Nhà thơ Nga Épghênhi Côbôlep từng xúc động viết trong hồi ký của mình "… Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi.
Nhà thơ Nga Épghênhi Côbôlep từng xúc động viết trong hồi ký của mình “… Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi.
Bản thân Người vốn không được hưởng hạnh phúc gia đình, nên Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người cha cho hàng triệu trẻ em ở Việt Nam mà Người gọi một cách trìu mến là các cháu”.
Còn An Quân, trong bài viết “Theo Bác đi chiến dịch” ghi lại kỷ niệm của những người chiến sĩ cảnh vệ bên cạnh Bác Hồ, bồi hồi kể rằng: “…
Tính Người rất dễ xúc động. Có một đêm, Người ngủ trên gác một căn nhà, tới 4 giờ sáng Người thức giấc. Ngoài trời gió vun vút đập vào cửa kính, ngồi trong nhà còn thấy lạnh, thế mà đã có tiếng trẻ em rao hàng dưới đường phố vọng lên.
Người mở cửa ra nhìn cho tới khi em bé đi khuất, mới từ từ khép cửa lại. Tôi thấy nước mắt của Người đọng trên hàng mi”.
…Chắc rằng, xuất phát từ câu chuyện này, nhà thơ Chế Lan Viên đã làm rơi nước mắt người đọc bằng mấy câu thơ giản dị trong “Trận đánh của tình thương”:
“Thương tiếng rao bánh đêm khuya
con trẻ
Tiếng bé bỏng, đêm mênh mông là thế”
Đó là một tứ thơ hay trong rất nhiều tứ thơ độc đáo của bài thơ khai thác chiều sâu tâm hồn của con người Việt Nam đẹp nhất mà Chế Lan Viên đã nắm bắt được trong tột cùng cảm xúc.
Và, không phải ngẫu nhiên, khi cái ý tứ ấy lại chiếm trọn một bài thơ, tựa đề thật đơn giản: “Nhớ lại một đêm cuối 45”, nhà thơ Trương Đức Chính viết mừng sinh nhật Bác Hồ năm 1960.
… Tương tự hiệu ứng mấy câu thơ Chế Lan Viên, bài thơ “Nhớ lại một đêm cuối 45” đem lại một rung cảm đặc biệt, bởi đó là niềm xúc động cao cả trước một tình cảm lớn: Tình thương mênh mông sâu thẳm của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam; càng mênh mông sâu thẳm hơn đối với những em bé nghèo khổ, bất hạnh:
“Ai lạc rang, ngô rang nóng không?
Tiếng rao hàng rơi giữa đêm đông
Bắc bộ phủ, Bác ngồi làm việc
Nghe tiếng rao Bác ngừng bút viết
Người ngó ra cửa sổ xuống đường
Gió mùa đông vật vã từng cơn
Phố Hà Nội khuya dài hun hút
Hàng cây mùa đông trơ cành xương
Vẫn tiếng rao cất lên không ngớt
Vọng vào đêm tiếng rao lảnh lót
Cánh chim non chen giữa cuộc đời
Áo lá vai gầy, hạt lép hạt rơi
“Cách mạng thành công chưa đầy năm tháng
Dựng nước, dựng nhà, hai bàn tay không
Phải có gạo, kho cũng cần có súng
Phải có trường cho con em công nông”
Khi bóng nhỏ khuất dần cuối phố
Người còn đứng lặng bên cửa sổ
Nước mắt Người hay giọt sương đêm
Tiếng rao hàng ở lại trong tim
Ánh đèn khuya ấy trên phòng Bác
Thức với Người tới mặt trời lên”.
Đọc bài thơ mà xao xuyến tâm can trước cái “Tiếng rao hàng rơi giữa đêm đông”, càng thương cảm cho những “Cánh chim non chen giữa cuộc đời/ Áo lá vai gầy hạt lép hạt rơi”; lại càng đồng cảm và xúc động mãnh liệt trước tình thương lớn của Bác.
Tình thương ấy, trước hết là tình thương Cha- Con, Bác- Cháu tự nhiên mà tha thiết đến lạ lùng:
“Khi bóng nhỏ khuất dần cuối phố
Người còn đứng lặng bên cửa sổ
Nước mắt Người hay giọt sương đêm
Tiếng rao hàng ở lại trong tim”
… Có một câu ca nổi tiếng, hát rằng: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Vâng, không ai yêu thương trẻ em bằng Bác Hồ. Nhưng, không chỉ thương một em bé bán hàng giữa đêm đông lạnh (ở thời điểm cuối năm 1945), trái tim nhân hậu vĩ đại ấy còn rung lên đau đớn, khi nghĩ đến bao em bé khác, đến tất cả trẻ con Việt Nam còn chịu nhiều thiếu thốn khổ sở lúc chính quyền cách mạng còn non trẻ với “hai bàn tay không”.
“Phải có gạo, kho cũng cần có súng
Phải có trường cho con em công nông”
Tình cảm ấy cao đẹp biết bao, bởi đó là tình thương cho con người, cho dân tộc, cho giai cấp cần lao.
Đó đồng thời cũng là tình thương tích cực của người cách mạng mang ý nghĩa cải tạo xã hội, xây dựng con người; một tình thương không bộc lộ chung chung mà luôn gắn với hành động cụ thể, với một cảm giác xót đau thực thể:
“Khi bóng nhỏ khuất dần cuối phố
Người còn đứng lặng bên cửa sổ
Nước mắt Người hay giọt sương đêm
Tiếng rao hàng ở lại trong tim”
Bài thơ đọng lại một tiếng rao hàng con trẻ và một tấm lòng của người nghe tiếng rao đêm ấy. “Tiếng bé bỏng, đêm mênh mông là thế”!!!
Nhưng, sự kỳ diệu đã đến: Cái “Tiếng rao hàng rơi giữa đêm đông”, cái thân phận “Cánh chim non chen giữa cuộc đời/ Áo lá vai gầy, hạt lép hạt rơi” bay qua từng cơn gió vật vã, từng phố dài hun hút, từng hàng cây trơ xương… cuối cùng, đậu lại trong tim người nghe.
Để rồi, biến thành một quyết tâm, một sức mạnh đủ sức chuyển đổi, đem lại hạnh phúc cho hàng triệu thân phận, hàng triệu triệu “bóng nhỏ” dưới đáy cuộc đời.
“Ánh đèn khuya ấy trên phòng Bác
Thức với Người tới mặt trời lên…”
Hai câu kết bài thơ thật kiệm lời, mà sức khái quát thì… quả rất đáng để người đọc phải chiêm nghiệm và thao thức…
Tư liệu tham khảo “Thơ dâng Bác” - Nguyễn Xuân Lạc
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000.
DƯƠNG THANH THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin