Chim khôn lựa cành mà đậu
Chim khôn lựa cành mà đậu
(Tục ngữ)
Công ty Mạnh Thắng chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi chế biến từ gạo đã có thương hiệu, có thị phần khá lớn và được người tiêu dùng tín nhiệm.
Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Ông chủ Mạnh có hai con, Thúy Vân và Đình Thắng. Thúy Vân đã có gia đình, Thắng tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh, làm cho một công ty FDI, lương cao bổng hậu. Sợ cháu nội bị tiền tài danh lợi làm ù tai lóa mắt, ông Hào nhắc nhở ông Mạnh:
- Ngựa con háu đá, thường xuyên quan tâm nó kẻo hối không kịp.
Ông Mạnh tự tin:
- Không sao đâu ba. Coi vậy chớ chững chạc lắm. Bay nhảy khắp nơi nhưng biết lựa cành mà đậu.
Bà Mạnh tiếp lời:
- Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Nó lớn rồi, nên hay hư do nó tự rèn luyện, tụi con muốn quản cũng khó?
- Môi trường xã hội cũng tác động không nhỏ, cẩn thận vẫn hay hơn- ông Hào căn dặn.
Cái cành ông Mạnh nói là sự nghiệp của ông. Làm việc cho công ty FDI vài ba năm Thắng đột nhiên xin nghỉ để về quản lý và điều hành công ty nhà. Ông Mạnh thắc mắc: “Chỗ của con nhiều người muốn mà không được sao con lại bỏ?”
Thắng thẳng thắn bày tỏ ý mình: “Tiền bạc đối với con không thành vấn đề, chủ yếu là sức khỏe của ba má. Ba má già rồi, lao động vất vả mấy chục năm đã mệt mỏi, yếu đuối cần nghỉ ngơi tịnh dưỡng, an hưởng tuổi già.
Hơn nữa, làm ăn thời hội nhập và toàn cầu hóa có nhiều điều mới lạ, lắm rủi ro cho nên con sợ ba má không đủ linh hoạt nhạy bén nắm bắt kịp thời rơi vào tụt hậu, phá sản”. Thắng còn phân tích tỉ mỉ những cái lợi hại của kinh tế thị trường mà nó rút tỉa được trong thời gian qua cho ông bà Mạnh nghe. Không thuyết phục được con, ông bà Mạnh phải cho nó thi thố tài năng và theo đuổi lý tưởng của nó.
Công ty có trên năm mươi công nhân và nhân viên văn phòng, chia tổ toán đâu ra đấy. Có chung cư và nhà ăn tập thể. Thắng siêng năng và khá bình dân.
Thường xuyên kiểm tra mọi mặt, động viên đôn đốc công nhân làm việc, chăm lo đời sống của họ, giải tán bếp ăn tập thể, phát tiền cho họ ăn tự túc để tránh trường hợp ngộ độc đông người. Khi đi ngoại giao mới mặc đồ sang trọng, ở nhà mặc bình thường, đến xưởng mặc đồ công nhân.
Một hôm, Thắng đến hỏi cô công nhân mới vào làm chưa biết mặt “cậu chủ”:
- Chị làm thoải mái không?
Tưởng đồng nghiệp, cô công nhân xẵng giọng:
- Mệt muốn chết! Đứng suốt làm sao thoải mái được?
Thắng cười, nói:
- Nhiều công ty xí nghiệp khác công nhân cũng đứng suốt vậy?
- Ở đó chỉ đứng tám tiếng còn ở đây trên mười tiếng có khi mười hai, bóc lột quá mức.
Thắng vẫn vui vẻ:
- Đứng ít lương ít, đứng nhiều lương nhiều, công bằng chứ đâu phải bóc lột, chị có yêu cầu gì không?
Cô công nhân làm gần, đánh tiếng:
- Chị Thơm! Anh Ba Thắng đó!
Thắng xua tay:
- Không sao. Mấy chị có ý kiến hay yêu cầu gì cứ nói cho tôi nghe, đừng ngại. Cái nào hay mình phát huy, cái nào dở mình rút kinh nghiệm khắc phục sửa chữa thì công ty mới tiến bộ, đúng không?
Cô thư ký kế toán cũ lấy chồng xa, xin nghỉ. Chồng Thúy Vân giới thiệu Mỹ Linh thay thế. Cô khá đẹp. Thông minh. Lanh lợi. Có kinh nghiệm. Có cá tính.
Ngoài công việc chuyên môn, Mỹ Linh còn góp nhiều ý kiến bổ ích cho Thắng trong việc kinh doanh, tiếp thị, quảng bá thương hiệu. Khi nhàn rỗi, cô hay sang phòng của Thắng chuyện trò khá tâm đắc và cùng Thắng xuống nhà xưởng xem công nhân làm việc. Cô nói với Thắng:
- Trước kia, em nghe nhiều người nói lãnh đạo công ty thường xuyên đến nhà xưởng là tạo áp lực cho công nhân nhưng khi đến đây làm em mới thấy ngược lại. Anh rất khéo giao tiếp ứng xử, lại vui vẻ, hòa đồng, nhã nhặn nên hầu hết công nhân đều quý mến, kính trọng anh, làm việc không cần nhắc nhở.
Thắng nhìn Mỹ Linh mỉm cười. Cô phân bua:
- Thiệt đó! Không phải em nịnh anh đâu.
- Anh có bảo em nói dối, em nịnh anh đâu mà thanh minh? Em cũng không thua anh, tối ngày chơi với những con số vô tri nhưng không bị nó làm xiếc là quá hay. Nên nhớ, khi nào bị nó làm xiếc em hãy nghỉ ngơi chừng mươi phút cho đầu óc thư giãn, nếu không em phát điên lên đấy.
Mỹ Linh cảm động nhìn Thắng trìu mến, miệng nở nụ cười tình tứ.
Được đào tạo bài bản, nghiệp vụ của Mỹ Linh thuộc loại giỏi, giải quyết công việc nhanh gọn, minh bạch theo đúng quy định của ngành nghề.
Thắng rất tin tưởng cô, thử đưa cô theo ngoại giao một lần xem khả năng quyền biến ứng phó với khách hàng ra sao. Mỹ Linh không phụ lòng Thắng, từ đó Thắng thường xuyên cho Mỹ Linh đi theo làm phụ tá khi giao lưu với các công ty khác để giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mối quan hệ tình cảm giữa “cậu chủ” và cô nhân viên cũng từ từ biến thành tình bạn trong các buổi liên hoan, tiệc cưới và biến thành tình yêu đúng ngày sinh nhật của Mỹ Linh trong một không gian nhỏ bé đầy ánh nến lung linh lãng mạn.
Sự gắn bó thân mật của họ làm ông bà Mạnh chú ý, để mắt tới. Bà Mạnh nghi ngờ:
- Chẳng lẽ nó quên con Cẩm Loan rồi sao?
Ông Mạnh cũng mơ hồ:
- Chắc không đâu? Tụi nó quen nhau đã lâu, tình cảm sâu đậm, còn con Mỹ Linh chỉ mới đây thôi lý nào lại quên mau đến thế?
Bà Mạnh mỉm cười, chê chồng:
- Ông già lẩm cẩm. Tình yêu không đợi thời gian, nó đến nhanh mạnh như sấm sét cho nên văn nghệ sĩ mới gọi là “tiếng sét ái tình”. Điều làm tôi lo lắng nhất là không biết thằng Thắng có chuẩn bị tâm lý kỹ chưa?
- Ý bà thế nào và định làm gì?
- Làm gì bây giờ? Tuy con Mỹ Linh cũng ngoan ngoãn, dễ thương, mạnh mẽ, cương quyết nhưng tôi thấy trong cái ngoan ngoãn, dễ thương còn có ích kỷ, hẹp hòi, trong cái mạnh mẽ, cương quyết còn có chanh chua, đanh đá nữa, ông thấy sao?
- Đàn bà có giác quan thứ sáu, tôi chịu, mọi việc do bà quyết định. Tuy nhiên, tui nhắc bà con đã trưởng thành, có địa vị trong xã hội nên mình phải tôn trọng tự do riêng tư của nó chớ đừng lấy thượng áp hạ. Hãy nhớ!
Cẩm Loan là giáo viên trung học phổ thông, bạn gái của Thắng. Cô có cái đẹp thùy mị, dịu dàng của người phụ nữ, có cái đẹp điềm đạm, đoan trang của nhà mô phạm. Hai người quen nhau khá lâu, ông bà Mạnh muốn có cháu nội bồng ẵm nựng nịu nhưng Thắng chưa trả lời dứt khoát.
Thắng không thể bắt cá hai tay, giữa Cẩm Loan và Mỹ Linh phải chọn một. Thắng chọn Mỹ Linh. Mặc dù rất thương Cẩm Loan và không hài lòng lắm với cuộc hôn nhân này nhưng ông bà Mạnh bó tay, không có cách nào khác tốt đẹp hơn.
Một đám cưới hoành tráng được tổ chức hai ngày mới đủ thời gian chiêu đãi khách mời. Cẩm Loan cũng có đến dự.
Sau khi cưới, Mỹ Linh tự thay thế chồng quản lý điều hành công ty khi Thắng đi ngoại giao tìm kiếm khách hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Một hôm, Mỹ Linh đi kiểm tra công nhân làm việc. Đến khâu nào cô cũng chỉ trỏ, nhắc nhở, dặn dò này kia kia nọ ra dáng bà chủ.
Thấy hai rổ phế phẩm cao có ngọn chưa kịp tái chế, Mỹ Linh bèn lên lớp các cô công nhân. Bị rầy oan, một cô phân bua:
- Nó còn làm lại chớ đâu có bỏ, bộ anh Ba hổng nói chị biết sao?
Mỹ Linh bị bẽ mặt bỏ đi một nước. Cô công nhân nhìn theo trề môi xí dài “Xi..i..í! Hổng biết mà làm tàng”.
Đã là vợ chính thức hợp pháp của Thắng nhưng Mỹ Linh vẫn còn nghi ngờ chồng chưa quên Cẩm Loan do biết được hai người tình cờ gặp nhau vài lần.
Nghi ngờ hóa sợ hãi, sợ hãi sanh ghen tương. Thắng đi khỏi nhà chừng một hai tiếng đồng hồ là cô nhấp nha nhấp nhổm ngồi đứng không yên. Đầu óc Mỹ Linh lúc nào cũng nghĩ Thắng và Cẩm Loan luôn luôn bên nhau.
Rồi cảnh nỉ non tâm sự, tay trong tay, môi kề môi, má cọ má… hiện ra trong mắt khiến cô tức lồng lộn muốn chạy ngay đến đánh ghen tình địch cho hả giận.
Đi theo dõi không được, Mỹ Linh quay qua gọi điện thoại hỏi Thắng đang ở đâu, làm gì với ai, bất kể lúc Thắng đang họp bàn chuyện làm ăn với đối tác. Khi Thắng về, Mỹ Linh lại hạch sách, làm tình làm tội đủ điều.
Có người chồng nào không bực bội khi vợ ghen bóng ghen gió? Thắng nhiều lần giải thích, chứng minh mình trong sáng, thậm chí bày tỏ khó chịu tính ích kỷ nhỏ nhen của Mỹ Linh nhưng vô hiệu.
Biết cha mẹ không hài lòng vợ, Thắng cố nhịn cho ông bà Mạnh vui. Tuy nhiên, cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, Mỹ Linh được nước làm tới khiến sự việc ngày càng tồi tệ, có nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc.
Nhân ngày Tết Nhà giáo, trường của Cẩm Loan mời Thắng đến làm khách danh dự do Thắng nhiều lần đóng góp cho trường. Thắng không cho bất cứ ai biết việc này và âm thầm ra đi.
Hết phần lễ đến phần liên hoan. Không biết vô tình hay cố ý, ban tổ chức mời Thắng và Cẩm Loan ngồi cạnh nhau trong một bàn.
Có duyên không phận, họ đã “biến tình cầm sắc hóa ra cầm kỳ” (Truyện Kiều) cắt đứt sợi tơ vương, coi nhau như bạn bè, không nghĩ gì đến quá khứ, vui vẻ chuyện trò.
Bỗng! Mỹ Linh cầm cây kéo từ ngoài cổng chạy xồng xộc vào, đứng ngó dáo dác tìm kiếm.
Khi thấy Thắng và Cẩm Loan, mặt cô bừng bừng sát khí, mắt long lên dữ tợn, chen chân đến gần hai người, giơ kéo định đâm hoặc cắt tóc Cẩm Loan. Thắng đứng phắc dậy, xô cô ra sau, nói như hét:
- Em làm gì vậy?
Mỹ Linh gào to:
- Đâm chết nó chớ gì? Đồ giựt chồng người ta.
Mấy ông ngồi gần Cẩm Loan đứng lên bao quanh bảo vệ cô. Mỹ Linh còn nói nhiều điều khó nghe khiến Thắng giận dữ tát vào mặt cô một cái nẩy lửa, quát lớn:
- Đi về! Mau!
Mỹ Linh bật khóc nức nở, tru tréo qua làn nước mắt:
- Anh binh nó rồi đánh tui hả? Đồ mất dạy! Đồ vũ phu!
Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến mọi người trở tay không kịp. Lát sau, ban giám hiệu mới kêu bảo vệ đến tước cây kéo, đưa Mỹ Linh ra cổng.
Về nhà, Mỹ Linh đi thẳng vào buồng. Thắng kể lại đầu đuôi câu chuyện cho ông bà Mạnh nghe rồi than:
- Nhục nhã quá! Phen này có nước vạch đất mà chun chứ dám nhìn mặt ai. Con chịu hết nổi rồi, ba má tính sao thì tính?
Bà Mạnh dò xét ý tứ Thắng:
- Cuộc hôn nhân này do hai con tự nguyện thì hai con phải chịu trách nhiệm chứ kêu ba má tính là sao?
- Ba má không tính con tự tính lấy. Ly hôn!- Thắng nói dứt khoát.
Bà Mạnh nghiêm giọng, hỏi:
- Con suy nghĩ kỹ chưa? Nếu quần áo, tay chưn dơ bẩn thì con giặt rửa hay vứt đi, chặt bỏ?
Thắng nín thinh. Ông Mạnh phê phán:
- Ai phải ai quấy để tính sau, trước mắt con đánh vợ là con sai, đánh chỗ đông người càng sai. Đàn ông đánh vợ không bằng cầm thú!
Khi không lại bị vạ gió tai bay mang nỗi hàm oan nghiệt ngã, Cẩm Loan kiện Mỹ Linh ra tòa với tội danh “nhục mạ, xúc phạm danh dự”. Dù thương hay không cũng nghĩ chút tình, Thắng phải năn nỉ Cẩm Loan ráo nước miếng cô ấy mới chịu bãi nại, buông tha cho Mỹ Linh.
TRƯƠNG HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin