Ký ức đình làng

09:12, 13/12/2015

Chúng tôi cùng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê, nơi có dòng sông hiền hòa mùa nước son đỏ ối, lặng lẽ uốn mình chuyên chở lắm phù sa, có đình làng rêu phong, trầm mặc, thoang thoảng khói hương.

NGUYỄN LINH

Ảnh minh họa: Trần Thắng
Ảnh minh họa: Trần Thắng

Chúng tôi cùng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê, nơi có dòng sông hiền hòa mùa nước son đỏ ối, lặng lẽ uốn mình chuyên chở lắm phù sa, có đình làng rêu phong, trầm mặc, thoang thoảng khói hương.

Những ngày cúng đình vui như ngày tết, ai nấy đều háo hức như đêm ba mươi chờ đón phút giao thừa. Hàng dương trước sân cao lớn xù xì, sừng sững, uy nghi từ thời cha ông đi mở đất. Giữa sân, một cây vú sữa tán rộng, trái trĩu nặng, no tròn tuổi xuân thì con gái.

Vào mùa trổ bông, hoa rơi đầy, phủ lên mặt đất một thảm hoa lấm tấm vàng tuyệt đẹp. Tôi ngày ấy- cô bé có bím tóc xinh xinh hay nũng nịu bắt anh nhặt những đóa hoa nhỏ xíu rồi dùng chỉ xâu lại thành đủ loại trang sức nào là vòng, dây chuyền, cà rá,…

Nhà anh cách nhà tôi hai cây cầu tre và đoạn đường rợp mát bóng dừa. Sân đình là điểm vui chơi của chúng tôi và lũ trẻ hàng xóm. Dưới tán cây vú sữa, chúng tôi đã bày rất nhiều trò.

Và chẳng hiểu sao đám bạn thường chọn hai đứa tôi làm cô dâu, chú rể khi chơi trò đám cưới rước dâu. Ngày ấy, tôi và anh- hai đứa trẻ luôn quấn quýt bên nhau, anh thường bênh vực, dỗ dành mỗi khi tôi bị bắt nạt và cũng chính anh là người chiều chuộng nhiều nhất những lúc tôi nũng nịu, khóc nhè.

***

Mười bảy tuổi, tôi không còn làm nũng, vẫn khắng khít cùng người bạn mười chín đôi mươi như thuở nào nhặt hoa vú sữa trước sân đình.

Giờ, chúng tôi lại tiếp tục hứng hoa rơi và bẽn lẽn, ngại ngùng khi vô tình tay hai đứa chạm nhau. Anh rụt rè rút vội bàn tay trước đôi má ửng hồng của cô bạn gái. Tình yêu ư? Tôi chẳng hiểu mà chắc anh cũng thế!

Tình cảm hai đứa cứ được vun bồi và đẹp mãi ra cạnh những đóa hoa vú sữa sân đình. Nhưng rồi… quê hương ngập bóng giặc. Là trai, anh đâu thể làm ngơ, nước đã mất thì tình đâu tròn vẹn. Anh đi theo cách mạng.

Tôi tiễn anh ở sân đình, dưới tán vú sữa đang rải thảm, bằng nụ hôn ngọt lịm đầu đời, ấm áp hơn cả vạn lời hứa hẹn. Qua năm sau, xóm làng càng trở nên tiêu điều bởi cái cảnh Mỹ dội bom, chết chóc, lính Quốc gia ruồng bố, bắt người, tra tấn,…

Vì lẽ ấy mà nhà tôi, nhà anh và một số gia đình khác trong xóm phải lần lượt phải bỏ quê hương tìm nơi khác mưu sinh. Tôi mất liên lạc với gia đình anh, với anh kể từ lúc ấy.

***

Ngày hòa bình lập lại, nhiều gia đình ly tán đã vui mừng trở về quê hương nơi chôn nhau cắt rún. Gia đình tôi, phần thì đất đai ba má tôi đã bán hết để lo cho các con ăn học trong những năm tháng chiến tranh khốn khó, phần thì đã có việc làm ổn định nơi ở mới nên cha mẹ tôi quyết định tiếp tục sống ở quê hương thứ hai.

Tôi ngóng đợi tin anh. Tôi tìm về quê cũ, hố bom loang lổ khắp nơi, hàng ô môi trước nhà ông Tám cây gãy cành, cây cụt đọt, bà con đang cùng nhau ươm lại mầm xanh trên vùng đất trắng.

Chẳng có tin tức gì về anh, chỉ nghe phong thanh là gia đình đang sống ở quê ngoại tận miền Trung xa xôi. Thất vọng, tôi tìm lại gốc vú sữa năm xưa, hoa nhấp nháy như mắt sầu rưng rức.

Gốc vú sữa già vẫn còn tên hai đứa, dẫu có mờ nhưng vẫn nhận ra ký ức của ngày xưa vô tư, khờ dại. Bỗng nhiên hoa lại rơi. Sao nhiều hoa đến thế? Mấy đứa bé ngày nay lại nhặt hoa xâu lại làm đồ trang sức.

Chúng cười thật hồn nhiên. Nụ cười ấy càng gợi nhớ về anh, về ký ức đình làng. Tôi không dám trách anh bởi biết đâu anh đã ngã xuống, đã anh dũng như biết bao người dân Việt Nam đổ xương máu để đổi lấy hòa bình… Bên kia sông yên ắng, ngôi chùa cổ chợt vọng tiếng chuông mà nghe như xa lắc.

***

Nhiều đám đến dạm hỏi, mẹ cha thì cứ thúc giục: “Con gái lớn rồi, coi chỗ nào được thì ưng mà mần ăn, sanh con đẻ cái với người ta, bộ bây muốn sống như vậy cho tới già luôn sao?” Tôi lắc đầu, vẫn ngày ngày đến lớp, làm tròn trách nhiệm của người giáo viên. Mọi người, ngay cả gia đình tôi đều không biết rằng tôi đang chờ đợi dù trong tuyệt vọng tin tức của người yêu, người bạn thuở ấu thơ.

Ba mươi sáu tuổi, trái tim đã nguội lạnh trước những lời tỏ tình. Song nụ hôn đầu đời của anh bên gốc vú sữa năm nào như vẫn còn ngọt lịm, đọng mãi ở bờ môi. Thế là tôi vẫn chờ dù biết rằng chỉ là ảo ảnh.

Ba mươi bảy, nỗi buồn cứ dày đặc theo những đóa hoa vú sữa li ti rải thảm. Nhiều lúc tôi trộm nghĩ: liệu anh có còn nhớ đến cô bạn gái cùng xóm hôm nào hay đã lãng quên sau nụ hôn đầu đời hôm đưa tiễn?

Biết đâu anh hiện đang sống ấm êm bên vợ, bên con? Nhưng tôi vội gạt phăng những ý nghĩ từ đầu óc mụ mẫm vì chờ đợi, nhớ nhung ấy. Con tim không cho phép tôi được có những ý tưởng xấu về anh như thế!

Ba mươi tám tuổi, thời xuân sắc không còn, cái già xồng xộc đến, không ngăn nổi tựa những luồng gió mạnh trong cơn áp thấp nhiệt đới. Các em đều đã có gia đình, ngay cả thằng út- cái thằng mà nội tôi thường bảo “nó khờ khạo, nhát nhát” cũng vừa có vợ. Tôi chơi vơi bám víu vào những đôi mắt thơ ngây của các em ở lớp làm nguồn an ủi, làm tia hy vọng.

***

Tôi lại tìm về chốn cũ. Đình làng vẫn vậy, vẫn cổ kính phủ màu thời gian. Mùa này, vú sữa chỉ toàn những lá úa vàng. Dưới tán cây, ông từ đã già đi rất nhiều đang còm lưng quét những chiếc lá khô vo tròn lăn lông lốc.

Tôi đến bên ông gợi chuyện. Song thời gian, tuổi già làm ông không sao nhớ nổi chỉ biết rằng tôi là một trong những đứa có nhiều kỷ niệm gắn bó với ngôi đình. Ông tâm sự: “Con người ta có kẻ vầy người khác.

Có người vốn xuất thân từ nông thôn nhưng khi ăn nên làm ra, sống ở thành, ở thị thì vội quên mất nơi chôn nhau cắt rốn, thậm chí còn khinh khi cái xứ chân lấm, tay bùn. Cũng có người ở chân trời góc bể vẫn nhớ về quê hương, vẫn có những đóng góp dù ít hay nhiều cho quê hương xứ sở.

Gặp cô, tui mới nhớ, có một chú cũng nói rằng có nhiều kỷ niệm đẹp ở ngôi đình này nên thỉnh thoảng về đây nhưng bằng tâm trạng buồn lắm. Chú ấy nói thích nhìn hoa vú sữa rơi, thích ngồi xem bọn trẻ chơi trò, thích nhìn chúng kết bông vú sữa lại thành từng chuỗi…” Tôi bồn chồn: Anh ấy?

- Thưa… Ông biết người ấy tên gì? Ở đâu? Khoảng bao nhiêu tuổi không vậy?

Ông lão vuốt vuốt mái tóc bạc trắng rồi lắc đầu:

- Tui cũng hổng biết nữa. Chỉ nhớ chú ấy có mấy cái thẹo trên cánh tay, chắc ngày trước có đi bộ đội hay lính tráng gì đó. Còn tuổi thì… khoảng bốn mươi. Ờ! Sao cô hỏi kỹ quá vậy?

Tôi thú thiệt:

- Chẳng giấu gì ông, người mà ông kể có nhiều điểm giống người bạn thuở nhỏ của con mà lâu rồi không gặp. Ông hãy cố nhớ dùm xem có biết địa chỉ của người ấy không?

- Thiệt tình tui hổng biết. Thấy chú trầm lặng, tui cũng ít khi tiếp xúc.

Tôi đứng ngây người như van ông lão. Ông ấy ra chiều suy nghĩ rồi bỗng dưng vui hẳn lên:

- À! Đúng rồi! Chú ấy thỉnh thoảng có đến đây nhưng… lạ lắm, hễ vào ngày hai mươi tháng bảy hàng năm là y như có cuộc hẹn, chú không hề vắng mặt. Chú ấy nói ngày ấy là ngày kỷ niệm không thể nào quên…

Tôi choáng người: Hai mươi tháng bảy! Cái ngày tôi tiễn anh bên gốc vú sữa. Đúng rồi! Là anh! Là anh! Tôi quỵ xuống và chỉ còn nghe loáng thoáng cái giọng hốt hoảng của ông từ: “Cô ơi! Cháu gái ơi! Cô bị gió hả? Có sao không?”

***

Tôi dậy thật sớm, chọn cho mình cái áo màu tím hoa cà- cái màu mà ngày xưa anh rất thích. Tôi ngắm mình trước gương, những vết nhăn ở đuôi mắt, khóe miệng đã được tôi khéo léo che lấp một ít phấn, một tí son nên trông tôi như trẻ hẳn ra.

Tôi hồi hộp, lúng túng, vụng về như thể cô gái lần đầu tiên biết hò hẹn. Cuối cùng, tôi đã tẩy hết lớp son phấn dù rất mỏng trên gương mặt để gặp anh, đối diện với anh bằng những gì rất thật của thuở nào, và rằng ngày xưa anh cũng từng yêu tôi bằng những nét hết sức tự nhiên.

Hôm nay cây vú sữa lại cần mẫn rải thảm hoa vàng. Trên cành, những đóa hoa li ti đang nhấp nháy lúng liếng cười trong gió. Tôi đảo mắt một lượt. Và… anh! Đúng là anh rồi! Tôi nép mình vào bia thờ Thần Nông để dìm cơn xúc động, để nhìn anh đến thỏa thê. Anh ốm hơn trước, tóc anh đã nhuốm màu sương, nhưng chiếc mũi cao cao thanh tú kia vẫn vậy, vẫn đẹp, hấp dẫn tôi như thuở nào… Tôi buột miệng:

- Anh Hoàng!

Anh giật mình quay lại, tròn mắt:

- Thủy!… Phải Thủy đó không?

Tôi cố ngăn dòng lệ chạy đến bên anh, muốn ôm chặt lấy anh, gấp gáp, vội vàng như đứa bé được quà.

Chân tôi như muốn ríu lại vì sợ anh sẽ biến mất như một giấc mơ. Tôi sung sướng định ngã vào bộ ngực vạm vỡ của người yêu mà nức nở, mà nghẹn ngào. Song anh chợt rùng mình, lùi người lại và rút tay như chạm phải điện. Tôi bất ngờ: Đúng là anh kia mà! Tôi đâu hoa mắt? Tôi còn đủ bình tĩnh để nhận ra anh nhưng…

- Dạo này Thủy khỏe chứ?- anh hỏi tôi bằng cái vẻ bình thản pha chút lạnh lùng.

Dạ… khỏe! - Và tôi đọc được từ mắt anh, đôi mắt đen sâu thẳm cái vẻ bối rối rồi linh cảm rằng giữa tôi và anh đang có khoảng cách.

- Hai bác, mấy em mạnh hết hả?- Anh lại hỏi và tôi trả lời một cách vô hồn, máy móc…

Một lát, tôi phá tan sự im lặng, bầu không khí nặng nề bằng lời giới thiệu:

- Lúc này em đang dạy ở gần nhà. Là cô giáo, cái ngành mà ngày xưa chúng ta hằng mơ ước.

Tôi cố ý gợi lại hai tiếng “ngày xưa” để dò ý anh… Anh khẽ gật mà đôi mắt vẫn nhìn vào khoảng không, né tránh:

- Anh biết!

Tôi điếng người. Hai từ “anh biết” do chính anh thốt ra như một gáo nước lạnh hắt vào tôi đến tê dại. Tôi không muốn tin vào tai mình, cái người mà tôi chờ đợi cả thời con gái là vậy sao?

Tôi ấp lên má bằng đôi tay lạnh buốt để xoa đi cái nóng đang rần rật trên gương mặt, trong đôi tai lùng bùng. Và đúng lúc ấy bỗng có một đứa bé với hai cái bím tóc xinh xinh như tôi thuở nào từ trong đình chạy ra. Nó tròn mắt, ngây thơ nhìn tôi rồi đến bên anh:

- Ba ơi! Về!

Tôi tối sầm cả mặt, tai ù lên. Con của anh? Anh đã có vợ? Anh luống cuống ẵm bé để lên yên xe rồi quay sang tôi, vội vã:

- Thủy ở lại, anh có công chuyện phải về gấp.

Tôi lịm người, cố nén những tiếng nấc từ cổ họng để nhìn theo bóng chiếc xe đạp khuất dần như tan vào khoảng không. Sân đình, hoa vú sữa vẫn rơi, vẫn là màu vàng tự thuở nào nhưng hôm nay nó rực rỡ quá làm tôi nhòa cả mắt và nghe tim đau nhói. Dưới tán cây, bọn trẻ vẫn tiếp tục nhặt hoa xâu lại làm đồ trang sức song lòng tôi lại nghe sao quá đắng cay.

Tôi đóng kín cửa phòng, thả người xuống giường. Người như anh có đáng để tôi khóc không? Dẫu biết thế nhưng tôi không cưỡng lại được, cứ nức nở, cứ rấm rứt cho thân phận.

Anh ấy thật tệ, chuyện anh có gia đình đương nhiên là tôi phải buồn nhưng chắc không nỡ trách lâu bởi chinh chiến, loạn lạc có những chuyện mình không lường trước được.

Đằng này, bao năm qua, mặc cho tôi mỏi mòn chờ đợi anh cũng chẳng màng đến thăm dù với danh nghĩa người bạn, người anh thời thơ ấu. Rồi thái độ thờ ơ, lạnh nhạt gần như người xa lạ hôm gặp gỡ đã xóa hẳn hình ảnh đẹp về anh mà tôi hằng ôm ấp bấy lâu. Tôi điên cuồng muốn xé nát cái áo màu tím hoa cà- cái màu mà ngày xưa anh rất thích.

Vào lớp, có khi tôi giảng bài một cách vô hồn, dễ cau có làm các em sợ sệt, ngơ ngác. Tôi giật mình, hối hận, các em nào có lỗi gì đâu. Đông đến, tôi như thu người trong cái vỏ ốc nhỏ bé mà lòng sao vẫn lạnh. Cây bàng bên hè thổn thức buông những chiếc lá màu vàng chanh nhợt nhạt, yếu đuối. Nó chao lượn như đang rên lên khe khẽ, ru êm. Mùa hạ, tiếng ve khóc bạn sao cứ dai dẳng, nao lòng…

***

- Dạo này sao Thủy ốm quá vậy?

- Ờ! Anh Quan! …

Hơn một năm rồi, tôi mới gặp lại Quan. Anh ấy là bạn cùng xóm thuở nhỏ, cũng theo cách mạng đi kháng chiến như anh Hoàng, ngày hòa bình trở về công tác ở địa phương. Thỉnh thoảng, chúng tôi có gặp nhau nhưng cũng như tôi, Quan chẳng biết tin tức gì về anh Hoàng cả.

- Cho đến bây giờ Thủy vẫn còn độc thân à?

Tôi khẽ gật, lại nhớ đến anh ta, cái người mà muốn quên chẳng phải dễ dàng. Thấy tôi buồn, anh Quan lại tiếp, vẫn là những lời khuyên nhủ như mọi khi của người bạn chí thân (Quan là người duy nhất biết được mối tình bên gốc vú sữa giữa tôi và anh Hoàng):

- Hãy quên Hoàng đi, chắc gì nó còn sống? Thủy chờ nó như thế là quá đủ rồi, Thủy còn tương lai nữa chứ…

Nghe Quan nói mà lòng tôi lại càng thêm quặn thắt. Giá như tôi đừng biết gì về anh có lẽ còn tốt hơn, còn có cái để tôi chờ, tôi đợi như là bao năm qua tôi đã mòn mỏi vì ngóng trông, để hình ảnh về anh trong tôi mãi đẹp. Tôi khóc. Quan đưa cho tôi chiếc mùi xoa:

- Đừng xúc động Thủy ơi! Thủy chung tình với thằng Hoàng như vậy chắc ở suối vàng nó cũng cảm động nhưng chắc nó sẽ rất buồn khi thấy Thủy cứ như thế mãi là vì nó… Nó day dứt lắm.

Người bạn càng khuyên nhủ, tôi càng khổ hơn, vết thương lòng như càng sưng tấy, nhức nhối. Cuối cùng, tôi đã kể Quan nghe cuộc hội ngộ tưởng chừng như không thể giữa tôi và anh Hoàng.

Quan cảm động, những nếp nhăn trên mặt anh cứ hết giãn ra rồi co vào theo từng lời tâm sự. Tôi khóc, Quan cũng rơi lệ. Lần đầu tiên trong đời tôi được thấy những giọt nước mắt có lẽ chảy ra từ cõi lòng của một người đàn ông cứng rắn như Quan.

Rồi Quan ngã người ra ghế thở dài, hơi ngập ngừng:

- Thủy à!… Tôi không biết phải bắt đầu thế nào… Bấy lâu, tôi đã hứa với Hoàng giấu Thủy một chuyện…

Tôi tròn mắt:

- Vậy là… bấy lâu… anh đã biết…

- Thủy hãy bình tĩnh nghe tôi nói lên một sự thật: Ngày ấy, tôi và Hoàng cùng chung đơn vị. Những đêm xa nhà nhớ người thân hai đứa thường tâm sự nhau nghe.

Theo tôi, trong đời, thằng Hoàng chỉ nghĩ đến Thủy, chỉ thương một mình Thủy mà thôi. Rồi trận chiến đấu hôm ấy, trận chiến đã cướp đi sinh mạng của hai đồng đội: Tấn- Hoa, một số anh em bị thương trong đó có Hoàng, nặng lắm, tưởng đã không qua khỏi. Cuối cùng, nhờ trời nó đã sống với nhiều vết thương đã thành thẹo.

Nhưng… có một vết thương mà nó bắt tôi phải thề đừng cho mọi người, nhất là Thủy biết… Nó… nó không còn khả năng làm chồng và thiên chức làm cha nữa. Nó cố tình lánh mặt Thủy, nó không muốn làm Thủy khổ. Nó làm thế để Thủy có chồng, một người chồng thực sự mang đến hạnh phúc cho người mà nó yêu…

Quan vẫn còn kể, tôi không nghe, tôi gục xuống bàn nức nở như một đứa trẻ. Lát sau, Quan lại tiếp bằng cái giọng sụt sịt:

- Đứa bé mà Thủy gặp hôm đó chính là con của Tấn và Hoa, kết quả tình yêu của hai đồng đội đã hy sinh hôm ấy. Cha mẹ không còn, nó được các chiến sĩ cưu mang. Xuất viện, đứa bé sống với Hoàng. Ngày hòa bình, ông bà biết tin đến đón cháu nhưng nó không chịu, cứ ôm lấy ba Hoàng.

***

Đêm. Mắt tôi dán chặt lên trần nhà, nơi có con thạch sùng cứ thỉnh thoảng lại tặc lưỡi tiếc nuối. Tôi hối hận vì đã nghĩ không đúng về anh. Hơn lúc nào hết, tôi thấy thương anh quá, muốn chạy ù đến để an ủi anh trước những mất mát đau thương.

Đầu tóc tôi không mụ mẫm mà bao hình ảnh cũ cứ hiện dần rối tung, đứt quãng, chắp vá. Người con gái nào mà không muốn sống với người mình yêu, cùng chồng sinh những đứa con kháu khỉnh, dễ thương. Cái thiên chức làm mẹ, trời bảo, phải mang nặng, đẻ đau, cưu mang, dưỡng dục mà ai cũng hằng ao ước.

Còn đến với anh, là người vợ mà cũng như người bạn! Chuyện gối chăn, như bao cặp vợ chồng khác? Tôi đâu phải thánh nhân, liệu có vượt qua những khát vọng đời thường ấy hay không? Song ngẫm lại, chẳng ai có thể thay thế được anh trong trái tim tôi…

***

Trải qua biết bao mùa hoa vú sữa trổ bông, con anh- đứa bé có hai bím tóc xinh xinh ngày ấy- đứa con gái duy nhất của chúng tôi đã tốt nghiệp đại học sư phạm, nối nghiệp tôi, làm cô giáo. Và bây giờ, tôi và anh đã là ông bà ngoại. Chúng tôi thật sự hạnh phúc khi được sống trong một đại gia đình cùng con gái, con rể và hai cháu ngoại ngoan ngoãn, dễ thương.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh