Sang tháng mười, sau tiết lập đông thì gió chướng bắt đầu thổi rong ngọn, mang luồng sinh khí mới cho vạn vật và con người. So đũa trổ bông, đậu rồng kết trái, các loại rau màu cũng được bà con nông dân gieo trồng để cung ứng cho thị trường ngày tết.
TRƯƠNG HOÀNG MINH
Sang tháng mười, sau tiết lập đông thì gió chướng bắt đầu thổi rong ngọn, mang luồng sinh khí mới cho vạn vật và con người. So đũa trổ bông, đậu rồng kết trái, các loại rau màu cũng được bà con nông dân gieo trồng để cung ứng cho thị trường ngày tết.
Hòa cùng không khí vui tươi, nhộn nhịp đó, bọn chim cu cũng cất tiếng gáy vang, ngân nga trong gió báo hiệu mùa xuân mới sắp về, “Cu kêu ba tiếng cu kêu. Trông mau tới tết dựng nêu ăn chè”.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Thắm thoát mà đã hăm ba tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về trời, cũng là ngày con cháu phủi mộ ông bà cha mẹ quá vãng cho sạch sẽ, sáng sủa để đón tết, mừng xuân.
Làm xong nhiệm vụ thiêng liêng, ông Nho vào sân nhà, đứng chắp tay sau đít ngắm nghía hàng chục chậu hoa vạn thọ xanh um, vương nụ tua tủa, chờ ngày nở rộ chào xuân. Hoa là món hàng trang hoàng nhà cửa không thể thiếu trong dịp tết đến xuân về. Mỗi năm, ông và các con mua hàng chục chậu.
Để giảm bớt chi phí, ông đã tìm tòi học hỏi cách gieo trồng, chăm bón, “tự sản tự tiêu” và đây là thành quả. Tuy là tay nghiệp dư nhưng những chậu hoa của ông không thua của những người làm nghề chuyên nghiệp.
Bé Ngôn từ trong nhà chạy ra kêu ông Nho:
- Nội ơi! Vô có khách…
Ông quay đầu nhìn lại, hỏi:
- Ai vậy con?
Thằng bé lắc đầu:
- Con hổng biết?
Ông Nho cùng cháu nội đi vào nhà. Trong nhà, hai người khách đang chuyện trò với bà Nho trên sa lông. Một người đàn bà trạc bốn mươi ngoài, nhan sắc còn khá mặn mòi, môi son, má phấn, mày xăm, mắt vẽ, ăn mặc đúng mốt, tóc nhuộm đen mượt, óng ả như khi còn xuân xanh.
Một thanh niên ngoài hai mươi, mặt mày sáng sủa, thân thể cao ráo chắc khỏe, tóc hớt ngắn, ăn mặc chỉnh tề, áo bỏ trong quần, đi giày tây đen, vớ màu cứt ngựa. Bà Nho dặn bà khách đừng nói mình là ai để coi ông ấy nhận ra không.
Ông Nho bước vào nhà, gật đầu chào hai người khách. Họ đứng lên chào lại. Ông vừa ngồi xuống ghế thì vợ ông chỉ bà khách, vui vẻ hỏi:
- Biết ai đây không?
Ông Nho đưa mắt nhìn bà khách lom lom, nhíu mày suy nghĩ. Bà ấy cũng nhìn lại ông, miệng cười thật tươi. Thấy ông không nhớ ra, bà khách ngọt ngào, thân mật:
- Em là Lan nè! Lan con bà Tám Đài đó, nhớ chưa?- Bà khách chỉ anh thanh niên- Đây là Phước, con trai em và anh Trung.
Ông Nho vỗ tay lên thành ghế, mừng rỡ:
- À! Cô Lan! Hèn chi nãy giờ tôi cứ nhớ mài mại, cố moi óc nhưng không biết là ai, tên gì, ở đâu. Già rồi lú lẩn, xin lỗi cô nghen!
Bà Lan lắc đầu:
- Đâu có chi! Xa nhau hơn hai chục năm rồi còn gì? Hồi đó hai người còn trẻ, bây giờ tóc đã pha sương, lại không còn ở chung xóm, không một lần gặp nhau, mới gặp lại lần đầu thì không nhớ là chuyện đương nhiên, lỗi phải gì, anh Hai? Hồi nãy em còn không nhớ chị Hai nữa là. Còn anh thì em không bao giờ quên.
- Cô về hồi nào? Cô Tám khỏe không? Về có việc gì không?
- Mới sáng nay. Má em vẫn khỏe. Về tảo mộ ba em, nhân tiện thăm anh chị và cậu Bảy mới hay cậu mất. Nhớ lại chuyện xưa, chính em mới là người có lỗi… Cái ơn tái tạo của anh chưa trả được mà ra đi biền biệt mấy chục năm trời không một lần về thăm anh chị và thắp cho cậu Bảy một nén nhang. Nếu lúc đó…
Bà Lan xúc động nghẹn ngào, hai hàng nước mắt lăn dài trên má, nói không nên lời. Ai nấy đều lặng thinh, thổn thức.
***
Hơn hai mươi năm trước, Lan ở cùng xóm với Nho, cách nhau khoảng năm chục thước. Nho lớn hơn Lan hai tuổi, học trên hai lớp. Hai người thân nhau từ nhỏ, những ngày thứ bảy chủ nhật nếu Nho không đến nhà Lan chơi thì Lan đến nhà Nho.
Lan mồ côi cha năm bốn tuổi, ông ấy chết vì bom đạn chiến tranh, má cô ở vậy nuôi con đến giờ. Cô đẹp gái từ hồi còn bé, lớn lên càng mặn mà. Vài thanh niên trong xóm trồng cây si, trong đó có Nho.
Tuy nhiên, Lan lại coi Nho như người bạn như những thanh niên khác, không có cảm giác tình yêu. Người cô yêu là Trung ở xã lân cận cùng làm chung với Lan và Nho trong công trình xây cất trường học.
Nho thất vọng, buồn bã, định xin nghỉ làm để tránh cái cảnh phũ phàng, ngang trái là ngày nào cũng nhìn ngắm người yêu, chuyện trò, đùa giỡn, gần gũi trong gang tấc nhưng tình lại cách xa nghìn trùng, vuột khỏi tầm tay.
Một người bạn động viên “Con gái như bông hoa trên cành nếu chưa bị ai bẻ thì mình vẫn có quyền bẻ. Con Lan cũng vậy. Nó với thằng Trung mới yêu nhau chưa thành vợ chồng thì mầy có quyền tán tỉnh chinh phục. “Đẹp trai không bằng nói dai”.
Đừng nản chí. Hãy cố lên. Chiến thắng chỉ thuộc về người kiên trì nhẫn nại”. Tuy nhiên, Nho cố gắng hết mình mà vẫn công cốc, như dã tràng xe cát biển Đông nên chấp nhận thua cuộc, rút lui.
Lan và Trung yêu nhau tha thiết. Tình yêu của họ đẹp như những gì họ đang xây dựng. Hai trái tim như hai nốt nhạc xanh cùng hòa nhịp đập trong giai điệu nồng nàn ngọt lịm của bản tình ca. Họ thường hẹn hò, đưa nhau đi chơi vào những đêm trăng thanh gió mát và quyết định đi đến hôn nhân sau khi hoàn thành công trình.
Nhưng, Trung trúng tuyển nghĩa vụ quân sự nên ước nguyện của họ không thành. Đêm chia tay tiễn biệt, Lan đã trao trọn mối tình đầu cho người yêu làm hành trang vào đời và hứa đợi anh về. Sau đó Trung được điều sang công tác tại chiến trường K và… Lan có thai.
Con gái chửa hoang chẳng những bị người đời dè bĩu cười chê mà còn bị hàng xóm, bạn bè ghẻ lạnh, tránh xa. Trong mắt họ, Lan thuộc loại “mèo mả gà đồng” xấu xa đê tiện. Lan cố nén hờn tủi khổ đau vào lòng và chỉ biết viết thư tâm sự cùng Trung.
Anh hồi âm khẳng định lòng chung thủy của mình bằng một đoạn ngắn gọn: “Em yên tâm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ anh sẽ về đưa ba má tới hỏi cưới em. Hãy lo cho sức khỏe và chăm sóc con thật tốt em nhé.
Anh cũng đã có thư cho ba má biết chuyện của chúng mình. Cố gắng nhẫn nhục chờ đợi anh về”. Những lời lẽ nhiệt tình của Trung là nguồn năng lượng to lớn vừa sưởi ấm vừa tiếp thêm sức sống, động lực cho Lan xua tan nỗi cô đơn lạnh lẽo trong lòng.
Phần Nho, mặc dù con đò đã rời bến cũ nhưng cây đa vẫn lưu luyến tình xưa, cứ đưa mắt dõi theo bóng dáng con đò. Khi thấy nó bị sóng dồn gió dập chòng chành, nghiêng ngã, cây đa đau xót, lấy thân mình cho nó dựa vào, cũng như con cá voi làm chỗ dựa cho tàu thuyền đánh cá của ngư dân ngoài biển khơi khi gặp sóng to gió lớn.
Nhất là sau khi Trung hy sinh ở chiến trường K thì Lan như thân cây bị rung lắc dữ dội, bật gốc rễ, sắp đổ sụp trước trận cuồng phong.
Nho lại nhanh chóng chạy đến nâng đỡ nó lên và chăm sóc tưới tẩm nó mới đứng vững lại được. Người đời xấu mồm xấu miệng nói Nho muốn “hốt ổ”, mua một thành hai! Nho bất chấp, coi như gió thoảng qua tai.
Khổ đau chất chồng đau khổ, lại bị thai hành ăn uống không được, Lan suy sụp cả thể xác lẫn tâm hồn, tiều tụy, ốm o gầy mòn như cây sậy, thường hay đau yếu khi trái gió trở trời. Tuy nhiên, hậu quả không dừng ở đó mà còn ảnh hưởng đến việc sanh nở. “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”.
Đến ngày ấy, Nho lại tình nguyện đóng vai người chồng hờ, đưa Lan đi bệnh viện. Chiều hôm đó, Lan chuyển dạ kèm theo những dấu hiệu ớn lạnh, nặng ngực khó thở, nhịp tim đập nhanh, co giật, các bác sĩ chẩn đoán, xác định Lan bị thuyên tắc mạch ối.
Bệnh này hiếm xảy ra nhưng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong, các bác sĩ phải chỉ định đẻ chỉ huy (mổ). Nhờ phát hiện sớm, cấp cứu nhanh chóng, kịp thời nên ca mổ thành công, “mẹ tròn con vuông”. Nho lại ra tay nghĩa hiệp, bao toàn bộ chi phí, thuốc men mà còn hiến một đơn vị máu cho Lan.
Khi thằng Phước hơn một tuổi, Lan bồng nó về trình diện ông bà nội và các cô chú bác để nhận lại tổ tông.
Do biết trước chuyện của Lan và Trung, thằng bé lại giống cha như đúc nên họ chấp nhận con dâu và cháu nội, coi như định mệnh an bày. Họ còn tạo công ăn việc làm cho Lan và bảo cô dọn nhà về bên ấy cho họ được gần gũi cháu nội và tiện việc thờ cúng Trung. Ở được vài năm, Lan có chồng khác, lập nghiệp trên Sài Gòn.
***
Bà Lan rút khăn lau nước mắt, dằn cơn xúc động, nói tiếp:
- Lúc đó cuộc sống đối với em hoàn toàn vô nghĩa, tuyệt vọng, nếu không có anh mẹ con em làm gì có được ngày hôm nay?
Anh là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã cứu vớt em thoát qua cơn khổ nạn, đem mùa xuân an lạc hạnh phúc cho mẹ con em và em đã nâng niu, gìn giữ nó đến tận bây giờ. Đối với em, đó là cái phước rất lớn cho nên em đặt tên con là Phước.
Ông Nho nhìn Phước, hỏi:
- Cháu năm nay bao nhiêu tuổi rồi, còn đi học hay đã đi làm việc?
Phước lễ phép thưa:
- Dạ! Con năm nay hăm bốn tuổi, là bộ đội công tác tại Ban chỉ huy quân sự huyện nhà, thưa cậu.
Bà Lan chen vào:
- Tốt nghiệp trung học phổ thông nó không chịu thi đại học mà quyết chí nối nghiệp của cha, đăng ký nghĩa vụ quân sự, hiện mang quân hàm trung sĩ.
-Ồ! Đúng là “hổ phụ sanh hổ tử, con hơn cha là nhà có phúc”. Nó có gia đình chưa, cô Lan?
- Chưa.
- Vậy để cậu làm mai cho con nghen! Chịu hông?- Ông Nho hỏi Phước.
Phước mỉm cười bẽn lẽn.
Một bữa cơm khá tươm tất được dọn lên đãi mẹ con bà Lan. Mọi người vừa ăn uống vừa chuyện trò chuyện xưa chuyện nay một cách thân mật, hào hứng. Mẹ con bà Lan ở chơi đến sáng hôm sau mới từ giã ông bà Nho ra về với niềm hân hoan sung sướng và cõi lòng phơi phới ánh xuân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin