Thằng Mén xách cái lồng đèn trung thu hình ngôi sao năm cánh ra ngồi ở mũi ghe với cái mặt buồn thỉu, buồn thiu.
- TRẦN TRẤN GIANG
Thằng Mén xách cái lồng đèn trung thu hình ngôi sao năm cánh ra ngồi ở mũi ghe với cái mặt buồn thỉu, buồn thiu.
Không buồn sao được bởi có quá nhiều ánh đèn màu rực rỡ xanh, tím, đỏ, vàng đang nhảy múa đi kèm với những âm thanh sôi động ầm ì từ phía thành phố đang diễn ra liên tục.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Sắp giao thừa rồi nên những dòng xe pha đèn nối đuôi nhau qua cầu mỗi lúc mỗi nhiều hơn. Xa xa, thằng Mén cũng nghe rõ mồn một tiếng còi xe hơi vang lên lanh lảnh trên sông.
Giờ này mấy đứa bạn của nó chắc đang được ba mẹ chúng chở đi chơi ở mấy cái tụ điểm giải trí ồn ào, được ăn kem, ăn bánh, được tha hồ ngắm đường hoa. Nghĩ đến đó, nó bật khóc tức tưởi rồi nhìn chằm chằm vào chiếc ghe cũ mèm của nhà nó với nỗi chán chường.
Hồi chiều, thấy con đem chiếc đèn ngôi sao ra ngắm nghía rồi lau chùi, Hoa thấy lòng đứt từng đoạn ruột. Hơn hai mươi năm sống ở “làng bè” này, chị đã quá quen thuộc với nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Nhiều người còn mai mỉa nói rằng: dân làng bè gì mà nghèo kiết xác, nghèo rớt “mồng tơi”. Cũng phải thôi, họ nói đâu có oan ức gì đâu.
Làng bè ở đây đâu phải là các làng bè nuôi cá ba sa, cá tra gì đó của mấy tay lái cá giàu nứt đố, đổ vách mà trên truyền hình họ quay “phin”, làng bè này là nơi tụ họp, sinh sống của hơn hai mươi gia đình “tứ cố vô thân”, hổng ai có được một cục đất chọi chim.
Đã vậy “chủ hộ” đều là người một chữ bẻ đôi không biết. Mà biết sao được khi mỗi ngày họ phải chèo chống trên sông để bắt con tôm, con cá kiếm sống cho cả nhà. Biết chữ làm chi, bởi chữ có đẻ được ra tiền đâu mà ham hố.
Cứ vậy, những chiếc ghe “cà tàng” rời làng bè từ rất sớm và quay về vào lúc mặt trời lặn. Cái điệp khúc lặng lẽ cứ trôi qua mới đó đã gần hai mươi năm. Ban đầu có mươi hộ gốc gác đất địa này nhưng nghèo quá không đất đai canh tác nên “liều mạng” kéo nhau tới mé sông Cái này “định cư”.
Dần dần lại có thêm nhà chú 3 “Chợ Lách”, dì Tám “Chắc Cà Đao”, anh Tư “Gò Công”… Làng bè này tuy nghèo nhưng trở nên đông vui hơn. Có nhà chuyên chài lưới quanh năm; nhà thì bơi ghe mua “ ve chai, lông vịt”; nhà khác lại bán “hàng bông” rau cải…
Dù không bà con thân thích gì với nhau nhưng cả xóm làng bè này thương nhau rất lạ. Hễ ghe nào có người đau bệnh thì cả làng mất ăn, mất ngủ xúm xít thăm hỏi, đỡ đần nhau.
Nhớ có lần thím Tám “Sóc Trăng” bị bệnh ung thư thời kỳ cuối, cả làng bè buồn thiu rồi hùn nhau tiền dành dụm được sáu triệu đồng mướn xe chở đi Sài Gòn nhập viện. Mà có kịp đâu. Xe mới chạy qua tới Vĩnh Long thì thím tắt thở.
Đám ma thiệt nghèo và chỉ tổ chức khoảng một tiếng đồng hồ. Cái hòm “từ thiện” được Hội Chữ thập đỏ “cho không” được để trước cái ghe 9 lá của gia đình thím Tám đúng một giờ đồng hồ rồi đem chôn ở nghĩa trang nhà nước.
- Tết tới. Ai đời lấy đèn trung thu ra chơi, “dị hợm” lắm- chị nói với con.
- Hổng chơi nó thì chơi với cái gì? - Mén trả lời với giọng nói nặng nề.
- Thì mẹ nói vậy thôi. Ráng sang năm, nhà mình bớt khổ, mẹ sẽ dẫn con về thăm quê rồi ăn tết quê ngoại Bến Tre. Vui lắm...
- Con hổng tin mẹ nữa đâu. Mẹ hứa chuyện này từ năm này qua năm khác mà mẹ có làm đâu. Con hổng chịu đâu. Nó khóc lớn thêm.
Nghe tiếng khóc tức tưởi của thằng Mén, con Tấm đang chơi “cúp bế” ghe cạnh bên “chồm” đầu qua nói lớn:
- Mầy mắc cái chứng cốt gì mà khóc như đám ma vậy? Ê, sắp giao thừa rồi nghe. Qua năm mới mà khóc “mửng” này thì xui nguyên năm, thế nào cũng bị “ở lại lớp” hay bị cô giáo “quở” rầy cho coi- Tấm chọc quê.
- Tao buồn lắm. Tụi nó cũng như mình mà sao được đi chơi đủ thứ hết. Còn mình thì cứ năm này qua năm nọ, cứ ngồi “thù lù” trong ghe mấy ngày tết, giỏi lắm thì nhảy lên bờ chơi nhảy cò cò, nhảy dây, đánh đũa, chơi hoài buồn muốn chết. May mà năm nay tao nghe má tao nói con nít xóm mình được mấy ông, mấy bà trên phường cho mấy bộ đồ mới, bánh kẹo với một trăm ngàn tiền tết. Vậy mà…
- Vậy mà sao? Mầy nói túa xua, tao mà biết, tao chết liền.
- Vậy mà… tao… tao cứ buồn hoài. Hổng biết chừng nào mình mới lên bờ ở luôn, có nhà để ăn tết, để đi chơi như người ta. Mình nghèo, mình khỏi mua sắm đồ gì cho tốn tiền, chỉ trông có cái nhà để khỏi phải ở dưới ghe nằm ngủ cứ lắc lư hoài. Chưa kể mùa mưa bão tới, quần áo, tập vở ướt nhem, phơi nắng muốn gần chết... Người ta trông tết đến, còn mình thì trông tết mau qua.
- Đâu phải có mình mầy. Con nít xóm “cù bơ, cù bấc” này đứa nào cũng trông như mầy nhưng biết làm sao hơn- Tấm nói thật buồn.
Ngồi phía sau lái chiếc ghe cũ mèm, chị Hoa đứt từng đoạn ruột. Mà suy cho cùng chị cũng đâu muốn cả gia đình mình sống tạm bợ trên cái làng bè ven sông này đâu. May mà năm nay cả làng bè này được Nhà nước cấp cho cái sổ tạm trú “ka tê 3” gì đó nên con nít xóm này mới được nhập học như người ta. Nghe nói qua tết, Nhà nước sẽ xem xét cho cả xóm đi “tái định cư” gì đó để chấm dứt cái cảnh sống trôi nổi trên ghe. Chắc là mình ở hiền, gặp lành nên Nhà nước mới ngó xuống mà coi.
Ở giữa ghe, anh Quẹo- chồng chị- ngồi “lai rai” với chú Tám “ve chai” với cái mặt buồn so.
- Bữa nay, dòm cái mặt mầy thấy hết muốn “nhậu”. Có chuyện gì phải hông? Tết tới rồi, chuyện cũ bỏ đi, năm mới làm ăn mới được- chú Tám lên tiếng.
- Buồn chớ chú. Đời mình lang thang, phiêu bạt. Cực khổ mấy cũng chịu. Tội là tội cho mấy đứa nhỏ, lớn lên thua thiệt người ta. Tụi nhỏ lớn nhanh như thổi. Lỡ lớn lên tụi nó “ưng” nhau rồi làm sao tổ chức đám cưới?
- Mầy lo xa làm chi cho mệt. Thì dẫn nhau vô nhà hàng làm đám cưới chớ có sao đâu. Quan trọng là có tiền.
- Chú nói nghe dễ ợt. Giả sử làm đám cưới ở nhà hàng đi. Cưới rồi, xấp nhỏ ở đâu, rồi sanh con đẻ cái nữa.
- Ờ. Tao quên... thôi thì tới đâu hay đó. Trời sanh voi thì sanh cỏ. Vậy đi.
Ngồi phía sau ghe, thím Tám “ve chai” đang loay hoay nấu cháo gà để cúng giao thừa nói xen vào:
- Hai chú cháu nói chuyện “tào lao, mía lao” hoài. Cháo chín rồi đó nghe. Ông với thằng Hai nói con Hoa, mấy đứa nhỏ ăn đi để nguội. Năm nay chắc hổng “xôm” như mấy nắm trước hả ông? Nhà nước hổng có bắn pháo bông nữa. Mà sao vậy?
- Bà này lạ. Chuyện bắn hay không là của Nhà nước lo. Mà tui nghe nói bắn cái pháo đó đẹp thiệt nhưng tốn tiền lắm. Bắn có chút xíu mà tốn tới tiền tỷ chớ đâu có ít.
- Vậy sao? Vậy là Nhà nước nghỉ bắn cũng phải. Chỉ tội nghiệp mấy đứa nhỏ, mấy năm trước “ngủ gà, ngủ gật” nhưng cứ đòi coi bắn pháo bông rồi đứng trước mũi ghe nhảy lửng tửng la hét ỏm tỏi. Năm nay im re rồi- thím Tám nói nhỏ với cái giọng nuối tiếc.
- Có gì đâu buồn. Riết rồi quen thôi. Nhà nước tiết kiệm để lo cho dân nghèo đón tết, trong đó có cái “làng bè” khốn khổ này.
Một chiếc... hai... ba rồi nhiều chiếc xe hon da xuất hiện ở mé sông. Người lớn, con nít xóm này thấy lạ túa ra từ những chiếc ghe mục nát nhảy “phóc” lên bờ. Lạ. Chuyện gì vậy? Ai tới đây ngay lúc gần giao thừa vậy cà?
Vợ chồng chú Tám “ve chai”, vợ chồng chị Hoa rồi nhiều người khác quá bất ngờ trước sự có mặt của chú Ba “chủ tịch phường”, “cô Sáu phụ nữ” và nhiều người khác nữa.
- Giao thừa đêm nay, tụi tui tới để chúc tết bà con “làng bè” rồi đón xuân ở đây luôn. Sang năm, mình đón tết ở khu tái định cư mới nghe. Lâu lâu có nhớ “làng bè” thì cứ tới đây hát bài “Bài ca kỷ niệm”, bà con mình chịu hông? - tiếng chú Ba “chủ tịch” nói thiệt vui.
- Bánh mứt đây. Có lạp xưởng, tôm khô với mấy chai rượu “Phú Lễ- Bến Tre” chánh tông. Mình khui ra mời bà con chung vui chúc mừng năm mới- tiếng chú Năm “mặt trận” nói với vẻ phấn khích.
- Hoan hô. “ Híp bê ni du”- anh Quẹo hứng chí nói rất to.
- Trời đất. Người ta nói “híp bi niêu dia” là chúc mừng năm mới ba ơi- tiếng thằng Mén “nhắc tuồng”.
- Thì tao nghe nói “lỏm bỏm” trên “ti di” thì nói theo cho vui, chớ có rành rẽ gì đâu. Mà nói chung là có chúc mừng năm mới là được rồi- anh Quẹo cười khì khì.
Đêm nay “làng bè” đông vui, nhộn nhịp nhất từ trước đến nay. Tất cả những ngọn đèn bình, đèn ắc quy, đèn năng lượng mặt trời được người dân mang hết ra đây. Con nít ca hát nhảy múa tưng bừng.
Cánh đàn ông thì vừa “nhâm nhi”, vừa nghêu ngao mấy bản đờn ca tài tử thiệt mùi. Cánh đàn bà thì trải những chiếc chiếu cạnh mé sông để bàn chuyện làm ăn, bàn chuyện dời về nhà mới trong niềm vui hạnh phúc. Chuyện đón giao thừa ở làng bè này sẽ trở thành kỷ niệm.
Riêng thằng Mén và con Tấm cứ dòm lom lom về phía ánh đèn rực rỡ chốn phồn hoa. Ngày mai này tụi nó sẽ không còn nghe tiếng sóng vỗ mỗi đêm trong giấc ngủ chập chờn, không phải bị người ta gọi là dân “làng bè” tứ cố vô thân. Bỗng nhiên, chúng nắm chặt tay nhau và cùng bật khóc.
Giờ khắc giao thừa đã điểm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin