Chỉ còn mấy ngày nữa là tết, nhưng trời không thấy lạnh, mưa gió thì lại bất thường, nghe trên ti vi nói do biến đổi khí hậu, bão lũ cứ xảy ra liên tục, không theo mùa vụ nào.
Trần Bạch
Tranh minh họa: Trần Thắng |
- Mới sáng sớm sửa soạn đi đâu mà áo ấm, áo lạnh dữ vậy ông?- thím Tám ngạc nhiên hỏi chú.
- Tôi đi thăm khu kháng chiến, chiều mới về nghen bà!- chú Tám trả lời.
- Sao tự nhiên ông “hứng” vậy? Xa lắm, ông chạy xe nổi không?
- Chạy từ từ, được mà, lo gì bà ơi?
Chỉ còn mấy ngày nữa là tết, nhưng trời không thấy lạnh, mưa gió thì lại bất thường, nghe trên ti vi nói do biến đổi khí hậu, bão lũ cứ xảy ra liên tục, không theo mùa vụ nào.
Mới đầu năm nay thôi, mấy huyện của tỉnh nước mặn tràn về lúa chết, cây ăn trái chết, cá chết, vịt, gà cũng chết,… bà con nông dân lao đao.
Xưa nay đâu có chuyện này, nên tết năm nay chắc không vui lắm. Gần đây, thấy chú Tám cũng có nhiều tâm sự, hôm nay lại “nổi hứng” đi thăm khu kháng chiến mà không nghe chú bàn trước, cũng thất thường như thời tiết, nên thím Tám không khỏi ngạc nhiên.
- Tôi đi nghen bà! Chiều về!
- Chạy xe cẩn thận, tai nạn tùm lum đó nghen ông!
- Được mà, bà lo quá!
- À, ông đem thuốc theo chưa?
Câu hỏi của thím khiến chú Tám ngớ ra.
- Đó thấy hông, tôi không nhắc là ông quên tuốt luốt rồi. Nè, ông uống liền thuốc huyết áp dùm tôi cái, còn thuốc tiểu đường, thuốc bệnh gút chút ăn sáng rồi uống. Có ai mời ông ăn sáng không?
- Không, ai đâu mà mời.
- Vậy mấy thằng đệ tử ruột, mấy thằng em nuôi của ông lúc ông còn làm, ngày nào cũng như ngày nào đến sắp hàng đón ông đi ăn sáng, chiều rước ông đi nhậu đâu hết rồi?- thím Tám mỉa mai.
- Bà đừng hỏi mấy thằng đó nữa được không bà?
- Tại hồi đó ông nói ông “ho” một cái là đàn em chạy mịt trời mà, nên tôi mới hỏi. Mấy năm nay mỗi lần ông nằm bệnh viện cũng đâu có thấy mấy thằng lính ruột, mấy thằng em nuôi nào ló mặt tới thăm ông đâu? Vậy tôi mới nói!
- Thôi, thôi, kệ bà tụi nó, nói hoài mệt quá bà ơi!
Chú Tám đi rồi, thím Tám mới vào dọn dẹp đống sách, tài liệu của chú. Từ khi về hưu, nhất là ba, bốn năm trở lại đây, chú Tám lại thường xuyên xem thời sự trên ti vi và đọc báo, đặc biệt là đọc các tài liệu.
Chứ trước đây, hồi đương chức, đương quyền làm gì có, về tới nhà là say bí tỉ, mấy ngày nghỉ cũng vậy.
Mấy hôm nay, thím Tám thấy chú đọc đi đọc lại các văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các văn bản về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vừa đọc, vừa thở dài, suy tư …
***
Đường về khu kháng chiến không đầy ba mươi ký lô mét, lúc trẻ, khỏe, chạy xe máy một mạch không đầy một giờ là tới, nhưng lúc đó ít khi chú về.
Nói đúng hơn là không có về. Biết rằng, những năm ác liệt thời chống Mỹ, chú đã cơm vắt, nằm hầm, từng chết sống với anh em, đồng đội, đồng chí ở đây. Đã chứng kiến bao người ngã xuống, trong đó có thằng Ri, thằng Bảnh, thằng Gạo,…
Những đứa bạn thân thời con nít chăn trâu, dầm mưa bắt ốc, bắt cua, tắm sông móc bùn chọi lộn, rồi lớn lên trở thành đồng đội, đồng chí cùng chiến đấu bên nhau. Bọn họ đã lần lượt hy sinh ngay trên tay, ngay trước mắt chú Tám.
Kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất, chú Tám được bố trí hết vị trí quản lý này đến làm lãnh đạo khác.
Rồi đi học, hết bổ túc văn hóa đến tại chức này, tại chức nọ cho đủ bằng cấp, đủ chuẩn theo quy định. Không có thời gian, tâm trí đâu mà nhớ lại chuyện xưa, nói chi đến chuyện quay về thăm lại “chiến trường xưa”.
Hết giờ làm việc là đàn em, những người được chú “giúp đỡ”, những người được chú tạo điều kiện “làm ăn”, hoặc cất nhắc những vị trí “có ăn” mời hết tiệc này đến tùng nọ, thường là đến gần nửa đêm mới về tới nhà.
Nhiều lúc thím Tám lên tiếng phiền muộn đều bị chú “làm cho một trận”. Chú nói: “đã lo cho đầy đủ không thiếu thứ gì, cứ hưởng thụ, không được quyền ý kiến…”
Đã nghỉ hưu bảy năm, lúc mới nghỉ, đàn em, những người “chịu ơn” tổ chức các buổi tiệc chia tay không ngớt, rồi hai, ba ngày đến đón đi “thưởng thức món lạ” ở nhà hàng mới khai trương, quán đặc sản mới mở,…
Nhưng bốn, năm năm nay, không thấy ai đến, khi thèm nhậu, nhất là thèm “mồi bén”, điện thoại đàn em, những kẻ “chịu ơn” xưa thì ai cũng “bận quá”, ai cũng “đi công tác”, hoặc ai cũng “lúc này bị bệnh quá”… và ai cũng có lý do, thấy buồn!
Lúc “đương thời”, chú Tám thường tuyên bố với các “chiến hữu”, “tính từ khi biết nhậu tới giờ, một mình tôi uống cỡ hai xe bồn rượu bia rồi nghen!
Phấn đấu từ đây tới “già” làm thêm một xe bồn nữa là đủ vốn!!!” Đó là rượu bia, kèm theo rượu bia là đàn bà, tiệc nào không có đàn bà, thì xem như không đủ “vị”. Đàn em rất biết tính của chú Tám về “vụ đó”… Nhưng giờ chuyện “xe bồn” thứ ba, chắc chú Tám thực hiện hết được rồi.
Những lúc nằm ngẫm lại, chú Tám mới hiểu hết cái nghĩa của cụm từ “hạ cánh an toàn”. Chứ đúng ra thì …
***
Chạy được gần mười ký lô mét, chú Tám ghé vào quán hủ tiếu bình dân bên lề đường. Mấy chục năm đương quyền, chú Tám chỉ biết quán lớn, nhà hàng to, ăn uống no, say rồi có người đưa về, không hề biết giá cả.
Nhìn lướt qua, quán có bốn bàn nhỏ, các ghế mũ thấp, ba bàn đã có người ngồi, năm người lớn, bảy đứa nhỏ, tất cả, nhìn bề ngoài, đều là người nông thôn. Thấy chú Tám ghé, mọi người ngoái nhìn, kể cả chủ quán, chị phụ nữ khoảng trên bốn mươi, cũng tỏ vẻ nghi ngờ.
- Ăn sáng hả chú?- cô chủ quán hỏi có ý thăm dò.
- Có gì ăn hả cô?- chú Tám vừa cởi áo lạnh vừa hỏi lại.
- Dạ, chú ngồi đi chú! Có hủ tiếu, hủ tiếu mì, bánh canh, cháo lòng. Chú ăn gì hả chú?- cô chủ quán nhanh miệng.
- Cho tôi tô hủ tiếu đi cô. Không để mỡ hành nghen!
- Dạ, chú đợi chút!
Quán bình dân, nhưng sạch sẽ, nấu vừa miệng. Ăn xong, chú uống thuốc, ngày hai lần, luôn là vậy hơn mười năm nay rồi. Lúc đương chức, đương quyền thì đã bị huyết áp, rồi tiểu đường, lúc gần về hưu “gánh thêm” bệnh gút.
Thuốc huyết áp uống trước, rồi đến thuốc trị tiểu đường, thuốc trị bệnh gút… Hình như cả ba loại bệnh ngày mỗi ngày có chiều hướng biến chuyển xấu, nên lúc nào cũng phải có thuốc bên người.
- Tính tiền cháu ơi!
- Dạ, mười ba ngàn, chú!
- Rẻ vậy, nè mười lăm ngàn, khỏi thối, cháu!
- Trời, sướng vậy, cám ơn chú, khi nào đi ngang ghé ăn ủng hộ cháu nghen chú!
- Ừ, chú sẽ ghé!
Ngày xưa, nói tới khu kháng chiến, làm gì có đường sá mà vào. Bãi mìn, trái gài, hầm chông dày đặc.
Vậy đó, mà tụi Mỹ ngụy, hết pháo kích, máy bay ném bom, rồi xe lội nước tràn vào,… hết đợt càn này đến trận càn khác, hết ngày này sang ngày nọ nhằm tiêu diệt khu căn cứ, nhưng chúng luôn thất bại.
Để bảo vệ được khu căn cứ, nhiều anh em, đồng chí của ta cũng đã hy sinh tại đây, như thằng Ri, thằng Bảnh, thằng Gạo và bao người khác nữa.
Nay thì đường sá mênh mang, xa xa, nhất là đến các điểm giao cắt, các ngã ba đều có bảng chỉ dẫn hướng đi, vì khu này vừa là nơi tham quan- du lịch, vừa là khu giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mà…
Đây rồi…
- Chú muốn vô đây hả chú?- chú bảo vệ hỏi.
- Ừ, tôi muốn vô thăm trong này, có được không chú?- chú Tám hỏi.
- Dạ được, chú để xe ở đây cháu coi cho, rồi đi vô đó, có bảng hướng dẫn.
- Sao thấy vắng quá vậy chú?- chú Tám hỏi.
- Hôm nay thứ ba, nên ít ai tới, chứ thứ bảy, chủ nhật đông lắm, nhiều đoàn ở các nơi khác tới tham quan lắm chú!
Chỉ có khu phía trước phần cổng và các nhà trưng bày là khác thôi, chứ vào sâu bên trong, hơn bốn mươi năm rồi nhưng mọi thứ y nguyên như mới hôm qua.
Hầm này là chú Tám với chú Ri, chú Bảnh, chú Gạo cùng đào, cùng đi xa tít xuống xóm giữa chặt mấy cây trâm bầu khệ nệ vác về gác nóc hầm, vì mấy chú lãnh đạo cấm không được chặt bất cứ cây nào ở khu vực này.
Chỗ kia là hầm chỉ huy, nơi làm việc của các chú lãnh đạo. Hồi đó, chú Tám và mấy chú “cấp dưới” ít khi được vào khu hầm này…
“Chỗ này, thằng Bảnh bị đạn, hai ngày sau nó hy sinh. Bốn tháng sau, chỗ kia thằng Ri bị miểng pháo một trăm lẻ năm, hy sinh tại chỗ. Còn thằng Gạo, bị xe lội nước bắn nát nửa thân trên khi nó ra ngoài bắt cá để về làm cơm cho anh em đồng chí, không về khu kịp khi giặc tới bất ngờ. Nó hy sinh sau thằng Ri chỉ hai tháng thôi”.
Những ngày tháng ác liệt của cuối năm 1972 đầu năm 1973, chỉ hơn sáu tháng, chú Tám lần lượt mất ba người bạn thân, ba người đồng đội, đồng chí, tuổi đời của họ còn rất trẻ, mười tám, mười chín.
Chú Tám len qua từng cái hầm, từng góc cây thân quen, từng cái hố bom, hố pháo… mà trời ngã chiều lúc nào không hay.
Khi quay ra, trước bia ghi danh, có đầy đủ tên tuổi của những người đã hy sinh tại đây, tại khu kháng chiến một thời máu lửa này, có cả tên của những “thằng bạn thân”, những đồng chí thân thương của chú ngày nào.
Chú rung rung đốt nén nhang cắm lên chiếc lư hương, mắt đỏ hoe ngấn nước mắt, miệng chú thì thầm: “Xin mọi người tha lỗi cho tôi, tôi biết lỗi rồi!”
***
Một cơn gió nhẹ làm lao xao hàng cây cổ thụ bên bia ghi danh các liệt sĩ …
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin