Sáng ra, Út Huệ chải đầu, tay vuốt hàng răng lược, dính theo một nhúm tóc rụng. Nỗi buồn tự dưng kéo về. Không dám soi gương, Huệ sợ nếp nhăn và những sợi tóc trắng của cái tuổi ngấp nghé bốn mươi không mời mà ào ạt kéo tới.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
- NGUYỄN LINH
Sáng ra, Út Huệ chải đầu, tay vuốt hàng răng lược, dính theo một nhúm tóc rụng. Nỗi buồn tự dưng kéo về. Không dám soi gương, Huệ sợ nếp nhăn và những sợi tóc trắng của cái tuổi ngấp nghé bốn mươi không mời mà ào ạt kéo tới.
Hồi đó, ai cũng khen Út Huệ đẹp. Là con gái thì “Nhất dáng nhì da”, Huệ đặng cả hai. Bây giờ, mỗi lần nghe nhắc, cô cười mà lòng nghe rười rượi: Đẹp để làm gì? Làm một người phụ nữ bình thường, có chồng, sanh những đứa con dễ thương như… thằng Nguyên, con Tuyết chẳng hạn, là đủ, là hạnh phúc.
Nghĩ tới Nguyên và Tuyết, Huệ chợt nhớ lâu rồi mình không qua thăm hai đứa nhỏ. Cô liền xuống bếp gói một bọc cơm nếp đậu xanh, nách cây dầm ra cửa.
- Mới sáng sớm đi đâu vậy Út?
Nghe má hỏi, Huệ chựng lại:
- Dạ, con… ra chợ, sẵn dịp ghé thăm thằng Nguyên, con Tuyết luôn thể.
- Hai đứa nhỏ là con của người ta, tự dưng ghé thăm hoài hà!
Ừ, là con của người ta, ai biểu nhớ? Vậy mà không hiểu sao cứ nghe nhớ, mắc nhớ! Huệ chần chừ trước cửa một lúc rồi xuống bến, chống xuồng ra làm đám lục bình nằm rạp xuống mặt nước. Mấy con cá thòi lòi giật mình nép vào bẹ dừa nước, giương những cặp mắt to, tròn, ngơ ngác.
Ba mươi năm trước, ở cái tuổi lên chín, lên mười, Huệ, Nhiên và Vân chơi thân, hay rủ nhau đi câu cá thòi lòi, cá bống dừa ngoài lung. Huệ và Vân bằng nhau, Nhiên lớn hơn một tuổi.
Những lúc chơi nhà chòi bày trò đám cưới, hai đứa hay giành làm cô dâu với Nhiên. Vân vốn lanh lợi, lần nào cũng được phần thắng: “Tao xí thằng Nhiên trước rồi. Để dành thằng Tám cho mầy. Mơi mốt lớn lên, hai đứa tao sẽ làm đám cưới thiệt. Tao thấy người lớn làm cô dâu chú rể rồi, được bận đồ đẹp, vui lắm!”
Nghe nói, cả bọn ôm bụng cười làm Nhiên mắc cỡ, đỏ mặt, chạy te về nhà trốn biệt ở kẹt bồ lúa. Má Nhiên thấy vậy, cười: “Rồi, bữa nay bị đứa nào chọc ghẹo mà chạy về nữa đây? Con trai gì hễ bị ghẹo là mắc cỡ như con gái vậy hà!”
Tưởng nói giỡn, ai dè đến năm mười tám tuổi, Vân xí phần thiệt. Tụi nó thay đổi cách xưng hô, tui với Nhiên, rồi anh anh, em em hồi nào không biết, nghe ngọt xớt. Có một hôm đoàn hội chợ về xã, cơm nước xong, Nhiên, Vân và Huệ hẹn nhau cùng đi.
Nhìn hai đứa nó ngồi cạnh nhau, ăn chung bịch đậu phộng rang, dò chung vé lô tô, không hiểu sao Huệ bỗng nghe buồn nên viện cớ: “Pê đê đoàn này ca dở quá! Hai đứa bây ở lại, tao về trước nghen!” Vậy mà tụi nó vô tình thiệt, không cản lấy một câu.
Nhiên gật đầu, thảy cho Huệ bịch đậu phộng: “Ừ, vậy thì… Huệ về trước đi! Tụi này dò thêm vài vòng lô tô nữa rồi về sau”. Xong, anh chàng nhìn sang Vân nháy mắt cười tình tứ. Vân cũng cười theo làm Huệ nghe nghẹn ở cổ, dùng dằng bỏ đi. Nhưng Huệ không về nhà mà ghé ngồi ở cầu Đúc rồi tự dưng nước mắt rịn ra, ướt nhèm cả hai má.
Huệ ngồi im như vậy không biết bao lâu. Mãi tới khi tụi con trai xóm trên đi ngang, cà rỡn bằng cái giọng bài hãi: “Út Huệ ơi, sao hổng vô hội chợ dò lô tô kiếm vài bịch bột ngọt? Làm gì mà ngồi thừ một mình buồn hiu vậy? Pê đê đoàn này hát hay như ca sĩ luôn. Đi chơi với tụi anh, Huệ ha!” Huệ giật mình, cúi mặt giấu nước mắt.
Một buổi trưa, Vân chạy qua nhà, kéo Huệ ra hè cười tủm tỉm, khoe: “Ông Nhiên đòi cưới tao. Ổng nói định thưa chuyện với má ổng… Kỳ muốn chết! Nếu là mầy… mầy tính sao hả Huệ?” Huệ biết hai người yêu nhau lâu rồi, hồi mười bảy, mười tám tuổi. Nhưng… cái tin này…
Huệ nghe choáng váng như sét đánh: “Ừ thì… ai biết lòng mầy đang nghĩ gì mà hỏi này hỏi nọ!” Nhìn Vân cúi mặt, hai tay vân vê vạt áo, Huệ nghĩ chắc nhỏ bạn đang hạnh phúc lắm. Mà, được người như Nhiên ngỏ cưới làm sao không hạnh phúc cho được. Nếu là Huệ thì cô đã ừ, ừ cái rụp rồi!
Cuối cùng thì cái ngày đám cưới của Vân và Nhiên cũng tới. Buổi sáng đưa dâu Vân về nhà chồng, chợt có ngọn gió bấc từ đâu bay về làm Huệ nghe buốt cả tâm can. Hôm đó, hai họ đi bộ từ Tắc Ông Phò ra vàm, tụi con nít chạy theo, chen nhau coi cô dâu, chú rể chật cả đường.
Huệ lẽo đẽo theo sau cô dâu, phụ ôm cặp gối thêu “Nhiên - Vân trăm năm hạnh phúc”. Nhìn cặp gối được gói trong bọc giấy kiếng màu đỏ còn thơm mùi vải mới, Huệ ao ước phải chi nó thuộc về mình, của mình.
Ngang qua gốc xoài, Huệ mơ màng nhớ lại cái nhà chòi thời con nít vô tư bày trò chơi đám cưới. Cô nhớ luôn cả hai cái răng sún của Nhiên, mỗi khi cười Nhiên hay mắc cỡ lấy tay che miệng lại.
Chỗ này, Nhiên đã thắt tặng cho Huệ con cào cào bằng lá dừa; đằng kia, ba đứa đi học về bị lật xuồng, lội loi ngoi lóp ngóp; xa hơn một tí là đống rơm sau hè ông Mười Một, cái nơi mà mỗi trưa ba đứa hay lẩn quẩn tìm trứng gà của mấy bà hàng xóm đẻ rơi, đẻ rớt… Bây giờ, tụi nó đã làm cô dâu chú rể thiệt rồi! Đang vui, chắc tụi nó đã quên hết chuyện của ngày xưa.
Huệ muốn được khóc, khóc cho nhẹ lòng. Nhưng… bữa nay là đám cưới của người ta, cô dâu xa gia đình không khóc mắc gì mình phải khóc?
* * *
… Mới nghĩ có bao nhiêu chuyện cũ mà xuồng đã tới ngã ba Cây Gáo. Bỗng xuồng lừng chừng rồi tấp vô bờ. Không tới nhà Nhiên. Tới để làm gì? Với Huệ, cảnh đó, người đó đã nằm lòng, đã khắc sâu trong trí, trong tim.
Nhà Nhiên, căn nhà tường cũ lợp ngói, ba gian cửa lá sách màu xanh đã bao năm rồi không sơn lại. Phía sau tủ thờ, kẹt bồ lúa trong buồng,… tất cả đều đầy ắp kỷ niệm của cái thời vô tư chơi trốn tìm. Dưới bến, cây cầu bằng vỉ sắt ấp chiến lược nằm im lìm bên gốc cồng già.
Cũng tại bến sông đó, Huệ bị má xách cây roi tre đánh vào mông: “Ai đời, con gái chiều rồi mà còn trầm nghịch dưới sông mò tép!”
Thấy Huệ bị đòn, Nhiên và Vân sợ xanh mặt, lén lội qua sông trốn ở đám rau mát. Bây giờ, anh chị đều đã có gia đình, Huệ thì gần cái tuổi bốn mươi, cây roi cũ vẫn còn nhưng má đâu đủ sức để rầy la, dạy dỗ Út Huệ như cái hồi còn nhỏ xíu.
Cũng như sáng nay, má ngồi buồn nhìn con gái đi thăm mấy đứa con của người ta. Là đàn bà, chắc má hiểu hết, lòng má chắc cũng đang đau. Trước đây, má từng day dứt biểu: “Con gái lớn rồi, coi chỗ nào được thì ưng. Má hổng ở đây hoài để sống đời với mầy đâu, Huệ”.
Nhưng má ơi, nhiều lần con cũng muốn quên lắm, ráng quên hoài mà quên hổng được. Miệng nói quên mà trong bụng mắc nhớ. Ai biểu làm thân con gái chi rồi khổ.
Hồi má Nhiên còn sống, mỗi bận Huệ qua nhà chơi, bác hay lấy tay vuốt nhẹ lên mái tóc của Huệ mà khen: “Con nhỏ có mái tóc thiệt mượt. Ừ, cái răng cái tóc là gốc con người mà”.
Rồi bác day qua Nhiên, cười: “Mơi mốt, hai đứa lớn lên, tao qua hỏi chị Tư cưới con Huệ cho mầy, nghen Nhiên!” Nhiên mắc cỡ: “Má này, con trai mới có mười lăm tuổi mà nói hoài ba cái chuyện vợ con. Kỳ muốn chết!”
Lúc đó, Huệ mới mười bốn tuổi. Lúc đó, Huệ mới phát hiện: Ừ, thằng Nhiên hơi ốm nhưng nhìn kỹ cũng dễ thương thiệt. Nhưng bác mất sớm, bác đâu biết rằng cái đêm con dâu của bác vĩnh viễn ra đi bỏ lại bé Nguyên, bé Tuyết còn nhỏ xíu thì Nhiên- Út Nhiên của bác khổ như thế nào không?
Là người cha, điểm tựa duy nhất cho con thì Nhiên lại âm thầm như chiếc bóng. Bé Tuyết còn quá nhỏ, chưa thấu hết nỗi buồn. Còn thằng Nguyên, có khi nó ngồi thừ ra mấy giờ liền như pho tượng, cạnh ba nó- một pho tượng thứ hai trong ngôi nhà không đàn bà, vắng ngắt.
Hôm đó là một đêm không trăng. Nhiên và Vân chèo ghe khoai lang vượt sông Hậu. Chợt sóng to gió lớn nổi lên, chiếc ghe bị lật chơi vơi ở giữa dòng. Nhiên may mắn thoát chết nhưng Vân thì mất tăm, mất dạng. Nghe tin, xóm giềng tập trung vỏ lãi, kéo cờ trắng chạy tìm khắp các con sông, con rạch nhưng Vân đã mãi mãi không về.
Mãi đến hơn một năm sau mà Nhiên vẫn như người mất hồn, chưa chấp nhận đó là sự thật.
Lần nào nghe chòm xóm khuyên: “Nhiên à, vợ mầy dù không thấy xác nhưng dẫu sao nó cũng mất rồi, mầy cũng phải lập bàn thờ, kêu hồn nó về, đốt nhang cho ấm cúng”, Nhiên đều cãi: “Chết đâu mà chết! Vợ tui còn sống, mơi mốt sẽ về với chồng, với con thôi!” Nhiên nói mà mắt ứa nước.
Có bữa, Nhiên gởi thằng Nguyên, con Tuyết cho bà Bảy nhà kế bên, nói đi công chuyện nhưng lại chèo ghe ra sông Hậu, tới vàm Cái Cui, lớ ngớ tìm một thứ gì đó trong vô thức rồi lặng lẽ cột dây vô gốc bần nhìn về phía trời xa.
Huệ tới đó để làm gì? Trong khi xác Vân chắc đã hòa vào dòng phù sa đỏ chạch bao năm rồi mà Nhiên vẫn giữ y cảnh cũ: Cái giỏ xách đi chợ máng ở nhà bếp, bây giờ đã đóng đầy bụi; trong tủ, vẫn còn đó những bộ quần áo đàn bà;… Của Vân, tất cả đều là hình ảnh của Vân.
Mờ sáng, khi Nhiên bơi xuồng câu về, bé Tuyết còn mê ngủ thì thằng Nguyên lặng lẽ ngồi lựa cá cùng anh bên cái đèn dầu leo lét. Xong, Nhiên lật đật bơi xuồng đem cá ra chợ xã để kịp về đưa hai con đi học.
Lần nào anh cũng bị mấy cô góa chồng trong xóm ghẹo: “Anh Nhiên ơi, để em làm má thằng Nguyên đi. Em bán cá, em đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo cho anh. Được hôn?” Nhiên im lặng, bơi miết. Đố ai biết được lòng Nhiên nghĩ gì và chờ đợi điều gì.
Mỗi lần Huệ tới nhà, chỉ có hai đứa nhỏ là chạy ra mừng: “Dì Huệ, sao lâu quá dì không ghé đây chơi, thăm tụi con?” Còn Nhiên, anh chỉ gật đầu, cười nhẹ rồi kiếm cớ đi thăm câu hoặc nhổ cỏ lúa. Lúc đầu, Huệ nghe tự ái, thấy buồn nhưng dần rồi cũng quen.
Cô lấy chổi quét lại căn nhà, rửa mấy cái tách trà đóng bợn vàng, vo gạo bắc nồi cơm… Và lần nào bên bếp lửa thằng Nguyên cũng than nhớ má: “Người ta nói má con đã chết, chết lâu rồi nhưng ba thì bảo không đâu, má chỉ đi làm ăn xa… xa lắm!
Nguyên chờ hoài chờ mãi sao lâu quá mà không thấy má về thăm nhà, thăm anh em tụi con. Bộ má giận Nguyên thiệt, giận luôn rồi sao?”
Lần nào nghe nó thủ thỉ, Huệ cũng ôm hai đứa vào lòng, kìm nước mắt mà nói gạt: “Chái bếp nhà này thấp làm dì cay mắt quá!” Thằng Nguyên vô tư: “Ừa hén, chái bếp thấp, cũ lại đóng nhiều bồ hóng. Mơi mốt con nhắc ba phá bỏ rồi cất lại cái mới, cao hơn để mắt dì Huệ khỏi tèm nhèm, để dì Huệ qua nhà nấu cơm cho tụi con ăn hoài luôn, hen?”
Thằng Nguyên bắt Huệ ngoéo tay hứa. Huệ miễn cưỡng chìa tay ra với nó nhưng cô hiểu rằng Nhiên sẽ không bao giờ phá bỏ cảnh cũ của người xưa. Mà, thí dụ có phá bỏ tất cả cũng không thể nào phá được những gì vĩnh cửu trong lòng người.
Sáng nay, kỳ thiệt! Tự dưng Huệ nôn nao muốn tới nhà thăm thằng Nguyên, con Tuyết rồi tự dưng lại lừng chừng không muốn ghé.
Huệ chống xuồng ra, rời bến Cây Gáo, bơi xuồng ngang nhà Nhiên để nhìn… cây cầu bằng vỉ sắt dưới bến, nhìn cây cồng già, nhìn chái bếp cũ đang un un khói, nhìn con Tuyết ngồi buồn so trước cửa, nhìn thằng Nguyên y hệt Nhiên của mấy mươi năm về trước.
Chỉ có khác là nó xách cần câu đi câu cá thòi lòi, cá bống dừa thui thủi chỉ một mình. Huệ định ghé xuồng lại, thảy cho tụi nó gói cơm nếp đậu xanh nhưng chợt nghĩ: “Hai đứa nhỏ là con của người ta, tự dưng tới ghé thăm hoài hà!” Lời của má nghe mà thấm thía. Mình kỳ thiệt!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin