Lịch sử là cái đã diễn ra, vốn nó là như vậy, không thay đổi được. Trong lịch sử không có chữ "nếu" hoặc "phải chi", cho dù có những sự thật lịch sử đau lòng, chính những người liên can lịch sử đó nhiều khi không mong muốn nó diễn ra như thế.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
NGUYỄN SAN
Lịch sử là cái đã diễn ra, vốn nó là như vậy, không thay đổi được. Trong lịch sử không có chữ “nếu” hoặc “phải chi”, cho dù có những sự thật lịch sử đau lòng, chính những người liên can lịch sử đó nhiều khi không mong muốn nó diễn ra như thế.
Song, do một lý do gì đó, những người của thế hệ hôm nay và mai sau đôi khi nhìn nhận, đánh giá nó chưa thật sự chính xác.
Chính vì vậy, nhiệm vụ của những nhà nghiên cứu, sưu tầm lịch sử là tìm hiểu thấu đáo, trả lại đúng bản chất của các sự kiện đã diễn ra, bản chất của những thân phận con người tham gia trong sự kiện lịch sử đó để mà đối xử với lịch sử đúng mực.
Câu chuyện dưới đây là một trong hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện đã từng xảy ra trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta.
* * *
Bác sĩ bảo Ba Hoàng không được thức khuya. Ông có tiền sử bệnh tim và cao huyết áp. Chỉ còn vài tháng nữa là ông đã về hưu, nhẹ gánh quan trường, về vui thú điền viên với đàn con cháu. Già rồi, phải giữ sức khỏe.
Thế nhưng, đêm nay, đã quá nửa khuya mà Ba Hoàng vẫn không ngủ được. Câu chuyện với Út Tâm hồi chiều làm ông trằn trọc mãi.
Cái thằng chứng nào tật nấy, rổn rảng, ào ào, nóng nảy, mấy chục năm nay vẫn không sửa được. Ở dưới quê lên, mới vào được cổng cơ quan, cậu cán bộ văn phòng chưa kịp trình báo, nó đã xộc vào phòng. Dằn cái phong bì dày cộp giấy tờ lên bàn, Út Tâm nói như quát:
- Anh Ba, anh phải xử lý việc này mới được. Bây giờ mấy ông làm quan nên quên hết trơn rồi.
Tức cái thằng em hỗn láo, ông nạt:
- Mầy làm gì dữ vậy? Cái gì hổng thẳng nói chứ. Ngồi xuống uống nước đi. Chỗ này là cơ quan, phòng làm việc chứ phải cái chợ đâu.
Út Tâm có vẻ biết lỗi nhưng vẫn xẵng giọng:
- Anh coi đi rồi khắc biết.
Ba Hoàng chậm rãi rút mớ giấy tờ trong phong bì, lật qua lật lại mấy cái bằng cấp, cuốn sổ ghi lý lịch, chẳng hiểu chuyện gì. Ông ngạc nhiên hỏi:
- Vầy là sao?
Út Tâm bốp chát:
- Hồ sơ của thằng Tuấn, cháu nội ông Tư Miêng đó.
Ba Hoàng buột miệng:
- Tư Miêng nào?
- Tư Miêng nhà kế bên đồn Ô Môi, ở cù lao Mỹ Hưng chứ Tư Miêng nào?- Út Tâm sừng sộ.
Chợt nhớ ra và cảm thấy mình có lỗi, Ba Hoàng xuống giọng:
- Thì mầy phải nói rõ ràng, anh mới hiểu được chứ!
Được lời như cởi tấm lòng, Út Tâm kể:
- Thằng Tuấn nó học giỏi, tốt nghiệp đại học, ra làm việc ở thành phố. Có năng lực, đạo đức tốt, cơ quan người ta có ý đề bạt, cất nhắc mấy bận mà không được. Lần nào về xã xác minh lý lịch kết nạp Đảng cũng vướng. Mấy ông nít ranh, cán bộ tổ chức nói nó là con của ngụy quân ác ôn, tử trận nên không ký.
Bây giờ nó xin đi học cao học ở nước ngoài theo chương trình gì đó cũng hổng được luôn. Anh tính sao, chứ oan khuất cho thằng nhỏ quá.
- Phải con của thằng Năm Thành- lính dân vệ đồn Bùng Binh- bị mình phục kích tử trận năm 1974 hông?- Ba Hoàng hỏi.
- Chứ thằng nào? Mà gia đình nó và cả cha nó nữa có công với mình dữ lắm chứ phải lính ác ôn gì đâu. Cả anh mà cũng nói vậy thì tui hết biết rồi.
Út Tâm sừng sộ nhưng rồi cũng xuống nước năn nỉ:
- Anh nhớ kỹ lại đi. Coi có cách gì giúp hay xác nhận cho cháu nó nhờ. Bộ anh quên hết chuyện mình với ông Tư Miêng rồi sao.
Ba Hoàng hạ giọng:
- Quên làm sao được. Thôi để đó đi. Anh nghiên cứu kỹ rồi từ từ tính. Bây giờ nói cho anh nghe chuyện của chú mầy lúc này thế nào rồi.
Út Tâm cười hề hà:
- Thì lính chiến trở về nhà đuổi gà cho vợ chứ sao. Lương hưu ba cọc ba đồng không đủ đi đám. May mà cũng còn vườn cây, ao cá với mấy bầy heo nái. Mấy đứa nhỏ đi làm hết, thành ra vợ chồng già trở thành vợ chồng son, cũng đã lắm!
Lâu ngày gặp nhau, Ba Hoàng điện thoại rủ thêm mấy người bạn chiến đấu cũ sang đối ẩm, chuyện không dứt được. Sức khỏe có vấn đề, lại thêm chút rượu bia làm Ba Hoàng cảm thấy lâng lâng, cái đầu nặng trịch.
Mấy chục năm nay, đã thành thói quen, hễ có việc gì suy nghĩ nhiều là ông thức dậy châm trà, đốt thuốc, ngồi vào bàn làm việc. Ba Hoàng rút cuốn sổ lý lịch có dán hình thằng Tuấn lên ngắm nghía, cố nhớ lại khuôn mặt Năm Thành khi còn sống.
Mới đó mà đã gần bốn mươi năm. Hồi Năm Thành chết, thằng Tuấn còn nằm trong bụng mẹ mà nay đã thành người lớn, tuấn tú, đẹp trai, giống cha như đúc. Ba Hoàng đọc lướt qua lý lịch, dừng lại khá lâu, đọc kỹ phần ghi quan hệ gia đình.
Ông có vẻ đăm chiêu, suy nghĩ. Hình như ngay cả thằng Tuấn cũng biết chưa hết về quan hệ của ông nội và cha nó với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, huống chi là các vị cán bộ lãnh đạo xã, còn trẻ mới tham gia cách mạng sau này.
Hồi đó, Năm Thành- ba của thằng Tuấn- học chung trường huyện với Ba Hoàng. Tánh Năm Thành hiền, sống chân tình với bạn bè nhưng nhút nhát.
Đi học bị mấy thằng con nhà giàu, làng lính ở trên thị trấn ăn hiếp, nó cố nhẫn nhịn cốt để yên thân. Cuối năm 1967, chiến tranh nổ ra ác liệt, Ba Hoàng ở vùng giải phóng, tham gia du kích xã rồi đôn lên huyện, phục vụ cho chiến dịch tổng tấn công tết Mậu Thân.
Năm Thành- con ông Tư Miêng- nhà sát bên đồn Ô Môi cũng chẳng được yên thân, bị bắt quân dịch, rồi chạy vạy về làm lính dân vệ ở đồn Bùng Binh, ngày ngày theo chân thằng cảnh sát Dân đi càn bố, mở đường.
Sau năm 1968, địch phản kích quyết liệt, dồn đánh lực lượng cách mạng tơi bời, nhiều nơi cơ sở tan rã hết, một số cán bộ “Việt cộng” chịu không nổi bỏ trốn, chiêu hồi. Trước tình hình khó khăn, trên phân công Ba Hoàng trở về xã cù lao củng cố lực lượng, gầy dựng lại cơ sở.
Nhớ lần đầu tiên đi bám trụ vùng ven, Ba Hoàng đã hết hồn khi nghe ông Mười Trầu- Bí thư xã- và Út Tâm lúc đó là tiểu đội trưởng du kích đề nghị đưa ông Tư về ém ở nhà ông Tư Miêng. Thấy thái độ Ba Hoàng có vẻ băn khoăn, ông Mười Trầu trấn an:
- Yên tâm đi. Đây là cơ sở cốt cán của mình từ hồi 9 năm cho tới bây giờ.
Đêm đó, sau khi đi vận động quần chúng về nhà ông Tư Miêng, trong hầm bí mật lờ mờ, ông Mười Trầu thì thào nói thêm:
- Chú mầy hổng biết phương châm “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất” hả? Nhà ông Tư Miêng ở sát bên đồn, lại có con đi lính, ai mà dám nghi. Còn thằng Thành, hổng lẽ nó phản lại cha nó.
Sau này, bám trụ lâu ngày, Ba Hoàng loáng thoáng biết nhà ông Tư Miêng còn là chỗ đặc biệt cho cán bộ cấp cao hơn Ba Hoàng nữa lui tới.
Riêng Năm Thành, thỉnh thoảng vẫn về, trò chuyện rôm rả với ông Tư Miêng rồi đi loanh quanh vườn, hái dừa, bẻ bưởi, tỉnh rụi. Sau này cưới vợ rồi, những đêm hết ca gác, nó còn về ngủ luôn ở nhà.
Với cặp mắt quan sát, thăm dò của một cán bộ nằm vùng, Ba Hoàng phán đoán Năm Thành có biết chuyện ông Tư Miêng là cơ sở của Việt cộng. Thỉnh thoảng, ông Tư Miêng đưa cho Út Tâm cả đống đạn tiểu liên, lựu đạn hoặc thuốc Tây chuyển ra ngoài cho du kích.
Chắc là của Năm Thành đưa cho. Dần dà, Ba Hoàng tin Năm Thành là người tốt. Thông qua ông Tư Miêng, Ba Hoàng đề nghị Năm Thành nắm tình hình địch và cảm hóa số lính dân vệ cầu an trong đồn Bùng Binh.
Từ đó, Năm Thành cung cấp khá chính xác thông tin những bữa bọn cảnh sát, bảo an đi lùng sục, càn bố vùng giải phóng. Đám lính dân vệ đi mở đường, đi gác thưa thớt, chiếu lệ, ngầm thỏa thuận nhau với Việt cộng: “không ai đụng tới ai”.
Đường dây liên lạc ngang qua sông Hậu thông suốt cũng có phần công của Năm Thành. Phong trào cách mạng ở cù lao Mỹ Hưng vì vậy phát triển mạnh hẳn lên.
Thế nhưng, cũng từ đây, cán bộ, du kích cù lao đâm ra chủ quan. Một lần, ở trên về tổ chức hội nghị lớn, có cả cán bộ tỉnh, cán bộ khu dự. Không biết lực lượng bảo vệ, an ninh bố phòng thế nào mà biệt kích, giang thuyền địch từ Vùng 4 chiến thuật đổ quân xuống đánh úp tơi tả, thiệt hại nặng nề. Cũng từ đây, du kích cù lao sanh ra tư tưởng thù hận đám lính dân vệ, trong đó có Năm Thành.
Anh em cho rằng chính họ đã chỉ điểm cho tình báo địch. Du kích cù lao ngày đêm bố trí, mai phục, hễ gặp dân vệ là đánh. Đám dân vệ bị đánh đau, say máu quay lại đánh trả thù. Thế là hai bên, bên nào cũng có thương vong.
Vài bữa, vài tuần là trên đất cù lao lại có đám ma, không bên này thì cũng bên kia, bởi đa số du kích và đám lính dân vệ là con em dân cù lao mà. Vùng căn cứ rối ren phức tạp. Đường dây liên lạc qua sông Hậu bị gián đoạn.
Cán bộ lãnh đạo của trên phải dời địa điểm đi nơi khác. Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng đó, duy chỉ có ông Mười Trầu và Út Tâm là vẫn tin ông Tư Miêng và Năm Thành. Mỗi lần Ba Hoàng về, đi công tác vùng ven, ông Mười Trầu vẫn đưa về nằm hầm bí mật ở nhà ông Tư Miêng và vẫn an toàn.
Sau Hiệp định Paris, tình hình chuyển biến mau lẹ, ta đã chuyển thế tấn công mạnh khắp các vùng nông thôn. Ông Mười Trầu bàn với ông Tư Miêng móc nối kêu Năm Thành về gặp Ba Hoàng. Đêm đó, với tư cách bạn bè và với tư cách là cán bộ huyện chỉ đạo xã cù lao, Ba Hoàng phân tích tình hình và đề nghị Năm Thành ra vùng giải phóng. Thấy Năm Thành ngần ngừ, Ba Hoàng nói:
- Nếu du kích bắt được mầy thì tao, anh Mười có thể bảo lãnh được. Nhưng chuyện chú Tư, chuyện mày làm chỉ có tao, anh Mười, thằng Út Tâm biết. Trong lúc hai bên đánh nhau, lỡ có chuyện gì thì sao?
Năm Thành thẳng thắn nói:
- Chuyện ai làm nấy biết. Tui ngán chuyện đánh nhau lắm. Nhưng còn mấy anh em thân thích với tui nữa. Họ cũng cầu an, đâu có tội tình gì. Để từ từ tui thuyết phục họ cùng ra với tui. Với lại, tui ra bây giờ, còn ông già tui ở sát bên đồn làm sao yên được?
Nghe Năm Thành nói có lý, ông Mười Trầu bàn ra:
- Ừ! Mầy ở lại đó cũng có lợi cho cách mạng. Chờ thời cơ rồi lấy luôn cái đồn đó bằng binh vận.
Ai dè, sau đó chưa đầy một tháng, du kích đi công tác bất ngờ đụng đám lính dân vệ. Năm Thành đã tử trận. Cũng ngay bữa đó, Ba Hoàng, ông Mười Trầu, Út Tâm về công tác, sáng ra chưa kịp về cứ, còn ém lại hầm bí mật, dưới đống rơm, gần chuồng trâu trong vườn nhà ông Tư Miêng.
Nghe tiếng ồn ào, tiếng khóc, tiếng la của mẹ, của vợ, của chị, em Năm Thành và tiếng chửi bới của đám lính dân vệ, Út Tâm hé miệng hầm nghe ngóng. Chừng hiểu ra mọi chuyện, nó sợ điếng hồn, la thành tiếng, bụm miệng không kịp:
- Chết cha! Thằng Thành chết rồi!
Trong khi Ba Hoàng và ông Mười Trầu còn kề tai vào lỗ thông hơi nghe ngóng thì Út Tâm đã lăm lăm trái lựu đạn trong tay. Thấy vậy, ông Mười Trầu nạt khẽ trong bóng tối:
- Mầy làm gì vậy?
- Chuẩn bị tung lên chứ làm gì- Út Tâm đáp gọn lỏn.
- Bộ muốn chết hả? Lính tráng đầy trên đó- ông Mười Trầu ấn Út Tâm ngồi xuống.
- Chứ để ông Tư Miêng nóng ruột thằng Thành, dẫn lính lại khui hầm, chết còn thê thảm hơn- Út Tâm run run nói.
- Để từ từ coi sao đã- ông Mười Trầu nói nhát gừng.
Trong hầm tối om. Sáu con mắt đỏ rực chong chong nhìn lên nóc. Cái lỗ thông hơi dường như không đủ cung cấp không khí cho cả ba người. Đã ngột ngạt càng thêm ngột ngạt. Thời gian càng trôi như càng thêm tra tấn thần kinh họ.
Bỗng đâu ở góc chuồng trâu, gần chỗ nắp hầm nghe tiếng lộp cộp. Út Tâm nắm chặt trái lựu đạn trong tay. Cả Ba Hoàng và ông Mười Trầu không ai bảo ai cũng lăm lăm khẩu súng. Chợt nghe tiếng bắp cày gõ từng tiếng một vào thành chuồng trâu.
- Tụi mày nằm yên nghe. Chạy lung tung là mấy thằng lính nó xẻ thịt tụi mày đó- Rõ ràng là tiếng ông Tư Miêng mà sao nghe nhức nhối, nghèn nghẹn.
Út Tâm bật khóc khùng khục trong cổ họng. Ba Hoàng ngồi bó gối, cúi đầu để mặc cho nước mắt chảy dài, cay xé. Trong đời làm cách mạng, vào sanh ra tử, chưa lần nào đau đớn như lần này.
Sau trận đó, Ba Hoàng rút về tỉnh. Mười Trầu hy sinh trong một chuyến công tác trên sông Hậu. Út Tâm chuyển lên bộ đội chuẩn bị cho chiến dịch còn kéo theo thằng em Năm Thành, để rồi sau đó nó hy sinh trong một trận đánh đồn ở vàm Kinh Mới.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Ba Hoàng có về thăm ông Tư Miêng. Nhìn lên bàn thờ khói nhang nghi ngút, ông thấy mủi lòng. Chiến tranh đã cướp mất của ông Tư Miêng hai đứa con. Một thằng là liệt sĩ cách mạng.
Một thằng là lính quốc gia tử trận. Thỉnh thoảng, Ba Hoàng cũng có về xã công tác. Hỏi thăm các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình nuôi chứa, có công, Ba Hoàng nghe mấy anh em cán bộ xã báo cáo tất cả đều đã ổn.
Ba Hoàng hài lòng và chỉ căn dặn chung chung là cố gắng chăm lo cho các gia đình chính sách, phấn đấu thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.
Bây giờ, sau gần bốn mươi năm, xảy ra chuyện của thằng Tuấn, Ba Hoàng mới cảm thấy có gì đó chưa ổn. Không thể trách anh em địa phương được. Trong chuyện này không có lỗi của họ.
Lỗi là lỗi ở Ba Hoàng. Chuyện của ông Tư Miêng, chuyện của Năm Thành, sau ngày giải phóng chỉ còn có mình ông và Út Tâm biết. Vậy mà mấy chục năm nay ông chẳng để ý quan tâm.
Cho nên, bây giờ Ba Hoàng phải làm gì đó trước khi quá muộn. Lịch sử đã diễn ra, có mình tham dự thì nay mình phải có trách nhiệm ghi chép lại, xác nhận cho mọi người biết.
Trời đã khuya lơ khuya lắc mà Ba Hoàng không thấy buồn ngủ chút nào. Ông rút mấy tờ giấy trắng, cắm cúi ghi lại đoạn đời hoạt động cách mạng của ông trên đất cù lao, cẩn thận từng chút một khi nói về mối quan hệ của Ba Hoàng với ông Tư Miêng, với tên lính quốc gia Năm Thành.
Ngày mai, Ba Hoàng và Út Tâm phải đem câu chuyện lịch sử này nói rõ cho Đảng ủy xã cù lao và cả với những người có trách nhiệm của huyện, của tỉnh. Ba Hoàng phải trả xong món nợ ân tình này trước khi thanh thản về hưu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin