Ngày ba còn sống, Trung thu nào ba cũng không quên làm lồng đèn cho cu Hiếu. Nói thật, nhà cu Hiếu không nghèo đến mức không mua nổi cái lồng đèn; nhưng Hiếu thích chơi lồng đèn ba làm hơn. Còn phải hỏi, ba khéo tay, lại "sáng tạo" nữa. Lồng đèn ba làm đảm bảo không "đụng hàng" với bất cứ ai, kể cả lồng đèn mua! Mỗi năm một kiểu. Năm ngoái ba nghĩ ra con chuồn chuồn ớt đỏ tươi chở thằng Tí Hon trên lưng.
Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
Ngày ba còn sống, Trung thu nào ba cũng không quên làm lồng đèn cho cu Hiếu. Nói thật, nhà cu Hiếu không nghèo đến mức không mua nổi cái lồng đèn; nhưng Hiếu thích chơi lồng đèn ba làm hơn. Còn phải hỏi, ba khéo tay, lại “sáng tạo” nữa. Lồng đèn ba làm đảm bảo không “đụng hàng” với bất cứ ai, kể cả lồng đèn mua! Mỗi năm một kiểu. Năm ngoái ba nghĩ ra con chuồn chuồn ớt đỏ tươi chở thằng Tí Hon trên lưng. Năm kia, ba làm chú mèo máy Doraemon đeo chiếc túi thần kỳ! Năm trước nữa là lồng đèn lâu đài cổ tích với lô nhô vòm mái! Kiểu cọ “độc” vậy thì có đốt đuốc xuống phố tìm cũng chẳng ra. Còn nữa, ba “thi công” cũng rất khéo. Vót, chuốt, uốn, cột thoăn thoắt; loáng cái đã ra hình khung như ý muốn. Sau đó cắt giấy kính, phết hồ, cẩn thận bọc, dán từng mặt khung sao cho thật căng. Thấy tưởng “dễ ăn”; có lần cu Hiếu nằn nì xin ba cho dán thử xem sao. Bặm môi gắng sức, mồ hôi mồ kê ròng ròng mà dán kiểu nào mảnh giấy kính cũng cứ nhàu nhò nhăn nheo, trưng ra bộ mặt ỉu xìu xìu nhìn Hiếu như muốn… trêu ngươi! Vậy nhưng, có tay ba vô, roèn roẹt ba mươi giây cái “mặt kính” đã ngoan ngoãn thẳng băng, đến mức cu Hiếu có thể dòm vào đó… soi gương. Phất giấy, trang trí đâu ra đó xong, chờ hồ khô, ba còn cẩn thận mang nước phun sương, sau đó đem phơi dưới nắng to cho các “mặt kính” lồng đèn căng ra bóng lộn! Giờ thì cu Hiếu đã có thể mang món hàng độc “made in… ba” mà đi khoe khắp xóm. Thực ra cũng chẳng cần mang đi; bởi lũ bạn “đến hẹn lại lên” đã chực sẵn bờ rào, cổng ngõ từ khuya, chờ xem lồng đèn “độc” của Hiếu và ba “xuất xưởng”! Nói nhỏ nghe: trong đám “fan”… lồng đèn của Hiếu không hiếm đứa con nhà “đại gia” vẫn cứ phải bở hơi tai chạy theo lồng đèn cu Hiếu mà sờ mà vuốt, mà nuốt nước bọt thòm thèm…
Nhưng, ấy là chuyện cũ rồi. Ngày ba còn kia. Giờ ba đã mất. Ba mất khi theo các chú dân phòng truy đuổi một toán cướp. Bắt được cướp, nhưng ba bị thương do liều mình xông vô cứu em bé bị tên cướp khống chế. Ba mất trên đường đi cấp cứu, mang theo lời hứa với cu Hiếu về một kiểu lồng đèn cực độc đáo ba vừa nghĩ ra cho mùa Trung thu năm nay…
*
Vật vã nào rồi cũng đến lúc phải nguôi ngoai. Ấy là nói mẹ. Mà không, nói chính xác: mẹ nguôi ngoai được cũng nhờ (và vì) cu Hiếu. Còn nữa: nhờ bà ngoại. Ngoại đến thăm, thấy mẹ bỏ ngủ bỏ ăn, hốc hác bơ phờ, bảo: “Mày không thương thân mày cũng phải thương con. Mày không sống, lo cho nó thì ai lo?” Câu nói của ngoại vực mẹ đứng dậy. Không chỉ đứng dậy, mẹ còn đứng vững (hay làm bộ vững thì cu Hiếu không rõ), lo toan mọi chuyện trong ngoài. Hết dạy ở trường, mẹ quay sang quần quật, toay toáy việc nhà. Giặt giũ, quét tước, chợ búa, cơm nước. Rồi còn đưa cu Hiếu đi học, về học… Việc không ngơi tay. Mà hình như mẹ cũng không muốn để mình ngơi tay. Hết chuyện phần mẹ đến chuyện phần ba. Ấy là nói những chuyện ngày còn sống ba hay làm: dọn hàng rào, sơn cánh cổng hay bắc thang leo mái nhà lợp lại viên ngói vỡ. Cuối tuần, bận gì bận, mẹ cũng (giống ba) thu xếp đưa cu Hiếu đi chơi đâu đó. Mẹ chịu khó đọc sách, lên mạng tìm thông tin nhằm giải đáp cho cu Hiếu những thắc mắc ngày xưa thuộc chuyện ba lo. Đêm, mẹ nằm nghiêng, vươn tay vươn chân hết cỡ ôm cu Hiếu vào lòng, còn chèn thêm cái gối phía lưng như muốn ủ thay cả phần ba những hôm trời trở lạnh…
Lâu rồi, cu Hiếu nhớ, hình như không thấy mẹ khóc. Ngày còn sống, ba thường bảo: Con trai phải mạnh mẽ, quả cảm. Khóc là hèn... Để làm gương, có lần Hiếu thấy ba vô ý bị đứt tay; vết đứt sâu, máu chảy tùm lum mà ba không khóc…
*
Trung thu lại đến.
Trung thu này cu Hiếu im re, không dám nhắc chi đến chuyện lồng đèn. Đừng tưởng cu Hiếu vô tâm. Hiếu biết hết. Hiếu không muốn làm mẹ buồn. Lồng đèn là chuyện của ba. Giờ đâu còn ba…
Vậy nhưng, “không nhắc” không có nghĩa là không nhớ. Cu Hiếu nhớ tất tật- không sót tẹo nào- những mùa Trung thu trước. Cảm giác phấn chấn như mở cờ những ngày đầu tháng Tám lẽo đẽo theo coi ba làm lồng đèn. Sung sướng mỗi khi được ba sai đi rót nước, nhúng khăn lau hay lấy cái này, cầm cái kia. Và còn cảm giác nôn nao cứ lớn dần lên theo tiến độ thi công của cái “công trình” bí mật mà ba không bao giờ chịu tiết lộ trước khi nó thực sự thành hình, mặc cho cu Hiếu đoán già đoán non. Rồi niềm vui òa vỡ ngày cái lồng đèn thực sự hoàn thành. Tự hào trước bao ánh mắt ghen tị, thán phục, trầm trồ... Cu Hiếu nhớ đến lời hứa của ba về một kiểu lồng đèn độc đáo trước lúc ba ra đi. Cu Hiếu muốn khóc!
Mẹ nhắc:
- Sắp Trung thu rồi đó, con muốn gì, nói mẹ mua? (à, thì ra mẹ vẫn nhớ Trung thu)
- Con không biết nữa. Mà… thôi, hay năm nay mẹ đừng mua, tốn tiền (cu Hiếu nhớ bữa trước nghe mẹ than: dạo này túng quá…)
Mẹ:
- Thôi sao được mà thôi. Hay mẹ mua… lồng đèn cho con nha. Con thích lồng đèn gì?
- Đừng, mẹ đừng mua. Con không thích…
Lần này thì cu Hiếu lắc đầu, quyết liệt!
Mẹ suy nghĩ rất lung. Hình như mất cả đêm. Hôm sau, mẹ vác rựa sang hàng xóm xin tre về chẻ chẻ, vót vót. Cu Hiếu tò mò:
- Làm gì vậy mẹ?
Mẹ cười:
- Thì làm… lồng đèn cho con chớ làm gì!
- A, lồng đèn. Mẹ biết làm lồng đèn!- Cu Hiếu khoa chân múa tay, nhảy tưng tưng…
*
Mất ngót tuần lễ. Mẹ đánh vật với cái lồng đèn của cu Hiếu, đúng là khổ sở. Mẹ nhăn trán, cố nhớ lại những gì từng thấy ba cu Hiếu làm. Chẻ. Vót. Cột. Uốn. Đã chọn kiểu lồng đèn “củ ấu” đơn giản nhất để “thi công” mà vẫn trầy trật. Cái “củ ấu” của mẹ, sửa sang nắn chỉnh thế nào cũng cứ… méo xẹo. Đem sang nhờ bác Nhân, bác bảo do mẹ vót nan không đều, sửa đỡ méo thôi chứ làm lại thật chuẩn mất thì giờ lắm…
Đến lúc “phất” giấy cho lồng đèn càng tệ. Mẹ lóng nga lóng ngóng hệt cu Hiếu cái lần ba cho làm thử. Hư hết mấy tấm giấy kính cái lồng đèn vẫn chưa nên thân. Cu Hiếu phải vào phụ giúp một tay. Hậm hụi mất đứt buổi chiều, còn thêm lát sáng. Cuối cùng thì cái lồng đèn cũng được treo lên. Nhìn bắt chán mứa: nó nhăn nhúm thảm hại như mấy cái lồng đèn bán dạo rẻ tiền bị… mắc mưa dông giữa lộ. Mẹ phun nước, phơi phóng kiểu nào giấy kính cũng nhất định không chịu căng ra…
Nhìn cảnh cái lồng đèn “không giống ai” đang lủng lẳng trên dây cùng nụ cười không tròn miệng, ngỡ ngàng của đứa con trai, mẹ bật khóc!
Cu Hiếu hốt hoảng chạy ôm vai mẹ, lắc lắc:
- Mẹ ơi, mẹ đừng khóc! Không sao đâu, mẹ ơi, lồng đèn đẹp mà…
Y NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin