Truyện ngắn: Tìm vàng

08:07, 29/07/2018

Bảy Búa. Chính xác là Nguyễn Văn Búa- tên cúng cơm của hắn. Hắn là kết tinh của một mối tình vụng trộm giữa hai người chênh lệch tuổi tác nhau khá xa. Mặc cảm tội lỗi và hổ thẹn, người đàn bà đã sanh ra hắn cuốn hắn vào chiếc chăn lông đặt trước sân chùa. Vị hòa thượng trụ trì nhặt hắn vào một sáng. 

Trần Quốc Cưỡng

Bảy Búa. Chính xác là Nguyễn Văn Búa- tên cúng cơm của hắn. Hắn là kết tinh của một mối tình vụng trộm giữa hai người chênh lệch tuổi tác nhau khá xa. Mặc cảm tội lỗi và hổ thẹn, người đàn bà đã sanh ra hắn cuốn hắn vào chiếc chăn lông đặt trước sân chùa. Vị hòa thượng trụ trì nhặt hắn vào một sáng.

Lúc đó hắn khóc không ra tiếng, da tím tái, khắp người kiến bâu đầy. Hắn lớn lên từ cửa thiền, đầu chừa miếng vá, mặc áo nâu sồng, chuyên cần đọc kinh phật. Nhưng lúc mười sáu tuổi hắn trốn biệt khỏi chùa, đi bụi đời.

Miệng lưỡi thế gian thật cay nghiệt. Không hiểu ai đã mách cho hắn biết về xuất thân của hắn. Nhiều đêm hắn trằn trọc: “Ta tu hành cho ai? Cầu phúc, cầu an cho hai kẻ tội đồ ham vui chốc lát rồi vứt ta ra giữa cõi đời này ư?” Hắn thấy ai cũng đê tiện, giả dối.

Từ ngày ra khỏi chùa, ban ngày hắn vất vưởng quanh chợ, đôi lúc lân la móc túi hành khách nhảy tàu. Ban đêm hắn co ro ngủ ngoài thềm nhà ga. Đi đêm riết rồi cũng có lúc gặp ma. Một lần móc túi khách xuống tàu, hắn bị đám thanh niên nọ bắt tại trận, cho ăn no đòn trước khi giao cho nhà chức trách.

Ra tù, hắn càng hung hăng hơn trước. Đám bụi đời ở khu vực chợ, đứa nào cũng kiêng dè hắn. Hễ làm trái ý hắn là bị hắn đánh nhừ tử. Hắn đắc ý câu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.

Vào tù, rồi ra tù… Hắn thấy mệt mỏi bởi cái vòng luẩn quẩn nhàm chán ấy. Ra trại, hắn biết về đâu ngoài cái nhà ga và cái chợ thị xã xô bồ, ồn ã ấy?

Một hôm, sau cuộc nhậu sương sương với bọn đàn em, hắn chợt hạ giọng:

- Tao nghĩ bọn mình không thể cứ đầu trộm, đuôi cướp mãi thế này. Phải tìm kế sinh nhai như bốc vác chẳng hạn. Tao xin thành lập đội bốc vác.

Cả bọn lao nhao:

- Hứ! Không được đâu đại ca ơi! Ban Quản lý chợ họ không bao giờ tin tưởng anh em mình đâu, chỉ hoài công, vô ích.

Có đứa còn khẳng định:

- Nếu Ban Quản lý chợ đồng ý cho mình thành lập đội bốc vác, dân tư thương cũng không bao giờ tin tưởng, thuê mướn chúng ta.

Một gã còn trẻ khoát tay chém gió:

- Cứ sống như xưa nay tốt hơn, đại ca.

Hắn dằn mạnh cái ly xuống bàn, rượu bắn tung ra ngoài, giọng nhát gừng:

- Tụi bay biết một mà chẳng biết hai. Tụi mình là dân anh chị ở cái xứ này, nay tình nguyện làm dân bốc vác chỉ có lợi cho họ, sao họ không đồng ý thuê mướn. Tụi bây ngốc vừa vừa thôi. Tao đã quyết, đứa nào không ủng hộ, tao xử theo luật rừng.

Thấy tình thế bất lợi, đám đàn em dạ rân:

- Tụi em không dám!

- Xin đại ca bớt giận!

- Chúng em xin nghe theo sự chỉ bảo của đại ca!

*

Thế là tháng sau, chợ thị xã hình thành đội bốc vác do Nguyễn Văn Búa làm đội trưởng. Tình trạng mất cắp ở chợ hầu như không còn nữa. Được tiêu xài đồng tiền bằng chính sức lao động chân chính của mình và không phải nơm nớp lo sợ, hắn thấy cuộc đời cũng không đến nỗi quá tệ. Nhất là bây giờ dân tư thương ở chợ gặp hắn ai cũng tay bắt mặt mừng và luôn miệng gọi: “Anh Bảy! Chú Bảy!” nghe thật sướng.

Một bữa, hắn đang loay hoay nhận hàng bốc vác thì Trưởng Ban quản lý chợ đét vào mông đít. Giật mình, quay phắt lại, hắn định đổ quạu, song nhác thấy cấp trên, hắn đổi giận làm vui:

- Anh Sáu thảnh thơi nhỉ?

Anh chàng Trưởng ban vỗ vai hắn,
cười nhẹ:

- Tối nay chú Bảy lại chỗ anh có chút việc nhé!

Hắn vểnh hàm râu mép như rễ tre lên:

- Có chuyện gì quan trọng không anh?

Sáu Thành nghiêm mặt:

- Có chớ. Cực kỳ quan trọng nữa là đằng khác. Hay là chú tạm nghỉ tay, anh em mình sang quán nước bên kia đường, ta bàn chuyện luôn.

Hắn chột dạ. Không hiểu chuyện gì quan trọng đến mức truyền đạt ngay. Hắn giành phần gọi nước đá chanh mời Sáu Thành, nét mặt lộ vẻ bồn chồn. Tợp ngụm nước, đánh diêm mồi thuốc, rít một hơi dài, nhìn một vòng, Sáu Thành mới khẽ khàng mở đầu câu chuyện:

- Chú Bảy! Anh muốn rủ chú đi tìm vàng.

Hắn ngẩn tò te, cười không ra cười, mếu không ra mếu:

- Tìm vàng? Anh Sáu nói chơi hay nói thật vậy?

Sáu Thành chồm hẳn người lên bàn, bóp chặt cổ tay hắn, nói như đinh đóng cột:

- Anh nói chuyện nghiêm túc đấy chú em. Chú có muốn tìm vàng với anh, hay để anh rủ người khác?

Hắn cũng chồm dậy, đôi mắt long lanh, giọng khe khẽ:

- Muốn quá đi chớ, nhưng tìm ở đâu, anh Sáu có thể nói cho em biết không?

- Trên đường Trường Sơn.

- Vàng ở Trường Sơn?

- Hồi đi bộ đội ở Trường Sơn tình cờ anh nhặt được một cà mèng vàng ròng chôn ở hốc núi.

- Nhưng đã hơn ba mươi năm rồi làm sao anh nhớ nổi nơi chôn giấu vàng?- hắn hỏi xong xẹp như cái bao bóng bị chọc thủng.

- Chú đừng vội nản chí. Nơi chôn vàng gần hòn núi có dáng hình rất đặc biệt, nhìn thấy anh sẽ nhận ra ngay.

Hắn miễn cưỡng đáp:

- Thôi được. Em sẽ đi với anh, nhưng thời gian và phương tiện thế nào?

Sáu Thành cười tươi như hoa nở trong sương sớm:

- Chú mày yên tâm! Anh đã tính kỹ đâu vào đó rồi. Tuần đến, anh sẽ xin nghỉ phép luôn cho chú. Ta đi bằng xe máy. Lương thực, tiền nong anh lo tất, được chưa anh bạn?

- Dạ, tốt quá còn gì- hắn cười phô chiếc răng khểnh trông thật đáng yêu.

*

Chiếc Citi đỏ mạnh như ngựa chiến thời trung cổ. Chủ của nó là tay lái rất cừ, phóng ào ào trên đường Trường Sơn gió bụi. Hắn ngồi sau gợi chuyện giết thời gian:

- Anh Sáu kể chuyện chiến đấu ở Trường Sơn nghe chơi.

Sáu Thành hăng hái gào át tiếng gió:

- Gian khổ và ác liệt, chú nên hiểu điều ấy. Đường đang thông xe, bỗng dưng một quả bom từ trên trời rơi xuống… oành!!! Giữa đường biến thành cái hố sâu hoắm. Nam nữ thanh niên xung phong ào ra, kẻ xẻng, người cuốc san lấp rào rào là chuyện thường ngày. Giữa đêm hôm khuya khoắt, một quả bom rơi xuống… oành!!!

Đất cát tung tóe. Có những người vùi mất xác là chuyện thường ngày. Ngày này sang ngày khác bom napan rải thảm. Đứa nào còn sống cũng cháy da, bỏng thịt. Chất độc màu da cam rải xuống, cây rừng trụi lá.

Chưa kể bọn thám báo, biệt kích ập tới gây thương vong không biết lúc nào. Bộ đội Trường Sơn hành quân bị sốt rét rừng, da tái, tóc rụng. Có những người vĩnh viễn nằm lại trong rừng, khi phát hiện chỉ còn là bộ xương khô trên chiếc võng…

Chợt nghe có tiếng chim lợn bay ngang kêu thảng thốt, Bảy Búa- một kẻ từng có thời đánh đấm không chùn tay chợt hoảng hốt:

- Thôi, anh Sáu! Đừng kể nữa nghe rùng rợn lắm! Sắp đến nơi chưa anh? Sao lâu quá vậy?

- Sắp đến nơi rồi. Chú chuẩn bị tinh thần. Khi có vàng rồi chú chớ hại anh…

- Tội nghiệp em, anh Sáu ơi! Anh từng bảo lãnh em; một kẻ giang hồ bất hảo vào làm Đội trưởng đội bốc vác. Rồi anh đứng ra tổ chức cưới vợ cho em. Giờ em có nhà cửa, vợ con đàng hoàng như ai. Công ơn ấy em biết lấy chi đền đáp mà lại nghĩ đến chuyện hại anh. Chỉ có loài cầm thú…

Sáu Thành cười ha hả:

- Anh đùa tí chút, chứ không tin chú đời nào anh dám rủ chú đi theo, đúng không?

Nơi họ dừng chân là con đường cong, một bên có tảng đá khổng lồ hình tháp. Sáu Thành cho xe chạy vào rừng, tắt máy. Anh trở ra nhắm giữa đỉnh tảng đá, bước sang bên kia đường đúng hai mươi sải chân, nét mặt anh bừng sáng:

- Đây rồi! Ta bắt đầu đào đi chú.

Hắn vồ vập:

- Đúng chỗ rồi hở anh Sáu? Anh em mình giàu to rồi!

- Không thể nào nhầm được, chú hãy tin anh!

Hai người hì hục đào quên mệt. Khi nắng bắt đầu tắt sau dãy núi, miệng hầm to dần. Hắn bắt đầu thoái chí:

- Có đúng chỗ này không anh Sáu? Sao đào mãi không thấy?

- Chú đừng nôn nóng, cứ tiếp tục đào đi.

Sáu Thành động viên hắn, nhưng trong lòng anh cũng thấy lo ngai ngái. Hắn dang hai tay bủa những nhát cuốc như trời giáng, sỏi đá tóe lửa. Bỗng chiếc võng ny lông hiện ra. Hắn mừng quýnh, nhảy đại xuống hầm, dùng hai tay kéo mạnh chiếc võng và la thất thanh:

- Ối! Trời ơi!

Trước mắt hắn là bộ xương người trắng hếu. Sáu Thành òa khóc:

- Tùng ơi! Tao tìm được mày rồi! Bấy lâu mày nằm ở đây một mình lạnh lẽo lắm phải không?

Hắn nhảy lên khỏi hầm, miệng há hốc:

- Anh Sáu, sao thế này?

Sáu Thành mếu máo:

- Chú Bảy ơi! Hãy tha thứ cho anh! Anh đã gạt chú. Chỉ có cách này chú mới giúp anh tìm được đồng đội.

Hắn bắt đầu hiểu ra, đứng trên miệng hầm, đầu cúi xuống, hai tay buông thõng:

- Em không giận anh, mà kính trọng anh hơn. Anh đã giúp em làm một điều có ý nghĩa nhất trên đời này.

Đêm ấy, ở rừng Trường Sơn có hai người thao thức. Họ nghe từng chiếc lá khẽ khàng rơi. Bên chiếc ba lô đựng hài cốt của đồng đội Sáu Thành có hai ngọn đèn bạch lạp (nến) và bó hương tỏa đỏ rực. Mùi hương ngào ngạt. Bỗng nhiên, hắn ngồi xếp bằng, chắp hai tay trước ngực, mắt nhắm nghiền đọc kinh. Giọng đọc của hắn nghe buồn thảm, xốn xang lòng người. Nước mắt Sáu Thành giàn giụa.

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh