Lui cui tưới bụi bông trang, nội ca nho nhỏ: "Gió đưa gió đẩy bông… trang, bông búp về nàng, chớ bông búp về nàng… bông nở về…anh". Nội hát ru hay thiệt, giọng của bà tha thiết, làm cho người ta nhớ dai nhớ dẳng cả một ký ức tuổi thơ.
NGUYỄN LINH
Lui cui tưới bụi bông trang, nội ca nho nhỏ: “Gió đưa gió đẩy bông… trang, bông búp về nàng, chớ bông búp về nàng… bông nở về…anh”. Nội hát ru hay thiệt, giọng của bà tha thiết, làm cho người ta nhớ dai nhớ dẳng cả một ký ức tuổi thơ.
Trong nhà, chỉ có tôi là giống nội. Mà, giống nhất là mê trồng và chăm sóc bông trang. Ai cũng nói, khắp dãy phố chỉ có nhà tôi là hổng giống ai, trồng chi cái bụi bông trang nhà quê thùm lùm trước cửa.
Ba tôi cũng nghĩ vậy. Có bữa, thấy bà cứ săm soi, tỉ mẩn hoài, ba nhắc: “Má, bụi bông bây giờ đã cao quá, nó thùm lùm vầy làm tối om cái nhà. Hay mình đốn nó đi, con đem về bông trang kiểng đỏ, cam, vàng,… đủ thứ cho má trồng. Nó đẹp hơn bông trang nhà quê này nhiều”.
Bông trang nhà quê? Nhà có một lũm đất trước cửa, hỏi trồng ở đâu. Nội day mặt, ngó chỗ khác. Biết bà giận, ba tôi im thít, không dám cãi, bỏ vô trong, lên sân thượng tưới mấy chậu lan.
Tối đó, tôi thấy nội buồn, đứng trước cửa ngóng về hướng Nam, nói nhớ quê. Mà, lạ thiệt! Tôi cũng nghe buồn hiu trong bụng.
Ngày trước, bông trang ở quê tôi có hai loại: bông trang đỏ và bông trang trắng. Bông trang đỏ có thân cao, lá cỡ bàn tay, vót nhọn ở phần đuôi, to hơn bông trang kiểng bây giờ.
Từ các lễ giỗ, ma chay, cúng kiếng trong gia đình cho đến những dịp cúng đình, cúng miễu, chùa chiền đều không thể thiếu bông trang.
Mỗi khi thấy tụi con nít hái bông trang chơi là bà la liền: “Bông trang để cúng kiếng, đem chơi ở mấy chỗ dơ dáy là phải tội”. Còn bông trang trắng, dân quê tôi hay kêu bằng bông trang rừng. Người ta không trồng, nó chỉ mọc hoang ngoài vườn, bông trắng phau, rất đẹp nhưng chỉ để tụi con gái chơi nhà chòi, kết vòng hoa bày trò đám cưới rước dâu. Thân cây chắc, dai, bọn con trai chặt làm kiếm, nạng giàn thun.
Nội tôi nhớ quê, muốn đem chút xíu quê mùa lên thành thị cho đỡ xót. Chuyện chắc một mình tôi hiểu.
Tụi con trai lớp tôi, hễ gặp mặt là nói chơi cái kiểu nghe mắc ghét: “Con Thư… chắc nó khùng, ai đời lại ham trồng cái bụi bông thùm lùm, tối ngày ra vô ngắm nghía, tha thẩn. Nói chuyện thì cứ hồi đó, hồi xưa, hồi năm nẳm năm nào như bà già”.
Ừa hén, mình già thiệt. Thấy trời mưa, tôi hay lẩm cẩm nhớ, chạy khắp nhà kiếm thùng hứng nước đổ cho đầy lu rồi giật mình: Í, ở chợ xài nước máy. Mưa ngập đường, thấy tụi con nít nhảy cà tưng, cà tửng tắm, tôi lớ ngớ tưởng nước dưới đìa, kiếm hoài mấy con rô, con sặt.
Ti vi hát tuồng cổ, nhìn đào kép múa đao, múa kiếm tự dưng tôi nhớ tới bà Tư Bóng hàng xóm, nhớ tới chén bông trang nhỏ xíu trên đầu, chuyền xuống tay rồi hứng ở chân, xoay tròn vừa đẹp vừa điêu luyện như người đang biểu diễn xiếc của bà.
Hồi đó, hễ thấy bà Tư bận bộ đồ sặc sỡ gắn nhiều kim tuyến, đeo bông vòng, chuỗi hột, trang điểm đậm như đào hát tuồng là tụi tôi chạy theo rần rần để được coi múa mâm vàng, múa dao.
Mỗi lần múa bóng như vậy, người lớn và con nít trong xóm coi chật cả nhà, chen nhau, nghe mùi mồ hôi chua lòm nước dưa cải.
Ảnh minh họa: Trần Thắng |
Nội đang nằm ở ghế mây, cũng coi tuồng cổ. Tôi tới bên thủ thỉ:
- Bây giờ chắc quê mình hổng còn múa bóng đâu, hen nội? Vì… là… mê tín dị đoan.
- Ờ…ờ… Mà, bây giờ chắc chị Tư Bóng già lắm rồi. Chắc chỉ cũng múa men hết nổi.
Ừ, già rồi múa đâu còn đẹp, mà đẹp rồi cũng phải đi. Lớp người như bả đi rồi thì con nít làm sao còn dịp coi múa bóng. Í, mình lo chi mấy chuyện xa lắc vậy ta? Lo riết già luôn.
Ngày rằm, má tôi mua về nhà nào chè, nào xôi, nói với nội: “Bây giờ ở chợ có bán đủ thứ hết, má lụi hụi làm chi cho mệt”.
Bà đốt nhang trên bàn thờ mà mắt bà cay, day qua tôi, làm như tôi là người hiểu bà nhất vậy: “Tao đòi nấu kiểm hoài mà tụi nó hổng chịu”. Tụi nó ở đây là ba, má và chị Hai, chị Ba của tôi.
Nhắc kiểm, tôi lại nhớ chuyện hồi đó. Hễ tới rằm lớn là bà không quên nấu kiểm, mỗi tô bà rắc lên một ít bông trang đỏ. Tôi nheo nheo mắt: “Nội bỏ vô chi coi ngộ quá, hén?” Ăn cho mạnh giỏi- lời bà nghe càng ngộ hơn. Bà nói theo tâm tưởng, nhưng tôi hiểu cái sự mạnh giỏi đó chắc là nhờ hồng phúc của bà.
Với con cháu trong nhà, bà không quên cúng căn vào các năm ba tuổi, sáu tuổi, chín tuổi và mười hai tuổi. Mỗi lần như vậy, bà bắt đội cái sàng (dùng để sàng gạo) trên đầu gồm ba miếng trầu đã quệt vôi, ba trái cau, ba giấy vàng bạc, ba giấy tiền, một bộ đồ thế (hình mười hai ông hoặc bà tùy theo giới tính của người được cúng), một hình ông cọp,…
Phía dưới, trước mặt là chè, xôi, một con vịt luộc tréo cánh,… Nhưng cũng không thể thiếu ba cái chung nhỏ cắm bông trang. Đội cái sàng tới khi nào tự nó đổ xuống mới thôi, có khi mỏi cả cổ song lại thấy sướng rân trong bụng vì lúc ấy mình được là trung tâm chú ý của cả nhà.
Cúng xong, bà biểu giữ lại hình ông cọp, dán trên đầu nằm, nói để ban đêm có “ông Ba Mươi” phù hộ, con nít ngủ hổng bị giật mình.
Bà đòi về quê hoài. Hổng phải bà giận, nói nhớ bụi bông trang do ông nội trồng, hổng biết cô Tám còn để hay phá bỏ rồi. Nội lo: “Con Út có chồng xa, hổng biết nó có nhớ cúng căn cho tụi nhỏ hay mê mần ăn mà quên mất ba cái chuyện cúng kiếng. Quên riết là tụi nhỏ cứ bịnh rề rề hoài cho mà coi”.
Nghe nội nhắc hoài tôi cũng đâm già theo, muốn được về quê, được cùng bà bơi xuồng giữa một rừng bần nghe cá rô đớp móng, cá lóc quẫy chũm. Rồi hai bà cháu tới ngã ba Thầy Hai, cái nơi mà mỗi bận đi chặt thuốc Nam thường ngừng lại ăn bần chín chấm muối ớt. Cách đó không xa là phần đất hương quả của ông cố.
Bà nói tới khi trăm tuổi bà sẽ nằm đó, cạnh ông để được gần với tổ, với tiên. Câu nói buông xuống, nhẹ như một tiếng thở dài thườn thượt. Người già sao nói chi cái chuyện nghe buồn chết được.
Nghỉ hè, hai bà cháu về quê. Trên chuyến xe tốc hành, bà thao thức kể tôi nghe rất nhiều kỷ niệm: chuyện hồi bà còn con gái, đi cắt lúa mướn riết rồi gặp ông, rồi tía má cho phép lấy nhau; chuyện bà làm dâu cố, lo ngóng xuống bến, mê coi ghe bầu gánh hát đi dài trên rạch rao bản, để khét nghẹt nồi cơm; chuyện đàn bà con gái xứ bà nhậu còn hơn đàn ông, nhậu vô thì hứng chí cầm chổi lông gà múa men, nhảy cà tưng…
Về tới đầu xóm là bà như trở thành một con người khác: “Chị Chín mạnh giỏi, hen!”, “Chú Ba lóng rày phát tướng bộn!”… không giống bà nội ở thị thành, ở nhà lầu, ngủ giường nệm, ăn ngon, mặc đẹp mà lúc nào cũng rầu, cũng nhớ hoài cái làng quê heo hút.
Cô Tám chạy ra, bà rờ rẫm mình mẩy: “Chuyến này, má về ở đây luôn nghen, Tám?” Tôi đứng trân, nghe ghen trong bụng: Trời, nội bỏ mình thiệt sao?
Bà ngó bụi bông trang trước bàn Thông Thiên, cười: “Tao tưởng mầy đốn bụi bông nhà quê này rồi chớ?” Cô Tám xe xe vạt áo: “Để hoài bụi bông cho xấp nhỏ biết đường mà nhắc con cúng căn”. Trời, cô Tám nói sao y chang bà nói.
Bước vô nhà, cảnh cũ, người cũ hiện về qua ánh mắt của bà. Bà nghe thân thuộc từ cái tủ thờ, cái bộ ngựa, bồ lúa trong buồng, hàng lu hứng nước mưa, khạp gạo, keo muối, cái cối xay bột, cho tới cái chái bếp có sẵn cự củi để nấu chè, nấu kiểm,… Mèn ơi, con Tám giữ y nguyên cảnh cũ vầy nè! Tự dưng bà rớt nước mắt.
Mấy ngày ở quê, nội hay réo thằng con của cô Tám: “Nhí ơi, Nhí à, về đi tiệm mua cho ngoại năm ngàn đường”; “Nhí ơi, Nhí à, mua một ngàn muối,…”. Mấy năm lên chợ sống với ba tôi, vì má chu đáo nên trong bếp lúc nào cũng có sẵn đường, muối, tiêu, bột ngọt,…
Cái gì cũng có sẵn, tôi tưởng bà quên hết chuyện ở quê. Ai dè, lại được thấy bà kêu cháu đi tiệm, bà kêu nó bằng cái giọng tuồng như thèm lâu lắm. Có bữa thằng Nhí mê chơi để bà réo cả buổi mới lật đật chạy về, xanh mặt vì sợ đánh đòn. Bà không giận, tôi thấy bà cười, vỗ đầu thằng cháu: “Mồ tổ mầy!”
Bỗng tôi thấy mình quay về cái tuổi lên mười, cũng ngay ngôi nhà này, ngay cái ngạch cửa láng bóng này, bà cũng réo tôi đi tiệm mua tiêu, mua tỏi. Mà, lạ thiệt nghen, tám chín năm xa quê, bữa về tôi thấy cái tiệm của dì Chín cũng không thay đổi.
Không đổi từ cái keo đựng kẹo me, cái hũ đường, tới cái băng bằng cây để mấy đứa con nít ngồi uống đá bào. Dì Chín cũng không đổi, tóc dì chỉ hơi thưa hơn, bạc hơn ngày trước. Tôi muốn chạy tới, kêu dì làm cho một ly, đổ si rô nhiều nhiều, húp một miếng nghe dăm nước đá tê rần đầu lưỡi.
Bà dắt tôi ra gốc tre, chỉ vô đống miểng sành, ông táo, cà ràng sứt mẻ, nói:
- Chỗ này, ba bây hồi nhỏ có một chuyện nghe ngộ lắm.
Ủa, chuyện ngộ gì mà hồi nào tới giờ mình hổng biết ta?
- Hồi tám tuổi, nó cắc cớ đái vô chỗ này, xui rủi trúng ngay đầu ông táo. Ổng quở, phạt nó sưng con cu chù vù. Nó sợ, khóc thấy mà thương.
Mắc cười thiệt! Tôi lè lưỡi:
- Rồi sao hết, nội?
- Ông cố dắt thằng nhỏ vô bếp, tới chỗ thờ ông Lò đốt nhang, khấn vái rồi dẫn nó ra đây xin tội mới hết luôn đó chớ.
Cô Tám đã biết chuyện này nhưng nay được nghe chính miệng nội kể lại, cô bụm miệng cười khúc khích: Bà già, thiệt là… dị đoan hết biết.
Phải! Nội tôi dị đoan. Mỗi năm, tới ngày mùng năm tháng năm, đúng mười hai giờ trưa là bà ra sân nheo nheo ngó lên mặt trời, nói nhìn cho sáng mắt.
Rồi bà xách cái cà ràng đem ra trước cửa đốt lửa, bắt lên cái chảo rang khơi khan, đợi có người hỏi làm gì vậy, bà nói rang kiến. Bà cố ý nói lớn, chắc cho lũ kiến nghe, sợ, để quanh năm trong nhà không có kiến.
Nội tôi dị đoan nhưng mỗi câu chuyện của bà, từ bà đều hấp dẫn như trong cổ tích. Và chỉ có những lúc thế này tôi mới thấy mình không già, thiếu điều trẻ lại như hồi còn nhỏ xíu.
Bà Tư Bóng qua đời. Bà tôi qua, đưa tiễn người bạn già thức gần trọn một đêm. Tôi lo cho sức khỏe, bà cười: “Trong đời, ai cũng phải một lần ra đi, được đi bên cạnh người thân, chòm xóm như bà Tư thì còn gì bằng”. Bà nói tỉnh bơ, không chút bận tâm, lo lắng tuồng như đã sẵn sàng đến xứ thần từ bên kia thế giới.
Và… bà tôi đã sẵn sàng thật sự. Lần về quê đó, nội đã vĩnh viễn ở lại với quê hương. Bà đi nhẹ nhõm, nhẹ đến đỗi tôi vẫn chưa tin, vẫn tưởng bà còn đang ngủ, thức dậy sẽ kể tiếp tôi nghe những chuyện như là cổ tích.
Ba tôi xửng vửng, cứ trách hoài cô Tám: “Giữ má ở lại chi để ban đêm bệnh bất tử vầy, ra chợ, ra sao kịp?” Ba tôi khóc. Cô Tám khóc. Cả nhà khóc. Trước quan tài, bông trang cúng bà đang chấp chới bên ngọn đèn, chắc cũng đang khóc.
Bên hè, tiếng ai đang ru con giữa buổi trưa yên ắng: “Ầu ơ… Gió đưa gió đẩy bông… trang, bông búp về nàng, chớ bông búp về nàng… bông nở về… anh”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin