Chuyến công tác

06:01, 23/01/2016

Rời chợ Năm Căn, tôi quá giang một ghe máy chở gạo xuôi theo dòng Cửu Long giang đổ ra biển ở gần chót Mũi Cà Mau. Người lái xe chợt ngoặt tay lái rẽ sang trái- nói là để tránh biển động, khi thấy biển xanh xanh ở trước mặt.

NGUYÊN THUẦN

Ảnh minh họa: Trần Thắng
Ảnh minh họa: Trần Thắng

Rời chợ Năm Căn, tôi quá giang một ghe máy chở gạo xuôi theo dòng Cửu Long giang đổ ra biển ở gần chót Mũi Cà Mau. Người lái xe chợt ngoặt tay lái rẽ sang trái- nói là để tránh biển động, khi thấy biển xanh xanh ở trước mặt.

Bác Sáu- người lái ghe- cho ghe đi theo sông Ông Trang thẳng vào một khu rừng đước rậm, hai bên bờ chỉ có rễ đước đan dày chớ không có nhà cửa chi cả. Bác cho ghe rẽ vào trong một vàm kinh nhỏ. Tôi thấy lác đác mươi nóc nhà mọc lên ở hai bên vàm. Bác Sáu cho ghe chạy chậm lại, thong thả bảo với tôi:

- Cậu Hai này, tối nay mình nghỉ tại đây, rồi ngày mai sẽ đi tiếp, cậu nghĩ sao?

Tôi mỉm cười bảo nhỏ:

- Dạ.

Đang bặm môi nhìn mấy con cá lội bên kia vàm thì ghe đã vào bến, trên bờ là một ngôi nhà khá rộng. Từ trong nhà có một con bé khoảng mười ba tuổi chạy ra reo mừng, chợt nó khựng lại khi thấy tôi. Bác Sáu bận buộc ghe nhưng cũng lớn tiếng bảo:

- Mầy làm gì đó Hảo? Có khách sao mầy không chào hỏi hả?

Con bé bẽn lẽn gật đầu chào tôi rồi quay sang bác Sáu:

- Ba này, sao ba đi công tác lâu quá vậy?

Bác Sáu kéo tôi vào nhà, giọng gay gắt bảo con:

- Con này sao mà lắm chuyện, vào nhà pha cho tao một bình trà đi!

… Bên cốc trà thơm bốc khói, tôi và bác Sáu ngồi im lặng một lúc lâu, tôi hỏi:

- Thưa bác Sáu, chẳng hay từ đây đến ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi còn bao xa hả bác?

Bác Sáu phì cười, đặt cốc trà xuống nói:

- Có bao xa đâu cậu, chẳng qua là bác thấy cậu hơi mệt vì đường xa nên bác ghé nhà để cậu nghỉ ngơi, chớ đây tới đó xa xôi gì?

Tôi nhìn bác bằng cặp mắt cảm động:

- Cháu cảm ơn bác Sáu.

- Ôi ơn nghĩa gì. Thôi cậu ngồi đây một chút rồi đi tắm chuẩn bị ăn cơm. Trời cũng sắp xế chiều rồi. Tôi đi ra sau nhà một lúc.

- Dạ.

Tôi đáp lời bác, rồi nhìn ra sông, thấy mặt trời đã dần xuống thấp. Tôi đứng dậy đi tắm, cơm nước xong trời đã nhá nhem tối. Bác Sáu vừa ngả lưng trên ván thì đã ngủ say sau nhiều ngày mệt nhọc trên sông nước. Tôi đứng dậy ra sân ngồi trên chiếc ghế nhỏ, nhác thấy cô bé Hảo, tôi mừng rỡ vẫy gọi. Lúc đầu không dám đến gần vì còn lạ, khi nghe tôi cho biết quê tôi ở Hậu Giang, cô bé kinh ngạc và sáp lại gần tôi, bắt tôi kể chuyện về xứ sở Hậu Giang… Cặp mắt cô bé cảm phục, say sưa nhìn tôi. Bỗng nghe tiếng bác gái gọi, Hảo vụt chạy vào nhà. Một lát sau, Hảo trở ra mồ hôi đổ nhỏ giọt, miệng thở hồng hộc. Tôi bảo Hảo ngồi xuống nghỉ mệt và bảo:

- Cháu làm gì mà mệt thế?

- Dạ cháu phụ với má khiêng ba bao gạo và ba thùng đường đó chú à!

Tôi tò mò hỏi:

- Ủa, sao chú nghe ba cháu nói đó là hàng ba cháu vận chuyển cho xã mà?

Cặp mắt láo liên, nhìn xung quanh, Hảo quay sang tôi khẽ bảo:

- Chú đừng nói với ai hết nghen! Ba cháu đi công tác thật nhưng mà ba cháu lấy bớt đặng bán ra ngoài kiếm chút ít tiền, cũng nhờ vậy mà nhà cháu giàu giàu đôi chút đó chú!

- Hảo này, ba cháu đi công tác như thế bao lần trong một tháng?

- Dạ, cứ cách vài ba bữa là ba cháu đi hà, có khi thì chở vải, mùng, mền về cho xã đó chú.

Tôi cảm thấy thương cho Hảo, tuổi còn nhỏ mà bị lôi vào những chuyện không hay của người lớn. Trời đã khá khuya, gió réo từng hồi, đàn muỗi bu vào người mỗi lúc mỗi nhiều, cứ lấy tay vuốt là đầy cả tay… tôi bảo cô bé:

- Thôi cháu đi ngủ đi, khuya rồi.

Hảo gật đầu “Dạ” rồi đi tuốt vào nhà. Tôi cũng đứng dậy nối bước theo Hảo vào trong. Bác Sáu thức dậy tự bao giờ, đang ngồi hút dỡ điếu thuốc. Nhác thấy bóng tôi, bác bảo:

- Trời khuya rồi, cậu đi ngủ cho khỏe kẻo bị cảm đấy! Chà, sao đêm nay gió quá thế!

Tôi bước đến ngồi xuống ghế, nhỏ nhẹ gợi chuyện:

- Cháu có chuyện này muốn thưa với bác?

Bác Sáu ngửng đầu lên nhìn tôi chờ đợi, tôi tiếp:

- Vừa rồi, cháu có nghe em Hảo kể chuyện về những chuyến công tác của bác. Cháu ái ngại và lo cho bác quá, bác Sáu à!

Như đoán biết trước, bác Sáu nhìn tôi gật đầu bảo nhỏ với tôi:

- Bác làm như vậy mới có tiền chút đỉnh đó cậu à. Nếu không nhờ vào bao gạo, bao đường thì chắc nhà bác thiếu lên hụt xuống.

Tôi nhìn bác thông cảm:

- Cháu cũng biết như vậy nhưng bác lấy như thế thì xã sẽ không đủ để cấp phát cho bà con, bà con sẽ còn thiếu áo, thiếu gạo, thiếu đường bác ạ.

- Nghe cậu nói bác cũng hiểu, là đúng nhưng…

Tôi vội tiếp:

- Không sao đâu bác à, nếu gia đình còn thiếu thốn thì đó cũng là tình cảnh của mọi người trong thời kỳ còn nhiều gian khổ mà bác. Chúng ta phải cố gắng vượt qua. Xã hội ngày nay tôn trọng giai cấp lao động và xóa bỏ tầng lớp bóc lột đó bác.

- Thôi, bác đã hiểu ra rồi! Bác nói thật với cháu, dù bác dốt nát nhưng nghe cháu giải thích ra lẽ, bác thấy cháu nói đúng lắm. Thôi bây giờ cháu phụ bác khiêng mấy bao gạo và bao đường xuống ghe…

Từ trong nhà sau, bác Sáu gái đi ra, mồ hôi còn đẫm ướt trên áo, bác bảo:

- Thôi, chú với ông khỏi đi đâu cả. Tôi với con Hảo đã đem xuống ghe hết rồi. Từ đây, ông chừa đi để tôi khỏi phải ăn ngủ không yên. Má con tôi chịu khổ quen rồi, ông đừng lo quá nha!

Quay sang tôi, bác nói tiếp:

- Thôi bác ra sau nhà có chút chuyện, con cũng nên đi ngủ sớm nghen!

- Dạ, cảm ơn bác!

Bác Sáu trai nhìn theo cái bóng khẳng khiu, tần tảo của vợ, bất giác thở dài nhưng ánh mắt chứa chan tình cảm. Quay sang tôi, bác hỏi:

- À, từ lúc cho con quá giang tới giờ, bác quên hỏi con xuống xã này làm công tác gì?

- Dạ, cấp trên chỉ đạo con xuống để cùng bà con tìm hướng xem có cách làm ăn mới nào để bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống nơi làng quê mình đó bác.

- Còn gì bằng, nhất định bác sẽ vận động bà con ủng hộ con!- bác gật gù tỏ ra hài lòng, chợt mỉm cười nói tiếp- Bác nhiều lời quá hả con? Thôi con trai đi ngủ đi, ngày mai còn đi sớm nghen!

- Dạ, bác Sáu ngủ ngon.

Tôi đã nằm vào mùng, vừa cảm thấy mệt mỏi vừa khoan khoái vì mình đã làm được một việc làm có ý nghĩa. Mí mắt trĩu, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Bên ngoài, đàn muỗi vẫn kêu như sáo thổi. Gió vẫn ào ào cùng tiếng sóng đập ầm ào vào bờ đất ven sông…

Tôi bị mùi cơm rang của bác Sáu đánh thức, vội vã lau mặt, đánh răng… Lúc trở ra cái bàn trước hiên thì bác Sáu trai đang uống nước trà, tay đang cầm điếu thuốc rê, miệng phì phèo khói thuốc rê thơm hăng hắc. Từ trong nhà, cô bé Hảo bưng hai dĩa cơm rang còn nghi ngút khói ra, nhìn dĩa cơm mà nước miếng tôi đã tứa ra: cơm rang với hột vịt, tôm khô xứ biển đỏ au, điểm thêm những lá hành xanh xanh thơm phưng phức. Đang thèm đến chảy nước miếng thì bác Sáu gái lại bưng tô nước mắm tỏi ớt thơm lừng vị biển, tôi vội đứng lên vồ lấy làm bác gái giật mình há hốc miệng, còn cô bé Hảo thì bụm miệng cười khúc khích… Tôi thấy thẹn quá đành lên tiếng cho đỡ ngượng:

- Con vô duyên quá hả hai bác?

- Không có gì đâu con, bây đói lắm rồi, thôi ăn đi cho nóng! - bác gái nói và nhìn tôi với ánh mắt thân thương như nói với con trai mình vậy. Tôi thấy ấm lòng và không còn khách sáo nữa vội bưng dĩa cơm chan nước mắm. Có lẽ chưa bao giờ tôi ăn cơm ngon đến vậy!

Hai bác và cô bé Hảo vui vẻ cùng ăn. Có lẽ không khí đầm ấm như một gia đình này khiến cả bốn người đều không muốn chia tay. Tôi thầm nghĩ, tôi sẽ còn về mái ấm này nữa để được ăn dĩa cơm rang ân tình ấy…

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh