Chị Sáu qua đời đột ngột. Cái tin rủi đó chẳng mấy chốc đã lan truyền khắp xóm. Nị bịt tang trắng ngồi bên quan tài nhìn con gió mồ côi lẹt đẹt chạy qua sân. Mới mười tuổi, người ta nghĩ nó còn quá nhỏ, chưa đủ lớn để thấu hết nỗi đau mất mẹ.
Ảnh minh họa: Trần Thắng |
NGUYỄN LINH
Chị Sáu qua đời đột ngột. Cái tin rủi đó chẳng mấy chốc đã lan truyền khắp xóm. Nị bịt tang trắng ngồi bên quan tài nhìn con gió mồ côi lẹt đẹt chạy qua sân. Mới mười tuổi, người ta nghĩ nó còn quá nhỏ, chưa đủ lớn để thấu hết nỗi đau mất mẹ.
Mười năm trước, chị Sáu một mình đặt chân lên vùng kinh tế mới với cái bụng lùm lùm, hành lý chỉ vỏn vẹn hai cái giỏ đệm. Ông Bảy hỏi thăm, chị chỉ khóc.
Thương tình, ông vận động bà con đốn cây, chặt lá cất cho chị một căn nhà tạm để che mưa, che nắng. Chú Sáu- Tổ trưởng giải quyết bằng tình cảm, chị được ba công đất. Nói là giải quyết bằng tình cảm vì chị không có giấy tờ xác nhận của địa phương thuộc diện đi kinh tế mới. Mà, quê quán chị ở đâu, gốc gác thế nào cũng không ai biết.
Mới hơn một tháng là bà Chín Rổ đã lật đật chạy qua xầm xì: “Anh Bảy ơi, tui biết rồi, con Sáu có chửa hoang”. Bà lấy tay che miệng, vẻ bí mật vì cho rằng mình vừa khám phá ra một chuyện khá nóng hổi nhưng liền bị ông Bảy phang ngang: “Thôi đi bà chị! Cái tâm chị không ác nhưng tại cái miệng và tánh tò mò nên có khi vô tình làm hại người khác. Ở vùng kinh tế mới này thì mỗi người mỗi cảnh, quan trọng chi chuyện của hồi xửa, hồi xưa”. Bị ông Bảy làm mất hứng, bà lượng sượng sửa lại nếp khăn trên đầu rồi quay lưng le te ra về, miệng lẩm bẩm: “Kỳ khôi vừa vừa thôi cha! Mình nói có một câu, ổng xổ một tràng, hổng biết ai nhiều chuyện hơn ai!”
Người ta khiêng quan tài chị Sáu ra chôn ở gò đất lác đác hoa mua tím, cạnh con kinh váng phèn. Con Nị ôm trước ngực tấm hình đen trắng của má, mặt tỉnh rụi. Hổng ai thấy nó khóc. Ông Bảy nhìn quanh, nói với mọi người:
- Để chôn con Sáu rồi mình tính coi con Nị ở với ai. Hồi còn sống, má nó ít nói quá thành ra hổng ai biết ông bà, dòng họ nó ở đâu mà tìm.
Nghe nói, bà Chín Rổ xung phong trước hết:
- Để nó ở với tui. Thấy con nhỏ mà thương quá chừng. Tui sống một mình, nhà rộng rinh. Nó qua hủ hỉ, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo cho vui nhà vui cửa.
Con Nị mất tích. Mọi người tìm khắp đầu trên, xóm dưới mà không gặp, tới khi ra gò đất thì thấy nó ngồi ôm mả má. Nó khóc, kế bên là cái xô nhỏ xíu. Nó nói ở ngoài gò nắng chang chang, đem xô ra tưới nước cho má nó mát. Mấy lời nói hồn nhiên của con bé làm nước mắt bà Chín rớt cái độp. Mà, đâu chỉ mình bà khóc, mọi người có mặt ai cũng thấy mủi lòng.
Con bé vô phước nhưng không cô độc. Bà Chín, anh Tình, chị Luyến, ba người sống độc thân đều giành nuôi nó. Bà Chín già rồi, biết còn sống được bao lâu để nuôi con bé lớn, dạy nó nên người; anh Tình là đàn ông, bây giờ thì không nói gì nhưng tới khi nó lớn, chuyện… của phụ nữ… anh lấy gì mà dạy. Chỉ có chị Luyến, ai cũng thấy chị là người thích hợp hơn cả. Nghe có lý, bà Chín gật đầu mà có vẻ không ưng bụng: “Phải, tui già rồi, còn làm được gì nữa”. Biết bà nói giận, chị Luyến an ủi: “Bà đừng buồn, mơi mốt con dạy bé Nị kêu bà bằng cố. Nhà gần nhau, mỗi bữa con biểu nó chạy qua hủ hỉ, nhổ tóc ngứa cho bà”. Bà Chín cười: “Thôi, biểu nó kêu bằng ngoại Chín được rồi, tiếng cố nghe già lắm!”
Tối hôm đó, Nị cuốn quần áo qua ở với má Luyến. Thấy con nhỏ đốt cây nhang, lạy má rồi ôm riết lấy góc bàn thờ khóc hoài, chị ứa nước mắt, dỗ dành: “Nín đi con, mơi mốt mỗi ngày mình qua đây quét dọn nhà cửa và đốt nhang để má con nghe ấm cúng”. Nị quệt nước mắt. Chị nắm tay nó. Hai cái bóng liêu xiêu, nhập nhoạng rồi mất dần trong màn đêm, chỉ còn nghe tiếng con cá đớp mồi đơn điệu dưới dòng kinh.
Chị Luyến theo gia đình đi kinh tế mới hồi còn nhỏ, đâu chỉ trạc con Nị bây giờ. Lúc đó, con kinh đào vừa mới khai thông ḍng chảy, nước váng phèn đỏ chạch, đất cũng nhiễm phèn, nhiều cỏ mà không một trảng cây. Nhà có bốn chị em gái, ba chị lớn lấy chồng xa, Út Luyến theo ba má đến đây lập nghiệp. Nhưng… khi vườn ruộng đã ổn định thì ba má bệnh mà lần lượt qua đời. Chị lúc ấy vừa tròn mười tám. Con Nị mồ côi giống chị nhưng đáng thương hơn, nó còn nhỏ quá.
Từ ngày có Nị về sống chung, mỗi tối, ông Bảy, anh Tình và bà Chín thường đến nhà chị Luyến hơn. Đêm nay, trên manh chiếu ngoài sân, hai người đàn ông nhậu lai rai, hai người phụ nữ thì uống trà, con Nị ngồi trong lòng chị Luyến giống như mẹ con ruột thịt. Ông Bảy ngó chị Luyến một hồi lâu rồi nói:
- Luyến à, bây năm nay cũng lớn tuổi rồi. Con gái có thì, coi chỗ nào được thì ưng chớ để… già kén kẹn hom, mơi mốt già rồi…
Thình lình, ông nhìn qua bà Chín, biết mình lỡ lời, liền đánh lảng:
- Mơi mốt phải thương má thiệt nhiều nghen Nị.
Nhắc tới tuổi già, bà Chín nghe trong lòng chao chát, nỗi buồn từ ngày xửa ngày xưa bỗng ồ ạt kéo về, không ngăn nổi tựa như con nước mùa lũ đỏ chạch màu son.
Năm mười hai tuổi, bà bị bệnh đậu mùa, ba má cắt gốc rạ ngoài đồng nấu nước cho bà tắm. Cách chữa bệnh này, dân quê ai cũng làm, nhưng người ta tắm thì hết, riêng bà hổng hiểu sao càng tắm thì những mụt nước nổi lên càng nhiều. Cuối cùng, căn bệnh đã qua nhưng để lại trên gương mặt bà nhiều vết thẹo tròn, sâu hoắm, chằng chịt như cái rổ nên người ta kêu Chín Rổ, chết danh luôn cho tới bây giờ. Người ta hay nói con gái thì “nhất dáng, nhì da”, còn làn da của bà… bà mặc cảm ngay cả những lúc tự soi gương. Có những lúc buồn, bà tự an ủi bản thân: gương mặt rổ thì có gì đáng ngại, có những người mặt mày thì sáng láng nhưng bụng dạ y chang cái rổ xúc tép.
Chị Luyến châm thêm nước vào bình trà.
- Con gái nhà quê tay chân thô cứng như con, ai thương mà lấy ông Bảy ơi!
“Ai thương mà lấy”, câu nói chị cố ý cho một người nghe, trong khi người đó lại giả bộ nhìn xuống bến. Lần này thì ông Bảy thận trọng hơn:
- Ậy, mầy nói vậy sao phải? Gái quê có cái duyên của gái quê chớ. Như bà Chín nè, hồi đó mấy thằng cha ghe hàng mê gần chết. Tại bả hổng chịu.
Bà Chín biết ông Bảy nói nịnh chớ hồi nào tới giờ bà có được ai để ý đâu. Bà chỉ thương người ta. Thương thầm. Buồn cho cái mặt rổ chằng rổ chịt của mình, bà uống một ngụm trà nghe đắng ngắt cõi lòng. Rồi bỗng dưng bà đổ lỗi cho chị Luyến:
- Con nhỏ này, bữa nay pha trà gì mà đắng như thuốc Bắc của ông Chệt ngoài chợ!
- Trà này con định pha cho anh Tình…
Chị Luyến lại lỡ lời nên đỏ mặt, đứng vội lên, nắm tay con Nị:
- Thôi, mọi người ngồi chơi để con vô cho con bé nó ngủ.
Bé Nị vô tư, nũng nịu:
- Trời còn sớm mà má, con chưa buồn ngủ. Một hồi nữa, ông Bảy còn hứa chỉ cho con coi sao Vua, sao Chuông, sao Lưỡi Cày, hén ông Bảy?
- Ừ, ngủ chi sớm. Lát nữa, vừa ngắm sao, vừa nghe chú Tình ca vọng cổ- ông day qua anh Tình- Mày ca cái bài “Sao Vua chín cái nằm kề, thương em từ thuở mẹ về với cha…” gì đó, nghe buồn thấu trời. Vậy mà tao chịu, nghe hoài hổng biết chán.
Bà Chín chêm vào:
- Ừ, kỳ thiệt! Hồi đó ở xóm tui có anh Hai Chảng cũng ca bài này, buồn muốn rớt nước mắt, vậy mà con gái mê gần chết. Còn thằng Tình, ca hay lại giỏi, sao hổng thấy nó có bạn gái gì hết trơn hết trọi.
Anh Tình nhìn chị Luyến. Chị bẽn lẽn. Chắc anh cũng vậy nên luống cuống uống vội ly rượu. Ông Bảy cắc cớ, cười khề khà:
- Làm gì mà mầy gấp dữ vậy? Ly này tới lượt của tao mà?
Cử chỉ của chị Luyến, thái độ của anh Tình, ai cũng nhận ra. Hai người có tình ý với nhau nhưng hổng hiểu sao bao năm qua họ không tiến xa hơn cái nghĩa láng giềng tốt. Nhất là bà Chín, cái người hay quan tâm chuyện người khác cứ thắc mắc hoài: Tụi nó đúng là trời sanh một cặp, nhưng… sao kỳ vậy cà?
*
* *
Trời chạng vạng, anh Tình xách con cá, chống xuồng qua nhà chị Luyến. Gặp anh, Nị mừng húm, chạy xuống bến, cột dây lòi tói vô gốc tràm. Tới sân, anh gật đầu nhẹ với chị rồi biểu con Nị:
- Đem con cá lóc này vô trong rộng lại để ngày mai má nấu canh chua bông súng cho con ăn.
Nị bỏ cá vào xô nước, đậy cái rổ rồi cẩn thận dằn lên trên tấm thớt nặng bằng gỗ me. Nó làm gọn hơ rồi trở ra, giật mình:
- Ủa, má Luyến, sao má hổng mời chú Tình vô nhà? Má này, kỳ thiệt.
Chị Luyến thấy lúng túng. Nị day qua anh Tình:
- Ngày mai, chú bơi xuồng chở con đi hái bông súng, hen?
Thấy anh Tình gật đầu, nó vỗ tay:
- Hay quá! Vậy, cho má Luyến đi với. Chú bơi lái, má trước mũi, con ngồi giữa, chắc là vui lắm.
Chị Luyến im lặng, nghe hạnh phúc nên cười nhẹ như đồng tình với con nhưng anh Tình lại… “Thôi con à, má Luyến bận nhiều việc lắm. Ngày mai, chú qua chở Nị đi, mình hái thêm một mớ rau nhút nữa biếu ông Bảy với ngoại Chín, chịu hôn?”
Nị xịu mặt, dạ một tiếng nhỏ xíu.
Chị Luyến ra ngồi ở bờ kinh, nghe tiếng nước chảy đưa chiếc xuồng đã xỉn màu của người đàn ông vô tình trôi theo con nước. Đây không phải lần đầu anh đã từ chối chị. Trước đây, có nhiều đám đến dạm hỏi, chị không chịu lấy chồng cũng vì người ta, vậy mà người ta nào biết, nào hay. Hay tại người ta cố tình không biết? Ngày trước, hạnh phúc anh đã tan vỡ, nản chí, tới đây lập nghiệp, cái tin do bà Chín dò la, tìm hiểu. Đời có kẻ vầy, người khác, hổng lẽ anh hận tất cả đàn bà con gái trên đời? Biết anh vô tình nhưng… biểu phải quên anh thì chị làm hổng được. Chiều chiều, mỗi lần nghe gió đìu hiu trên đọt tràm là chị ngồi ngó xéo qua kinh, chỗ gốc cây gáo tìm trong nhập nhoạng một hình bóng người để được thương thầm, nhớ trộm. Điều đó, không ai cản nhưng tự dưng chị bỗng thấy thẹn với lòng mình: Ai đời cột lại tìm trâu!
Đám giỗ bà ngoại, sẵn dịp nghỉ hè, chị Luyến dắt bé Nị về quê, nói ở chơi khoảng một tuần. Chắc anh Tình thấy buồn nên đêm nào cũng rủ ông Bảy nhậu cho tới khuya. Mà, nhậu ở sân nhà chị Luyến anh mới chịu: “Mình coi nhà, coi cửa cho cổ luôn thể”. Ông Bảy nghe nói cười thầm một mình: Cái thằng kỳ khôi, người ta gởi nhà cho bà Chín chớ có gởi cho nó đâu mà giữ? Nghĩ vậy, ông liền ca ghẹo nho nhỏ: “Thò tay mà ngắt cọng ngò, thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”. Anh Tình nhìn quanh quẩn, sợ có người nghe thấy: “Í, ông Bảy, nói chơi gì kỳ vậy?” Ông Bảy cười lớn: “Ừa, kỳ thiệt hén! Nhưng tao ca khơi khơi, có đụng chạm tới ai đâu mà mầy hổng chịu. Mà, nếu có người thương đỡ chơi… cũng tốt, có sao đâu!”
Bước vào sân, bà Chín tằng hắng một tiếng thiệt lớn.
- Trời đất! Bữa nay nhậu nữa hả mấy cha? Kiểu này chắc tui giao chìa khóa cho hai người, tối tối qua nhà đốt nhang dùm con Luyến luôn quá.
Ông Bảy mời bà Chín ngồi xuống đệm rồi chắc lưỡi:
- Hai mẹ con nó đi mới có ba bữa mà sao tui thấy buồn, chòm xóm mà. Nhưng… ngoài tui ra hổng biết có ai buồn nữa hông ta?
Ông ngó anh Tình, nhìn qua bà Chín, chờ bà cười, đưa đà tiếp như mọi hôm. Song bà Chín không tỏ vẻ quan tâm mà phấn khởi báo tin:
- Hồi chiều tới giờ tui mừng quá chừng, con Luyến về quê chuyến này là để lo chuyện hôn nhân. Chị Hai nó làm mai, nghe đâu người ở tỉnh, học thức lại đàng hoàng lắm. Vậy mà nó giấu, nói đám giỗ.
Câu nói tỉnh bơ nhưng hai người đàn ông lại giật mình như nghe tiếng sét đầu mùa mưa. Ông Bảy dằn ly rượu xuống chiếu:
- Trời đất! Vậy là con Luyến chịu rồi hả? Sao nó lại ưng một người… lạ hoắc? Nó có chồng vầy… tui không đang tâm.
- Con gái người ta có chồng, mắc mớ gì mà ổng không đang tâm?- bà Chín biết ông Bảy bất ngờ nên nói một câu nghe lảng xẹt. Vậy mà bà không sửa lưng ông già Bảy lại ngó trân trân anh Tình, đế thêm một câu đau điếng:
- Tình à, chuẩn bị ăn đám cưới con Luyến, may thêm bộ đồ mới, nghen.
Ông Bảy ngờ vực, gặng hỏi:
- Làm sao bà biết? Tin tức này có chính xác không vậy?
- Làm sao tui biết, không quan trọng, chỉ biết là ông anh cũng chuẩn bị may bộ đồ mới là vừa.
Chưa ăn hết miếng trầu, bà Chín vội vã ra về, nói con heo nái sắp đẻ. Bà lật đật, bỏ lại hai người đàn ông nghe gió thổi từ bờ kinh vọng lên lạnh ngắt. Ông Bảy rót cho anh Tình một ly rượu:
- Uống đi con, uống cho đỡ buồn. Mà, mày đang buồn mấy câu nói bâng quơ của bà Chín phải không?
Anh Tình im lặng, nghe cây tràm dưới bến rũ mình cái rột, nhẹ tênh.
- Bả nói bâng quơ, mà hổng bâng quơ đâu. Mầy thương con Luyến thiệt tình? Nói thiệt đi rồi tao tính cho, vẫn còn kịp mà.
Anh Tình lại không nói. Anh là người có trái tim chớ đâu phải sắt đá, anh thương chị Luyến và cũng biết chị có tình cảm đặc biệt với mình nhưng… cái gút mắc trong ḷng… làm sao anh đủ can đảm nói cho người mà anh thương, thương đến thắt thẻo trong lòng biết đây?
*
* *
Heo của bà Chín đẻ mười bốn con. Heo mẹ ít sữa nên bà ra vườn kiếm một ít đọt lang thì thấy anh Tình đang ngồi câu cá ở cái hố bom cũ, mắt thơ thẩn nhìn một nơi nào đó rất xa xăm. Bà kêu lớn làm anh giật mình quay lại cười, nụ cười gượng gạo.
- Tình à, đò ra chợ một ngày mấy chuyến, tao quên rồi?
- Dạ, ba chuyến, mười hai giờ này là chuyến giữa. Mà, bà đón đò đi chợ mua gì vậy?
- Ừ, có chút chuyện.
Bà Chín ngồi xuống, thấy hai mắt anh Tình quầng thâm, chắc mấy đêm không ngủ. Bà nhìn giỏ cá, ngó anh Tình một hồi rồi trách:
- Đàn ông, chuyện lớn hổng làm mà ngồi đó câu với cá. Mầy nghe đây nè: Nói về đò thì một ngày có ba chuyến, lỡ chuyến này mình đi chuyến khác, bữa nay không đi thì ngày mai đi cũng được. Có sao đâu! Nhưng… trên đời lại có một chuyến đò nếu để lỡ thì không có chuyến thứ hai. Chuyến đò đó do tự mình quyết định, kịp lúc. Cũng như cái hố bom này, hồi chiến tranh thì nó là thần chết, vậy mà bây giờ cỏ mọc xanh dờn, cá nghẹt dưới ao, bông súng nở đầy mặt nước. Nhờ người, tất cả là nhờ con người hết thảy đó.
Không hiểu sao bữa nay tự dưng bà Chín lại thông minh đột xuất, nói toàn những chuyện cao chót vót như trên đọt cây. Còn anh Tình, không biết anh hiểu tới đâu mà thình lình đứng lên, bỏ chạy, quên cả cần câu và giỏ cá làm bà Chín chạy theo muốn hụt hơi mà vẫn không kịp. Cuối cùng, thấy anh quẹo vô vườn nhà ông Bảy, bà tròn mắt rồi gật gù, cười: Thôi, để hai người đàn ông nói chuyện.
*
* *
Tối, ông Bảy qua nhà bà Chín. Gặp ông, bà giật mình:
- Í, bữa nay rảnh lắm hay sao mà “Rồng đến nhà tôm” vậy?
- Bà chị này, cứ lo nói cao, nói thấp hoài mà hổng mời tui vô nhà gì hết trọi.
- Xin lỗi! Mời vô! Mời vô!
Hai người ngồi nói chuyện một hồi lâu. Bà Chín thoáng ngỡ ngàng rồi chắc lưỡi:
- Hèn gì, tui biết chắc là hai đứa có tình ý với nhau mà nghĩ hoài, nghĩ mãi, nghĩ muốn nát óc cũng không hiểu. Bây giờ té ra thằng Tình bị vô sinh, hổng có con được. Thương con Luyến nhưng nó sợ lấy nhau rồi cũng tan rã như con vợ trước.
Ông Bảy buồn buồn:
- Bởi vậy, bây giờ mọi chuyện nhờ bà hết. Sáng mai, bà đi liền về quê ngoại con Luyến, biết đâu còn kịp. Bầy heo nái ở nhà để tui coi cho. Yên tâm đi, tui mát tay lắm. Hồi đó hai vợ chồng tui nuôi heo tới thúi móng tay luôn.
Bà Chín cười, thấy mình quan trọng hẳn lên nên nói tỉnh bơ:
- Đi làm chi cho mệt, mơi mốt nó về… thủng thỉnh tui nói.
- Mèn ơi, chuyện gấp như gặp bão mà bà cứ rề rề. Nước tới chân mới nhảy thì sao kịp?
Bà Chín lại cười làm ông Bảy giận trong bụng: Đúng là cái người vô tâm, thiệt kỳ quá xá. Bả thừa biết tụi nó có tình ý, vậy mà nói chuyện cứ như giỡn chơi.
Biết không thể giấu lâu, bà Chín liền kể cho ông Bảy nghe cớ sự, câu chuyện về quê lo chuyện hôn nhân là do bà tự bịa ra để dò ý anh Tình: “Tụi nó có thương nhau thiệt tình không mà cứ dửng dưng hoài”. Nghe xong, ông Bảy mừng quýnh nhưng giả bộ giận:
- Cái bà này, chuyện lớn vậy mà hổng cho tui biết làm tui cũng buồn mấy ngày liền như thằng Tình, sợ con Luyến lấy chồng xứ khác bỏ con Nị bơ vơ, bỏ thằng Tình cô độc. Mà, lần này hổng phải tui khen nịnh nghen. Hồi nào tới giờ tui chê bà nhiều chuyện, vậy mà lần nhiều chuyện này rất có ý nghĩa. Còn cái chuyện vô sinh của thằng Tình… tui nghĩ tụi nó còn con Nị, chắc hổng sao đâu.
Ông Bảy đi rồi, bà Chín bước ra sân tưởng tượng cái cảnh mẹ con chị Luyến trở về, anh Tình khấp khởi chống xuồng qua kinh, ôm con Nị vào lòng. Ba người cùng bước vào ngôi nhà đầm ấm và hạnh phúc.
Trên trời, trăng lưỡi liềm cong cong như hình dáng một chiếc đò, chiếc đò chở những con người đi tìm hạnh phúc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin