Nhớ sông

06:07, 10/07/2016

Ông Ba Khùng mất tích cùng chiếc xuồng câu nhỏ xíu. Không phải lần đầu, chuyện không lạ, nhưng dân xóm Đình đều thương tình đổ xô đi tìm từ đầu vàm đến cuối rạch rồi luồn vào, sục sạo khắp các con mương nhỏ. 

™NGUYỄN LINH

Ông Ba Khùng mất tích cùng chiếc xuồng câu nhỏ xíu. Không phải lần đầu, chuyện không lạ, nhưng dân xóm Đình đều thương tình đổ xô đi tìm từ đầu vàm đến cuối rạch rồi luồn vào, sục sạo khắp các con mương nhỏ.

Tội nghiệp thằng Hai Cua Đồng, nó chạy loanh quanh khắp xóm, miệng cứ kêu hoài ba ơi, ba à, ba trở về với con.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Trước đây, khi Ba Khùng sống độc thân trên chiến ghe thương hồ nhỏ. Dân thương hồ quen gọi ông bằng cái tên Ba Dưa Leo. Tính tình của Ba Dưa Leo hơi khác thường, lúc nắng, lúc mưa, vui buồn bất chợt, mới thấy xởi lởi mời khách thì vội ngồi thừ ra, buồn như kẻ mất hồn.

Trên chiếc ghe thương hồ nhỏ xíu đó, y không cần buôn bán nhiều, dường như chỉ đủ để kiếm hai bữa cơm và vài xị rượu đế.

Bao giờ trong buổi cơm chiều y cũng uống rượu bằng cái thói quen rất khác dân thương hồ: Uống rượu một mình. Có bữa, khi màn đêm buông xuống, Ba Dưa Leo ngồi trước mũi ca mấy câu vọng cổ nghe buồn như có ai đang rứt khúc ruột mình ra.

Hồi đó, cũng trên chiếc ghe thương hồ nhỏ xíu này có tới bốn con người cùng sinh sống: đôi vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Nhưng đứa con gái đầu lòng vắn số chết lúc lên sáu trong lần bị bệnh sốt xuất huyết.

Chiếc ghe nhỏ còn lại ba người, vẫn chật. Những buổi chiều neo đậu, cạnh mấy chiếc ghe thương hồ lớn, thấy vợ ngồi ôm con mà mắt cứ nhìn hoài qua đó vẻ thèm thuồng, người đàn ông nghe tủi. Ông không ngại khó, không sợ cực, làm thì đầu tắt mặt tối mà không hiểu sao cái nghèo cứ ôm riết lấy.

Nhiều đêm, ông ngồi trước mũi ghe cho tới khuya, nhìn trời nước mênh mông mà suy nghĩ về cha, về mẹ, về bản thân, về vợ con- những con người đã và đang bươn chải trong cuộc sống thương hồ lang bạt. Và những lần như thế, lòng ông chợt dậy lên nỗi thèm muốn. Ông mơ có một chiếc ghe lớn, có phòng ngủ, có nhà bếp, có cái ti vi nhỏ xem thời sự, coi cải lương.

Trên mui ghe, ông sẽ mắc hai cái võng, chiều vợ chồng ngả lưng nghe gió thổi. Rồi ông sẽ nuôi thêm hai con chó, nó sẽ đùa giỡn, nó sẽ sủa râm ran,… Nhưng khi trở về với thực tại với chiếc ghe nhỏ hai bên be sờn như cá rô rỉa, cái sạp xỉn màu, mui ghe thấp tè, chật chội,… thì nỗi buồn bỗng ngùn ngụt kéo về, cứa xót lòng xót dạ.

Chắc không sống nổi với cảnh nghèo nên người đàn bà đã bỏ đi trong một buổi chợ khuya. Người ta đồn bà cuốn gói theo ông chủ vựa trái cây ở Cái Bè, người thì nói bà mê tiền, chịu làm vợ ông chủ ghe thủ giàu xụ ở Lái Thiêu,…

Từ đó, mỗi sáng, người đàn ông một mình đón mua rau cải để bán lại trong cái nhịp nhàng của cuộc mưu sinh trên sông nước.

Chiều, ông ngồi cạnh đứa con trai nhỏ bên mâm cơm nguội lạnh bằng hai hố mắt trũng sâu gần như vô hồn.

Ông không khóc! Không, chắc nước mắt ông đã cạn. Và cũng kể từ đó, một gia đình, dù nhỏ, nhưng không có bóng dáng người đàn bà bỗng trở nên lạnh lẽo và vắng ngắt. Một chiếc ghe nhỏ, hai cái bóng nương tựa vào nhau bên những buổi chợ đông rồi lặng lẽ nhìn hoàng hôn rơi trên sông trong những buổi chiều vắng khách.

Người đàn ông ngã bệnh rồi qua đời bỏ lại thằng con trai mười bốn tuổi đầu, côi cút, vật lộn với chợ đời nhiều cạm bẫy.

Nó, thằng Ba Dưa Leo ít nói, tính khí thất thường, hơi gàn gàn trong cái nhìn của mọi người đã trôi nổi khắp trăm ngàn con sông, con rạch. Có những buổi chiều mưa, thằng Ba ngồi một mình, đơn côi bên dòng sông lạnh, nghe nước mắt rớt dài, lăn nóng hổi trên vai.

Rồi trên bước đường rong ruổi đó, người đàn ông trung niên- Ba Dưa Leo- tình cờ gặp được Hai Chà Uôl- một cô gái lỡ thời, sống trên bờ, dưới chân cầu đúc, làm nghề đi lượm ve chai, sắt vụn.

Tính tình Chà Uôl hiền và thiệt thà đến mức hơi bị khờ. Nhưng có những đêm cô đã đủ tỉnh táo vét cạn túi cho cái bọn lưu manh, say lúy túy đang khát tình để chúng quên đi cái quý giá nhất mà người phụ nữ đang có.

Chiều hôm đó, chắc do duyên số khiến hai người gặp nhau. Ba Dưa Leo đã làm một việc trượng nghĩa, dắt cô gái bụng đói meo đang ngồi khóc thút thít ở dạ cầu về ghe cho một bữa cơm. Và… thêm mười mấy buổi chiều như vậy nữa, họ đã cảm thông và thực sự là của nhau.

Từ khi chiếc ghe thương hồ có người đàn bà, Ba Dưa Leo siêng hớt tóc, cạo râu, ít uống rượu và mái ấm trên sông có được tiếng cười. Sáng, vợ chồng nhắc nhau dậy sớm để kịp đón mua rau cải từ vườn mang ra. Chiều, vợ bắc nồi cơm, nhắc chồng đi tắm. Cái chuyện tưởng chừng như rất thường ấy vậy mà trước đây chàng Ba hay bị… quên, có khi hai, ba ngày không tắm.

Có hôm vui miệng, vợ thủ thỉ với chồng: “Hồi nhỏ em tên Ngọc. Tại èo ọt quá nên má đem “cho” ông Lục, ổng đặt lại tên Chà Uôl cho dễ nuôi. Cũng nhờ vậy mà em mới mạnh giỏi cho tới bây giờ…”. “Vậy mơi mốt tui kêu mình là Ngọc cho đẹp, nghen, bà xã!” Họ nhìn nhau, cười. Tiếng cười của họ nhỏ, nhẹ, chỉ đủ hòa cùng tiếng sóng vỗ lách tách vào mạn thuyền nhưng ngân nga mãi không thôi.

Hạnh phúc của người nghèo rất đơn giản. Đêm đêm, họ ôm quấn lấy nhau mà ngủ. Chỉ cần một con sóng nhẹ cũng đủ làm cho chiếc ghe nhỏ xíu chòng chành khiến họ nằm úp lên nhau mà tận hưởng cái hạnh phúc không chỉ dành riêng cho kẻ giàu.

Hơn năm sau, người đàn bà bỗng nghe thèm chua, trong bữa cơm thường nôn ọe. Ông chồng luýnh quýnh: “Mình… mình bị bệnh sao vậy? Để tui lên bờ, chạy tới ông bác sĩ Minh mua thuốc”.

Chà Uôl thẹn thùng chỉ tay xuống bụng: “Nè, tại cái thằng Dưa Leo nhỏ đang quậy phá nè!” Tin vui đến quá đột ngột khiến chàng Ba ngẩn người rồi giả bộ bò ra trước mũi treo cây bẹo để giấu nụ cười.

Chàng ta ca vống lên mấy câu rồi ngồi bệt xuống sạp tưởng tượng đến cái ngày vợ chồng gọi nhau là ba sấp nhỏ ơi, má sấp nhỏ à. Nghe lạ mà vui thiệt! Ông tủm tỉm cười một mình.

Người đàn bà trở dạ trong một đêm mưa, đúng lúc đang neo đậu ở chợ nổi Trà Ôn, không xa bệnh viện. Nhưng… lên bờ không kịp, cũng may, nhờ thím Sáu chở hàng bông, năm con, nhiều kinh nghiệm sang đỡ, giúp Chà Uôl qua lần vượt cạn.

Lúc này, ông chợt nhớ tới câu hát ru con của một bà thím nào đó, trên một bến sông nào đó không rõ: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình” nên ở trước mũi, người đàn ông cứ thấp thỏm, bụng bồn chồn muốn lộn cả ruột gan. Một lúc sau, có tiếng con nít khóc thét và cái giọng hồ hởi của “bà mụ” bất đắc dĩ: “Chèn ơi, một thằng cu.

Chú Ba ơi, vô đây, thằng nhỏ đã lắm, mình mẩy sạch trơn hà. Mà, hồi nào tới giờ tui mới thấy, đàn bà sanh con ít ai được cái nết như thím đây, nằm im re, hổng rên la, rặn hai hơi là ra liền. Gặp mấy bà xấu nết thì phải biết. Đau quá mấy bả hay chửi bậy, có khi còn ngắt véo ông chồng nổi cục, bầm tím luôn”.

Ba Dưa Leo như mở cờ trong bụng, bò vào trong mui nói lời cảm ơn. Thím Sáu cười: “Ơn nghĩa gì, để tui về bển kêu ổng qua phụ đưa hai má con lên bệnh viện nhờ bác sĩ làm thuốc”.

Ba ngày nữa là thằng bé tròn thôi nôi, vợ chồng bàn với nhau mua con vịt nấu cháo cúng ông bà, cảm ơn “bà cậu” che chở, hộ độ cho thằng nhỏ mạnh giỏi, mọi việc đều tai qua nạn khỏi.

Nhưng… chạng vạng ngày hôm đó, vợ chồng ông giong ghe từ Trà Ôn qua Cái Răng, đến giữa sông Hậu, người vợ đang ngồi trước mũi không biết bị gió máy gì, bỗng nhiên giật người mấy cái rồi ngã nhào xuống nước.

Ba Dưa Leo buông máy, phóng liền xuống theo nhưng… vẫn không kịp. Vợ ông đã mất biệt trong dòng nước sâu. Mấy người bạn thương hồ kéo tới, mướn vỏ lãi chạy kiếm khắp nơi nhưng cuối cùng cũng tìm không thấy xác.

Không mẹ, thằng bé khóc ngằn ngặt. Nhìn chiếc ghe nhỏ, vắng ngắt, dân thương hồ mủi lòng khóc theo. Nhưng người chồng không khóc, gương mặt ông trơ ra như đá. Chỉ có cái lưng trần của ông là cong oằn xuống khi ngồi đốt xấp vàng mã bằng đôi tay gân guốc, run lẩy bẩy.

Trước mũi, từng tờ giấy cháy lóe chút ánh sáng rồi lụi xuống, tắt nghỉm. Ông chới với nhìn tàn tro bị gió thổi thốc lên, chờn vờn rồi đáp xuống, lịm dần trong dòng nước sâu, thăm thẳm như không đáy. Ông không nói chuyện kể từ đó, chỉ thỉnh thoảng thảng thốt kêu lên: “Ngọc ơi! Ngọc ơi!...”.

Vợ không nhớ mà kêu tên ai nghe lạ hoắc, người ta nói ông bị khùng, kêu Ba Khùng, ông mặc kệ. Mấy người bạn thương hồ tốt bụng sợ ông lơ lơ, đễnh đễnh hoài như vầy mà sống trên ghe rất nguy hiểm. Nguy nhất là thằng bé, sống với người cha không tỉnh táo sơ sẩy té xuống sông là mất mạng. Họ bàn nhau kiếm nhà trên bờ giúp ông ổn định lại tinh thần.

Ông Từ thương tình, cho hai cha con ở nhờ nhà khói của đình. Sống ở xóm Đình, ai nói gì, hỏi gì ông cũng im lặng, mặc kệ. Ông mặc kệ luôn cả cái tên của thằng con trai. Chòm xóm thông cảm, không giận nhưng không biết gọi nó là gì, kêu đại thằng Hai cho dễ nhớ.

Từ đó, cái ghe hàng nhỏ xíu trở thành ghe câu. Những lúc “tỉnh” nhất, ông bơi ghe, đi cả đêm, mờ sáng đem cá ra chợ xã, bạn hàng đón mua, trả cho bao nhiêu tiền ông cũng gật đầu.

Mặc kệ! Thằng Hai mới sáu, bảy tuổi là đã biết ra đồng bắt cua đem bán. Nó quen nết của ông, được trả bao nhiêu cũng gật đầu cảm ơn. Thấy thằng Hai mê cua, sáng bắt cua, chiều cũng bắt cua, người ta kêu ghẹo là Cua Đồng, Hai Cua Đồng, chết danh luôn.

Thằng Hai mười tám tuổi, ông Ba Khùng già yếu lại thêm cái bệnh lảng tai. Bệnh khùng thì xem ra ngày một nặng hơn. Có hôm, đang giữa trưa, ổng chụp cây dầm vội vã xuống bến, ngơ ngác bơi xuồng khắp xóm rao bán dưa leo, bắp cải.

Tụi con nít thấy ngộ, chạy dài theo hai bên bờ reo hò, cười bể xóm. Thằng Hai cũng chạy theo, kêu ba ơi, ba à.

Ổng không thèm ngó: “Ngọc ơi, đói bụng chưa? Xuống ghe ăn cơm chung với tui nè, cho vui!” Ổng nói mà con mắt thì trõm lơ, ngơ ngác, trống không. Mấy bà già thấy thương tình, kêu: “Cua Đồng ơi, ráng chạy theo giữ ổng, để hoài kiểu này có bữa té xuống sông là chết như chơi”.

Thỉnh thoảng, ông Ba Khùng ra sau hè, đến bên chiếc ghe thương hồ mục nát, giờ đã đổ đầy rác để trồng hành nói lảm nhảm điều gì không rõ y như đang tâm tình với người bạn cũ lâu ngày không gặp.

Người không hiểu chuyện nói ổng khùng nhưng chỉ có Cua Đồng, thằng con, là máu mủ mới hiểu được đó là những phút giây ba mình tỉnh táo nhất. Có hôm ông ra mé sông, ngồi cặp bụi bình bát, cầm xấp vàng mã đốt.

Những lúc như vậy, mặt ông nhăn nhúm lại, mắt rịn nước như thể lòng đang đau, đang rát bởi tàn tro đang xát vào những vết xước trong lòng. Rồi ông khẽ khàng trở vào chái bếp, bật quẹt, miệng thổi phù nắm lá dừa, lẩm bẩm: “Nấu cơm cho Ngọc! Ngọc đói bụng rồi!”

Nhưng có một buổi chiều, gió chướng trở ngọn thổi riu riu trên đọt cây dưới bến, nhìn thằng con đang nhen lửa bữa cơm, chợt ông Ba tặc lưỡi, mắt khắc khoải ngó xa xăm: “Chà, ăn cơm chiều mà được ngồi trên ghe, nghe gió thổi lồng lộng, nghe mấy ông bạn già cả đời lênh đênh khắp xứ nói chuyện tầm phào thì sướng thiệt!”

Thằng con day lại thấy mái tóc đã bạc đang lất phất trong con gió lạc bầy, cô đơn. Chợt ông già ứ hự một tiếng nhỏ: “Ừ mà… coi chợ nổi đông đúc vậy chớ đời thương hồ dễ buồn, dễ tủi, dễ cô đơn lắm.

Sống dưới ghe, cả đời trên sông làm sao có bạn bè đông như người trên bờ được! Vậy mà, lại có những người khi không lại coi chiếc ghe là mái nhà, muốn được ở hoài trong nhà, xa nó thì nhớ, nhớ thiếu điều muốn rớt nước mắt ra luôn.

Vậy mới kỳ!” Thằng Hai hết giật mình đến kinh ngạc khi nghe những lời nói bông khơi của ba mình. Nó trố mắt: Trời ơi, hổng lẽ ông già?... Bất chợt Hai Cua Đồng nghe mắt mình rơi xuống vài giọt mặn, cay cay, xót xót.

Sau hôm đó, chiều nào thằng con cũng ngồi nghe những lời tâm tình, đứt quãng, chấp vá của ba mình. Người không hiểu, nói ông Ba bị khùng. Nhưng nếu chịu khó góp nhặt và sắp xếp chúng lại thì ta mới hiểu và thông cảm cho ước nguyện của một con người trót đã sinh ra, từng sống và bươn chải trên sông.

Có khi ông còn cao hứng hò mấy câu: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Anh có thương em thì cho bạc cho tiền. Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”; “Đường trường nước chảy trong veo. Thương em chẳng nệ mái chèo ngược xuôi”.

Một buổi sáng, Hai dậy sớm, thấy ba mình đang lui cui tưới mấy bụi hành trong chiếc ghe thương hồ cũ sau hè. Anh đến bên thủ thỉ: “Ba ơi, vài bữa nữa mình xuống ghe, ở luôn, nghen ba! Con đã dọ mua một chiếc ghe cũ rồi. Mơi mốt ba dạy con mua bán, hen!”

Ông già chưng hửng, ngó thằng con, nước mắt ông rịn ra: “Ờ, ờ bắt ở trên bờ hoài tao nghe nhớ sông lắm rồi. Còn má mầy nữa, hổng biết bây giờ hồn bả đang trôi nổi ở đâu. Cha con mình phải đi kiếm bả dìa, Giang ơi!”

Hai Cua Đồng tên Giang. Gần hai mươi năm rồi anh mới biết tên thật của mình. Anh chạy lại, ôm chầm lấy người cha già, hôn vào đôi bàn tay thô, nức nẻ mà nức nở, nghẹn ngào. Người đàn ông cúi xuống nhìn thằng con trai bằng đôi mắt xốn xang.

Có lẽ lòng ông đang thức dậy một thứ gì đó đã ngủ yên hay thỉnh thoảng chập chờn như trong cơn say chếnh choáng. Ông thẫn thờ buột miệng: “Giang ơi! Trường Giang ơi! Con sẽ mãi mãi là sông, dòng sông dài bất tận”.

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh