Ngôi trường bên kia sông

08:04, 03/04/2016

Trường núp sau hàng phượng vĩ, nắng sớm trải dài trên sân trường. Tiếng kêu chiêm chiếp của bầy chim sẻ dưới mái ngói. Năm mươi cái đầu xinh xắn cúi xuống, nắn nót hàng chữ tập viết cuối cùng.

NGUYỄN MẪN CÁN

Trường núp sau hàng phượng vĩ, nắng sớm trải dài trên sân trường. Tiếng kêu chiêm chiếp của bầy chim sẻ dưới mái ngói. Năm mươi cái đầu xinh xắn cúi xuống, nắn nót hàng chữ tập viết cuối cùng.

Châu đưa mắt lơ đãng nhìn ra dòng sông. Nước bắt đầu lớn, đám lục bình trôi nổi lênh đênh và không hò hẹn đổ xô vào đây cả. Tiếng còi tàu hụ lên cập bến vang từ xa vọng về.

Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Mới đó đã mười năm, Châu từ giã thành phố về với miền sông nước. Lúc đầu, đến Thuận Thới, cô khóc hết nước mắt, muốn quay trở về thành phố. Nếu không có chị Hai Xuyến an ủi, vỗ về, có lẽ cuộc sống Châu có nhiều thay đổi.

Ngày đó, ngôi trường trông ảm đạm làm sao! Hai gian mái lá thấp lè tè, mái dột và ẩm thấp. Thiếu cả bàn ghế, phụ huynh phải dùng cây vườn đóng tạm bàn ghế cho thầy, trò. Đường vào trường, mùa mưa trơn trợt. Cô cố gắng bám xuống lần đi từng bước, phải băng qua hai cầu khỉ, mới đến điểm trường.

Bây giờ, mọi vật đã thay đổi. Con đường vào trường đã lát đá, cầu “bê tông” thay các cầu khỉ. Nhà lợp mái ngói san sát bên đường. Trường năm lớp cao ráo, khang trang, năm gian mái ngói đỏ au. Hàng phượng vĩ rợp cả sân trường.

Đàn chim từ đâu cũng kéo về đây làm tổ. Ban đầu, giáo viên chỉ có chị Hai, bây giờ đủ năm cô. Mỗi người mỗi vẻ, mang nhiều tâm trạng khác nhau như dòng sông có nhiều khúc quanh, biến động không ngừng.

Chị Hai Xuyến- hiệu trưởng xuất thân từ lớp nông dân nghèo, thất học, vào du kích lúc 14 tuổi, từng làm tiểu đội trưởng, rồi làm giao liên, đi học bổ túc, phụ trách hậu cần và hai lần bị thương nặng. Chị được kết nạp vào Đảng, chuyển sang ngành giáo và cấp trên giao cho chị về xây dựng trường học vùng mới giải phóng.

Chị thường kể nhiều lần suýt chết, những năm chiến tranh gian khổ, chiến đấu không sợ nhưng sợ trình độ văn hóa không bắt kịp để phục vụ đất nước. Chị luôn bận rộn hết việc trường đến việc nhà. Khi hỏi đến chồng con, chị chỉ thở dài!

Năm mươi tuổi rồi, chồng con gì nữa! Thật ra, trong những năm kháng chiến chị cũng đã từng yêu. Họ gặp nhau trong công tác, anh về tăng cường cho bộ đội chủ lực huyện. Lần đó, địch kéo về Nông trường Cờ Đỏ, có cả xe tăng và pháo. Ta đã đẩy lui địch sau hai ngày đêm chiến đấu ác liệt.

Anh bị thương, chị bên cạnh săn sóc anh từng li từng tí. Khi vết thương vừa lành, tình yêu hai người cũng đến độ vừa chín. Lệnh trên điều anh đi, đường ra trận không hẹn ước tương lai. Rồi hai mùa ô môi nở, anh không trở về.

Anh hy sinh trong trận càn của địch. Kỷ vật để lại cho chị là chiếc mũ tai bèo và quyển nhật ký. Sau đó, nhiều người ngấp nghé, chị từ chối và đem đứa cháu gọi bằng cô về làm con nuôi.

Còn lại bốn đứa, tuổi sàn sàn trên hai mươi tuổi, vừa mới ra trường sư phạm. Đó là Hải, Hoàng, Châu, Thúy. Mỗi người mỗi vẻ, đều có biệt danh: Hải “mít ướt” vì hay khóc; Hoàng “ca sĩ” hát luôn mồm; Châu “nhà thơ”; Thúy “yểu điệu thục nữ”.

Bốn cô độc thân sống chung với nhau trong gian nhà tập thể. Ban đầu thì chung nồi, chung chăn, về sau tách riêng từng cặp: Hải và Hoàng, Châu và Thúy. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi như dòng sông có những lúc vui, buồn, sóng gió. Những lần giận nhau chỉ vì mấy cái lý do nhiều khi vô lý rồi cũng làm hòa nhanh chóng...

Những ngày nghỉ, bốn chúng tôi quây quần bên nhau để trút bầu tâm sự. Câu chuyện thường xoay quanh chuyện tình, gia đình và nỗi nhớ mông lung... Nhiều lần, Châu tự hỏi: “Sao không từ giã miền sông nước để trở về thành phố? Điều gì đã giữ Châu lại mười năm qua.

Ngôi trường bé nhỏ và đám học trò- hương đất, tình người cột chặt Châu. Làm sao Châu quên được những kỷ niệm thân thương, mười năm dạy học thoáng qua như một giấc chiêm bao. Châu còn nhớ đến Út Hiền, Hậu, Loan, Thanh,... những học trò cưng nhất của cô. Ngày nào không thấy cô đến lớp, chúng thập thò ngoài hàng rào nhà tập thể.

Còn những đứa quậy nhất như Nam, Hùng,... sau lời khuyên bảo của cô đã trở lại ngoan hiền, dễ thương. Châu nhớ đến tình nghĩa thắm thiết của phụ huynh, nhiều khi đơn sơ, mộc mạc nhưng đầy tình người. Bác Tám thương Châu như con, Bác Tư che lại chỗ dột cho Châu và giúp Châu những lúc đau ốm.

Nhớ đến những ngày nằm liệt giường, thím Tư bươn bã đi chợ, nấu chén cháo cá nóng, mang đến tận giường cứ giục Châu ăn để chóng lành. Trong lúc Út Hiền đứng đầu giường nước mắt vòng quanh.

Đến lúc Châu khỏe đến lớp, học trò reo vui như ngày hội. Lớp bổ túc văn hóa ban đêm cho người lớn đã mở ra, Châu phụ trách giảng dạy. Các chú, các cô tuy lớn tuổi nhưng siêng năng đến lớp. Niềm vui khi thấy các bác viết được thư cám ơn cô với nét chữ ngoằn ngoèo như rắn bò.

Còn biết bao kỷ niệm thân thương về miền sông nước: Chiếc cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khi đi. Rặng dừa xiêm sai trái, ngọt ngào, đong đưa trước gió.

Dòng sông đêm đêm gọi về. Chùa Vàng bên sông. Hàng bần xanh bên dòng nước đục. Cụm hoa lục bình tím ngẩn ngơ chiều. Tiếng còi tàu hụ lên sắp rời, cập bến, mang theo bao nỗi buồn vui, gặp gỡ, chia ly trên bến nước.

* *

*

Thời gian lặng lẽ trôi. Năm học mới bắt đầu, đem theo bao sự thay đổi. Trường được Phòng Giáo dục tăng cường nhân sự, mở thêm lớp học. Các cô giáo mỗi người một tâm trạng. Ai cũng mong muốn thay đổi.

Trong thế giới “âm thịnh”, “dương suy”, các cô buồn không nói ra. Châu vẫn giữ thái độ dửng dưng, hai lần tiễn đưa cuộc tình vô vọng của đời mình hai mươi bảy tuổi đâu còn trẻ trung để đợi chờ.

Bây giờ vẫn còn âm vang của kỷ niệm chua xót, dại khờ. Cách đây năm năm, nếu đồng ý lấy Thuận- người bạn cùng lớp- thì Châu đã trở thành Việt kiều ở xứ người, không biết giờ ra sao. Vì năm sau thì nghe tin như sét đánh, Thuận bị mất trong tai nạn ôtô. Châu về đây để quên đi hình ảnh người xưa.

Rồi cơn mưa đầu mùa đến, cơn mưa làm Châu bối rối. Sân trường ướt sũng, hàng phượng già đong đưa theo gió. Trong giờ giải lao, Châu đến văn phòng để uống nước. Nhìn ra sân, Châu bắt gặp bóng một người lạ xuất hiện, tiến về phía văn phòng hiệu trưởng.

Về sau Châu mới biết đó là Thịnh- giáo viên ở thành phố chi viện cho vùng sâu. Anh phụ trách dạy bổ túc và sinh hoạt Đoàn Đội. Cô giáo Hoàng tiếp đón anh niềm nở và ghé tai nói nhỏ với Châu: “Cũng đẹp trai đó chớ!” Châu mỉm cười quay đi.

Từ khi có Thịnh, trường trở nên vui nhộn hơn: tập thể chan hòa đầy màu sắc. Hoàng và Thịnh gần gũi nhau. Cuộc chiến tranh lạnh âm ỉ giữa bốn cô giáo. Cô Hải ranh ma nhất, tìm cách phá đám.

Cô Hoàng bám sát Thịnh hơn, diện “kẻng” hơn. Cô Thúy tô lại vành môi, điểm trang mái đầu. Thúy lo hậu cần với nồi chè đậu đen hay món bún cua dành cho thầy Thịnh. Còn Châu vẫn đứng ngoài cuộc.

Sau một năm, mối tình Hoàng- Thịnh vừa được nhen nhúm đã tắt biến. Hoàng xin chuyển về quê dạy. Lần chia tay, Hoàng không cầm được nước mắt. Thầy giáo Thịnh hụt hẫng, niềm tin yêu tan biến.

Cây đàn ghi ta bỏ quên, nằm một xó. Châu nhiều lần an ủi, Thịnh bắt đầu vơi dần nỗi buồn. Hoàng về quê năm sau đã lấy chồng. Tình yêu, Châu nghĩ cũng giống như ngọn lửa, nếu không biết giữ gìn sẽ tắt ngấm. Những ngày tháng sau, Châu đã lấp dần những khoảng trống trong tâm hồn thầy Thịnh.

Tình yêu của Thịnh đã đến với Châu bất chợt như cơn mưa đầu mùa. Ngồi bên nhau bên bờ sông xôn xao sóng vỗ, Châu ngã vào vai Thịnh, nghe hơi ấm nồng nàn. Dòng sông choáng ngợp ánh trăng mười sáu.

Tiếng con chuột rúc rích trong đám lá khô đánh thức Châu. Hai người lơ đãng nhìn dòng sông đêm trôi chảy với bao ước mơ. Thịnh nói với Châu: “Dòng sông có lúc vui, lúc buồn như đời người đó, em ạ!” “Hãy nắm lấy và giữ gìn, ban phát cho nhau tình cảm tốt đẹp.”

Rồi năm sau, hết hợp đồng giảng dạy, Thịnh trở về thành phố. Hải, Thúy lần lượt ra đi, mỗi người mỗi phương. Thịnh đi rồi, ngôi trường trở nên vắng lặng. Bây giờ chỉ còn vang vọng những hoài niệm về quá khứ: Còn nhớ gì không, kỷ niệm thân thương?

* *

*

Thuận Thới sau mùa nước năm nay đã vươn vai trở thành thị trấn. Con đường băng qua trường nay đã mở rộng, lát đá. Xe cộ qua lại tấp nập đông vui. Hai dãy phố mọc lên, điện kéo về thắp sáng cả bờ sông. Nhà lồng chợ mới cất làm cho cuộc sống dân quê khởi sắc. Bên cạnh trường là trạm xá, phòng đọc sách đông vui. Châu không ngờ mọi sự thay đổi nhanh chóng như phép lạ.

Chiều xuống chậm, trên dòng sông, nước tiếp tục trôi. Đám lục bình trôi nổi dập dềnh. Mọi người lần lượt ra đi, Châu nhớ đến Thịnh: “Dòng sông có lúc vui, lúc buồn”. Châu quyết định ở lại với dòng sông, với mái trường thân yêu này.

Niềm vui vỡ òa trong lòng Châu khi nghe tin con bác Tám- Út Hiền- đậu vào đại học. Con bác Tư đã đỗ kỹ sư. Cuộc sống nơi đây khởi sắc, rộn rịp trên bến, dưới thuyền. Niềm tin ngày mai đang nảy nở trong lòng Châu khi nhận được thư Thịnh. Anh sẽ về với Châu, với miền sông nước.

Tiếng bác Tám mời cô về ăn tối. Chiều xuống bên sông, Châu khẽ hát “Sông ơi! Dòng sông như người ấy, có khi vui, khi buồn”. Niềm hy vọng đang nảy nở trong lòng Châu như cơn mưa đầu mùa. Ngôi trường ẩn hiện trong hoàng hôn.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh