Tết Bính Thân năm nay, gia đình tôi rất vui vì anh em, con cháu ở xa về sum họp mừng thọ má tôi 86 tuổi.
Tết Bính Thân năm nay, gia đình tôi rất vui vì anh em, con cháu ở xa về sum họp mừng thọ má tôi 86 tuổi.
Tuy nhiên, trong niềm vui ấy đâu đó xen lẫn trong từng thành viên gia đình tôi một nỗi niềm riêng vì thông tin: cồn Thanh Long (xã Quới Thiện) bị sạt lở.
Cách đây hơn 50 năm, ba tôi có vài công chôm chôm ở cồn Thanh Long. Nhà tôi tại vàm Phước Lý.
Lúc ấy khoảng cách con sông giữa cồn và đất liền bên bờ Phước Lý không rộng như bây giờ. Có những học sinh nhà ở bên cồn qua đất liền đi học, khi tan trường chỉ cần ra bờ sông cuộn tròn quyển tập lại làm loa gọi người nhà chèo xuồng qua rước.
Những buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi thường ra bờ sông bên vàm Phước Lý nhìn những đàn cò từ phường xa bay về đậu trên những cây bần ở phía bên cồn để tìm chỗ ngủ.
Ánh mặt trời hoàng hôn, những cánh cò trắng, rặng bần xanh,… Chỉ ngần ấy thôi đã là nguồn cảm hứng cho bao nhiêu họa sĩ vẽ nên tranh. Còn tôi thật hạnh phúc khi được sinh ra, lớn lên nhìn thấy cảnh thật thanh bình của một miền quê yêu dấu.
Hàng ngày, ba tôi chèo xuồng qua cồn để chài lưới, giăng câu. Các anh tôi lớn hơn nên thường hay theo phụ ba sau những giờ tan học. Còn tôi nhỏ hơn, lại là con gái nên thỉnh thoảng mới được ba cho đi theo.
Thật là thích thú khi thấy ba tung chài, nó tròn xòe đều đặn như cái nia. Chừng sau một phút, ba kéo chài lên, tôm, cá mắc vào chài búng nghe lách tách. Một trái bần chín mới vừa rơi xuống nước, lập tức con cá hơi to quẫy nước nhào lên “đớp” rồi lặn xuống. Ngồi trên xuồng, tôi cứ reo lên hào hứng.
Ba nói đó là cá bông lau, trái bần chín là “mồi” của nó. Nhắm chừng tôm, cá đủ ăn, ba tôi không chài nữa mà lên cồn chăm sóc vườn chôm chôm. Các anh tôi nhanh nhẹn trèo lên những cây bần để hốt những tổ cò đầy trứng và có khi còn mang cả cò con mới nở về, chẻ tre làm lồng cho chúng, tập cho chúng ăn tép, cá, chăm sóc chúng như những người bạn thân thiết.
Đến khi chúng lớn, chẳng nỡ ăn thịt mà mang qua cồn trả chúng về thiên nhiên. Bởi vậy, mỗi lần anh tôi bắt cò con về, tôi hay nhai đi, nhai lại: “Công anh xúc tép nuôi cò, cò ăn, cò béo, cò giò lên cây” để trêu các anh, nuôi lớn lên rồi cũng thả thôi, nuôi chi cho cực vậy.
Khi anh em tôi lớn lên đi xa, ba má tôi có tuổi nên đã sang nhượng đất ở cồn Thanh Long cho người khác. Tuy nhiên, nơi ấy vẫn còn lưu giữ những ký ức tuổi thơ mà anh em tôi không bao giờ quên được.
Mỗi khi về thăm quê, khi chiếc phà chạy ngang qua cồn, anh em tôi không ai bảo ai đều hướng mắt về cồn, lặng lẽ nhìn một mảng xanh ngăn ngắt ấy để tìm lại một ký ức thanh bình những ngày còn bé.
Dọc theo những rặng bần xanh đó có bóng dáng của ba tôi, một dân chài lam lũ, lúc nào quần áo cũng ướt sũng để tìm từng con cá, tép nuôi đàn con nhỏ, bất kể những ngày gió bấc lạnh lùng.
Nghe tin cồn Thanh Long sạt lở, anh em tôi cũng rất quan tâm, vài người ở xa xem báo, đài rồi điện hỏi: “Có phải lở ngay “đất mình” không?”. “Đất mình?” Tuy đã sang đất cho người khác lâu lắm rồi, nhưng có lẽ cồn Thanh Long khó mờ nhạt trong ký ức của các thành viên trong gia đình tôi. Xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên để nói về nơi ấy:
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”.
Đó là một quy luật muôn đời của trái tim mỗi con người.
THANH HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin