Truyện ngắn: Ngoại

06:09, 18/09/2016

Thằng Út về hả con? Ngoại tôi nghe tiếng cánh cổng kêu ken két liền quay mặt về hướng cánh cửa hỏi với bộ dạng nôn nóng. Bao nhiêu năm rồi bà vẫn thế, vẫn chờ đợi ngóng trông.

  • Thu Truyền

Thằng Út về hả con? Ngoại tôi nghe tiếng cánh cổng kêu ken két liền quay mặt về hướng cánh cửa hỏi với bộ dạng nôn nóng. Bao nhiêu năm rồi bà vẫn thế, vẫn chờ đợi ngóng trông.

Chiến tranh trôi qua hơn bốn mươi năm! Bốn mươi năm không quá dài cũng không phải ngắn cho một sự chờ đợi. Cuộc chờ đợi đã biến ngoại từ một người thiếu phụ tuổi đôi mươi thành một bà lão mắt kèm nhem không nhìn thấy rõ mặt người.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Chiến tranh.

Chiến tranh, mẹ được sinh ra.

Chiến tranh, ngoại phải trở thành người đàn bà không giữ đạo làm vợ?

Chờ đợi…

Ngoại là một người thiếu nữ đẹp. Bà được sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em và ít học, đúng hơn thì bà không được đến trường. Ngoại là con đầu lòng, hết thảy bà còn sáu người em, bốn trai hai gái, xê xích tuổi nhau.

Thuở nhỏ, ngoại đã lam lũ làm tất cả mọi việc để phụ giúp cha mẹ nuôi em. Nhà ngoại nghèo, có làm mấy cũng chỉ đủ rau cháo qua ngày. Con đông. Gánh nặng. Rồi như ý thức được sự đói no, vừa bước qua tuổi mười bảy, ngoại tôi lên xuồng sang ngang.

Xốn xang về những bữa cơm thiếu hụt, ngoại nhường phần mình lại cho những đứa em. Về nhà chồng, cuộc sống ngoại đâu khá hơn. Chiến tranh làm người ta dè sẻn đủ mọi điều để dành dụm, chắt chiu những ngày đói rét. Và cố tôi cũng thế, bà dè sẻn cả tiền và lời nói với dâu. Cực khổ. Khó khăn.

Ngoại nếm đủ. Ngoại chưa một lời than vãn với ai, kể cả ông tôi. Ngoại trở thành đàn bà chỉ vỏn vẹn ba tháng, thì chịu thêm phần hy sinh, ngoại “nhường” ông tôi cho cách mạng. Ông ngoại quyết định vào căn cứ tham gia cách mạng.

Ông không bàn với ngoại. Chỉ có cái gật đầu của cố. Lúc bấy giờ, ở vùng đất nghèo quê ngoại tôi, chiến tranh diễn ra ngày lẫn đêm. Ác liệt. Mất mát.

Bà không một lời níu giữ chân ông. Bà biết, chiến tranh còn, bà chẳng bao giờ được hưởng hạnh phúc. Ông tôi đi, mẹ tôi tượng hình trong bụng ngoại. Nước mắt bà chảy nhiều hơn.

Ông ngoại vào chiến trường, bà tôi ở lại cơ cực hơn trước. Thành kiến giữa mẹ chồng- nàng dâu, sự căng thẳng giữa chị dâu- em chồng. Bao nhiêu tủi hờn, ngoại nuốt vào trong. Cố tôi không ưa ngoại, dù đã sống chung nhà hơn 3 năm.

Ngày ông đi vào chiến trường, cố tôi cũng như ngoại, không giữ chân ông, nhưng khi ông tôi vừa ra khỏi nhà thì những cái liếc hấy, những trận đòn roi giáng vào người ngoại. Cố hà khắc với dâu.

Chẳng bao giờ cố coi ngoại là dâu. Cố cưới ngoại về làm dâu vì cố thương ông tôi. Ngoại cắn chặt răng, rướm máu, nuốt những giọt máu tanh mặn vào lòng để làm tròn phận dâu. Cố tôi không phải một người có lòng dạ hiểm ác.

Bà thương con cháu. Đối với ngoại, bà không vừa lòng vì ngoại có đôi lưỡng quyền cao. Người ta thường nói phụ nữ có đôi lưỡng quyền cao có số sát chồng. Cố tin thế. Cố chẳng ưa ngoại. Đơn giản vậy. Chuyện đó sau này ngày cố tôi nhắm mắt, ngoại mới được biết.

Ba năm. Ba năm ông ngoại đi chỉ về thăm bà một lần duy nhất. Ba năm, biết bao nhiêu sự cố trong đời. Cố mất. Ngoại chạy vạy khắp nơi để vay tiền làm đám tang cho cố. Em chồng còn nhỏ, chồng ở nơi xa, khắp nơi tiếng súng đạn vang rền.

Ngoại như người không biết bơi rơi xuống vực nước sâu thẳm. Chới với. Hụt hẫng. Rồi cố cũng được họ hàng, xóm giềng giúp đỡ chôn cất. Ngoại ở lại cùng năm đứa em chồng nheo nhóc và đứa con thơ hai tuổi.

Lớn nhất là ngoại tôi- hai mươi tuổi, còn lại leo nheo một đàn trẻ nhỏ. Cố mất, ngoại tôi hy sinh cuộc đời gồng gánh nuôi em chồng và con. Hai công đất ruộng cố để lại, ngoại trồng lúa, trồng khoai. Nhưng thu hoạch được chẳng bao nhiêu. Chiến tranh, bom đạn rơi. Tan tác. Đói triền miên.

Mẹ tôi lên năm. Lần thứ hai ông tôi về nhà. Đêm khuya. Cả nhà đã ngủ, ông không muốn khuấy động. Ông rón rén vào mùng ngoại, đưa tay sờ lên cánh tay gầy guộc.

Ngoại giật bắn người, bà ngồi nhổm dậy. Ai? Tiếng nhỏ nhẹ của ông tôi thoát ra từ cổ họng ngẹn đắng: “Tôi đây mình ơi!” Ngoại tôi thắp chiếc đèn cốc nhỏ, nhìn mặt người chồng. Ông thắp hương cho người mẹ quá cố của mình.

Ông khóc cho phận đứa con bất hiếu lúc mẹ qua đời không nhìn được mặt. Ngoại tôi an ủi. Đêm đó mưa gió giăng đầy trời. Mưa cả trong lòng ngoại tôi. Ngoại làm vợ ông tôi hơn năm năm. Hơn năm năm mang tiếng là đàn bà, nhưng ngày chung đụng với chồng vơ vét hết chưa tròn hai tháng.

Ông về trong đêm và đi vào hừng sáng hôm sau, chẳng đứa em út, bà con xóm giềng nào hay, chỉ riêng bà tôi. Ông mất hai tháng sau đó trong lần bỏ bom càn của địch. Ông hy sinh. Ngoại mang thai cậu Út.

Bụng ngoại càng ngày càng to, trong khi chẳng ai nhìn thấy ông tôi về thăm nhà. Tiếng ác gieo xuống. Ngoại chửa hoang. Một người đàn bà trắc nết hư thân. Người vợ không giữ tròn phụ đạo. Chẳng ai thanh minh cho ngoại.

Ông mất rồi! Ngoại ôm đứa con gái nhỏ vào lòng, một tay xoa xoa bụng. Cắn răng sống trong những lời gièm pha ác nghiệt. Nước mắt bà lại chảy.

Những đứa em chồng của ngoại tôi từ từ rời xa bà. Từ đầu họ đã chẳng thương yêu người chị dâu này. Họ sống với ngoại vì cố mất, họ hụt hẫng, cần ngoại làm chỗ dựa tinh thần.

Nhưng giờ đây những lời gièm pha trách móc, làm họ càng chán chê hơn. Họ tản ra về nương nhờ họ hàng để sống. Bỏ lại ngoại trong căn nhà trống huơ trống hoác cùng đứa con nhỏ, cái bàn thờ, bào thai.

Cậu tôi được sinh non trong lần ngoại chèo xuồng hái bông súng ma đem ra chợ bán dành dụm từng đồng nuôi mẹ tôi và chờ ngày sinh nở.

Còn hai tháng nữa mới đến ngày sinh, ngoại dự tính thế. Nhưng đột nhiên nước ối vỡ, ngoại ôm bụng, bà nằm sóng soãi trên chiếc xuồng, không ai hay, chỉ hai đứa trẻ biết.

Cậu Út từ từ rời lòng ngoại. Máu chảy. Đau. Quằn quại. Tê buốt. Ngất xỉu. Tỉnh dậy, ngoại thấy mình nằm trên một chiếc xuồng của một người chẳng quen. Bên cạnh ngoại là mẹ tôi và đứa con nhỏ được quấn khăn kỹ lưỡng.

Chiếc xuồng là ngôi nhà của đôi vợ chồng từ nơi khác đến. Họ sống quanh năm trên chiếc xuồng này, dù mưa hay nắng. Họ đi hết nơi này đến nơi khác, không một nơi dừng chân cố định. Khi họ đi ngang qua nơi ngoại nằm, nghe tiếng trẻ con khóc, họ đã dừng chân, cứu ngoại.

Chờ đợi…

Vào một ngày nắng đẹp, nước sông Tiền vẫn hối hả trôi, con nước chảy xiết cuốn đi bao nhiêu thứ của những con người từng bám riết vào vùng đất này, mẹ bồng đứa con gái về nhà ngoại. Đứa con gái tròn hai tuổi, không lành lặn.

Nước mắt ngoại rớt. “Mày đi nữa hả? Bao giờ thì về hả con?” Mẹ tôi chẳng nói chẳng rằng, mẹ chỉ dặn bà nuôi nấng đứa con dùm mẹ, rồi mẹ đi.

Chiến tranh, mẹ vào kháng chiến.

Chiến tranh, tôi về với ngoại.

Chiến tranh vẫn còn dai dẳng, chẳng biết bao giờ kết thúc. Mẹ tôi tròn mười sáu.

Ông tôi nằm xuống vĩnh viễn vì chiến tranh. Bàn thờ cố giờ có thêm hình ông. Hương khói nhiều hơn, nghi ngút. Lòng ngoại sôi sục nỗi căm thù bọn giặc cướp nước. Nhưng bà không muốn đứa con nào của ngoại theo bước cha chúng.

Mẹ tôi lớn lên. Đôi lưỡng quyền cao, giống ngoại. Một điềm báo trước không tốt. Mẹ đề nghị ngoại cho mình được theo cách mạng giải phóng xóm giềng. Ngoại khóc.

Ngoại cương quyết không cho mẹ ra đi. Ngoại sợ. Nhưng ngoại không cầm chân được mẹ. Tối, trong căn nhà tranh lợp bằng lá dừa, căn nhà chia làm hai bởi một vách lá, ngôi nhà quanh năm gió lùa từng cơn nó gồng mình hứng hết, không chối bỏ, lãnh đạm, ngoại đốt chiếc đèn dầu để lên bàn thờ cố và ông ngoại.

Ngoại đốt nhang, đứng trước bàn thờ cố, ngoại khấn lầm bầm gì đó. Hôm nay, ngoại đứng trước bàn thờ ông lâu hơn. Như thể ngoại đang vái điều gì, cầu cho gia cảnh bình an chẳng hạn. Ngoại lấy vạt áo đưa lên chấm vào giọt nước mắt. Giọt nước mắt còn nóng. Ngoại không để nó kịp rơi xuống, bà không muốn con mình biết.

Hôm nay, lòng ngoại bùi ngùi. Ngoại thắp chiếc đèn dầu, gọi cậu Út và mẹ ra ngồi ngoài sân cùng ngoại. Lâu lắm rồi, ít thấy ngoại ra ngoài sân ngồi như hôm nay, dù trời đầy trăng hay mịt mù gió.

Đêm nay không trăng, chiếc đèn cũng không đủ sáng để mẹ nhìn thấy rõ mặt ngoại, càng không nhìn thấy những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Bóng tối, giúp người ta che giấu. Lòng ngoại rối bời. Ngoại ngồi nhìn cậu nô đùa, nói cười thỏa thê. Tiếng cười trẻ con. Trong sáng, hồn nhiên. Mẹ không cười. Ngoại khóc.

Ngoại nằm ở nhà dưới trên chiếc chõng tre. Cậu Út gối đầu lên tay ngoại, tay kia ngoại gãy lưng cho cậu. Miệng bà hát ru “ầu ơ… gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/ về kinh ăn cá về đồng ăn cua/ gió đưa bông cải về trời/ rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.

Nhà trên, mẹ tôi nằm im nghe lời ru của ngoại, trong lòng thổn thức. Mẹ khóc. Hai giờ khuya. Mẹ xách gói đồ được chuẩn bị hồi đầu hôm, nhè nhẹ chui qua khỏi chiếc vách nhà rách rưới nắng thường chiếu vào. Ngoại nghe. Mẹ chống xuồng đi. Ngoại biết.

Ngoại không cản. Ngoại biết lòng mẹ hướng về nơi đó thì cho dù ngăn cấm cỡ nào đi nữa mẹ cũng sẽ đi. Tiếng mái dầm cọ vào be xuồng mỗi lúc một xa. Thêm một lần ngoại đưa tiễn. Nước mắt ngoại rớt. “Cầu trời cho con tôi bình an…”

Từ ngày mẹ trốn đi, chưa lần về thăm bà. Hôm nay mẹ về, có mặt tôi. Ngoại chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện. Ngoại không biết sự có mặt tôi trên đời này khi nào, nguyên do từ đâu. Mẹ để lại tôi. Ngoại ôm đứa cháu lạ hoắc vào lòng.

“Mày đi nữa hả? Bao giờ thì về hả con?” Mẹ đi thẳng, không dám nhìn ngoại, nhìn tôi. Mẹ kéo vạt áo sờn thấm giọt nước mắt. Mẹ trốn đi bốn năm, tôi tròn hai tuổi. Vắng đứa con, bù lại cho ngoại đứa cháu. Ngoại sống hủ hỉ cùng tôi và cậu Út. Chiến tranh vẫn còn. Hòa bình xa lắm…

Năm tôi lên bốn, ngoại nhận được tin dữ từ đồng đội của mẹ tôi. Mẹ tôi mất. Một đứa trẻ con còn quá nhỏ để biết sự mất mát trên đời. Riêng ngoại, bà âm thầm nhìn tôi mà mắt bà cay xé. Chiến tranh, cướp đi người con của ngoại.

“Sao ngoại “nhóc”? “Nhín” đi con “nhương””. Tiếng đứa cháu xuýt xoa bà, lồng ngực ngoại đau. Ngoại ôm đứa cháu vào lòng, “con ơi”! Ngày mẹ mất, cậu Út lầm lì hơn. Cậu ít nói. Cậu trưởng thành.

Chờ đợi…

Chiến tranh đã cướp đi ít nhất hai người thân yêu của ngoại. Lưng ngoại còng hơn. Cậu Út nghi ngờ về lai lịch của mình. Cậu trách ngoại.

Ngoại khóc: “Con là con của má, ai cũng có thể nghi ngờ má, nhưng con thì không được quyền”. Cậu Út ngồi im thinh trên chiếc phản. Cậu không cãi, nhưng trong lòng cậu còn nhiều điều chất chứa. Ngoài kia gió lớn…

Năm 1972, chiến tranh diễn ra có lợi cho cách mạng. Tin thắng trận được đồn thổi khắp nơi. Ai cũng chờ đợi ngày chiến tranh kết thúc. Nhưng ngày nào?

Một buổi tối trăng sáng ngời ngợi. Đứa cháu không lành lặn luôn bám víu theo ngoại. Cậu tôi mang hai chiếc ghế ra sân. Ngoại thắp nhang cho cố và ông. Lầm bầm, cầu trời phật phù hộ gia cảnh bình an: “Ông sống khôn thác thiên phù hộ thằng Út…”

Ngoại ra sân ngồi cùng cậu. Hình ảnh này giống sáu năm về trước. Một người mẹ già khắc khổ. Hai đứa trẻ thơ. Tiếng cười. Nước mắt. Chỉ khác một điều, hôm nay trăng sáng. Cảnh tượng này có lặp lại điều gì chăng?

Chiến tranh chưa biết ngày nào kết thúc. Gió se se lạnh. Hơi gió mang cái ẩm của cơn mưa chuyển mùa. Mát. Má… má cho con theo bước ba và chị Hai nhen má. Tiếng cậu như xé lòng ngoại.

Ngoại đã mất mát quá nhiều. Để đổi lấy hòa bình, ngoại đã để ông và mẹ tôi theo cách mạng và họ đã không trở về. Bà đổi cả cuộc đời mình. Tuổi xuân. Hôm nay lại một đứa con nữa, đứa con cuối cùng của bà với người chồng bạc số, đứa con duy nhất nối dòng nối dõi, nó lại đòi đi.

Ngoại tôi ngồi trầm ngâm. Gió thổi heo hút làm thân gầy gò của ngoại càng yếu ớt hơn. Ánh trăng sáng không giấu được giọt nước mắt người mẹ. Xa xa đâu đó trong làng, tiếng súng vọng lại. Chập chờn, không rõ. Tiếng chó sủa ma vang dội. Để đổi lấy hòa bình, chẳng lẽ ngoại phải bỏ ra nhiều thế sao?

Cậu ngồi im, nhìn về con sông trước ngõ. Con sông rước ngoại về làm dâu nhà ông tôi. Con sông tiễn ông tôi theo chân cách mạng. Con sông đưa mẹ về khu căn cứ. Con sông đi theo tuổi thơ của cậu.

Trăng sáng, ánh trăng chiếu xuống làm sáng cả một vùng. Những con đê dài ngoằn ngoèo được hiện lên rõ ràng như lúc ban trưa. Cậu đòi đi. Lòng ngoại chẳng biết tính sao. Thôi kệ. Cứ để nó đi!

Mưa. Mưa rả rích từ buổi chiều. Mưa như khóc dùm ngoại tôi. Cậu lên xuồng vào căn cứ. Ngoại ôm đứa cháu vào lòng.

Những năm cậu đi, chỉ còn tôi- một đứa cháu không lành lặn và ngoại.

Chiến tranh

Hy vọng

Đau thương

Đợi chờ…

Con sẽ về, má nhớ đợi con! Câu nói trước khi cậu đi theo cách mạng, làm nghĩa vụ thiêng liêng đã gửi lại cho ngoại. Ngoại nuôi hy vọng. Thằng Út sẽ về, nó hứa rồi. Chiến khu không báo tin dữ về. Ngoại còn hy vọng.

Năm 1975, cách mạng giải phóng dân tộc hoàn toàn thắng lợi. Nam Bắc thống nhất một nhà. Bao nhiêu nước mắt, mồ hôi và cả máu đã đổ xuống chỉ mong nhận lại ngày huy hoàng này. Ngoại mừng, bà khóc. Hòa bình rồi, thằng Út của má sắp về rồi.

Cậu Út bây sắp về con ơi. Hòa bình, bao nhiêu người thanh niên trở về với quê hương. Lành lặn. Thương tích. Cuối cùng họ cũng đã trở về. Người vợ ôm chồng thỏa cơn nhớ mong chờ đợi. Mẹ ôm con săm soi thương tích.

Chỉ ngoại tôi, vẫn đợi chờ. Lần lượt từng gia đình này đến gia đình khác, người ra đi nếu còn sống thì từng người trở về, trở về. Ngoại bắc ghế ngồi ngay trước cổng, đợi cậu tôi.

Đầu trên xóm dưới ai cũng nhận lại người thân: “Sao cậu Út bây vẫn chưa về?” “Ngoại đừng lo chắc cậu về sau mà ngoại. Cậu đã hứa với ngoại thì nhất định cậu sẽ về. Cậu thương ngoại, không để ngoại chờ lâu”. Đứa cháu không lành lặn giờ đã nói rành rọt, không còn ngọng ngịu.

Ngày hòa bình đã lùi hơn một năm. Cậu vẫn chưa về. “Nếu thằng Út chết, sẽ có tin báo về. Tao chưa nhận được, cậu bây còn sống”. Ngoại quả quyết như thế, như thể để an ủi mình. Rồi ngày hòa bình lùi xa hơn nữa. Đứa cháu không lành lặn giờ đã lớn. Đứa cháu đó biết chăm sóc ngoại và cùng bà chờ đợi.

Hòa bình đã bốn mươi năm. Ngoại tôi giờ đây tròn tám mươi hai tuổi. Ở cái tuổi này, ngoại vẫn chờ đợi ngóng trông. Chiến tranh qua đi, hòa bình lặp lại, ngoại không nhận được tin tức gì của cậu tôi. Cậu Út giờ ở nơi đâu, cậu còn sống hay đã chết? Ngoại đã đợi cậu về hơn bốn mươi năm!

Giờ đây, mắt ngoại tôi không còn nhìn rõ nữa. Bà cũng không còn đi lại được. Chân bà rất yếu. Mỗi sáng, bà thường bảo con cháu đưa bà ra ngồi trước hàng ba nhà để chờ cậu tôi về. Ngôi nhà tranh của ngoại được địa phương trao tặng một ngôi nhà khang trang hơn. Ngôi nhà cao ráo, sạch sẽ, được trang trí bởi những khóm hoa đủ màu sắc.

Ngoại sống với một đứa cháu không lành lặn. Từ khi mắt ngoại không còn nhìn thấy rõ mọi vật xung quanh, hễ nghe tiếng cánh cổng nhà có người mở thì ngoại tôi lại hỏi: “Thằng Út về hả con?”

Bốn mươi năm, câu hỏi đó đã cũ sờn. Thế nhưng sự chờ đợi trong lòng ngoại có cũ sờn theo thời gian không?

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh