Nhân mấy ngày nghỉ lễ, Quân rủ tôi về quê anh ấy chơi. Một buổi trưa trời nắng như đổ lửa, cái nắng gay gắt ấy khiến ai cũng ngại ra đường.
NGUYỄN VĂN DÔ
Nhân mấy ngày nghỉ lễ, Quân rủ tôi về quê anh ấy chơi. Một buổi trưa trời nắng như đổ lửa, cái nắng gay gắt ấy khiến ai cũng ngại ra đường.
Quãng đường về đến nhà Quân hàng trăm ky lô mét. Nhưng điều đó chẳng những không làm chúng tôi chùn bước, mà trái lại với tôi đây sẽ là một chuyến đi ý nghĩa và đầy thú vị nữa là đằng khác.
Quê của Quân ở tận Miệt Thứ. Từ TP Vĩnh Long, chúng tôi ngồi xe đò hơn 4 tiếng rồi tiếp tục bắt đò dọc đi hơn nửa tiếng đồng hồ nữa mới tới nơi. Điều khiến tôi thích thú là được ngồi trên chiếc đò dọc, được ngắm cảnh sông nước.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Ven hai bờ sông toàn là mắm và đước, những chiếc vỏ lãi chở hàng đi bán dạo, những tiếng rao, tiếng kèn cất lên như thể một chợ nhóm di động.
Người dân trên bờ chỉ cần nghe là biết họ đang bán những gì và nếu có nhu cầu thì xuống bến kêu họ tấp vào để mua. Họ bán đủ thứ, ai muốn mua cái gì cũng có. Từ những mặt hàng tạp hóa, những thực phẩm tươi sống, đến các món ăn… tất cả đều được bày bán trên sông.
Quân hiện tại công tác cùng tôi tại Vĩnh Long, lâu lâu có dịp nghỉ anh mới về thăm gia đình. Quân có hai anh em. Quân và người anh thứ hai tên Sỹ. Anh Sỹ thì không may mắn như Quân được học hành đến nên đến chốn.
Vì ba mất sớm nên anh chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ. Gia đình Quân có hai vuông với diện tích khoảng 30 công tầm lớn. Một vuông dùng nuôi tôm sú, một vuông thì cua. Tất cả đều một tay anh Sỹ lo liệu trong ngoài.
Anh Sỹ là người có làn da ngăm ngăm, thân hình cao ráo, bảnh trai và đặc biệt đã 35 tuổi mà chưa chịu lập gia đình. Khi vừa gặp tôi, dù mới gặp lần đầu nhưng anh Sỹ tỏ vẻ như đã quen biết từ lâu, anh nói một cách chân tình:
- Mấy ngày trước, thằng Quân nó gọi điện về nói “Năm nay lễ em được nghỉ 4 ngày lận. Cho nên em dự định về thăm gia đình, sẵn tiện rủ theo thằng Năm bạn em về chơi luôn”. Nghe nó nói vậy nên anh và má vui lắm!
Anh đếm từng ngày một trông mau đến ngày này đó. Mà thôi, tụi cưng đi đường xa chắc đã mệt rồi, vào trong tắm rửa thay đồ cho khỏe. Để anh đi làm mồi, chút nữa anh em mình lai rai nghen.
Nói xong, anh Sỹ còn bảo Quân xuống nhà sau ghim điện bơm nước, chỉ chỗ cho tôi tắm. Ở đây vùng nông thôn ven biển, không có nước máy, chỉ xài nước giếng khoan sâu hàng trăm mét dưới lòng đất. Trước đây, người ta bơm nước bằng thủ công, dùng tay gạt cái cần gạt lên, xuống để bơm lấy nước.
Nay thì khác, người dân dã dùng mô-tơ điện để bơm nước. Nước giếng trong leo lẻo, giữa buổi trưa trời oi bức, tôi múc từng ca nước xối lên mình. Cảm giác mát lạnh toàn thân, thật thoải mái và dễ chịu biết chừng nào!
Chẳng mấy chốc, anh Sỹ đã chuẩn bị mồi xong. Anh trải tấm bạt ngay dưới gốc cây tràm bông vàng ở bên hiên nhà, rồi bày thức ăn, rượu ra sẵn chờ chúng tôi.
Trời ạ! Nhìn xung quanh trên tấm bạt, tôi thấy toàn là những đặc sản của vùng quê, nào là tôm sú, cua biển, mực ống. Những con tôm sú, cua biển trong dĩa còn đang ngoe nguẩy càng, mực thì còn nguyên con tươi xanh; chính giữa để sẵn bếp cồn và xoong chứa nước dừa. Mọi thứ đang trong tư thế sẵn sàng.
Chúng tôi vừa vào chỗ ngồi, anh Sỹ liền lấy chiếc đũa tre, trở đầu và đâm vào cục cồn, rồi dùng “hột quẹt” châm lửa. Khi nồi nước sôi, anh bắt đầu cho từng món vào luộc. Đầu tiên anh cho tôm vào luộc trước. Phút chốc, những con tôm to đùng đã chuyển sang màu đỏ, anh Sỹ vớt ra dĩa, gấp cho tôi một con bự chảng.
- Nè! Cưng dùng đi, cứ tự nhiên như ở nhà mình nghen!
- Dạ!
Sau đó, anh Sỹ rót mỗi người một ly rượu, anh bảo mỗi người cầm ly lên và cụng nghe cái “cốc”. Nhìn anh Sỹ biết ngay là cao thủ, anh uống ngọt xớt, chỉ một hơi là hết rượu trong ly. Vừa uống xong ly đầu tiên, anh sực nhớ và nói với Quân:
- Nãy giờ tao quên kêu thằng Huy lợi chơi, để tao gọi nó coi nó có ngoài chòi hông!
Anh nhanh chóng vào nhà lấy điện thoại ra, vừa đi vừa bấm số gọi:
- A lô! Mày đang ở đâu vậy? Lợi nhà tao nhậu chơi, có thằng Quân và bạn nó về chơi nè!
Không biết đầu dây bên kia trả lời thế nào, mà tôi nghe anh Sỹ nói tiếp:
- Ờ, nhanh lên nghen mậy! Tụi tao chờ, trễ là cứ tính theo luật. Tao “bẻ cò” đó nghen mậy!
Một lát sau, Huy đến và cầm theo con cua biển bự chà bá lửa. Anh ta đưa cho Quân:
- Nè, tao vừa mới giở rập trong vuông được một con. Mày đem vào trong rửa cho sạch, luộc chấm muối tiêu chanh.
Thấy vậy, anh Sỹ lập tức nói với Huy:
- Thằng này, mày đến chơi là được rồi! Hồi sáng tao giở rập có được mấy con cũng trọng lắm, đang chờ luộc nước dừa nè!
Anh Sỹ cầm rổ cua giơ lên cho Huy xem, rồi anh tiếp tục quay sang nói với Quân:
- Vậy hổng ấy cưng mang hết cua này vào trong luộc bếp gas cho mau đi!
- Dạ!
Quân mang hết cua vào nhà bếp, lúc này anh Sỹ mới giới thiệu với Huy:
- Đây là thằng Năm! Bạn của Quân ở trên Vĩnh Long mới về chơi.
Huy đến gần bắt tay chào tôi. Xong anh ta đến chỗ ngồi và liền cầm ly rượu lên mời tôi một ly. Trò chuyện một hồi thì Huy bắt đầu tỏ vẻ thân thiện với tôi, đặc biệt khi biết cả hai cùng một tuổi - tuổi con Heo- thì anh ta mạnh dạn đưa ra đề nghị:
- Tui với anh cùng tuổi, Quý Hợi- con heo vàng đó nghen. Vậy thì mình kết ní hen!
Mặc dù tôi không biết từ “ní” có nghĩa là gì. Nhưng tôi thầm nghĩ và đoán chắc là nghĩa của nó cũng giống như anh em với nhau. Sau một lúc chần chừ, tôi liền gật đầu:
- Kết thì kết!
Nét mặt của Huy cười thật tươi. Khi được kết ní, anh lại tiếp tục yêu cầu:
- Từ rày về sau, ní có xuống miệt này thì cứ a lô cho tui nghen!
- Ừa!
Một lát sau, Quân mang cua ra. Khi ấy, tôm sú cũng luộc xong. Anh Sỹ sắp ra dĩa rồi tranh thủ luộc mực ống. Mực nguyên con còn tươi rói, anh cho hết mực vào nồi, đậy nắp kín lại anh bảo:
- Anh biết hôm nay mấy đứa về chơi nên anh dặn trước mấy anh ghe cào hổm rày lận. Anh mới đi lấy hồi sáng. Mực còn tươi rói luôn. Làm kiểu này ăn là số dách luôn!
Mực chín, anh gấp cho mỗi người một con. Nói thật, từ trước đến giờ tôi đã ăn mực cũng nhiều lần, nhưng lần nào ăn cũng đều được chế biến sẵn. Còn lần này, mực để nguyên con luộc, tôi do dự không biết ăn bằng cách nào? Có lẽ nhìn tôi, anh Sỹ như đoán được vấn đề nên anh liền chỉ dẫn:
- Cưng chỉ cần lấy cái mai ở trên lưng nó ra bỏ là ăn được!
Nhưng khổ nỗi, tôi lại không biết cái mai mực là cái gì và nó nằm ở chỗ nào, làm sao lấy ra bỏ?! Tôi nhìn xung quanh xem thử có ai ăn chưa để bắt chước làm theo. Nhưng ngặt nhìn qua, nhìn lại tôi thấy chưa có ai động tới món mực. Nên tôi cứ mãi chần chừ. Thấy vậy, anh Sỹ tiếp tục hướng dẫn. Lần này, anh thực hành lấy mai mực cho tôi xem.
Sau khi nhìn anh Sỹ làm, tôi đã biết cách lấy mai mực. Lúc tôi đang loay hoay tìm cách lấy mai mực thì bác Hai- mẹ của Quân- từ trong nhà bưng ra dĩa dưa bồn bồn. Bác ôn tồn bảo:
- Đây! Còn món đặc sản dân dã của vùng quê nữa nè! Thằng Năm đâu bây dùng thử xem món này thế nào!
- Dạ, con cám ơn bác!
Tôi vội đứng dậy và nhận lấy dĩa dưa bồn bồn. Tôi cố tình nhìn món đặc sản dân dã này thật kỹ rồi mới để xuống tấm bạt. Từ trước đến nay, tôi chỉ biết dưa bồn bồn qua ti vi, báo chí. Nay tôi mới được thấy tận mắt.
Nó trông thật hấp dẫn và lạ mắt. Tôi liền gấp một cọng dưa, chấm nước tương rồi đưa vào miệng ăn thử. Cọng dưa màu trắng, giòn, có vị hơi chua chua, béo béo và đặc biệt khi ăn có cảm giác ngon khó tả. Thấy tôi có vẻ thích món này nên anh Sỹ cứ thường xuyên gấp để vào chén cho tôi:
- Cưng cứ dùng tự nhiên, món này ở đây thiếu cha gì! Món này tự tay má làm đó!
Huy ngắt lời anh Quân:
- Một lát nữa tui dẫn ní đi tham quan cho biết cây bồn bồn hen. Sẵn đó qua bên chòi tui, tui giở cái nò bắt mớ tôm lên mấy anh em mình làm lai rai tiếp.
Rồi Huy quay sang nói với anh Sỹ:
- Chút nữa ba anh em qua chòi em nghen!
- Nhưng mà, ở đây còn rượu và mồi màng nhóc mà!
- Thì để đó đi! Bên chòi còn ít rượu chuối hột. Qua chòi tui bắt tôm khác nhậu. Mấy anh em mình phải chơi tới bến đêm nay để ăn mừng em vừa có được thằng ní.
- Ờ, đi thì đi!
Anh Sỹ và thằng ní tôi đúng là đội mạnh. Bốn người uống gần ngót 2 lít rượu đế mà hai người vẫn còn tỉnh queo. Còn tôi và Quân đều đã choáng váng. Nhưng tôi không thể nào từ chối lời mời của thằng ní. Tôi cố gắng lấy bình tĩnh để đi cùng mọi người ra chòi của Huy. Dù vậy, nhưng thỉnh thoảng đôi chân của tôi vẫn cứ đi loạng choạng.
Buổi chiều tà trên cánh đồng tôm rộng mênh mông nước, từng cơn gió nhẹ thổi ngang qua, những cơn sóng nhẹ vỗ vào bờ nghe anh ách, anh ách. Tôi dang tay rộng ra và hít thở một hơi thật sâu.
Trong người tôi nghe man mác và cảm giác thật là thoải mái. Trên bờ vuông tôm, dây điện giăng như mạng nhện, thấp tè, chỉ mắc tạm bợ trên những trụ bằng cây tràm nhỏ, thật nguy hiểm!
Đang xỉn mà nhìn thấy cảnh tượng ấy, tôi giựt mình rồi như tỉnh hẳn ra. Tôi đi rề rà, không dám bước. Anh Sỹ và Huy đi trước, Quân thì đi cạnh bên chờ tôi. Trên cánh đồng, xa xa có mọc lên cái chòi nho nhỏ. Có lẽ đó là cái chòi của người dân ở để giữ tôm, giữ cua. Khi chúng tôi đi đến một vuông có đám cây bồn bồn mọc, Huy mừng rỡ và liền đưa tay chỉ:
- Kìa, ní! Cây bồn bồn đó ní! Thấy chưa?
Tôi đưa mắt nhìn theo hướng Huy chỉ, tôi thấy những cọng cây màu xanh suôn đuộc, chúng mọc thành từng đám ở trong vuông tôm. Tôi đâm ra thắc mắc: Đó là cây bồn bồn sao? Nhìn giống hệt như cây lác dùng để dệt chiếu vậy đó. Thoạt đầu, tôi còn tưởng đó là cây lác nữa chứ.
Khi chúng tôi đến vuông tôm của thằng ní thì mặt trời đã khuất ngọn cây, Huy bảo tôi và mọi người vô chòi đợi. Anh cởi trần, mặc quần xà lỏn, tay xách cái bao nhảy “ùm” xuống vuông.
Thằng ní đi giở cái nò để bắt tôm lên nhậu. Anh Sỹ thì vô chòi ngồi, còn tôi và Quân đứng trên bờ nhìn Huy giở nò. Huy từ từ kéo đuôi nò lên, tôm lớn, tôm nhỏ đều có. Chúng búng đuôi nghe chanh chách ở chỗ đuôi nò. Không cần biết, Huy trút hết vào bao mang lên bờ rồi đưa cho anh Sỹ:
- Nè, anh đổ ra thau rửa lại cho sạch. Tui đi tắm cái vô liền!
Nói xong, Huy ra lu nước trước chòi xối liền mấy ca rồi vào đằng sau chòi thay đồ. Thằng ní tôi thật nhanh nhảu. Mới đó mà anh ta đã thay đồ xong, anh đang lui cui dọn chén đũa, bếp gas mini, làm muối tiêu chanh, rượu…
Cái chòi nhỏ xíu chỉ chừng vài mét vuông được lợp bằng lá dừa nước. Vậy mà trong chòi có đầy đủ dụng cụ nấu ăn, giường chiếu, cả ti vi nữa. Anh Sỹ rửa tôm xong mang vào thì Huy đã chuẩn bị sẵn tất cả. Khi đặt cái xoong lên bếp gas luộc tôm, Huy vẫn không quên lấy nắp đậy kín lại. Nước sôi nóng, mấy con tôm sú trong xoong búng nghe “lốc cốc, lốc cốc”.
Ngay sau đó, âm thanh ấy lặng đi cũng là lúc tôm dần chín. Nhìn những con tôm đỏ ao, rắn chắc trong xoong còn nghi ngút khói, Huy chọn một con tôm thật lớn để lột vỏ. Lột xong, anh không quên chấm muối tiêu chanh và cho vào chén tôi. Anh ân cần nói:
- Lâu lâu, thằng ní mày mới về xứ này chơi một lần, cứ ăn thoải mái! Đừng có mắc cỡ nghen!
Tôi cười khì:
- Ừa! Ní cứ để đó, tui tự nhiên!
Anh Sỹ tiếp lời:
- Về đây cái gì không có, chứ tôm sú, cua biển thì thiếu cha gì. Cưng cứ dùng thoải mái. Ở đây, tụi anh ăn hoài cũng sinh ngán luôn.
Huy đang bưng ly rượu uống nghe cái “chóc” rồi miệng cứ “hít hà” bảo:
- Đã thiệt!
Nhìn bộ dạng của Huy và anh Sỹ, tôi biết ngay là những kiện tướng về rượu. Dù biết là vậy, tôi vẫn giả đò hỏi:
- Ở đây chắc anh Sỹ và ní thường hay tổ chức nhậu lắm hen?
Anh Sỹ đưa đôi mắt tròn xoe nhìn tôi, anh trả lời:
- Ở xứ này, thanh niên trai tráng tụi anh ngoài thời gian làm việc (nuôi tôm, cua), hễ rảnh giờ nào thì cứ tổ chức nhậu giờ đó. Nhậu riết rồi cũng quen.
Huy tiếp lời anh Sỹ:
- Đôi lúc ở không, không có chuyện gì mần, buồn thúi ruột vậy đó. Tổ chức nhậu cũng thấy vui vui!
Nhìn ánh mắt tò mò của tôi, anh Sỹ phân trần:
- Ở trển, tụi cưng khi buồn hay những lúc rảnh rỗi thì còn có chỗ để đi chơi. Còn ở đây vùng quê, tụi anh đâu biết đi đâu bây giờ?! Cho nên, bọn anh chỉ biết nhậu mà thôi!
- Thôi, mình tập trung vào chuyên môn đi! Nhanh đi mấy cha! Hôm nay, mấy anh em tụi mình phải chơi tới bến luôn nghen mậy, ní?- Huy chen lời vào và đề nghị với tôi.
Tôi mỉm cười bảo:
- Dĩ nhiên. Nhưng tửu lượng tui yếu lắm, vui vẻ với mọi người được tới đâu hay tới đó nhe!
- Ô kê!- Huy đồng ý cái rụp.
Hứa thì hứa vậy, nhưng tôi thừa biết là mình không thể nào chống nổi họ. Tôi thầm nghĩ phải tìm cách “hoãn binh”, chớ uống đeo theo họ kiểu này chắc tôi quắc cần cầu sớm. Tôi viện lý do là đi ra ngoài để vệ sinh với mục đích là để kéo dài thời gian.
Lúc ấy, độ chừng bảy giờ tối. Tôi loạng choạng bước đi từng bước một, trong người tôi hiện đã lâng lâng, đầu óc choáng váng. Ngoài bờ vuông từng cơn gió thổi hiu hiu, hơi nước bốc lên hừng hực.
Người tôi bắt đầu có cảm giác lạnh, trong bụng cứ dợn lên từng cơn, từng cơn như sóng biển. Tôi biết mình sắp cho “chó ăn chè”. Tôi “ụa” một hơi mệt đừ người ra. Một lát sau, tôi quay trở vô chòi. Mọi người đang cười nói rôm rả bỗng chốc trở nên im re, không nói tiếng nào khi nghe tôi xin phép nghỉ.
Tôi biết vì tôi mà mọi người cụt hứng. Nhưng đành phải chịu, vì sức khỏe là quan trọng. Tôi ngả người lên võng. Có lẽ vì quá mệt, nên vừa mới lên võng là tôi đã ngủ thiếp đi. Quân cũng bắt chước than “mệt” rồi lên bộ vạt tre nằm nghỉ. Sòng nhậu giờ chỉ còn hai người, anh Sỹ và Huy. Vậy mà hai anh em vẫn cứ chén tạc chén thù không biết đến khi nào mới nghỉ nữa.
Đến sáng hôm sau, tôi giật mình thức dậy thì phát hiện mình đang ở nhà của Quân. Trời đất! Hồi tối mình xỉn quắc cần câu không nhớ về nhà hồi nào luôn! Tôi bước ra hàng ba thì thấy anh Sỹ áo quần ướt nhèm, đang bưng thùng mốp từ ngoài vuông đi vào. Anh cười tươi bảo:
- Tỉnh rồi hả cưng?
- Dạ!
Lúc này tôi định hỏi anh là hồi tối tôi về nhà bằng cách nào? Nhưng, tôi vừa thoáng nghĩ đã thấy e ngại và xấu hổ, nên không dám hỏi. Sợ anh Sỹ phanh phui ra chuyện hồi lúc tối, nên tôi đánh trống lãng:
- Anh đi giở nò mới về hả?
- Ừ!
- Nhiều hông anh?
- Cũng được bộn nè!
Anh Sỹ đặt thùng mốp xuống đất, giở nắp ra cho tôi xem.
- Chèn ơi! Nhiều quá hen anh!
- Nhiêu đây thì có hề hấn gì đâu. Có hôm còn gấp đôi, gấp ba lận.
Anh Sỹ đang nói, bỗng dưng nghe có tiếng rao của ai đó dưới sông. Anh Sỹ đậy nắp thùng mốp lại rồi kéo tay tôi, anh bảo:
- Đi! Đi xuống ăn sáng với anh!
Tôi theo anh xuống tới mé sông. Anh vẫy tay gọi to:
- Hủ tiếu! Hủ tiếu!
Chiếc tắc ráng liền tấp vào bờ. Thật không ngờ, chiếc tắc ráng nhỏ xíu mà bán đủ các món: hủ tiếu, bún riêu, bánh canh...
Thắm thoát mà thời gian trôi qua mau thật. Mới đó mà chúng tôi đến đây đã được ba ngày. Kỳ nghỉ lễ của chúng tôi cũng sắp hết. Tôi và Quân chuẩn bị đồ đạc để trở về Vĩnh Long. Từ sáng sớm, anh Sỹ đã vô sẵn hai thùng mốp gồm một thùng tôm sú và một thùng mực. Anh không quên đập nước đá ướp và dán keo thùng mốp cẩn thận. Anh bảo:
- Hai đứa mang về Vĩnh Long để ăn nghen.
Bác Hai đang cặm cụi trong bếp để tìm bọc ny lông để đựng mấy keo dưa bồn bồn. Bác cầm dưa bồn bồn đưa tận tay tôi rồi thỏ thẻ:
- Bây đi mạnh giỏi nghen! Dưa này tự bác làm đó. Con và Quân xách về trển mà ăn.
- Dạ, con cám ơn bác. Thưa bác con đi!
- Ừa! Mà Quân à, lên tới trển nhớ gọi về nghe con.
- Dạ, con biết rồi má. Thưa má con đi!
Lần này anh Sỹ xung phong lấy chiếc tắc ráng chở chúng tôi ra bến xe. Anh khiêng thùng mốp để xuống chiếc tắc ráng từ trước. Anh đang đợi chúng tôi dưới mé sông. Bỗng nhiên anh có điện thoại. Nghe xong anh bảo:
- Thằng Huy, nó kêu nán lại đợi nó một chút.
Thì ra thằng ní Huy gọi cho anh. Nhưng không biết nó kêu đợi có việc gì hay không.
Một lúc sau, Huy chạy đến. Tay xách toòng teng một xâu cua biển. Vừa bước xuống sàn nước, Huy nhảy tọt xuống vỏ, thở hồng hộc bảo:
- Tui đưa thằng ní ra bến xe nữa!
Đến bến xe, tôi và Quân từ giã anh Sỹ và Huy. Hai người tiễn chúng tôi lên tận bến xe trên chợ. Đang đi bổng Huy dúi xâu cua vào tay tôi thật nhanh rồi nói:
- Tui có mấy con cua biếu thằng ní ăn lấy thảo.
- Cám ơn ní.
Tôi và Quân chào tạm biệt một lần nữa. Chúng tôi lên xe. Thật may mắn, xe đang chuẩn bị rời bến. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế sau cùng. Chợ buổi sáng rất nhộn nhịp và đông người qua lại. Chiếc xe chạy đi một quãng đường, tôi ngoáy đầu nhìn phía sau thì thấy anh Sỹ và Huy vẫn còn đang dõi mắt theo chiếc xe của chúng tôi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin