Truyện ngắn: Mùa trăng nghẹn

04:05, 28/05/2017

Con Nhạn chập chững biết đi thì Biền cũng bỏ rạch Đuôi Mèo mà đi. Nói là con Nhạn vì nào giờ Biền có coi thằng cu Tủn là con của mình đâu. Vợ chồng ăn chung ở chạ với nhau cũng một mặt con, vậy mà đùng một cái Biền bỏ nhà đi mấy năm trời không quay lại rạch Đuôi Mèo.

  • ™HOÀNG KHÁNH DUY
Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Nhạn ngồi giặt đồ bên cầu ao, bóng chiều đổ dài ngoài cánh đồng hun hút.

Con Nhạn chập chững biết đi thì Biền cũng bỏ rạch Đuôi Mèo mà đi. Nói là con Nhạn vì nào giờ Biền có coi thằng cu Tủn là con của mình đâu. Vợ chồng ăn chung ở chạ với nhau cũng một mặt con, vậy mà đùng một cái Biền bỏ nhà đi mấy năm trời không quay lại rạch Đuôi Mèo.

Tư Nỵ ngồi xúc tép mòng bên sông, thấy Nhạn múc nước tắm táp cho thằng cu Tủn ngoài ao, Tư Nỵ nói vọng:

- Thằng chồng mày hổng chịu về nhà luôn hả Nhạn?

- Con kêu miết mà ổng không chịu về, biết sao được hả Tư?

Tư Nỵ quăng cái vợt xúc tép lên bờ, vỗ đùi cái bẹp:

- Mày hiền quá Nhạn à! Tao mà như mày tao kéo đầu con vợ bé của nó ra giữa chợ, lấy kéo sởn tóc cho biết mặt. Cái thứ đàn bà hư đi giật chồng người khác…

Lấy cái khăn quấn trên cổ xuống, lau mình mẩy cho thằng cu, Nhạn thở dài:

- Cũng nào phải lỗi do người ta đâu Tư ơi! Ổng không chịu thì sao người ta đến. Thôi kệ, đời con khổ riết quen rồi, chỉ tội thằng Tủn.

Sinh con giữa mùa trăng nghẹn, thằng Tủn èo uột như cây chuối non trồng trong bụi rậm. Người ta nói nó bị ban khỉ, phải đi cắt ban rồi bổ thuốc về uống mới hết. Khổ nỗi nhà gạo còn không có mà ăn, tiền đâu ra mà chữa trị cho thằng nhỏ.

Có bữa hũ gạo còn lưng lửng chưa tới nửa lon, Nhạn dốc vào nồi nấu cháo trắng cho thằng cu ngồi ăn kèm muối hột, còn Nhạn không ăn. Tư Nỵ qua nhà thấy Nhạn mặt mày tái mét thì mắng:

- Nhà hết gạo không biết chạy qua nhà tao xúc về nấu ăn, nhịn đói nhịn khát lấy sức đâu mày nuôi thằng cu? Cu, qua bà Tư bế con.

Thằng cu xun xoe chạy đến ôm cổ Tư Nỵ, bà cõng nó xuống xuồng, tháo sợi lòi tói bơi về nhà xúc gạo mang qua cho Nhạn nấu cơm. Thằng Tủn thấy bọc gạo mừng húm.

- Trời ơi, Tư, mấy lon gạo hôm trước con còn chưa trả Tư nữa.

- Nào giờ tao có đòi mày đâu. Thôi đem gạo xuống bếp nấu cơm ăn đi, một hồi xỉu thì khổ. Thiệt hết biết.

Biền cứ lầm lầm lì lì, hậm hực suốt ngày. Chỉ khi Biền nhậu xỉn mới nói chuyện với vợ. Mà có nói gì đâu, toàn chửi Nhạn như chửi con. Có hôm Biền đứng trước nhà réo tên cha mẹ Nhạn ra mà chửi. Nhạn khóc. Tư Nỵ thấy Biền làm hung làm dữ với vợ, đứng bên sông nói với:

- Trời đánh thánh đâm mày Biền ơi là Biền, nhậu vô chi rồi làm khổ vợ khổ con?

Ngày nào cũng vậy, có men rượu chếnh choáng là Biền cứ chửi, cứ mắng Nhạn. Chửi mắng chưa đã, Biền đập vỡ đồ đạc trong nhà. Sóng chén nhà Nhạn có cái nào còn nguyên đâu, không bể cũng nứt. Cây cột nhà ẩn không biết bao nhiêu là vết chém ngang dọc mà Biền vung dao.

Bực Nhạn, Biền lấy con dao phay dưới bếp ra mà chặt vào gốc cột. Buồn buồn Nhạn ngồi đếm vết sẹo trên thân cột nhà, đếm một hồi chẳng nhớ bao nhiêu vết chém. Nhạn thường ôm con ra bờ sông có mấy cây bần gie ra sông, ngồi khóc. Nhớ hồi xưa Biền hiền lắm mà, gánh lúa cho Nhạn mấy bận mà nên vợ nên chồng.

Má Nhạn không cho Nhạn lấy Biền, má bảo: “Ai đời đi lấy cái thằng gặt lúa mướn, cưới về cạp đất mà ăn hả con?” Năn nỉ mãi, má cũng không chịu. Vào một đêm mưa gió não nề, Nhạn khăn gói trốn nhà theo Biền xuống ghe xuôi về Miệt Thứ, ròng rã cả tháng trời mới đến được rạch Đuôi Mèo dựng chòi ở tạm. Ngày đó Biền giỏi giang, xóm ai cũng thương.

Một chiều sẫm tối, Biền đi làm về đến cầu ao nghe tiếng la của Nhạn trong nhà. Biền chạy vào thấy vợ đang cố sức chống cự với thằng côn đồ trên bộ vạc.

Biền túm thằng côn đồ khốn nạn, đánh đến chảy cả máu miệng lẫn máu mũi, thằng côn đồ vùng chạy. Nhạn bỗng dưng trở thành cái gai trong mắt chồng. Rượu vào là Biền nhớ lại chuyện cũ, tức mình Biền lôi Nhạn ra đánh. Mái tóc dài của Nhạn ngày xưa bây giờ chỉ còn lưa thưa cháy nắng, bị Biền nắm giựt đau chảy nước mắt.

Thằng Tủn cũng bị thù lây, nó ra đời trong sự căm hờn và ghẻ lạnh của người cha. Đêm Nhạn trở dạ, Biền bỏ nhà đi nhậu, dì Tư Nỵ bơi xuồng qua nhà nấu nước nóng đỡ đẻ cho Nhạn. Thương đứt ruột…

Tiếng chửi rủa của Biền nghe riết rồi quen.

Thương là thương thằng cu Tủn nằm trên võng có biết gì đâu, thấy cha nó làm hung làm dữ nó sợ mặt mày tái xanh như tàu lá. Biền nói nó là con hoang. Đau lòng chưa, con của Nhạn với Biền chứ con của ai đâu mà hoang. Uất ức Nhạn ôm con ra bến sông ngồi khóc ròng.

Chờ Biền đi nhậu, Nhạn mới bế thằng cu về nhà nhóm lửa nấu cơm. Có hôm đang ăn cơm thì Biền về, hất mâm cơm xuống đất. Thằng cu khóc, Nhạn vừa dỗ con vừa nhặt khứa cá kho dưới đất lên rửa sạch, hâm nóng lại cho con ăn, còn Nhạn ăn rau luộc.

Ông trời có đánh còn tránh bữa ăn, còn Biền đánh vợ ngay cả bữa ăn cũng không từ. Nỗi thù hằn của Biền đối với Nhạn sâu như vết dao sâu hoắm trên thân cột qua mấy mùa trăng nghẹn…

Biền bỏ nhà ra đi. Ngày Biền đi, Nhạn hết lời năn nỉ. Đàn bà thiệt khổ, bị đánh bị chửi đến tan nát cuộc đời, vậy mà vẫn cần chồng ở bên cạnh.

Cũng đúng thôi, thử nghĩ trời đất bão giông mà trong nhà có người đàn ông vẫn vững lòng hơn cô đơn chống chọi. Đàn bà luôn thiếu thốn lòng can đảm dù cho họ cố tỏ ra mạnh mẽ cỡ nào đi nữa. Ngày xưa, Nhạn chấp nhận bỏ nhà theo Biền đến nơi khỉ ho cò gáy để tìm kế sanh nhai, Nhạn không luyến tiếc.

Còn bây giờ Biền bỏ Nhạn, bỏ con đi… cũng chẳng vướng bận cõi lòng. Lần cuối cùng Biền vung tay tát vào mặt Nhạn đỏ hoe là một chiều miền quê nổi cơn giông, sấm chớp mây đen bủa vây trên cánh đồng vắng lúa.

Nhà vắng. Biền đi thì Nhạn đỡ phải nghe những lời nặng nhẹ, chửi bới. Biền đi, Nhạn không còn bị roi đòn như cơm bữa, không còn những lần bị Biền đánh máu đỏ ròng ròng nhỏ xuống từ chân tóc, Tư Nỵ phải gỡ cái kẹp ra rồi sát trùng vết thương cho Nhạn. Nhưng Nhạn nhớ, Nhạn nhớ lắm đòn roi của Biền, Nhạn nói với Tư Nỵ: “Thôi kệ đi Tư, con bị đánh riết quen rồi. Ổng còn đánh là còn coi con là vợ”.

Tư Nỵ nghe Nhạn nói mà phát tức: “Đồ ngu, nó hành hạ mày cỡ đó chưa đủ sao, ở đó mà nhớ với thương hả con…” “Cũng đã từng là vợ là chồng, cũng ăn chung mâm cơm, đâu mặt vào nhau mà ngủ. Cũng ở với nhau một mặt con (dẫu Biền không nhận)… bỏ sao đặng hả Tư?”

Nhạn ngồi giặt đồ, nghe người trong xóm đi công chuyện tạt qua cho hay Biền hú hí với con nhỏ “mắt xanh mỏ đỏ, nói chuyện ngọt như đường Cu ba” trên xóm. Không nói gì, Nhạn ngồi thinh ở đó vò quần áo coi như không hay không biết lòng đau như cắt.

Nhìn mặt ao sóng sánh những giọt buồn có đàn cá chăm lội tí tách trên mặt nước, tim Nhạn tái tê. Bây giờ Nhạn đâu còn nước mắt đâu mà khóc. Nước mắt Nhạn thanh xuân cũng chảy, ở với Biền cũng chảy triền miên riết rồi cạn. Con sông Đuôi Mèo vẫn dạt dào mà nước mắt Nhạn cạn khô như ao hồ mùa hạn.

Mấy lần Nhạn đội nón lá, bồng con quá giang ghe người ta lên xóm trên tìm chồng. Gọi mãi Biền vẫn không chịu về. Biền nói Nhạn không phải vợ Biền, vợ Biền là cô gái có đôi mắt lá răm, chân mày lá liễu kia.

Làm mướn được bao nhiêu tiền là Biền đưa hết cho cô vợ bé, phần còn lại Biền nhậu say khướt triền miên. Tội nghiệp Nhạn, Biền đuổi Nhạn như đuổi một con vật. Thằng cu thấy cha, nó giãy giụa: “Cha ơi, về nhà với má con con đi, đừng có đi nữa mà…”.

Biền không nghe mà cũng chẳng muốn nghe. Ừ thì nó đâu phải con của Biền, con hoang- Biền từng bảo vậy kia mà. Đứt ruột. Người ta đuổi thì Nhạn ôm con, về lại Đuôi Mèo, về căn nhà che nắng che mưa. Đi mấy bận mà Biền không chịu về, riết rồi thôi.

- Con không đi tìm cha thằng Tủn nữa đâu Tư.

- Ừ, ở vậy mà yên ổn. Đời mày sao khổ quá Nhạn à, khổ hơn Tư hồi còn trẻ nữa…

Nhạn cười:

- Biết sao được hả Tư? Ông trời định vậy mà!

Chiều chiều, xóm Đuôi Mèo vắng tanh, buồn man mác. Vi lau hiu hắt, xa xa mấy con chim nhạn bay về, cánh nhỏ chập chờ trên bầu trời ảo não. Nước sông chảy lặng lờ. Bao mùa nước lớn ròng Nhạn không nhớ. Nước trôi đi rồi nước lại về, mà Biền thì đi mãi…

Một năm sau, Biền mất. Người xóm trên bơi xuồng ngược nước về Đuôi Mèo báo tin cho Nhạn hay Biền đã chết đuối trong một đêm say rượu bí tỉ, trượt chân rơi xuống sông. Nhạn đưa thằng cu cho Tư Nỵ bế, còn Nhạn bơi xuồng lên xóm trên. Tư Nỵ nói: “Thằng chồng mày nó báu mày cho tới chết đó Nhạn”.

Thôi thì số kiếp đã vậy đành chấp nhận chứ biết sao bây giờ, vợ chồng bỏ sao được, ông trời nhiều khi chơi ác.

Cái máy kole cũ kỹ tiếng nổ khịt khịt giòn rụm, chiếc ghe tam bản xé nước chở Biền về Đuôi Mèo an nghỉ. Nhạn ngồi trước, đốt nhang cho chồng, khói trắng dã bay nghi ngút trên đường ghe chạy. Biền mất, không tiếng trống đưa tang, trong nhà chỉ có mỗi hai mẹ con Nhạn mặc áo tang. Tư Nỵ ngồi trên bộ vạc. Buồn bã:

- Thôi con, nó chết nó yên phần nó…

- Cũng tội ổng chứ Tư, chết không nhìn được mặt vợ con.

Đến lúc Biền từ giã cõi đời, Nhạn vẫn đinh ninh như thế. Dẫu Biền có coi Nhạn là “con đàn bà hư đốn” và thằng cu là một đứa con hoang lạc, thì Nhạn vẫn coi anh là chồng, kề cận quan tài cho đến khi anh nằm yên trong ba tấc đất.

Nhạn cũng thấy lòng mình nhẹ nhõm. Cuối cùng thì Biền cũng đã trở về với Nhạn. Lúc Biền đi còn ngoái lại chửi rủa, xỉ vào trán Nhạn dúi ngã. Ngày Biền về thân xác lặng im, nằm an nhiên trong chiếc quan tài gỗ. Đời người có bao nhiêu?

Nhạn dắt con ra mộ Biền. Thằng cu Tủn đi trước, lúp xúp như cây nấm. Nhạn thập thững đội nón lá đi sau. Hai con người bé nhỏ giữa cánh đồng hoang vắng mà chiếc bóng của họ đổ dài như cái buồn cái khổ của cuộc đời. Mấy mùa trăng nghẹn…

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh