6 giờ. Lúc ấy, xung quanh chưa có một bóng người qua lại, vợ chồng phải ngồi đợi hơn một tiếng đồng hồ.

Hôm ấy, rất đông hộ gia đình nghèo đến nhận heo, có đến cả trăm hộ lận. Đến giờ, chiếc xe tải chở những chú heo con đến. Chúng nhốn nháo, la hét inh ỏi, nghe mà điếc cả tai. Tất cả đều được đánh số theo thứ tự. Hộ gia đình bắt được số nào thì được nhận con heo tương ứng với số trên mình của nó. Vợ chồng Khởi bắt được số 9. Một người kế bên nói với Khởi:

- Mèn đét ơi! Anh hên lắm mới bắt được số 9 đó nghen.

Khởi cười khì bảo:

- Tui thấy con nào cũng cỡ như vậy mà!

- Nhưng, số 9 may mắn hơn.

Con heo số 9 là con heo cái. Nhận heo về đến nhà, Khởi sốt sắng chặt cây làm chuồng, tìm lấy tấm ván cũ để đóng làm máng.

Còn Thu mua lưới cước để may mùng. Lúc mặt trời khuất sau rặng cây, cho heo ăn xong là vợ anh đã giăng mùng rồi tấn xung quanh cẩn thận. Khi trời tối, hễ khi ngủ mà giật mình tỉnh giấc là Khởi xách đèn pin rọi vào chuồng để thăm chừng con heo.

Thấy nó nằm ngủ bình thường, anh mừng trong dạ, nhiều lần đang đứng cùng với vợ ngay chỗ chuồng heo, bỗng dưng Khởi thốt lên:

- Nhìn con heo nó ngủ thấy cưng quá hén!

Rồi vợ chồng cùng nhìn nhau mà cười.

Khoảng thời gian sau, nghe mấy người ở xóm bàn tán về dịch cúm gì đó ở heo. Vợ chồng Khởi sinh ra lo lắng. Suốt thâu đêm, họ cứ ra vào mãi chỗ chuồng heo để theo dõi. Xem trên ti vi thấy người ta có tiêm phòng dịch bệnh cho đàn heo. Để yên tâm, Khởi bàn với vợ:

- Hay là mình đi mướn người ta chích phòng dịch bệnh cho con heo nhà mình. Em thấy có được hông?

- Ừa! Có như vậy thì chúng ta yên tâm hơn.

Khởi nhanh chân đến nhà anh Năm thú y đăng ký tiêm phòng ngừa dịch bệnh cho con heo. Trên đường đi, anh gặp bác Tám. Thấy Khởi cắm đầu cắm cổ đi, bác Tám liền hỏi:

- Bây đi đâu mà như ma đuổi vậy?

- Dạ! Con lợi nhà của anh Năm thú y.

- Đến đó để làm chi?

- Con đi đăng ký chích ngừa bệnh dịch cho con heo.

- Chèn đét ơi! Bây nuôi có một con mà đăng ký đăng kiết gì không biết nữa. Cứ mặc nó đi, ông trời cho bi nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.

- Nhưng mà, dù sao mình phòng ngừa trước vẫn tốt hơn chớ bác. Thôi con đi đây!

Mặc dù chưa có kinh nghiệm trong nuôi heo, nhưng con heo của vợ chồng Khởi nuôi rất khỏe mạnh và mau lớn. Thắm thoát mà con heo đã đẻ lứa đầu tiên, được cả thảy 9 con heo lận. Con nào con nấy trông rất mát sữa. Nhìn đàn heo con nhóc nhách trong chuồng, Khởi mừng trong dạ. Anh thầm tính:

- Đàn heo này đến lúc rã bầy, mình sẽ chừa lại một con cái để tiếp tục nuôi nái nữa. Tổng cộng là hai con nái. Số còn lại sẽ bán để lấy tiền làm vốn.

Với bản tính chịu thương, chịu khó, hy vọng tương lai không xa vợ chồng Khởi sẽ ăn nên làm ra nhờ vào đàn heo. Khi ấy chắc chắn họ sẽ nghĩ đến việc thực hiện ước mơ của mình.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh