Truyện ngắn: Quả báo

11:12, 25/12/2016

Tiệm hớt tóc là một mái lá đơn sơ nằm bên đường dẫn vào chợ thị xã, dưới tàn phượng rợp bóng. Phía sau tiệm là ngôi nhà lợp tôn, có vườn, ao khá rộng. 

Tiệm hớt tóc là một mái lá đơn sơ nằm bên đường dẫn vào chợ thị xã, dưới tàn phượng rợp bóng. Phía sau tiệm là ngôi nhà lợp tôn, có vườn, ao khá rộng.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Hình như cái dịch vụ sờ đầu tỉa tót này chỉ mang tính chất kiếm thêm chút thu nhập từ người dân sống khá thưa thớt quanh vùng.

Anh thợ chăm chú đọc báo, chẳng để ý đến chuyến xe liên tỉnh vừa đỗ bên kia đường. Một ông khách béo mập trạc ngoài năm mươi, áo bỏ vào quần, chân đi khập khễnh, vai mang chiếc túi xách sờn cũ, ngập ngừng nhìn quanh rồi bước vào tiệm.

Trông điệu bộ ông ta như muốn chứng tỏ trước đây mình từng là người lịch lãm, có tiền, qua kiểu cách lột cái nón nỉ phai màu, búng ngón tay phủi bụi gọn gàng trước khi máng vào móc.

Cởi chiếc áo sơ mi ngả màu cháo lòng xếp bên trên túi xách, người đàn ông để mình trần nhễ nhại mồ hôi ngồi vào ghế:

- Chú cắt cho tôi hơi cao một chút… tỉa mỏng ria, râu cằm cạo sạch. Làm cẩn thận, tôi không gấp!

Anh thợ chậm rãi choàng tấm vải ngang cổ khách để bắt đầu công việc, miệng hỏi như theo thói quen:

- Anh chắc ở xa tới đây thăm bà con?

Ho khan một tiếng, ông khách trả lời:

- Tôi tên Hảo, quê gốc Bạc Liêu… Làm ăn thất bại, quẩn bách quá nên đánh liều xuống đây tìm người bạn nhờ giúp đỡ, Nghe nói tháng rồi anh ta trúng số độc đắc cả chục vé. Mình cùng cực quá nên đi thì đi chớ coi bộ… ít hy vọng!

- Còn tôi thứ Hai, chắc kém tuổi anh… Ờ, anh làm nghề gì mà thất bại?

Buổi trưa vắng vẻ, không gian êm ả khiến người ta dễ bắt chuyện với nhau. Ông Hảo nói giọng đều đều:

- Cái gì cũng có thời! Vài ba năm nay tôi xuống dốc, chớ trước kia nghề thầu xây dựng của tôi lừng lẫy lắm. Công trình liên tục quanh năm không hết việc, rong ruổi quan hệ hợp đồng khắp nơi tuy có mệt thiệt, nhưng bù lại chuyện tiền bạc ăn chơi tôi không thiếu. Từ nhà hàng đặc sản, bia ôm, bia võng… tôi nếm qua ráo trọi!

Xoay xoay thành thạo chiếc kéo trên tay, anh Hai có vẻ không mấy đồng tình:

- Coi vậy chớ làm sao bằng được mái ấm gia đình, vợ con mình hả… ông thầu?

- Cũng đúng! Nhưng mỗi người mỗi số phần và còn tùy theo… tâm tánh nữa. Sẵn nói luôn cho chú nghe, vợ chồng tôi vừa ly dị năm kia để kết thúc cái tình nghĩa lợt lạt hai mươi năm. Vừa xong chuyện tòa án, hai cái nhà đang xây bỗng dưng sụt đất đổ ụp, rồi vật tư, công thợ tăng giá…, coi như phá sản.

Họa vô đơn chí, hôm tết bị xe ben ép té gãy chân phải bắt bốn con vít, quá thời gian rồi mà không tiền mổ lấy ra. Đau lắm, ngẫm lại lỗi tại tôi ít quan tâm gia đình để nhắm mắt chạy theo nếp sống bê tha, chơi bời, giờ lãnh hậu quả… cũng đáng kiếp!

- Anh được mấy đứa con?

- Có độc đứa con gái, may là gả chồng trước rồi…

Một phụ nữ thấp người, khuôn mặt đầy đặn hiền lành, từ sau bưng lên bình trà đá đặt lên kệ, nhẹ chào khách rồi quay ra. Ông khách ngoái nhìn theo từ phía sau, mắt hau háu dán vào đôi bắp chân trần trắng mịn lộ ra từ chiếc quần lửng. Anh thợ cắt tóc khó chịu, càu nhàu:

- Anh ngó thẳng vô kiếng, tôi hớt mới được… Vợ cũ anh giờ ra sao rồi?

Ông Hảo thở dài, ấm ức:

- Nghe nói bả sống với thằng cha viết văn bèo nhèo nào đó, tất nhiên là nghèo hơn tôi hồi đó xa lắc. Tức nỗi là con gái tôi lại đồng tình ủng hộ vì cho rằng mẹ nó được bù đắp hạnh phúc, tuy có muộn. Hạnh phúc là cái quái gì? Hừ… tình cảm đàn bà thiệt khó hiểu, chú nghĩ sao?

Vẫy nhẹ cái tông-đơ, anh thợ thản nhiên đưa ra nhận xét:

- Bình thường! Vợ chồng thương yêu chân thật, sướng khổ có nhau thì gian nan, lận đận nào mà hổng vượt qua? À… hỏi thiệt, trước anh có thi công ở vùng này không?

Ngó qua tấm gương, ông Hảo tặc lưỡi như chưa thật ưng ý:

- Tóc tôi mà sấy lên cho bồng bềnh, ria có đuôi dài một chút thì bảo đảm nghệ sĩ cải lương khó ăn nổi! Anh vuốt keo cho đều, đừng để so le sợi nào nghen. Này, có một chuyện lâu nay tôi giữ kín, giờ vui miệng…

Duỗi thẳng hai chân, ông khách lim dim mắt hồi tưởng chuyện xưa thành lời:

- Năm năm trước, thời tôi còn… vàng son, có tham gia một phần công trình xây dựng cảng cá ở huyện Đông này. Thời gian khá dài, có lúc tôi ở dầm dề tại đây suốt tháng trông coi thợ thầy.

Chiều mát, tôi lượn lờ chiếc Vespa khắp nẻo đường quê riết rồi cánh phụ nữ quen mặt. Tôi tha hồ trổ mòi bỡn cợt, ai chịu đèn cắn câu thì tôi… vô luôn.

Mấy bà, mấy cô thôi chồng hoặc lỡ thì thường hay ẩn ức bồn chồn, mơ màng viễn vông. Mình nắm bắt rành tâm lý họ và có chút gan lỳ thì sớm muộn gì cũng dính. Vả lại, tôi có tiền, có phong độ mà. Hẹn hò nhau tại nhà trọ sợ thiên hạ thấy cho nên cứ chở các em tìm bờ rơm, góc vườn nào vắng vẻ để tâm sự.

Nói chú nghe, tôi mang tật thích đàn bà… có chồng bởi họ kín đáo, nồng nàn hơn. Đặc biệt là cảm giác lén lút, hồi hộp khi chiếm đoạt “bảo bối” của người khác, nó gây hưng phấn lạ lùng.

Tôi chỉ chọn đối tượng thường xuyên sống một mình, chồng vì nghề nghiệp phải vắng nhà lâu ngày. Đương nhiên họ có sự đòi hỏi thôi thúc cần được đáp ứng về nhu cầu tình cảm và xác thịt. Ấy là tôi nói về những bà không biết tự kiềm chế, để dục vọng lấn át lý trí thôi…

Bật chốt ghế cho ông khách dựa ngửa lấy ráy tai, anh thợ thờ ơ nói:

- Chuyện này hay đấy, ông kể tiếp tôi nghe…

- Lần tôi qua Rạch Bần, tình cờ vào nhà nọ xin nước uống gặp một người đàn bà chưa tới ba mươi, có đứa con gái cỡ bốn tuổi. Mới nhìn, tôi đã sững sờ vì nét thu hút của cô ta. Ngoài đường cong lồ lộ hấp dẫn của gái một con, sự lôi cuốn còn từ cặp mắt đen láy đượm chút lẳng lơ, ve vuốt mơn man.

Cô ta tên Đào, chồng theo ghe đánh cá biển hàng tháng mới về vài ngày, rồi lại đi. Đàn bà căng tràn sức sống chịu cảnh đơn chiếc, tôi lại ngọt ngào thông cảm nên cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ đồng hồ mới tạm dừng.

Tôi khéo léo tìm hiểu, trổ hết ngón nghề đưa đẩy Đào bộc lộ tâm sự riêng tư và cuối cùng tôi ỡm ờ hẹn gặp lại, cô đồng ý ngay. Trên đường về, tôi nhận định nàng ta đang trong tâm trạng… khát tình và sẵn sàng phản bội chồng. Ấy… anh nhẹ tay chút chớ!

- Xin lỗi! tại mấy thằng nhỏ ngoài đường rú ga lạng lách làm tôi giật mình…

- Tới đâu rồi? Ờ… có lẽ tôi chủ quan, nhưng trên đời này không nói ra thì không ai biết, nhiều người vợ hoặc chồng trong giây phút xao lòng và gặp đúng hoàn cảnh thích hợp đã… ăn vụng khéo chùi mép một đôi lần rồi chấm dứt thì chỉ có ông trời mới biết bí mật đó. Họ lại quay về với người bạn đời trong cái vỏ bọc đoan chính, thủy chung bất biến…

Anh thợ hớt tóc mở ngăn kéo lấy con dao cạo mài xoành xoạch vào miếng da treo lủng lẳng, sửa tư thế cho khách nằm ngửa cổ, thoa chút nước vào hàng ria rậm, rồi hỏi bâng quơ:

- Hình như chồng cô ấy tên là Tấn… à… Tín… Ba Tín thì phải?

Ông Hảo chợt nhổm lên cố nhìn vào gương, nhưng vướng bàn tay anh thợ chặn bên má nên ông dè dặt trả lời:

- Đúng… đúng rồi! Sao chú biết? Hay là…

Đưa nhát dao thuần thục cạo dài theo sống mũi khách, anh thợ nhát gừng:

- Biết chi đâu? Nghe mấy cha đi biển về nhậu nhẹt nhắc tên loáng thoáng, tôi nói ù ơ chơi thôi!

Ông khách nhiều lời lại lim dim mắt, lời kể như lẫn chút ray rứt:

- … Dao cạo Pháp bén lắm, coi chừng đứt ngọt nghen! Từ đó, tôi lui tới vụng trộm với Đào bất cứ lúc nào thuận tiện. Cô ta thật mãnh liệt, có đêm quấn lấy tôi tới sáng bét mắt mới cho về.

Đứa nhỏ, con bé Dung thơ ngây và dễ thương, lần nào đến tôi cũng có quà bánh cho nó. Quan hệ được gần hai tháng, nghe phong thanh chồng Đào nhờ người dò la việc vợ mình lăng nhăng ngoại tình, tôi muốn lảng ra vì sợ rắc rối.

Tránh né một tuần lễ, ai ngờ Đào dám tìm tới công trình xây dựng gặp tôi và cho biết chồng vừa xuống ghe lúc khuya. Lúc này bến cảng sắp hoàn thành, thợ thầy thu dọn chuẩn bị rút quân.

Tôi rỗi việc, lén lấy xe chở Đào trùm khăn kín mặt chạy tuốt lên nhà trọ ngoại ô huyện bên. Gần suốt buổi chiều quấn quít bên nhau, tôi đờ đẫn mệt nhoài, quên hỏi về con bé Dung.

Gọi honda ôm đưa Đào về, tôi trở lại công trình và nghe một chuyện vừa xảy ra thật bàng hoàng, kinh hãi. Thời gian tôi cùng Đào mê đắm hoan lạc ở phòng trọ thì nhà cô ta bốc cháy từ gian bếp, chắc do bất cẩn tro than. Nhà bằng gỗ, lá nên lửa lan nhanh tới buồng ngủ.

Chừng hàng xóm dập tắt đám cháy, phát hiện bé Dung đã chết ngạt trên giường. Thì ra Đào… nhốt con trong nhà để đi gặp tôi. Đâu ngờ sự thể quá đau lòng.

Chôn con xong, ba ngày sau thì Tín, chồng cô ta mới hay, quá giang ghe đáy về tới. Khỏi phải nói sự đau đớn cực độ của anh ta khi nhìn vợ mình đầu bù tóc rối vật vã bên mộ con, bỏ ăn bỏ uống.

Là nghe đám thợ kể lại, chớ tôi cũng khổ tâm, ân hận, dằn vặt mình mấy đêm liền. Giải quyết cho nhanh công việc, tôi âm thầm về quê, im hơi lặng tiếng cho đến nay.

Gia đình tôi rồi cũng tan vỡ, chia lìa, tôi thì trắng tay, thân bại danh liệt. Có quả báo, có ông trời trừng phạt tôi chăng?

Con dao cạo miết mạnh vào cằm rướm màu, ông Hảo nhăn mặt định lên tiếng cự nự thì anh thợ mím môi gay gắt:

- Anh chưa biết đoạn sau câu chuyện, để tôi kể tiếp cho… Người đàn bà ngoại tình đó ba tháng sau ngày con chết đã phát điên loạn, rồi đêm nọ nhảy xuống sông vàm cửa Tiểu.

Cái xác thối rữa, cá rỉa bấy bá, trôi tận Cần Giờ… ghê không? Mọi người rồi cũng biết chuyện buổi chiều bé Dung chết tức tưởi thì mẹ nó đang vui vẻ ăn nằm cùng… gã thầu làm ở cảng cá huyện.

Biết Ba Tín, chồng cô ta là ai không… ông Hảo? Nó là… em ruột tôi… Hai Trung đây! Này. Dao cạo Pháp bén ngọt lắm, đừng cựa quậy để mình nói chuyện chơi. Tôi cạo chưa xong mà ông bạn!

Cúi nhìn sát mặt ông khách từ tái xanh chuyển sang trắng bệch, mồ hôi nhỏ giọt, vẻ điếm đàng tự mãn đã biến mất; Hai Trung cười khinh khỉnh:

- Sau những biến cố dồn dập đó, thằng em tôi phát bệnh tưởng không qua khỏi. Khỏe lại, nó cố tìm ông nói chuyện phải quấy, giá mà anh em tôi giáp mặt ông lúc đó thì hay biết mấy!

Nhưng giờ… trái đất tròn, oan gia ngõ hẹp… Ấy… ông đừng thở mạnh, người mập mạp tránh căng phồng mạch máu, cổ dễ đứt sâu lắm.

Ông dùng tiền bạc quyến rũ, dụ dỗ đàn bà có chồng vào đường tội lỗi, phá nát gia cang người khác chỉ vì dục vọng thấp hèn. Ông là đồ bỏ đi, là đồ súc sinh… đúng không? Nói!

Người đàn ông không dám cục cựa. Hai mắt hắn mở to căng ra nhìn bàn tay cầm con dao cạo của anh thợ cắt tóc, miệng thều thào:

- Hoàn toàn đúng… Tôi có lỗi ngàn lần, xin anh…

Hai Trung nhíu mày, rít qua kẽ răng:

- Ông có muốn tìm bé Dung mà xin tha thứ không? Mà thôi. Qua nhiều đêm suy nghĩ, tôi tự an ủi mình rằng đứa cháu bất hạnh chắc cũng chẳng muốn anh em tôi nuôi dưỡng hận thù mãi làm gì. Bởi trên đời này lỡ có loại người khốn kiếp, vô lương như ông thì cứ để cho nó tự sinh tự diệt, bệ rạc trong khốn khó, khổ đau…

Ông Hảo gắng giữ chút bình tĩnh cho khỏi lạc giọng:

- Anh Ba Tín giờ ở đâu? Tôi xin anh…

Run run xếp con dao cạo, Hai Trung túm gáy khách, quắc mắt:

- Câm miệng mày lại! Em tao nay đã có vợ con đàng hoàng, cuộc sống hạnh phúc… Tao đố mày dám… Giờ thì cút ngay, thằng khốn!

Nghe chồng to tiếng, vợ anh bước lên ngạc nhiên nhìn ông khách khoác vội áo, không kịp cài nút, vơ túi xách, khập khễnh bươn bả ra lộ. Chuyến xe đò chầm chậm trờ tới, ông ta loạng choạng đưa tay cho anh lơ kéo lên, đầu cúi gầm xuống.

Nhìn theo tới lúc làn khói bụi xe bay biến, anh thợ cắt tóc dịu dần sắc mặt, quay sang vợ khẽ cười. Nụ cười chất phác dường như đã xóa đi những u uất chất chứa trong lòng…

NGUYỄN KIM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh