Mùa xuân thường mang đến những xúc cảm tươi mới, trở thành một chất xúc tác tuyệt vời để khơi gợi nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật…
Mùa xuân thường mang đến những xúc cảm tươi mới, trở thành một chất xúc tác tuyệt vời để khơi gợi nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật…
Bên cạnh thơ ca, âm nhạc đã đồng hành cùng mùa xuân đất nước và gieo vào lòng người niềm tin yêu bất tận bằng những giai điệu say đắm, ngọt ngào.
Trong gia tài những tác phẩm hay viết về mùa xuân mà các thế hệ nhạc sĩ nước ta đã dâng tặng cho đời, tôi gọi đó là những ca khúc mãi còn xanh, bởi sức sống trường tồn, bất diệt của nó.
Nói đến tác phẩm xuất sắc trong những sáng tác về mùa xuân, đầu tiên phải kể tới “Mùa xuân đầu tiên” của cố nhạc sĩ- thi sĩ- họa sĩ tài hoa Văn Cao.
Bài ca mùa xuân ấy đã vượt qua mọi ranh giới nghệ thuật, thẩm mỹ để trở về với sự mộc mạc, chân thành của ca từ; dịu nhẹ, êm ái của giai điệu; và hơn hết là ở ý nghĩa đặc biệt của nó, ra đời vào năm 1976, xứng đáng là món quà tặng cho mùa xuân thống nhất đầu tiên: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một tia nắng vui cho bao tâm hồn…”.
Điệu valse dìu dặt, bâng khuâng, không ồn ả náo nhiệt mà trầm lắng, để rồi dù nghe đi nghe lại bấy nhiêu lần, ta vẫn thấy xao xuyến, bồi hồi.
Đó là hạnh phúc bình dị được nhen nhóm bằng những giọt nước mắt hạnh phúc của nhà nhà, người người ngày sum họp: “Nước mắt trên vai anh, giọt rơi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh…”. Mùa xuân đầu tiên vừa chứa đựng sự sâu sắc của người từng trải; lại vừa sở hữu cả sự hồn nhiên, tươi tắn, bật lên thành tiếng reo vui như của trẻ con.
Để rồi sự hài hòa ấy kết thành một triết lý, nói thay cho triệu triệu người con đất Việt ngày đầu độc lập: “Từ nay người biết quê người/Từ nay người biết thương người/Từ nay người biết yêu người…”. Đó là cảm xúc chân thành, là hạnh phúc òa vỡ của ngày đoàn viên, của niềm mong mỏi hạnh phúc ấm êm đã thành hiện thực.
Sau đó mấy năm, có “Một mùa xuân nho nhỏ” (1980) ra đời nhưng lại đem đến một niềm vui to lớn cho cả tác giả phần lời (nhà thơ Thanh Hải) và người chắp cánh cho giai điệu bay lên (nhạc sĩ Trần Hoàn).
Bởi, thời điểm ấy, cái mùa xuân mà những người nghệ sĩ khiêm tốn ấy gọi là “nho nhỏ” đã thực sự gây được một tiếng vang lớn, hoàn toàn chinh phục được những người yêu nhạc khó tính nhất. Họ yêu một cách tự nhiên, đắm đuối một mùa xuân ngọt đằm rất Huế: “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay hứng về…”.
Một bức tranh xuân được chắt lọc từ những rung cảm hết sức tinh tế của người nghệ sĩ, phác họa bởi những nét chấm phá đặc biệt dễ thương, để rồi công chúng nghe nhạc cứ thế nương theo giai điệu, lắng hồn mình trong những thanh âm đặc trưng nơi xứ sở Thừa Thiên.
Màu “tím biếc” của một bông hoa hòa quyện với màu “xanh” của dòng sông. Hai sắc màu rất gợi ấy càng sinh động hơn bởi tiếng hót líu lo, tươi vui của con chim chiền chiện “Hót chi mà vang trời”.
Đấy là một sự liên tưởng độc đáo, hiếm hoi mà không phải người nghệ sĩ nào cũng dễ dàng nắm bắt được khi sáng tác. Họ không chỉ nhìn bằng mắt, lắng nghe bằng tai mà còn linh cảm bằng cả trái tim yêu đời tha thiết thì mới có thể “hứng” được ngàn giọt xuân “long lanh rơi” trong ngần đến vậy.
Cũng như “Mùa xuân đầu tiên”, “Một mùa xuân nho nhỏ” tiếp nối những nốt nhạc lạc quan, gửi vào mùa xuân đất nước giữa bộn bề gian khó thời gian đầu độc lập niềm tin yêu phơi phới, rạng ngời: “Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao/ Cứ vững vàng phía trước/ Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/ Một nốt trầm xao xuyến/ Tan biến trong hòa ca…”
Năm 1978, bắt gặp một tứ thơ đẹp của nhà thơ Nguyễn Loan, nhạc sĩ Trần Hoàn một lần nữa gửi vào mùa xuân những nốt nhạc với giai điệu tình tứ, mượt mà khi tiếp tục cho ra đời ca khúc “Tình ca mùa xuân”.
Đó là thời điểm mà đất nước ta đang dốc sức cho cuộc chiến tranh vệ quốc cuối cùng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới phía Bắc và Tây Nam. Ca khúc ra đời là một lời động viên kịp thời, luôn được hát vang lên trong buổi tiễn đưa những người lính trẻ lên đường nhập ngũ.
Vẫn là sự lạc quan, yêu đời đến lạ: “Em ơi em mùa xuân, đã về trên cành lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá, giữa trời xanh xanh thẳm/ Mùi hương nào rất quen, nghe như làn hơi ấm/ Nghe đâu từ sâu thẳm, đất cựa mình sinh sôi…”.
Để rồi, không ít những người bạn gái hậu phương đã mượn lời bài hát để gửi trọn tin yêu về người lính nơi chiến trường: “Nghe không anh mùa xuân, về cùng tin chiến thắng/ Xóm vui trong màu nắng, như gọi đồng chín vàng/ Ngày anh đi cách xa, nguôi sao được nỗi nhớ/ Thương nhau dù cách trở, giữ trọn lời tin nhau”.
Một ca khúc tròn trịa, có sức lay động mãnh liệt, khi tình yêu đôi lứa được ươm mầm, rồi hòa quyện vào tình yêu quê hương đất nước rộng lớn. Hai mà một, một mà hai, giữa mùa xuân hy vọng.
Vậy nên, tới tận ngày hôm nay, mỗi độ xuân về, không ít người vẫn ngân nga từng câu hát ấy: “Và chúng mình yêu nhau/ Bắt đầu từ độ ấy/ Em đi vào xưởng máy/ Khi trời còn hơi sương/ Và anh lại ra đi, vui như ngày hội/ Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa…”
Nhắc đến những ca khúc hay viết về mùa xuân, sẽ là thiếu sót vô cùng nếu không đề cập tới những sáng tác của người nhạc sĩ được mệnh danh là “nhạc sĩ của mùa xuân”- Xuân Hồng. Ông có một “Xuân chiến khu” vui tươi, khí phách; một “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” hào sảng, đầy tự hào và đặc biệt ấn tượng là ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ” (1985, phổ thơ Song Hảo).
Cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ, Xuân Hồng đã góp cho mùa xuân một bản tình ca đôi lứa đẹp đến nao lòng với một chủ đề chưa bao giờ mòn cũ: mùa xuân- tình yêu- người lính: “Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người hôn nhau/ Thành phố ơi, hãy yên lặng/ Để hai người hôn nhau…”
Thông điệp tình yêu người lính được gói ghém gọn gàng với ca từ mộc mạc nhưng giàu hình ảnh, sâu lắng, ngọt ngào: “Khi mặt trận bình yên, anh lính về thăm phố/ Cô gái vừa tan ca/ Họ hẹn nhau, và chờ nhau/ Cùng khát khao hạnh phúc/ Họ đón nhau, và mùa xuân cũng theo về…”
Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc bình dị mà cao quý. Chỉ cần vậy thôi cũng đủ để làm nên một mùa xuân uyên ương giàu chất thơ, bởi tình yêu lứa đôi được đặt bên cạnh và luôn song hành với nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc:
“Khi tạm biệt mùa xuân, anh lính về biên giới/ Cô gái vào ca ba/ Họ tạm xa từng ngày qua, cùng thiết tha thầm nhớ/ Họ vững tin rồi mùa xuân cũng quay về”, để ngưỡng mộ làm sao trước sự hy sinh ấy: “Ôi hạnh phúc cô thợ ấy, đơn sơ mà thắm nồng/ Tình yêu của người lính lắng sâu mà cháy bỏng/ Tạm biệt rồi vẫn đọng những nụ hôn…”.
Những nhạc sĩ tài hoa ấy nay đã trở thành người thiên cổ. Song tôi tin rằng, những tác phẩm xuất sắc viết về mùa xuân- những đứa con tinh thần mà họ đã dày công thai nghén, sinh nở trong thời đại của mình và gửi lại cho đời sau, làm đẹp cho Tổ quốc này sẽ còn xanh mãi với thời gian, sẽ vẫn còn rộn ràng ngân lên cùng những mùa xuân đất nước.
- NGÔ THẾ LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin