Đám cưới cô Út của tôi. Khi họ hàng nội ngoại tề tựu xuống bến chuẩn bị đưa cô về nhà chồng, bà nội rơm rớm nước mắt nói với cô Ba- em của ba tôi: "Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng.
- NGUYỄN LINH
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Đám cưới cô Út của tôi. Khi họ hàng nội ngoại tề tựu xuống bến chuẩn bị đưa cô về nhà chồng, bà nội rơm rớm nước mắt nói với cô Ba- em của ba tôi: “Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng.
Tại bến sông này, má đã tiễn sáu đứa con gái theo chồng. Vậy mà lần này, tới con Út Đẹp… má vui nhiều nhất mà… cũng lo nhiều nhất”.
Cô Ba ôm nội, khóc theo. Cô Tư cũng không khỏi xúc động, thì thầm: “Má! Má! Ráng kiềm lòng lại. Út Đẹp thấy má nước mắt, nước mũi tèm lem như vầy, nó khóc theo thì làm sao mà bước xuống ghe về nhà chồng cho đành!”
Nghe cô Tư khuyên, bà ngó lảng qua sông, nơi có đám bòng bong đang loằng ngoằng, chằng chịt trong lung lá để giấu những giọt nước mắt. Ông nội sợ trễ giờ hoàng đạo nên giục: “Cái bà này, rồi con Ba, con Tư nữa, bữa nay gả con Đẹp, em út của tụi bây, là ngày trọng đại, vui nhất trên đời, vậy mà… Thôi, thôi, tao hổng nói chuyện với má con tụi bây nữa. Xuống ghe nhanh lên, ghe đàng trai nổ máy rồi kìa!”
Ông nói bằng cái giọng dửng dưng nhưng tôi biết ông đang cố kiềm những giọt nước đang đong đầy, cay xè đôi mắt. Nhìn cô Út cười rạng rỡ trong hạnh phúc cùng chú rể bên ghe đàng trai, tự dưng tôi buột miệng kêu lớn: “Cô Út ơi! Cô Út ơi!...”.
- Hạnh! Hạnh!
Nghe gọi, tôi giật mình, ngơ ngác.
- Ngủ thấy gì mà la lớn dữ vậy con?
Biết mình vừa nằm mơ, tôi trấn tỉnh, nhìn má cười:
- Hổng có gì đâu! Con chiêm bao thấy… đi chơi với mấy đứa bạn, vui quá nên… cười lớn vậy thôi.
Má vuốt nhẹ lên đầu như hồi tôi còn nhỏ và nói khẽ:
- Trời còn khuya, ngủ tiếp đi. Con gái ngày một lớn mà ngủ hổng nết na, cứ mớ rồi la lên hoài vậy hà. Mơi mốt lấy chồng mà mớ kiểu này chắc… mắc cỡ với người ta.
Má trở về phòng, tôi không ngủ được nên bước ra sân. Đêm nay, trăng mười sáu đang thổn thức cùng đám lục bình trên dòng sông căng nước.
Tôi nhìn sang nhà nội, giờ này chắc cô Út đang ngon giấc, đâu biết rằng đứa cháu gái của cô lòng đang ngổn ngang, uẩn khúc như dòng sông quê ngoằn ngoèo nhiều ngả rẽ. Không hiểu sao dạo này tôi hay nằm mơ thấy đám cưới cô Út. Phải chăng giữa tôi và cô, là cô cháu nhưng có rất nhiều kỷ niệm.
… Hồi còn học phổ thông, mỗi khi đến nhà tôi chơi, mấy đứa bạn thường có hai chuyện để nhắc hoài, vì lạ.
Chuyện thứ nhất không phải nội tôi có mười ba người con mà ông bà nội có tới… bốn người con út. Hồi đó, khi đã có chín người con, nội sanh thêm cô Út, tưởng đã hết nên đặt tên là Nguyễn Thị Út Hết. Không ngờ hai năm sau, bà lại sanh thêm một chú Út - chú Nguyễn Văn Út Em.
Sau đó tới chú Nguyễn Văn Út Khôn, cuối cùng là cô Nguyễn Thị Út Đẹp. Hồi chú Út Khôn còn nhỏ, mấy bà hàng xóm hay ghẹo: “Mầy tên Út Khôn, ừ khôn thiệt! Nếu không chịu chui ra cho lẹ, vài năm nữa má mầy già, hết đẻ được là tiêu!”
Chú Út Khôn đâu chịu thua, lý sự lại, đơn giản theo kiểu con nít: “Má già thì kêu má là bà nội, giống như con Hạnh vậy đó! Có gì khó đâu!” Còn Út Đẹp, nội kể hồi sanh ra cô, bà nói với ông: “Con nhỏ thấy cưng quá, cặp mắt to tròn, môi đỏ son như vầy chắc lớn lên đẹp gái lắm. Mình đặt tên nó là Út Đẹp, nghen ông?”
Ông nội nhìn bà, cười tủm tỉm: “Bà nhìn con nít thấy cưng, vậy… năm sau ráng kiếm thêm đứa út, đặt tên Út Chót luôn, được hông bà?” Bà nội háy nửa con mắt: “Cái ông này, già rồi mà cứ đẻ… đẻ hoài, chòm xóm cười cho thúi mặt”. Ông nội cười mỉm, quay lưng bỏ ra nhà sau.
Chuyện thứ hai có liên quan đến tôi, chuyện tôi và cô Út Đẹp bằng tuổi nhau. Thật ra Út Đẹp lớn hơn tôi, cô chào đời trước tôi gần một tháng. Vậy là, trong một năm, mẹ chồng (nội tôi) và con dâu (má tôi) đều sanh em bé.
Nghĩ kỹ thì tụi bạn lấy làm lạ và cười cũng đúng. Nhưng trong xóm, nội tôi không phải là trường hợp ngoại lệ, không ít những cô, chú, cậu, dì bằng tuổi cháu. Đành chịu, vì ngày trước ông bà đâu biết các biện pháp tránh thai hay kế hoạch hóa gia đình là gì, cứ trời sanh voi thì sanh cỏ.
Mỗi khi nhắc chuyện xưa, má hay kể chuyện tôi bú thép nội và Út Đẹp bú sữa má tôi. Hồi đó, ba má tôi chưa cất nhà riêng nên cô cháu sống chung một mái nhà lại uống chung bầu sữa, ai cũng nói tôi và cô Út Đẹp giống nhau như hai chị em.
Vậy mà hồi nhỏ, có một dạo tôi không thích, thậm chí rất ghét Út Đẹp vì trong gia đình ai cũng thương cô nhiều hơn tôi.
Ông bà nội, các cô, các chú có dịp đi xa khi về đều không quên mua quà cho cô Út. Đương nhiên là tôi cũng có phần nhưng vẫn thấy không vui vì lúc nào họ cũng ưu tiên cho cô chọn trước.
Tôi giận nhất là ba má. Mỗi lần về ngoại, có khi hai ba ngày, vừa về đến nhà, câu đầu tiên ba má tôi hỏi thăm nội đều là: “Hổm rày Út Đẹp sao rồi, ba má? Nó có khỏe, có ngoan, ăn nhiều cơm và ngủ có ngon giấc không?”
Những lúc như vậy, tôi chỉ biết đứng trân người với cảm giác như mình đang bị bỏ rơi. Mọi chuyện cũng do cô Út Đẹp. Là cô nhưng cả hai bằng tuổi và đều là trẻ con như nhau, vậy mà cô đã giành hết tình thương của tôi, những gì đáng ra phải thuộc về tôi.
Nhưng chẳng bao lâu, khi đã dần hiểu ra mọi chuyện thì chính bản thân tôi lại càng thương cô nhiều hơn. Trong khi tôi có thể nghe được những lời ngọt ngào, êm ái từ người thân, có thể nói ra những niềm vui, nỗi buồn để chia sẻ với mọi người, Út Đẹp của tôi thì không.
Cô phải sống trong một thế giới trống rỗng, vắng lặng, không âm thanh- cô bị câm, điếc bẩm sinh. Tôi được đến trường, có được tình yêu thương của thầy cô, có thêm những người bạn để vui đùa.
Còn Út Đẹp, cô hay bị mấy đứa con nít trong xóm cười ngạo nên thường chỉ quanh quẩn ở nhà chơi với anh chị. Mấy bận, chú Út Em và chú Út Khôn đánh nhau với mấy đứa hàng xóm, bị ông nội bắt nằm sấp trên bộ ngựa đánh mấy roi cũng chỉ vì bênh vực cho cô.
Út Đẹp sống khép kín. Bạn của cô là những con búp bê, con cào cào bằng lá dừa, con tu hú, con trâu, con gà,… bằng đất.
Chúng nó cũng giống như cô, im lặng. Thỉnh thoảng, cô nói chuyện với mọi người trong gia đình bằng cách ra dấu mà ông bà nội gọi là thủ ngữ. Riêng tôi, có món gì ngon, đồ chơi nào đẹp tôi đều nhường hết cho cô.
Thậm chí tôi còn dạy cô viết chữ. Tôi chỉ con gà, con vịt, cái ca, cái ly,… hoặc vẽ hình rồi viết chữ ra giấy để cô hiểu, nhớ rồi viết lại.
Sáng hôm sau, cô Út chạy qua nhà tôi, ra dấu để hỏi tôi có chuyện gì buồn mà hồi hôm thức khuya và ngồi một mình dưới bến sông.
Cô định mở cửa ra ngồi cùng nhưng sợ nội rầy, hơn nữa không nghe được, không nói được như cô thì có ra cũng không giúp được gì.
Tôi biết Út Đẹp rất lo lắng nên trả lời (bằng thủ ngữ) là không có gì, trời nực quá, không ngủ được nên ra bờ sông ngồi hóng mát. Cô khẽ gật nhẹ và siết chặt tay tôi như muốn chia sẻ nhiều, thật nhiều mà không thể nói nên lời. Nhưng… cô Út ơi, cô sao hiểu được nỗi lòng của đứa cháu gái này.
Cô không nói được, không nghe được, những người chẳng may bị khiếm khuyết như cô cũng có quyền được yêu, được chọn người mình yêu và mơ ước cùng họ xây dựng một gia đình hạnh phúc cho riêng mình.
Vậy mà, trên thế gian này có biết bao người thanh niên tốt, sao cô lại chọn, lại yêu đúng ngay… Cô ơi, có phải cô đã yêu Khánh, người bạn học chung đại học với con, thỉnh thoảng cùng nhóm bạn về nhà mình chơi vào những dịp cuối tuần?
Thấy cô hòa đồng và vui vẻ với đám bạn, con rất mừng nhưng mỗi khi nhìn cô gắp thức ăn cho Khánh, rót cho anh ta một ly nước mát, một ánh mắt, một cái chạm tay nhẹ nhàng,… những hành động tưởng chừng rất thường ấy lại khiến lòng con nghe đau nhói.
Con ghen! Người ta hay nói trong tình yêu đôi lúc phải tranh giành, là con người, có trái tim, biết yêu thương, giận hờn, con cũng muốn làm vậy lắm. Nhưng… không lẽ… con, là con cháu lại đi tranh giành tình yêu với chính cô ruột của mình? Không làm được, nhưng con đau lắm, tưởng chừng có ai đó đã nắm chặt trái tim bé nhỏ này rồi bóp mạnh đến thoi thóp.
Đến trưa, má kêu tôi qua nhà nội. Thấy nội có vẻ trịnh trọng và nét mặt hơi căng thẳng của má, tôi đâm lo. Do dự một lúc, nội hỏi:
- Con… con thấy thằng Khánh là người thế nào?
Tôi giật thót tim. Hổng lẽ… nội và má đã biết? Không thể nào, không thể nào. Tôi yêu Khánh, một tình yêu đơn phương chỉ mình tôi mới hiểu.
Tôi chưa biết trả lời ra sao thì má lại giục:
- Tụi bây học chung, chơi thân thì có sao nói vậy. Sao nội hỏi mà con không trả lời gì hết vậy, Hạnh?
Tôi ngập ngừng:
- Ừ thì… cũng được.
- Cũng được là làm sao?- má hỏi vặn.
Má ơi, hổng lẽ má bắt con gái của má phải nói cái câu trơ trẽn là Khánh rất tốt, rất đáng yêu và con đã…
- Con thấy Khánh hiền, học giỏi, đối xử tốt với bạn bè. Nói chung là cũng được.
Má nhìn qua nội. Nội im lặng một hồi rồi nói:
- Nội và má con hỏi thăm chuyện thằng Khánh vì đang lo chuyện con Út Đẹp. Nội thấy… hình như… Út Đẹp của mầy đã phải lòng người ta. Con nhỏ thiệt là… Nó như vậy… còn người ta thì trình độ đại học. Nội sợ con Đẹp lỡ thương rồi nó khổ.
Tôi chới với như vừa rơi xuống vực thẳm, không chỗ bám. Thì ra nội và má cũng như tôi, đã nhận ra mọi chuyện. Vậy là chuyện Út Đẹp có tình cảm với Khánh là thật, là thật rồi sao?
Tôi cố trấn tĩnh:
- Đại học thì có gì. Bây giờ, sinh viên đại học… cũng thường thôi.
- Bây cứ nói vậy. Thử đếm lại coi, cả xóm mình bao nhiêu đứa được học đại học. Thôi thì nội không nói chuyện đó, nó thương thằng Khánh, người ta thì sao? Nếu có, liệu gia đình người ta có chấp nhận con dâu như… con Đẹp hay không?- nội nói mà mắt thì đỏ hoe.
Má tôi tiếp lời nội:
- Cả tháng nay, má và nội con mất ăn mất ngủ cũng vì chuyện này. Số của Út Đẹp con thiệt là… Hồi nào tới giờ nó có đi đâu xa, bạn bè được mấy người. Bây giờ nó thương người ta, thương kiểu này má biết nó thương cả đời, hổng quên được đâu.
Tôi nhìn nội và má, hai người đàn bà mà tôi thương yêu nhất, một già, một đã trung niên héo hắt như tàu lá chuối khô mùa hạn vì lo chuyện của cô Út khiến lòng tôi chợt se lại, xốn xang.
* *
*
Đám giỗ ông cố, các cô chú lấy chồng, có vợ dù ở xa hay gần đều về đông đủ. Riêng các cô, ai về tới cũng đều lăng xăng hỏi nội và má tôi, con Đẹp đâu rồi, lúc này nghe nói nó cười hoài, thích mặc quần áo mới, trang điểm lên đẹp lắm…
Cô Út Hết thì mạnh miệng hơn, nhìn tôi và hỏi vặn:
- Con Đẹp biết chưng diện kiểu này chắc có người yêu rồi, nghe nội nói là bạn bè gì đó của mầy, phải không Hạnh? Thằng đó thế nào, thiệt tình nói cho Út nghe để Út mừng cho Út Đẹp.
Tôi cười trừ trong im lặng.
Sáu tuần trôi qua, bốn mươi hai ngày tôi đã sống trong dằn vặt tột cùng. Mỗi tuần một lá thơ, sáu lá thơ mà Khánh đã đều đặn gởi cho cô Út Đẹp, tôi còn giữ nguyên trong cặp. Không đưa cho cô Út, tôi thấy mình ích kỷ- thậm chí còn là kẻ xấu xa, hèn hạ. Phải chăng khi con người ta đã yêu thì trở nên mù quáng?
Còn Út Đẹp, nhiều lần tôi nhận ra cô muốn hỏi thăm “người ấy” nhưng bằng cử chỉ lúng túng, vụng về, bằng đôi má ửng hồng rồi… lại thôi. Những lúc như vậy, tôi thấy cô thật đáng thương và lòng chợt đau rát, giày vò bởi tòa án lương tâm.
Đêm nay, có tiếng con bìm bịp khóc trong bụi bông tra. Bìm bịp đang chờ con nước lớn, đâu biết rằng nước từ đồng, từ kinh, rạch chảy ra sông rồi cuối cùng cũng trở về với biển cả mênh mông.
Và tôi, tôi cũng đã từng chờ một điều lắm lúc tôi nghĩ nó rất mơ hồ, viển vông. Sẽ rất đau khi đã yêu một người mà không được đáp lại và càng đau đớn hơn khi không đủ can đảm để tỏ hết nỗi lòng với người mình yêu. Song tôi không thể chỉ nghĩ cho riêng mình.
Tôi yêu Khánh nhưng sẽ cố quên vì quanh tôi còn bạn bè, chuyện học tập và bao công việc trong tương lai.
Còn cô Út, chắc cô sẽ nhớ mãi và chôn kín nó trong thế giới vắng lặng của mình. Vì vậy, tôi đã quyết định nói chuyện nghiêm túc với Khánh.
Và khi nghe Khánh thú thật tình cảm chân thành dành cho Út Đẹp, tôi hụt hẫng tựa hồ mình vừa đánh mất một thứ gì đó, vô hình, khó lý giải.
Nhưng tôi không giận Khánh, không ghen với Út Đẹp vì trên đời này có ai lại giận hờn, ganh ghét với chính cô ruột của mình. Cô đã có một tình yêu đẹp, song hạnh phúc của cô… liệu có quá mong manh khi bản thân Khánh cũng chưa dám hy vọng gia đình anh chấp nhận một nàng dâu chẳng may bị khiếm khuyết như Út Đẹp.
Đêm nay, sương xuống nhiều, những cánh hoa lục bình mỏng tang, đọng nước, trong vắt như hàng ngàn hàng vạn đôi mắt đang rưng rức cho kiếp sống phù du, lênh đênh, phiêu bạt. Cầu mong cho đám lục bình trôi đêm tìm được một bến bờ dừng chân. Cầu mong cho Út Đẹp- cô Út của tôi tìm được hạnh phúc của riêng mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin