Chiếc máy koler đã quá tuổi khọt khẹt khịt ra từng ngụm khói đưa chiếc ghe xuôi về miệt thứ. Dòng kinh hiền hòa băng mình chia cánh rừng làm hai nửa. Hai bên bờ kinh, bần ổi tỏa tán lá xanh rì lô nhô ra mặt sông.
HOÀNG KHÁNH DUY
Chiếc máy koler đã quá tuổi khọt khẹt khịt ra từng ngụm khói đưa chiếc ghe xuôi về miệt thứ. Dòng kinh hiền hòa băng mình chia cánh rừng làm hai nửa. Hai bên bờ kinh, bần ổi tỏa tán lá xanh rì lô nhô ra mặt sông.
Mùa bần ổi chín muồi, thơm lựng, ong mật từng bầy kéo nhau bay về chọn nơi nghỉ cánh. Giữa rừng, ai đó đốt củi ung than nực nồng mùi gỗ mặn tỏa khói bay lên trời. Ráng chiều lơ lửng. Sương ôm thằng cu ngồi trước mũi ghe, đăm đăm nhìn từng vạt lam chiều rớt trên mặt sông, lòng ngẩn ngơ buồn.
Sương định bụng về quê chuyến này, vợ chồng Sương sẽ trụ lại mảnh đất quê hương, sẽ không để đất phải bơ vơ những tháng ngày hả cổ đòi một giọt phù sa hiếm hoi trôi vào lòng đất mẹ. Tam ngồi sau ghe bẻ lái.
Sương đưa tay vuốt lại mớ tóc rối bay ngang trán, nói vọng:
- Chuyến này mình ở lại luôn, không đi đâu nữa!
- Mình liệu sao thì tui ưng vậy.
Lòng Tam vời vợi những nỗi niềm. Ngày trước, Tam nghĩ về những chuyến đi, về một miền “đất hứa” mà Tam chưa một lần mường tượng đến trong đoạn đầu cuộc đời. Tam chắc mẩm ở một vùng đất xa xôi nào đó, Tam sẽ chăm chỉ làm lụng, vợ Tam lo chuyện lặt vặt trong nhà.
Rồi thì Sương sẽ sinh cho Tam một thằng cu tí bụ bẫm, khỏe khoắn giống ba và có duyên giống y như mẹ của nó.
Hồi đó, Tam ấp ủ cả một trời mơ ước, hy vọng cuộc sống sẽ không còn những tháng ngày đói không được ăn, lạnh không được ngủ, vợ Tam sẽ không phải vội vã gom hết xô chậu trong nhà ra hứng nước mỗi lúc trời mưa rồi nằm co ro cúm rúm trong buồng thấy mà thương.
Sương vừa sinh xong đứa con đầu lòng, nhau rốn chôn dưới đất còn tươi rói, vợ chồng Tam dắt díu nhau đi. Mảnh đất quê đêm ngày rên xiết lùi lại sau con thuyền rồi khuất hẳn trong mấy rặng tre.
Khói trắng lởn vởn trên mặt sông ùa vào khoang thuyền, thằng cu ngồi lấy tay dụi mắt. Sương kéo thằng nhỏ vào lòng, di di bàn tay trên bờ lưng của nó.
- Bao giờ mới tới hả má?
- Lát nữa thôi con. Cu đói à?- Sương vừa hỏi vừa xoa xoa đầu thằng nhỏ.
- Dạ, hơi đói- thằng cu lí nhí.
Sương kéo thằng cu vào ngồi trong mui ghe, lúi húi nhen lửa. Khỏa nước sông vo gạo, nấu cơm. Thằng cu ngồi yên, nhìn nồi cơm sôi sùng sục trên lò, nó cười giòn rụm. Chiếc ghe chòng chành, sóng nước vô tri tựa hồ như vỗ về chiếc ghe đưa ba con người trở về quê cũ.
Cũng đâu đó trên quãng sông quen thuộc này, ngày xưa má Sương đánh rơi “đứa nhỏ” trên dòng nước xiết. “Đứa nhỏ” xấu số chưa kịp tượng hình nói chi là oa oa cất tiếng khóc chào đời, chỉ là một chút dịch nhầy có màu đỏ hỏn, bê bết rồi tan vào lòng sông vô định.
- Dừng một chút đi mình. Vào đây ăn cơm cho nóng.
Tam lấy sợi dây cột lái ghe vào gốc cây bần già. Trên cành trái chín, mùi thơm ngọt mặn tỏa ra bay là là mặt sông. Thằng cu vớ được trái bần, chui tọt ra ngoài mũi ghe ngồi nhai nhóp nhép.
- Bỏ đi con, ăn nhiều đau bụng.
Thằng cu nghe lời má, quăng trái bần xuống sông, nước bắn tung tóe. Tam vào mui thuyền ngồi thở dốc chờ Sương hâm lại nồi cá chốt kho sả. Mồ hôi trán, mồ hôi lưng rịn ra chảy ròng ròng trên tấm lưng vạm vỡ ngăm ngăm màu mưa nắng. Cá nóng, họ ngồi trong mui ghe vừa ăn vừa rôm rả nói cười. Sương vẽ cái trứng cá to tướng bỏ vào bát thằng cu. Nó cười híp mắt.
Cơm xong. Tam nằm nghỉ lưng một lát rồi giựt máy cho ghe đi tiếp. Trên trời văng vẳng tiếng chim vịt réo gọi buổi chiều quanh quất đâu đây, màn đêm mờ mờ bao phủ. Sương bật lửa đốt cây đèn trứng vịt đặt ngoài mũi ghe rồi chui vào bên trong nằm dỗ con ngủ. Thằng cu lạ chỗ trằn trọc mãi, Sương hát hết bài này đến bài khác thằng nhỏ mới chợp mắt.
Những bài hát này, ngày xưa má thường hát ru cho Sương ngủ mỗi bận đi đồng về. Đâu đó trong rừng vọng lại tiếng mẹ ru nghe mà ấm lòng: “Hò ơi… Má ơi con vịt chết chìm. Con thò tay vớt… con cá lìm kìm nó đớp tay con…”. Tự dưng mắt Sương ươn ướt.
* * *
Ghe về tới xóm thì trời cũng vừa hừng rạng sáng. Mặt trời một nửa nhô lên đỏ rực, bầu trời và mặt đất chia nhau làm hai miền cắt hình rõ rệt vạch một đường chân trời xa xôi tít tắp.
Sương vừa kịp ngắm bình minh trên chính quê hương của mình. Chiếc ghe xé sóng lướt băng băng trên dòng kinh nước dớn rừng chảy ra đỏ màu trái sắn. Quãng sông quen thuộc này, ngày xưa má từng chèo chống chiếc xuồng chở chị em Sương xuôi về trăm ngả, má gọi là “nhánh lẻ dòng sông”.
Lạ thiệt, sông nước chằng chịt, nhánh nào cũng như nhánh nấy, cũng ô rô, cóc kè, mua mua bủa vây tứ phía, vậy mà má nhớ không sót một chỗ. Rạch nào là rạch Bần Ổi, rạch Ô Rô, kinh Sài Gòn… má bảo: “Sống trên sông nước riết rồi quen”.
Bây giờ má mất, chị gái lấy chồng xa rồi cũng biền biệt phương trời, mấy mùa bìm bịp kêu nước ròng nước lớn mà chị đâu trở lại?
Xóm rồi sẽ khác.
Người ta đồn sẽ có con đường bê tông chạy ngang qua xóm, rồi chính quyền xã sẽ cho xây cầu, đắp đường, xây trường học, trạm xá,… Trẻ con sẽ không thất học, người bệnh cũng không còn nằm ở nhà ho khan chờ ngày tận số.
Quê rồi sẽ khác. Những dự án ấy mới chỉ là kế hoạch, vậy mà người xóm háo hức, rôm rả bàn tán, nói nói cười cười. Bấy giờ, họ không còn phải khổ sở vì cảnh quanh năm làm lụng rớt mồ hôi hột mà chẳng đủ miếng ăn. Nỗi buồn tan biến, họ chỉ còn nghĩ đến niềm vui, đến cái viễn cảnh đầm ấm tươi sáng. Sự sống hồi sinh trên mảnh đất khô cằn, nức nẻ.
Ruộng đồng trù phú, cây cối tốt tươi hả hê vươn cành lá hứng nước mưa, rồi thì cây sẽ cho quả ngọt trái lành, thương lái ra vào dập dìu, nườm nượp.
Nghĩ đến điều ấy, tự nhiên họ vui, cảm thấy cuộc đời vô cùng đáng sống. Mà quý giá hơn là sống trên chính mảnh đất quê hương của mình. “Đất của mình, mình ở. Chết cũng không bỏ đất mà đi. Không đâu tốt bằng quê mình…”- Họ chắc chắn như thế.
Chiếc ghe vừa cập bến thì trời sáng hẳn. Bến quê bao mùa vẫn thế, vẫn cái doi đất thân thuộc tháng năm phù sa bồi đắp nhô hẳn ra mặt sông, và mấy cội bần già đứng nghiêng nghiêng thân mình như tiễn đưa, như đón đợi.
Bến giờ tấp nập, những chiếc ghe từ trăm ngả sông xuôi về neo đậu bến quê. Mấy chiếc ghe chở mít chở bưởi, xoài, vú sữa, khoai lang, khoai tím,… từ các miệt Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp chọn bến quê làm điểm dừng chân.
Tam lấy sợi dây cột ghe vào bến nước, nhảy lên bờ, đứng chắp tay sau lưng hít một hơi thật dài rồi thở phào nhẹ nhõm. Thằng cu dụi dụi con mắt còn chưa tỉnh ngủ, miệng ngáp oai oải:
- Tới rồi hả má?
- Ừ, tới rồi con. Ra đây coi nè. Quê mình đó con!
Thằng nhỏ lồm cồm bò dậy chui ra khỏi mui ghe. Nó đứng chống nạnh trên mũi ghe. Những tia sáng Mặt trời trên mảnh đất quê hương rọi vào đôi mắt trẻ thơ sáng rực. Tự nhiên nó nhoẻn miệng cười. Trí óc trẻ thơ chưa hiểu được rằng nơi đây ngày xưa, ba má nó, ông bà nó từng có những tháng ngày cơ cực, tù túng và đói nghèo đến nỗi phải dứt ruột bỏ đất mà đi.
Cũng chính tại nơi này, khi thằng cu oa oa cất tiếng khóc chào đời, má nó cắt đứt nhau rốn, gói kỹ trong chiếc hộp gỗ rồi chôn vào lòng đất mẹ. Đất quê sẽ di dưỡng dung hòa mạch nguồn yêu thương đong đầy tình nghĩa.
Với thằng cu, quê hương sẽ là nơi gia đình nó trụ lại trong đoạn sau cuộc đời, ở đó nó sẽ được đi học, sẽ bi bô tập đọc cùng bạn bè bài học đầu tiên trong cuộc đời- bài học làm người. Ở đó có bữa cơm gia đình thơm ngon, có bàn tay yêu thương của má vỗ về nó mỗi khi màn đêm buông xuống.
Sẽ không còn những tháng ngày lênh đênh trên những nhánh sông miền Tây vô định. Má bảo sông nước cũng có linh hồn, sông bao đời cưu mang con người và bất cứ lúc nào sông cũng có thể cướp đi của con người những điều quý giá nhất…
- Lên bờ đi con.
Sương ôm ngang eo thằng cu, đưa nó lên bờ. Ba con người dắt tay nhau về xóm, về hướng Mặt trời đang chiếu rọi những tia sáng ban mai ngày mới, cuộc sống mới và niềm vui mới đang nhảy múa như những hạt phù sa ngọt ngào trong lòng đất. Sương xúc động nhận ra mảnh vườn xưa. Ngôi nhà đã mất, thời gian, mưa nắng và những cuộc san lấp liên miên xóa tên ngôi nhà thân yêu khỏi vùng quê yên ả thanh bình.
Đất còn. Nhà mất thì mình dựng lại.
Rồi đất sẽ nở hoa. Ngày mai, Tam sẽ dọn hết đồ đạc dưới ghe lên bờ. “Không đi đâu nữa mình ạ, ở đây luôn!”- Tam nói sẻ. Tam sẽ vào rừng chặt cây dựng nhà, Sương chằm lá lợp nhà.
Căn nhà mới sẽ là chỗ che nắng che mưa, ở đó có mùi cơm thơm dẻo, có ngọn khói lam chiều vắt vẻo triền sông. Ở đó có tiếng nói cười trẻ thơ, có những đêm Sương trông ngọn đèn dầu dạy con tập đọc, tập viết.
Thằng cu sẽ vui vẻ đón nhận cuộc sống mới mà ba má nó xây đắp, rồi ngày mai, má dắt tay nó đi trên con đường bê tông bóng loáng đến trường. Ngôi trường mới xây trên nền đất mới nép mình bên bờ sông Cái.
Tam bảo:
- Tui sẽ làm lại mảnh vườn, chỗ kia- Tam trỏ tay- tui sẽ dựng chuồng dê chuồng bò, cạnh bờ mương tui sẽ trồng thêm hàng gòn cho dê ăn lá, đến mùa mình hái quả bán bông. Mình sẽ trồng rau trồng bí, nuôi gà, chắt mót tằn tiện ít năm chắc cũng xây được nhà. Mình nhắm vậy có ổn không?
Sương ôm thằng cu vào lòng.
- Mình tính vậy cũng được. Trời thương cho vợ chồng mình khấm khá, ba má nằm dưới đất cũng an lòng…
Phía chân trời ánh lên một màu hồng rực rỡ, đầm ấm.
Bỗng dưng Tam cúi mặt xuống đất, vốc nắm đất mặn mòi phù sa trong tay, áp lên ngực. Nhắm mắt. Má con Sương cũng bắt chước theo Tam. Như ôm cả lòng đất mẹ vào lòng cho thỏa niềm mong nhớ.
…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin