Tiễn biệt nhà văn Trang Thế Hy

07:12, 12/12/2015

Anh bạn ở Cà Mau từng làm luận văn Thạc sĩ về văn chương Trang Thế Hy điện cho hay với giọng thảng thốt: "Nhà văn Trang Thế Hy vừa qua đời". Dẫu biết cuộc đời thật vô thường, ai rồi cũng sẽ đến một ngày trở về với cát bụi, nhưng những người yêu văn chương Trang Thế Hy vẫn cảm thấy hụt hẫng, thương tiếc khó tả.

Anh bạn ở Cà Mau từng làm luận văn Thạc sĩ về văn chương Trang Thế Hy điện cho hay với giọng thảng thốt: “Nhà văn Trang Thế Hy vừa qua đời”. Dẫu biết cuộc đời thật vô thường, ai rồi cũng sẽ đến một ngày trở về với cát bụi, nhưng những người yêu văn chương Trang Thế Hy vẫn cảm thấy hụt hẫng, thương tiếc khó tả.

Nhà văn Nam Bộ Trang Thế Hy.
Nhà văn Nam Bộ Trang Thế Hy.

Một chiều mưa cách nay hơn 2 năm, tôi cùng một số bạn bè có ghé Bến Tre thăm ông. Khi đó trước nhà ông vẫn còn một vườn ổi nhỏ, bên hông trồng rất nhiều dừa.

“Ông già héo queo như cây kiểng còi” ngồi đó dọn mình bước vào tuổi 90, đôi mắt sáng trong đon đả đón khách. Sau nhà có chiếc ghế nhựa là nơi ông thường ngồi viết. Người con trai ông cho hay, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hay ghé thăm, có khi nói chuyện thâu đêm suốt sáng.

Biết chúng tôi có ý định hỏi chuyện đời, chuyện nghề, ông im lặng một lúc, rồi nhỏ nhẹ: “Giờ lụm cụm, trí nhớ rụng dần không biết trả lời được yêu cầu!” Nói vậy chứ ông già Nam Bộ này vẫn nhiệt tình lắm, nhắc lại chuyện chống Pháp, chống Mỹ, rồi chuyện văn chương của 30 năm trước vẫn thấy bồi hồi…

Trang Thế Hy sinh hoạt tại Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Sau ngày nghỉ hưu năm 1992, ông bỏ chốn eo sèo về lại quê hương Bến Tre không bon chen chốn văn trường.

Ngoài tên thật, ông còn sử dụng nhiều bút danh khác như: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn, Minh Phẩm.

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Vũ Trọng Cảnh, sinh ngày 29/10/1924 tại xã Hữu Định (Châu Thành- Bến Tre). Ông từng là Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre). Trang Thế Hy đã được nhận Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (giai đoạn 1960- 1965) cho truyện ngắn “Anh thơm râu rồng”; tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 cho tập truyện “Tiếng khóc và tiếng hát”...

Gần nửa thế kỷ cầm bút, Trang Thế Hy đã sáng tác khoảng hơn 60 truyện ngắn- được cho là không nhiều, nhưng ở một vài truyện ngắn như: “Nợ nước mắt”, “Nắng đẹp miền quê ngoại”, “Mưa ấm” hay “Đắng và ngọt” có thể thấy tấm chân tình tha thiết với cuộc đời. Trang Thế Hy còn là tác giả của 2 tiểu thuyết “Hoa tình chỉ nở một lần” và “Nét buồn thời đại” cùng 20 bài thơ, trong đó có bài đã được chọn in. 

Móm mém chia sẻ truyện đầu tiên viết sau giải phóng “Nợ nước mắt”, Trang Thế Hy cho biết ở đây nợ nước mắt phải trả bằng những trận cười, nên đọc truyện như người ta ăn hột sen cả tim, nó nhân nhẩn, đăng đắng, ăn mất ngon nhưng nên thuốc.

Nghề báo nghiệp văn và nghề văn nghiệp báo giúp Trang Thế Hy có những trang viết để đời. Ông là một người thích dịch chuyển, nguồn mạch văn hóa thâm hậu. Ông luôn tìm cái đẹp trong những con người bé nhỏ, cơ hàn, thậm chí lấm láp bụi trần, như cô gái bán thân trong “Thèm thơ”.

Bên cạnh là một năng lực tưởng tượng phi thường, văn phong giàu bản sắc, Trang Thế Hy là người dày vốn sống thực tiễn tới mức lạ lùng.

Nhận xét sắc sảo và quá trình tích cóp không mệt mỏi những chi tiết lớn nhỏ thậm chí tưởng chừng vụn vặt từ cuộc sống hàng ngày cùng cái tài viết, viết lúc nào cũng được, viết tự nhiên như nói mà nhiều khi làm bạn đọc thú vị đến ngẩn người. Truyện ngắn của ông đặc sệt ngôn ngữ Nam Bộ nhưng lại có một chỗ đứng rất riêng bằng lối phân tích đến nơi đến chốn, văn phong chậm rãi, như chính con người ông vậy.

Nói về thông tin NXB Trẻ đã lần lượt tái bản nhiều tác phẩm của ông một cách trang trọng, ông vui lắm, cho rằng “cuộc đời như vậy cũng được mãn nguyện rồi”.

Lúc giã từ, ông căn dặn có dịp nhớ về Bến Tre, về xứ dừa ghé nhà, ông sẽ kể nhiều hơn về cuộc đời ông và văn chương. Nhưng giờ đã không còn dịp nữa, ông đã “đi chỗ khác chơi”, đi không trở về.

Nhiều tác phẩm của nhà văn Trang Thế Hy được tái bản.
Nhiều tác phẩm của nhà văn Trang Thế Hy được tái bản.

Gần đây giới văn chương lại tranh cãi Trang Thế Hy là người “của chung” chứ không riêng vùng đất. Nhưng thế nào đi nữa, với tôi ông vẫn là người của văn học, của báo chí và của văn hóa Việt Nam.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh