Thấy không khí Chol Chnam Thmay đang tràn ngập khắp nơi nơi. Vậy mà Sa Mol không cất được nỗi buồn đến nhão người ra để về quê chịu tuổi, cứ ngồi bó gối trước hàng ba chòi canh tôm.
- HỒNG SƠN
Thấy không khí Chol Chnam Thmay đang tràn ngập khắp nơi nơi. Vậy mà Sa Mol không cất được nỗi buồn đến nhão người ra để về quê chịu tuổi, cứ ngồi bó gối trước hàng ba chòi canh tôm.
Đôi mắt lặng lẽ sâu thẳm gởi theo vạt nắng đặc quánh, chực chờ thiêu đốt khét lẹt cả thịt da. Chú Tư To- chủ tiệm tạp hóa toét miệng cười, răng bắt nắng lấp ló, nói có vành có vẻ như ông “cụ non”:
- Cuộc đời từ cổ chí kim là vậy mầy ơi! Trong nỗi buồn cũng có niềm vui à. Còn trong cái được thường có cái mất nghe mậy! Như tao nè, vừa qua trúng lớn vụ tôm, trừ chi phí ra hết lời gần hai tỷ đồng.
Tao “chơi sộp” đâm họng con bò “chà bá” làm tiệc đãi cô bác, bạn bè cả xóm. Có mầy dự nữa mà! Rồi đến lúc có ba mớ rượu vô, thấy trong người sần sần nên siêng đột xuất!
Tao nhớ còn vuông nuôi tôm chưa tháo nước để hút bùn, xử lý vuông, chờ rớt hột mưa thả con giống nên xin phép các “chiến hữu” đi rút nắp bộng xả nước. Thiệt là xui thúi cổ hủ, vừa rút xong nắp bộng lại trợt chân bị hút vào trong ống bộng, có đường kính ba tấc chớ gì.
Trời ơi trời! Cũng may nhờ tao nhỏ con nên bị nước cuốn lọt tót ra ngoài luôn! Nếu mắc kẹt lại thì giờ được một kỳ giỗ rồi! Đó, trong cái được thường có cái mất là vậy? Ê, cái bận “bà thủy” hỏi thăm sức khỏe tao chắc mầy còn nhớ hé?
Tranh minh họa: Trần Thắng |
- Nhớ, nhớ như in! Chú đi rồi cậu Hai Lít lấy mấy cọng chân nhang “bẻ cò” đợi chú trở lại theo đó uống cho công bằng. Nhưng trời ơi, đâu chỉ mười lăm phút sau, ai nấy đều mắc cười muốn lộn ruột khi thấy chú phờ phạc đi vào, ướt lướt mướt, lạnh co ro. Và khóc bù lu bù loa như bị chúng đè ra đánh hội đồng!
- Vậy chớ hụt chết mà mầy biểu tao cười hả? Cái thằng mắc dịch!- Tư To mặt đỏ bừng, những đường nét thô kệch phô diễn ra hết.
Ông đứng lên đi lại cho đỡ ngượng. Cái tướng ông lòng khòng cao nghệu như cái khung gỗ sau tấm áo bông hoa sặc sỡ.
Gió phần phật thổi, bứt những trái gòn nứt ném ra không trung, để bông trắng thừa thãi bay lơ lửng, đậu lại trên mọi nẻo.
Sa Mol ngắt cái cười đang hồi nắc nẻ, hất mắt về phía Tư To, cất giọng hiu hắt:
- Nói tóm lại, chú chỉ có cái được không hà. Còn cái mất ư, ơ… chỉ suýt mất mạng thôi. Riêng tôi thì mất trắng! Tiền mướn đất, đào vuông, mua con giống, thức ăn và thuốc men cho tôm lên đến hàng trăm triệu đồng, nuốt sạch hết vốn liếng tôi ky cóp lâu nay.
Tưởng ăn ngon như mấy lần trước, ai dè tôm mới hơn tháng tuổi ngã bệnh chết. Anh em kỹ sư ở các cơ quan và công ty nặng nợ với con tôm đều nhiệt tình đổ xô đến chung tay vắt óc tìm ra cách trị chữa nhưng cũng đành bó tay!
Thôi, của đổ hốt, tôi bủa lưới kéo số tôm còn lại lên bán theo giá tép. Tiền thu được không đủ trả tiền điện cho mấy cái giàn quạt nước tạo oxy cho tôm thở. Chắc không như lời chú nói: “Trong nỗi buồn cũng có niềm vui” đâu! Nếu có niềm vui chăng chỉ trúng số độc đắc!
- Còn hơn trúng độc đắc nữa mầy!- Tư To nhanh nhẩu cướp lời Sa Mol- Kim Thơ, con Sarika (chim sáo) mầy thường hay nhắc nó về nước rồi!
Sa Mol ngỡ ngàng cau mày lại, vầng trán trẻ trung và tinh khiết của anh hằn sâu một nếp nhăn ngờ vực.
- Cô ấy sổ lồng bay xa qua trời Tây xây tổ ấm luôn rồi chú ơi!
- Cái mốc xì, đồ ếch ngồi đáy giếng! Người ta được Nhà nước cho ăn học thành tài, ra tận nước ngoài làm kinh doanh, rồi thành lập công ty nên định cư luôn ở ngoài. Hôm qua, Sarika của mầy bay về Dù Tho mới bay ngang Sóc Trăng thì gặp tao.
Cô ta nói lần này về nước sẽ bỏ ra một số tiền lớn tu bổ chùa chiền và những thắng cảnh đẹp ở các phum sóc trong tỉnh mình.
Ngoài ra còn nhờ sự trợ giúp của chính quyền các cấp, tìm ra những người siêng năng, cần mẫn, nhạy bén, có tay nghề cao, để tạo điều kiện tốt nhất cho họ tự đứng ra phục hồi những làng nghề truyền thống đã bị mai một, nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con trong các phum sóc. T
ao có đề cập hoàn cảnh hiện tại của mầy với cổ. Kim Thơ chúm chím cười nói: “Anh ấy là đối tượng số một cháu cần tìm. Ô- kê! Tao cũng ô- kê! Kim Thơ hứa bữa nay xuống Vĩnh Hiệp thăm rồi cùng mầy về quê ăn tết và theo bà con tới chùa vui lễ hội. Còn chuyện tình cảm giữa mầy với nó, theo tao mầy nên hỏi thẳng! Uôl sờ lanh bòn tê? (em có thương anh không?) Tư To ghé miệng sát tai Sa Mol:
- Tao dám cam đoan Kim Thơ nói sẽ cho mầy vài thằng bù rọt (con nít) liền! Mầy tuổi con bò (tuổi Sửu). Nó tuổi con thỏ (tuổi Mẹo) đúng sách: “nhất gái lớn hai, nhì trai lớn một”. Ô- kê! Thôi, tao về, kiến cắn bao tử rồi, ô- kê!
Tỏ vẻ hóm hỉnh, Sa Mol chắp bàn tay săm-pék (xá):
- Về đi ông nội! Ô- kê hoài nghe mắc mệt!
Còn lại một mình cô đơn với gió chiều hoang dại, với mặt nước vuông tôm trong xanh hiền hòa êm ả và hàng sầu đâu nghiêng mình rưng rưng trong nắng.
Sa Mol thầm nghĩ, tình yêu như một đóa hoa. Cuộc sống của nó thì ngắn nhưng kỷ niệm về nó có thể là bất diệt. Rồi cái thời ấu thơ côi cút và cô gái nhà bên có tên Kim Thơ hay Sarika mà Sa Mol thường gọi lúc đùa vui trong sân trường nội trú dân tộc thuở nào chóng thành hình và manh nha trong trí nhớ của anh.
Người ta thường nói mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Còn đằng này hai nhà chỉ có chung một cảnh. Cảnh người cha, người trụ cột trong gia đình đã anh dũng hy sinh khi làm nghĩa vụ cao cả trên đất bạn Campuchia hiểm trở nghiệt ngàng.
Do vậy, mới còn là một đứa trẻ tóc cốm nắng hoe hoe màu râu bắp, Sa Mol và Kim Thơ phải theo mẹ gánh cái nắng cái gió và đội những cơn mưa lạnh buốt lúc bắt cua, mò ốc hay đi mót lúa ở ngoài đồng, để đổi lấy manh áo chén cơm nuôi đàn em dại và mua cái chữ cho bản thân mình.
Có hôm vào một buổi trưa. Mặt trời vàng như mật ong. Nắng rắc đầy hoa trên nóc chùa cũ. Hoa nắng rụng xuống chánh điện chùa làm tượng các vị thần rực rỡ lộng lẫy nét hình. Tiếng chim ríu ran và gió xạc xào lấn chen trên đọt cây lâm vồ sum xuê cành lá. Sa Mol và Kim Thơ rủ nhau lẻn vào vườn chùa nhặt mít chín rụng.
Ô, kìa! Quả mít chín to tròn, gai mở mắt đều vàng hây thơm lừng, buông cuống nằm sóng soài trên thảm tranh khô, cạnh bờ mương nhỏ. Kim Thơ lao tới, bỗng dưng cô đứng khựng lại, ngồi thụp xuống, ôm bàn chân hốt hoảng la toáng lên “rắn, rắn cắn!” Sa Mol co cẳng phóng tới.
- Rắn ở trên cạn thường là rắn độc!- Sa Mol làm ra vẻ bình tĩnh, bởi võ vẽ biết đôi chút nghề trị rắn cắn do học lỏm nên cu cậu thủng thẳng xé toẹt lai quần, buột chặn không cho nọc rắn chạy.
Rồi ngồi chồm hổm xuống, chắp hai tay ra sau lưng, nhắm mắt, nhón gót bước thụt lùi về sau sáu bước, bứt đại một nắm cỏ bỏ vào miệng nhai, xong mở mắt ra đứng dậy đắp ngay vào chỗ rắn cắn và tháo sợi dây buột chặn, cõng bạn về nhà kêu ngủ đi!
Biết được chuyện, mẹ Kim Thơ vành miệng vết thương của con gái mình ra, vừa dùng cây nhíp nhổ râu gắp mấy sợi gai ngắn ngủn trăng trắng nhám cào, vừa nói vừa cười:
- Rắn cắn bỏ răng thường là rắn ri voi, ri cá hoặc bông súng. Mấy loại này sống ở dưới nước nên không độc, cắn chết chóc gì?
Thời gian như bóng cây qua cửa sổ. Đôi bạn trẻ lớn lên giờ đã là niên thiếu. Cả hai đều tạm xa cái phum sóc đang cựa mình theo nhịp sống hiện đại và những tháng năm nghịch ngợm ngụp lặn trên dòng kinh nhỏ mộng mơ, để vào trường nội trú dân tộc tỉnh vun bồi tri thức.
Và chính nơi đây, nơi chất chứa những say mê, những khát khao và rung động trước từng lời giảng dạy của cô thầy. Tình cảm giữa Sa Mol và Kim Thơ có sự chuyển màu rõ rệt, từ tình bạn ngã sang tình yêu.
Một tình yêu đầu tiên, thánh thiện và trong sáng vô cùng! Bạn bè cùng lớp cứ ngỡ tình yêu này bền bỉ lớn dần theo năm tháng, nào ngờ nó bị bào mòn đi phút chốc vì một lẽ, mẹ của Sa Mol đột ngột qua đời.
Anh đành bỏ dở chuyện học hành, chôn mối tình đầu vừa chớm nở vào quên lãng, về quê ôm cái nghề cha truyền con nối: đan rổ rá, giần sàng, nong nia, thúng mủng mang ra chợ bán kiếm tiền nuôi ăn học.
Nhưng ngặt một điều, các mặt hàng tre trúc của anh trong giai đoạn đó cạnh tranh không lại với những mặt hàng sản xuất bằng nguyên liệu mủ, thau, thiếc và i-nox. Sa Mol linh hoạt chuyển sang nghề nuôi tôm mướn, ngoài tiền lương tháng ra còn ăn phần trăm trên đầu tấn lúc tôm cân bán.
Khi có đồng vốn và kiến thức nuôi tôm kha khá, anh mạnh dạn làm chủ dăm ba vuông tôm nuôi theo công nghiệp. Tiền vốn đầu tư không mấy nhưng lợi nhuận tới hàng tỷ đồng. Rồi đến lần này, do thời tiết, nắng với nhiệt độ cực kỳ cao, dai dẳng nhiều ngày nên tôm “bị gãy”.
Ôi! Hình như ở trên đời đã có số phận. Mỗi người sống đều có một định mệnh. Sướng khổ hay bất hạnh âu cũng là ở đời. Nghĩ như vậy rồi Sa Mol đặt lưng xuống giường, gối đầu lên nỗi buồn không chỉ có ở hiện tại mà cả thời quá khứ xa xôi.
Trời đã về chiều. Nắng lung linh gieo đầy lối ngõ. Sóng nước chập chờn lung lay đùa giỡn dưới những vuông tôm. Tiếng chó rộ lên lan truyền thành chuỗi hợp âm táo tác ở xa xa.
Kim Thơ xuất hiện, kiều diễm và rạng rỡ. Gương mặt cô tươi tắn hẳn lên. Cặp mắt đen ươn ướt mở to nhìn Sa Mol một thoáng rồi chớp chớp:
- Em có ghé nhà thắp nhang cho hai bác và trao quà tặng các em. Tội nghiệp! Mấy đứa nhỏ nhớ và trông anh Hai về nhiều lắm!
- Còn em có nhớ… - Sa Mol ngượng nghịu ấp a ấp úng không thốt ra được cái câu mà chú Tư To xúi hỏi thẳng Kim Thơ.
- Nhớ nhiều hơn nữa là khác! Nhớ hai đứa mình cùng hát à- day và cùng múa lâm- thôn trong dịp lễ hội. Có lần em hát sai lời, mà không, hát “đâm hơi”... Anh nói giá như có tiền anh mua đàn tơ-rô-lia về đàn tập cho em hát để không còn hát đâm hơi nữa. Em xúc động và xấu hổ quá trời!
- Kim Thơ ơi, bây giờ hai ta đã lớn khôn, đều làm ra tiền cả. Anh sẽ mua đàn, đàn cho em hát anh nghe và con chúng mình sau này nghe nữa được không Sarika yêu của anh?
Ôi! Bốn con mắt rực lửa yêu thương của hai con người ngỡ sẽ sống cô đơn trong sự đợi chờ giờ thảng thốt dạt vào nhau.
Trăng đã chếch bóng, cảnh vật xung quanh chìm sâu vào giấc ngủ. Họ ôm ghì lấy nhau nồng nàn, thắm thiết và say mê. Lần đầu tiên trong đời, đôi gái trai biết mùi thơm da thịt nhau. Sự hòa quyện của hai thể xác và hai tâm hồn giúp họ nhận ra sự sung sướng vô bến bờ trong tình yêu.
Bên ngoài trời đã sáng. Cánh cửa tương lai của cuộc đời Sa Mol đã mở toang ra sau lễ hội Chol Chnam Thmay tưng bừng và rất ấn tượng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin