Tháng Chạp, trăng non uốn cong trên vòm trời Rạch Lá như chiếc lưng còng của cụ già lam lũ. Gió bấc cô độc thổi hắt hiu trên đọt dừa nước. Trời se lạnh.
Tháng Chạp, trăng non uốn cong trên vòm trời Rạch Lá như chiếc lưng còng của cụ già lam lũ. Gió bấc cô độc thổi hắt hiu trên đọt dừa nước. Trời se lạnh.
Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Dưới bến, Hai Lượm treo võng, đang lắng nghe những âm thanh réo rắt, gieo vào lòng người nỗi sầu thương. Đám tang bà Chín. Xéo bên kia con rạch, dàn kèn Tây đang hòa tấu bài “Lòng mẹ”, âm điệu thống thiết khiến những người thân, chòm xóm trước cảnh sinh ly tử biệt đau cắt ruột.
Nghe “Lòng mẹ”, Hai Lượm hình dung tới cái dáng gầy gầy của bà Chín hàng xóm cả đời còm cọm, chắt mót, tiện tặn từng đồng, không dám ăn ngon, mặc đẹp.
Vậy mà bây giờ, ngày nhắm mắt xuôi tay, con cháu từ thành thị kéo về bàn nhau mướn kèn Tây thổi đưa đám, mất tới mấy triệu đồng.
Hương hồn còn lẩn quẩn đâu đây, không biết bà đang vui vì cái sự “hiếu thảo” của con cháu hay lòng đang xót cho cái khoản tiền, theo bà là phung phí quá lớn.
Ngày ba của Lượm qua đời, cũng vào tháng Chạp, cũng gió bấc và trời cũng se lạnh như vầy. Lúc hấp hối, ông nắm tay anh nói lời trăn trối, thều thào, nhẹ như một tiếng thở: “Lượm à, ba… đi nghe! Con ở lại ráng… mần ăn đàng hoàng. Chòm xóm lỡ… có người đi… đi xa như ba, nhờ mình khâm liệm thì mần cho tử tế, nghen con!”
Lượm khẽ gật, mắt ràn rụa, áp mặt vào đôi tay trơ xương của ba mình, nghe lạnh buốt. Chợt cái lạnh bỗng lan sang người Lượm, chạy dọc theo sóng lưng, run lẩy bẩy như có ngọn gió bấc nào vừa luồn vào, xoáy sâu, thổi miết.
Vậy là ông đi, đi êm ru, nhẹ tênh như một cái bông gòn vừa rời xa thân mẹ. Lúc đó, Lượm mới hai mươi tuổi.
Ba mất. Lượm thay ba tiếp tục cái “nghề” khâm liệm xác chết cho chòm xóm. Cũng chính cái “nghề” này, Lượm đã chứng kiến bao người sinh ra, lớn lên rồi vĩnh viễn ra đi khiến anh có thêm nhiều trải nghiệm về cuộc đời.
Đã là con người dù giàu sang tiền bạc chất như núi hay nghèo hèn không một cục đất chọi chim, dù hiền hay dữ, một khi mắt đã khép, sắp trở về với đất thì có khác gì nhau: Một thân thể cứng đờ với hai bàn tay trắng. Đem theo được gì? Vài thước vải trắng và mấy bộ đồ cắt nút.
Đôi lúc bắt gặp những bàn chân trần, lạnh toát, móng quăn queo, ám phèn, gót và gan bàn chân chay cứng, hằn lên những vết cứa sâu hoắm, tự dưng Lượm bỗng nghe lòng xót xa.
Anh nhớ đến ba mình, đến những con người Rạch Lá sống bươn chải với đồng, với sông, cả đời lam lũ. Đôi chân họ không biết bao lần đã giẫm lên đất cày lổm chổm hay bùn sình của ruộng lúa, ao đìa.
*
* *
Hai Lượm rót một ly, đưa cho người bạn nối khố:
- Nè, uống đi mậy.
Năm Tài bưng ly rượu:
- Hai thằng mình kêu mầy tao hoài như vầy nghe thân tình lắm, kêu hoài, tới già luôn nghen mậy. Chỉ có điều… làm mấy đứa nhỏ thấy lạ.
Mới hôm qua, thằng nhóc nhà kế bên thắc mắc: “Bác Năm ơi, sao bác với bác Hai kêu nhau bằng mầy tao, hổng giống như cô giáo dạy phải kêu là bạn gì hết trơn hà”. Thằng nhỏ thiệt là…
Hai Lượm cười:
- Rồi mầy trả lời sao?
Năm Tài uống cạn ly:
- Biết nói gì, lưỡi cứng đờ luôn, tao cười giả lả rồi… đánh lảng cho qua. Nhưng câu nói của thằng nhỏ làm tao giật mình: Tụi mình già thiệt rồi mầy ơi! Tóc trộn muối tiêu rồi còn gì! Mà, hổng ai như mầy, tới bây giờ mà còn… Thôi thôi, hổng nhắc nữa. Mỗi lần nhắc, mầy buồn, cái mặt bí xị, thấy rầu muốn chết.
Câu nói của Năm Tài làm Hai Lượm nhớ tới một người. Mỗi lần nhớ, anh nghe giận, nghe buồn rồi không hiểu sao lòng lại đau, lại nhớ đến thắt thẻo. Hơn hai mươi năm rồi còn gì.
Người già xóm Rạch Lá lần lượt ra đi, con nít xóm Rạch Lá lớn lên, lấy chồng, cưới vợ, sanh con. Rạch Lá thay đổi. Nhưng lạ thiệt, lòng Lượm thì vẫn vậy: một chút cố chấp, một chút giận hờn, một chút vương vấn tơ lòng.
Có những chiều, tụi con nít đi ngang nhà, hỏi chơi: “Bác Hai ơi, sao bác cứ ở vậy hoài, không chịu cưới vợ? Mơi mốt già rồi, ai nấu cơm cho bác ăn?” Hai Lượm nheo mắt cười mà giống hệt như khóc. Tụi con nít thiệt là…
Chuyện lấy vợ mà làm như giỡn chơi theo kiểu nhà chòi. Lấy vợ, phải lựa ngay trân người mình thương mới được.
Rạch Lá thay đổi. Phải, bây giờ dân Rạch Lá nhiều nhà khá giả, ăn nên làm ra nên họ hay tranh nhau sắm sanh đủ thứ. Nhà này sau vụ lúa sắm cái ti vi màu 21 inch thì nhà kia cũng mua cho bằng được, thậm chí phải lớn hơn cho nó oai.
Nhà này có giàn máy hát karaoke thì nhà khác cũng cố bon chen, dù phải bán con trâu, con bò, ra chợ mua về, mở hết công suất để không kém em, kém chị…
Đã vậy, người ta còn đua nhau tổ chức các đám tiệc thật rình rang. Đám tang cũng không ngoại lệ, phải sang trọng từ a đến z: mua quan tài đắt tiền, mướn thợ khâm liệm, trang điểm cho người chết, thuê đội đạo tỳ ăn mặc đẹp hết ý.
Họ chê nhạc lễ là quê mùa, phải kèn Tây, có nhóm phục vụ ca nhạc, nhảy múa, xiếc, ảo thuật đủ trò, đủ kiểu…
Vì thế, các cụ xóm Rạch Lá hay chắc lưỡi: “Người xưa hay nói “Buồn như đám ma” thì bây giờ phải coi lại, hình như vui nhiều hơn buồn. Cũng may, dịch vụ khóc mướn chưa về tới đây, nếu không…”.
Năm Tài vỗ vai Hai Lượm:
- Tới lượt mầy uống nè. Thấy chưa, vô tình nói có một câu vậy mà mầy ngồi thừ cả buổi. Người ngồi đây mà lòng để ở đâu đâu không hà. Nói mầy đừng giận, bỏ cái tánh cố chấp đó đi, người ta bây giờ…
Còn thương thì nói là thương. Trên đời này hổng ai như mầy, mấy chục năm rồi mà cứ để hoài trong bụng, để hoài đau lắm Lượm ơi.
- Mầy khùng hả? Người nào người nấy đều già hết trơn rồi, yêu đương gì nữa. Bây giờ có nước chờ ngày ra gò, xuống lỗ.
Miệng thì nói vậy, thật ra kể từ sau cái hôm gió bấc, cô gái bên sông lấy chồng về miệt Bang Chang, mỗi khi nghe trời trở gió thì lòng Lượm lại nghe trống trải như đang đứng giữa một khoảng không, chơi vơi, chấp chới niềm thương nỗi nhớ.
Đêm xuất giá hôm ấy, khách khứa đến chật rạp, chúc mừng cô dâu, nhậu nhẹt, ca hát thâu đêm. Tiếng ca vô tình bay qua con rạch nhỏ làm rưng rức lòng chàng trai đang một mình bên chai rượu cạn.
Và câu nói của bà Tư Kiều, dù muốn quên nhưng cứ chờn vờn như một gáo nước lạnh hắt vào tim Lượm đến tê cứng: “Trên đời này hết con trai rồi hay sao mà mầy chọn, mầy thương ngay trân thằng Lượm.
Cái thằng không cha, không mẹ, sống đầu đường xó chợ, cũng may là được ông già Hai độc thân thương tình lượm đem về nuôi.
Ừ thì, tao hổng chấp gia thế của nó nhưng ưng thằng đó thì lấy gì mà ăn? Ừ thì có… có nải chuối sống dằn bụng người chết! Liệm xác chết riết rồi mặt của nó xanh xanh méc méc như người không hồn, không vía, nhìn giống y chang ba nó ngày trước hà. Mầy cãi tao là khổ dài dài, khổ cả đời, nghen con!”
Đứng bên hè, Lượm thấy Hồng cúi mặt, im thít. Bà Tư nói giận: “Con gái lớn rồi, tao hổng cản. Nhưng muốn lấy nó… chờ khi nào bà già này nhắm mắt rồi muốn làm gì thì làm”.
Bà rứt thêm cục thuốc xỉa, quay lưng bỏ vô trong. Không gian quánh đặc, im gió. Chỉ có tiếng con ong lẻ bạn đang o e trên giàn mướp. Lượm đứng trân một hồi rồi vụt bỏ chạy ra đồng như một kẻ mộng du.
Vì cái nghèo mà mất người yêu, đã đành, nhưng lòng Lượm càng đau và chua xót hơn khi nghe người ta nói những lời xúc phạm đến ba mình. Ba Lượm- ông già độc thân tốt bụng lượm anh ở một góc chợ trong cơn bệnh nặng ấy, bao năm nay đã cho anh một thứ tình cảm còn hơn cả ruột rà, máu mủ.
Hồi còn sống, tuy nghèo nhưng ông chưa hề làm mất lòng một người trong xóm, dù là đứa con nít. Giờ, ông đã mất, nay chỉ vì tình cảm trai gái của thằng con trai mà bị người ta đem ra để bêu riếu khiến lòng Lượm nghe đau và cảm thấy mình là thằng con bất hiếu, là đứa chẳng ra gì.
Lượm thề với lòng là sẽ quên, sẽ ráng kiềm lòng mà quên đi tất cả. Nhưng mấy tháng sau, Hồng về quê, thoáng bối rối khi gặp Lượm ở đầu vàm. Nhìn Hồng, anh giật mình kêu lên: “Trời ơi! Hồng!... Sao ra sự thể vầy nè?”
Hồng cúi đầu, giấu mấy vết bầm tím trên mặt rồi đi miết. Mấy bà thím nhiều chuyện tụm nhau xầm xì: “Con nhỏ chắc ăn là bị chồng đánh”, “Ừ! Nghe nói bên chồng giàu có nhưng thằng chồng có máu ghen lại cái tánh vũ phu.
Nghe đâu con Hồng về sống với chồng mà bụng dạ cứ để đâu đâu không hà. Vậy mới khổ!”
Tối đó, Lượm mắc võng ngoài hàng ba, lòng anh lại gợn lên bao cơn sóng. Tưởng rằng sẽ quên được một người khi người đó sống hạnh phúc bên chồng. Ngờ đâu, mấy vết bầm trên gương mặt mà Hồng cố tình che giấu làm Lượm nghe lòng mình đau điếng. Vậy là Hồng không hạnh phúc.
Vì đâu? Phải chăng vì câu nói trong đêm khuya xuất giá mà Hồng đã lén má bơi xuồng qua rạch để gặp Lượm lần cuối rồi sáng mai là cất bước vu quy?
Lúc ấy, thấy Lượm đang ngồi cặp mé rạch bên chai rượu cạn đáy, Hồng cặp xuồng lại, nhìn anh bằng đôi mắt đầy nước: “Ngày mai… em… sẽ rời xa… Rạch Lá.
Anh ở lại… mạnh giỏi, nhớ đừng uống rượu nhiều. Em sẽ cố quên một người để sống với một người. Nhưng… bụng dạ em, chắc anh hiểu, đã thương ai thì thương hoài thương hủy”.
Chỉ nói mấy câu ngắn ngủi rồi Hồng chống xuồng ra. Lượm nhìn theo, thấy đôi vai nhỏ đang run trong tiếng mái dầm bì bõm, anh biết Hồng đang khóc. Lượm cầm chai rượu, muốn mình được say, để quên, để nằm dài dưới một gốc cây nào đó ngủ vùi một giấc cho đến sáng.
Nhưng… chai rượu không còn một giọt mà sao anh vẫn tỉnh. Trời đêm sao yên ắng một cách lạ thường, có thể nghe rõ tiếng con cá đớp mồi dưới trăng, tiếng con cò ăn đêm lẻ bạn, tiếng dế gáy ti tỉ không biết than vãn điều gì mà buồn lắm, thê lương lắm.
Hai năm sau, cũng ngay mùa gió bấc, Hồng một tay nách đứa con nhỏ, một tay xách giỏ đồ về quê. Tới cửa, gặp bà Tư Kiều, cô kêu “Má!” rồi hức lên một tiếng để ráng kiềm những giọt nước mắt như đê sắp vỡ tràn. Bà Tư ẵm cháu, vai bà run, lưng cong oằn lại, bụng xót xa và mắt bà đang rịn nước.
Có những buổi trưa, ngang nhà Hồng, Lượm cho xuồng chậm lại để nghe trọn vẹn tiếng bà mẹ trẻ ru con: “Ầu ơ… Gió đưa bụi chuối sau hè. Anh mê vợ bé… chớ anh mê vợ bé bỏ bè con… thơ”.
Lời ru run rẩy trong gió rồi vỡ òa như tiếng khóc. Những lần như vậy, Lượm đều gác mái dầm khắc khoải ngó lên bằng đôi mắt buồn rười rượi khiến chiếc xuồng lừng chừng rồi… lặng lẽ trôi.
*
* *
Đã qua mấy mươi mùa gió, không biết bây giờ lòng bà Tư Kiều có nghe đau khi mỗi ngày nhìn đứa cháu gái không cha, cô con út không chồng, lặng lẽ, cô đơn như chiếc bóng.
Chỉ biết rằng mỗi lần thấy Hồng ngồi trước hàng ba chải tóc, mái tóc đen huyền ngày nào đã điểm nhiều sợi sương là mắt bà đều rịn ra những giọt trong veo, mặn chát, khóc cho tuổi xuân của đứa con gái đã qua mất rồi.
Có bữa, bà âm thầm bơi xuồng qua rạch, ra gò mả đốt cho ông Hai hàng xóm nén nhang rồi thầm thì khấn vái điều gì không rõ. Năm Tài thấy vậy chạy vô nhà kêu: “Lượm ơi, ra hè nhìn kìa, bác Tư đang đốt nhang cho ba mầy. Bây giờ già rồi, chắc bả đang hối hận, nói vài câu xin lỗi với người đã mất.
Mầy ra mời người ta vô nhà, châm bình trà rồi mơi mốt xin phép rước cô Út Hồng về nấu cơm, rửa chén, hen”. Lượm không thèm ngó, nhằn: “Thôi đi mầy, già rồi mà hổng nên nết chút nào, tối ngày cứ đoán già đoán non rồi xúi tao làm ba cái chuyện thiệt là bậy bạ, lảng nhách hết chỗ nói”.
Năm Tài không giận, ca ghẹo mấy câu: “Thò tay mà ngắt cọng ngò, chớ thương em đứt ruột mà giả đò ngó lơ”, rồi phá lên cười, đắc ý: “Thôi đi cha nội, còn thương mà làm bộ làm tịch hoài. Chờ ăn đám cưới của mầy, chờ hoài chắc tới lúc tao hổng còn cái răng ăn cháo luôn quá!”
Năm Tài đi rồi, Hai Lượm buớc ra hè ngó về phía gò mả. Không hiểu sao khi nhìn cái dáng còm còm, mỏng như hột lúa lép của bà Tư Kiều, Lượm lại nghĩ ngay đến bàn chân trần nứt nẻ hằn lên những vết cứa sâu hoắm của ba mình, của những con người cả đời cơ cực vì chén cơm, manh áo. Bà Tư già rồi. Mà, già rồi thì cũng phải đi… dù không muốn.
Lượm bần thần thả cái nhìn theo gió, trôi về phía trời xa. Nơi ấy, dưới rặng cây, khói bếp nhà ai đang vẽ lên vòm trời mấy vệt trắng đục, nhỏ nhoi, ngoằn ngoèo, buồn hiu hắt.
Cạnh chân anh là hố bom giờ mọc đầy bông súng. Chiến tranh rồi cũng qua, xóm nghèo đã có điện, có đường đan, có những cây cầu bê tông cốt thép,… Rạch Lá đã thay da đổi thịt.
Chợt Hai Lượm mơ màng thấy mình đang chơi vơi trên một con đường vòng vèo, nhiều ngả rẽ. Anh ứ hự một tiếng rồi thở dài, ngán ngẩm: Bao năm qua cái gì cũng đổi nhưng kỳ thiệt, sao lòng người vẫn không thay đổi?
Bấc lại về. Mỗi khi trời trở gió là lòng Lượm lại thổn thức, nghe cồn cào một nỗi nhớ và oặn lên một khối tình, vẫn như ngày nào, nồng nàn, nguyên vẹn.
NGUYỄN LINH (TX Bình Minh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin