Truyện ngắn: Họ là đồng đội

Cập nhật, 08:05, Thứ Bảy, 15/07/2017 (GMT+7)
  • Tranh minh họa: Trần Thắng
    Tranh minh họa: Trần Thắng
    HỒNG ĐÀO

Hôm đoàn cán bộ trẻ của Huyện Đoàn ghé thăm nhà má Sáu, thấy ai cũng ngạc nhiên khi nhìn lên bàn thờ chồng của má có di ảnh không phải một mà là hai chiến sĩ còn rất trẻ đầu đội mũ tai bèo, áo bỏ trong quần tươi cười bên nhau, má cười buồn nhỏ nhẹ giải thích: Họ mãi mãi trẻ như vậy đó!

Là đồng đội với nhau ở địa phương quân huyện nhà trước ngày giải phóng, người lớn tuổi hơn là Sáu Thành, chồng của má nếu còn sống giờ cũng đã về hưu, ổng là chỉ huy của người kia mà đồng đội quen gọi là Út Chuột Lắc.

Cả đoàn càng ngạc nhiên hơn khi biết mộ của hai liệt sĩ được xây bên cạnh nhau sau nhà má mà không cải táng ở nghĩa trang liệt sĩ huyện như nhiều liệt sĩ khác. Chuyện này là do ý nguyện của má từ một câu chuyện dài…

Ngày ấy, trước ngày giải phóng hơn chục năm, Sáu Thành đang là ấp đội trưởng du kích ở cái ấp đầu xã cù lao này. Ấp có một chợ nhỏ tên chợ Đình ở hơi xéo với cái đồn của địch kế ngôi đình làng bên kia sông, đó là đồn Đình có một tiểu đội dân vệ trấn giữ.

Một nơi trong chợ cũng được nhiều người biết đến là tiệm may của Tư Anh, cô xinh đẹp chưa chồng lại khéo tay nên luôn là cái đích nhắm của nhóm trai làng chưa vợ, trong đó có trưởng đồn Đình tên Thơm.

Là người cùng ấp, Sáu Thành quen biết Tư Anh từ nhỏ, trong đơn vị anh không giấu giếm chuyện mình có tình cảm với cô, nhưng lúc đó ai cũng thông cảm cho anh bởi tại ấp tranh chấp này, ta đang yếu thế hơn địch, nên trưởng đồn Thơm được tiếp cận đối tượng nhiều hơn.

 Cơ hội đến với Sáu Thành là lúc chi bộ xã chỉ đạo tổ đảng các ấp tăng cường hoạt động và chọn ấp Đình làm điểm nên đội du kích của Sáu Thành được xã đội trang bị một khẩu trường đỏ và một khẩu cạc-bin M1.

Có thêm vũ khí, đội du kích này lâu nay mang tiếng ăn nhờ ở đậu tại ấp giải phóng bên cạnh đột nhập về ấp của mình nhiều hơn. Những đêm về đến chợ, Sáu Thành hay gõ cửa tiệm Tư Anh chỉ để hỏi thăm công việc của cô. Hình như Tư Anh cũng cảm nhận ra tình cảm đó…

Bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Sáu Thành với Tư Anh là khi anh được cơ sở mật báo tin các ngày qua cứ sáng sáng là tên Thơm áo quần chải chuốt vai mang khẩu tiểu liên tôm-xông đi một mình hoặc chỉ với vài tên lính qua chợ ăn sáng sau đó lân la ở tiệm may Tư Anh.

Con đường từ đồn qua chợ, chúng phải qua cây cầu tréo trước đình bắc ngang con sông khá rộng. Cầu có cái tên như vậy có lẽ do cấu trúc là các cây tre xóc tréo nhau rồi gác các thân tre nối nhau để đi, ai qua cầu muốn an toàn đều phải chừa một tay vịn vào tay vịn. Trước sự việc này và kết cấu của cây cầu đã gợi ý cho Sáu Thành một cách diệt địch…

Hôm ấy là ngày chủ nhật có nước lớn đầy sông, kế hoạch được thực hiện, Sáu Thành với khẩu cạc-bin dầm mình dưới nước ém trong đám dây cóc kèn gần đầu cầu lãnh nhiệm vụ điểm hỏa.

Như thường lệ, mới sáng sớm trưởng đồn Thơm cùng một toán lính kéo nhau qua chợ, có điều khác với dự tính của du kích là toán lính đông hơn mọi khi và kéo đi lê thê, nên khi tên Thơm vai mang súng hăm hở đi đầu qua gần hết cây cầu thì ở đầu cầu bên kia vẫn còn mấy tên lính chưa kịp lên cầu.

Sáu Thành phải nhanh chóng quyết định là đợi cho tên Thơm đi xuống gần sát đầu cầu bên phía anh hơn thì mới nổ súng, nếu thuận lợi anh sẽ xông ra đoạt khẩu tôm-xông của hắn.

Khi tên trưởng đồn còn đang nghiêng mình với một tay vịn vào tay vịn cầu, miệng huýt sáo một bài nhạc gì đó vừa bước đến vị trí ấn định thì Sáu Thành bặm môi bóp cò.

Một tiếng nổ chát chúa vang lên, khẩu trường đỏ của đồng đội anh ở phía sau cũng nổ giòn, nhưng liền đó một bên mắt của Sáu Thành cảm thấy như tóe lửa, anh chỉ kịp loáng thoáng thấy tên Thơm rơi đùng xuống sông rồi gần như chẳng thấy gì nữa. Có ai đó lôi tuột anh về phía sau trong tiếng súng kháng cự rát rạt của số lính chưa kịp lên cầu.

Một lát sau, ở điểm y tế của xã ai cũng bật cười ha hả khi nghe Sáu Thành với một vết thương mới được băng bó trên đầu thuật lại diễn biến của trận đánh vừa xảy ra: Quân ta hoàn toàn chiếm thế thượng phong.

Trong lúc thằng địch còn đang liêu xiêu trên cầu thì ta bất ngờ nổ súng trước. Nhưng kết cuộc chúng đều sống nhăng, còn người điểm hỏa của phe ta lại bị thương thiếu điều đui một con mắt!

Cớ sự đều bắt nguồn từ khẩu cạc-bin cũ xì của Sáu Thành, ngoài là loại chỉ bắn được từng phát một, nó còn có cái tật mà người sử dụng phải luôn nhớ là khi nổ súng thì phải để một ngón tay rà bên hông cái cu-lát, nếu không nó có thể tuột ra.

Chết tiệt ở chỗ Sáu Thành vào trận mà quên tuốt chi tiết đó và cái cu-lát phản chủ đã văng ra trúng vào khu vực gần mắt làm anh choáng váng ngay phát súng đầu tiên, mà kẹt nỗi nó lại trật lất, vì vậy thằng Thơm và mấy tên lính trên cầu chỉ hết hồn nhảy ùm xuống sông thoát nạn…

Nhưng có điều bất ngờ ngoài dự tính của Sáu Thành là sau trận chết hụt đó, số lần tên Thơm dẫn lính đi ra khỏi đồn giảm thấy rõ. Thừa thế không ít lần đội du kích ấp về làm chủ chợ Đình cả buổi chiều.

Cũng vì cái chuyện lần đó bắn địch không chết mà mình bị thương, tuy Sáu Thành cố giấu nhưng không hiểu sao vẫn đến được tai của Tư Anh, nên khi gặp anh thì cô hay che miệng cười…

Tiếp theo trận du kích đánh hụt địch ở ấp Đình gần ba tháng là trận du kích xã phối hợp địa phương quân huyện phục kích “nện” bọn dân vệ ở đồn trung tâm xã một đòn chí mạng tại vùng giáp ranh với ấp Đình.

Tổng cộng có hơn hai mươi tên chết và bị thương, mấy cây súng được chúng coi là hỏa lực bị ta lấy sạch, đã khiến một số tên lính ở đồn Đình, trong đó có cả trưởng đồn Thơm vốn mất tinh thần từ trước bỏ đồn trốn mất.

Cái ngày đồn Đình tháo chạy, cả xã ai cũng vui, nhưng có lẽ người vui nhất là… Sáu Thành.

Bởi trong lúc chỉ huy bà con trong ấp san bằng đồn anh được nhận một chén nước trà còn bốc khói từ tay Tư Anh với lời hỏi thăm anh về cái thẹo “thêm duyên” gần khóe mắt. Từng hớp nước nóng anh uống vào sao mà nghe mát cả ruột gan… Với Sáu Thành lúc đó cái rủi từ cái cu-lát chết tiệt kia hóa ra là cái… may!

Sau đám tuyên bố thay đám cưới của Sáu Thành và Tư Anh mấy tháng, Sáu Thành được rút lên xã làm xã đội phó.

Không lâu sau đó, anh lại được tăng cường cho địa phương quân huyện với nhiệm vụ trung đội trưởng trung đội trinh sát. Từ ngày Sáu Thành về chỉ huy đơn vị, để lấp vào chỗ thiếu hụt quân số, anh chú ý nhiều đến việc tổ chức mạng lưới “tai mắt”.

Họ là những người dân bình thường sống hợp pháp với địch nên có điều kiện cung cấp cho đơn vị nhiều thông tin và chính trong mạng lưới bí mật này anh biết được Út Chuột Lắc.

Tên của Út Chuột Lắc chỉ đơn giản là Út. Tên là Út nhưng không có anh chị ruột nào lại mồ côi cha lẫn mẹ nên trước khi vào đơn vị em sống với gia đình một người cậu họ.

Nhà cậu rất nghèo nằm ven Tỉnh lộ 7 nên mới học hết lớp nhất (lớp 5 ngày nay) em phải nghỉ học. Lúc đơn vị tiếp xúc với em, tuy mới vào cái tuổi 14 nhưng Út phải giữ một đàn trâu đông đúc cho nhà bên cạnh.

Lanh lợi cộng với sự thông minh vốn có và cái nghiệp chăn trâu ở các cánh đồng ven lộ giúp Út có nhiều thông tin về hoạt động của địch rất chính xác, đã gây được sự chú ý đặc biệt của thủ trưởng Sáu Thành…

Một buổi trưa tại một điểm đóng quân ở vùng ven huyện lỵ, Sáu Thành bất ngờ với việc xuất hiện của Út: em quyết theo đơn vị. Dù Sáu Thành nói thế nào, kể cả phân tích em ở lại vị trí cũ sẽ giúp cho đơn vị nhiều hơn nhưng em cũng không nghe.

Từ đó, trung đội trinh sát bất đắc dĩ phải nhận vào một chiến sĩ trẻ, vừa bước qua tuổi 16. Thấy Út là chiến sĩ mới, Sáu Thành thường phân công em đi theo anh để kèm cặp.

Em lớn tướng và áo quần em mặc thường là do anh chia sớt nên trông họ khá giống nhau, khiến có người lầm tưởng là anh em ruột. Trong môi trường mới, Út phát triển nhanh chóng, em luồn lách trinh sát giỏi, tính lại hay chọc phá bạn bè nên cái tên Út Chuột Lắc mà đồng đội gọi đùa trở thành danh.

Ngày định mệnh đến với Sáu Thành và Út Chuột Lắc là một ngày vào đầu năm 1970, khi cả tỉnh nỗ lực chống chiến dịch mùa khô của địch.

Đêm ấy, theo một kế hoạch của huyện đội giao, tổ trinh sát gồm Sáu Thành, Út và một chiến sĩ nữa bám sát trung đội biệt kích địch ở chi khu để tìm quy luật hoạt động của nó. Đây là một đơn vị đã gây nhiều nợ máu với đồng bào ta do tên “trung sĩ Tấn” chỉ huy. Hắn là một con cáo già nổi tiếng ác ôn.

Lúc về chỉ huy trung đội biệt kích này dù đã lên lon trung úy nhưng vốn có nhiều tội ác từ hồi còn là một tên trung sĩ nên người dân vẫn quen gọi hắn như thế.

Sau này, khi tìm hiểu trường hợp hy sinh của Sáu Thành và Út đêm đó, anh em trong đơn vị xác định họ sập bẫy lối đánh mà tên Tấn gọi là “chiến thuật giọt nước cuối cùng”- ý hắn là chỉ cần 1 giọt nước cuối cùng là đủ làm tràn ly nước đầy- tức làm nên chuyện: Từ chiều, trung đội của hắn cố ý xuất hiện lộ liễu dọc lộ 7 và liên tục di chuyển.

 Lợi dụng lúc trời sẩm tối, trên đường đi chúng cài lại một tổ chỉ 3 tên lính- ít như một giọt nước- rồi di chuyển thêm một đoạn ngắn nữa trụ lại để phục kích.

Lối đánh này tuy không mới nhưng hiểm ở chỗ số lính ém lại vừa đủ để qua mắt cơ sở của ta và Út đã sập bẫy. Người hy sinh liền sau đó là Sáu Thành, khi anh cố yểm trợ đồng đội mình. Lần đó, sau khi bêu xác hai chiến sĩ ta một ngày trên lộ, tên Tấn mới cho các má nhận xác.

Chuyện vì sao hai ngôi mộ liệt sĩ không ở nghĩa trang huyện đã làm các bạn trẻ xúc động: Từ ngày Tư Anh làm vợ Sáu Thành thì người trong xã gọi cô là “cô Sáu Thành”. Nhiều người cũng biết cô Sáu có nghề may giỏi nhưng khi ghen thì rất dữ dội.

Có chuyện là lúc Sáu Thành còn làm xã đội phó, một lần nhà anh bày tiệc, một số anh em trong đơn vị về dự, họ đã đùa dai với cô là lựa lúc Sáu Thành bận rộn ở nhà sau thì người tung người hứng đặt chuyện y như thật là anh “có mèo” rồi làm bộ trách anh.

Họ làm như chỉ nói nhỏ với nhau nhưng là cố ý để cô nghe. Dĩ nhiên là cô nghe được, mới đầu cô vẫn cười cười nói nói là không có gì nhưng một lúc sau thì mặt tái mét và… xỉu!

 Từ đó anh em trong đơn vị nhắc với nhau đến nhà Sáu Thành muốn có cơm ăn thì đừng bày ra những chuyện như thế. Khi Sáu Thành được rút về huyện, phải luôn xa nhà thì cái “bệnh” của cô lộ rõ hơn.

Trong khi Sáu Thành cố gắng mở rộng mạng lưới cơ sở mật phục vụ cho công tác mình thì cô vợ cũng tổ chức “cơ sở mật” chỉ để theo dõi anh. Điều khôi hài là cơ sở đó chính là Út Chuột Lắc, nên cái điều lẽ ra là “bí mật” thì cả đơn vị ai cũng biết…

Ai cũng cho là Sáu Thành “sướng nhất đời”, bởi trung đội của anh dù có địa bàn hoạt động khá rộng, nhưng bất kể khó khăn thế nào hễ có tín hiệu từ anh là cô vợ có mặt ngay…

Thế nên, Sáu Thành hy sinh là một mất mát không gì bù đắp được trong cô, bởi họ chưa kịp có mụn con nào. Khi biết được nơi chôn cất chồng mình, cô thường nói với mọi người là lúc sống chồng cô vì nhiệm vụ không được ở gần nhà thì đành chịu, nhưng khi anh đã hoàn thành rồi thì anh sẽ là của riêng cô, nhất định anh phải về nhà với cô.

Tưởng cô Sáu chỉ nói thế trong lúc quá đau khổ, không dè sau mấy lần đề nghị cải táng cho chồng mình về quê nhà với chi bộ địa phương nơi có nghĩa trang không được chấp thuận, cô âm thầm thực hiện điều mình mong muốn, nhưng lúc nào và bằng cách gì cô quyết không kể…

Khổ là ngay sau đó người địa phương phát hiện có điều rất đáng tiếc xảy ra là cô đã lầm mộ Út Chuột Lắc là mộ của Sáu Thành.

Nguyên do là nghĩa trang này chưa có người quản trang và hai cái mộ đó nằm cạnh nhau, bia ghi tên liệt sĩ lâu ngày bay mất chữ.

Lúc cô Sáu thăm mộ chồng lần đầu thì tình hình chiến sự rất ác liệt nên cô chỉ được đồng đội nói miệng khi chỉ vị trí ngôi mộ của hai người. Khi cô Sáu biết chuyện này thì cô đã xây xong mộ cho Út sau nhà mình, song còn nghi ngờ về độ chính xác của nguồn tin nên chưa biết xử trí thế nào…

Phải đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhà nước có chủ trương đưa các phần mộ liệt sĩ ở rải rác các nơi về tập trung ở nghĩa trang huyện và qua xác nhận của các đồng đội Sáu Thành, cô Sáu mới biết chắc mình đã nhầm lẫn.

Lần này, cô Sáu đã đưa được hài cốt Sáu Thành về an táng ở sau vườn, bên cạnh mộ của Út Chuột Lắc.

Cô cũng được phép của gia đình cậu của Út đồng ý giữ nguyên trạng mộ của em, bởi họ biết rất rõ ở đó ngoài tình đồng đội Út còn có tình cảm ruột thịt của vợ chồng Sáu Thành, thứ mà đứa cháu côi cút của mình rất thèm khát khi còn sống.