Ông nội

03:09, 22/09/2015

Người ở cù lao này gọi ông nội chồng tôi là ông Hai thợ cưa. Thoạt nghe, tôi rất ngạc nhiên. Ở miền sông nước, cây trái bạt ngàn, ông lại nổi tiếng một người thợ thủ công tài hoa.

1. Người ở cù lao này gọi ông nội chồng tôi là ông Hai thợ cưa. Thoạt nghe, tôi rất ngạc nhiên. Ở miền sông nước, cây trái bạt ngàn, ông lại nổi tiếng một người thợ thủ công tài hoa.

Ông mất đã mười năm. Nhưng trong nhà, ngoài ngõ vẫn vương bóng dáng ông lom khom chuốt cây gậy, nhổ bụi cỏ, tưới khóm hoa… Nhất là trong mắt bà cụ tám mươi; nghễnh ngãng, không phân biệt gương mặt nào quen lạ trong đám cháu chắt lâu lắm mới về thăm. Ông còn đó, chiều chiều cùng bà thủ thỉ chuyện trò. Bà trách ông hồi đó sao hay lớn tiếng quá. Bà cười ông hồi đó đi cầu khỉ dở ẹc… Hồi đó, bà khen, ông đóng cái tủ cái bàn sao mà khéo, hồi đó…

Mỗi lần vô tình bắt gặp, tôi lại tưởng tượng…

2. Chồng tôi- con trai người thứ ba và là cháu đích tôn của ông nội. Một lần quét dọn bàn thờ, anh phát hiện lá thư ố vàng chữ nhòe khó đọc. May sao địa chỉ còn nhìn thấy: Mộ Đức, Quảng Ngãi. Người viết là em gái ông nội anh. Lá thư đã được nhận từ gần năm mươi năm trước, cất giấu một bí mật mà ngay cả chồng tôi, đứa cháu được ông yêu quý nhất, cũng chưa hề được biết. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh ông nội lúc tôi mới về nhà chồng. Một ông lão vui tính, thấp đậm và giọng nói vang khỏe đầy âm hưởng miền Nam. Nhưng đó lại là chàng trai mười tám tuổi của hơn nửa thế kỷ trước bỏ nhà ra đi (tôi hình dung là bằng chiếc ghe bầu và bằng đôi chân đen bóng dẻo dai của dân xứ biển). Ông ra đi, vì gia đình quá đông con, quá nghèo, vì nhiều lý do mà dù trong thư có nhắc cũng không thể đọc được. Lưu lạc. Lưu lạc mãi, ông học được nghề mộc, trôi dòng về phương Nam. Rồi đất lành chim đậu. Ông dừng chân. Khi ấy, cù lao này hoang sơ lắm. Khi ấy, bà là một thiếu nữ miệt vườn xinh đẹp, đảm đang lắm!

Tôi tưởng tượng một mối tình trắc trở đầy thi vị (với đoạn kết có hậu) của chàng trai xứ biển chỉ quen chèo ghe bầu vẫy vùng sóng nước, lại phải chập chững bò qua chiếc cầu khỉ với một hoặc hai thanh tre mảnh vắt ngang… Ông đã té mương, té sông bao nhiêu lần trước khi chiếm được trái tim bà; đã đổ bao nhiêu mồ hôi, và cả máu, để tạo dựng một cơ nghiệp, một tiếng tăm ở chốn tha hương nồng hậu nhưng khắc nghiệt này? Bà nội chồng tôi sau này được Nhà nước phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi tự hỏi, danh xưng nào dành cho ông là xứng đáng?

3. Tôi nhớ, bất ngờ tìm thấy lá thư cũ, chồng tôi- lúc ấy chuẩn bị ra mắt ba mẹ tôi, xin cưới- đã đề nghị tôi về Huế sớm hơn dự định. Và ngày một ngày hai, anh lặn lội ngược vào Quảng Ngãi, một mình lần ra cội nguồn chỉ bằng một địa danh nhòe chữ. Anh đã được bà cô, cô em gái nhỏ năm xưa, đón bằng đôi tay già nua đẫm nước mắt. Anh đã được cùng những anh em dòng họ lênh đênh trên biển, uống với nhau chén rượu nghĩa tình. Và, điều quan trọng nhất, anh đã đưa được bà cô già vào thăm ông nội, một việc mà tôi vẫn đùa để giấu xúc động: một chiến công kép. Bởi vì, chuyến đi vừa đón được vợ, vừa tròn hiếu đễ!

… Nhớ, lần đầu về chơi quê anh, cùng bạn bè tôi đã vô tư chân trần khắp vườn, ngắt một chùm chôm chôm, bẻ những trái cam chín mọng. Cho đến lúc, phát hiện ngôi mộ trắng lặng lẽ khuất sau mấy cây bông trang hoa đang nở rộ. Anh nói đó là mộ ba anh.

Tôi trách tôi vô tình. Một năm quen nhau, khi ấy tôi mới biết ba anh là liệt sĩ... Thỉnh thoảng tôi gặp má anh. Bà đi bán trái cây ở chợ Cầu Muối, khệ nệ thăm con lúc giỏ xoài ưng ửng, khi cần xé chôm chôm “cho thằng nhỏ đãi bạn bè”. Bà cười ngượng nghịu, như thể có lỗi vì cái vẻ quê mùa của mình trước những gương mặt trẻ măng háo hức chờ chủ nhân phân phát quà má tặng. Quả tình, lúc đó, tôi hơi thương hại vẻ lam lũ của bà, trái ngược mẹ tôi. Nhưng, vẫn có điều gì đó khiến tôi kính phục. Giờ tôi mới hiểu, đó chính là nét cứng cỏi- kiên cường thì đúng hơn- nơi bà. Sau này, tiếp xúc với bà nội, cô, thím chồng tương lai, cũng một tính cách ấy, đậm nhạt có khác, nhưng lúc nào cũng gợn lên trong tôi thứ tình yêu rất lạ. Anh kể, anh mồ côi cha từ năm tám tuổi, rất hiếm khi thấy má khóc. Bà nội không, mà cô, mà thím cũng không! Nhìn một dãy ba bàn thờ lúc nào cũng phảng phất mùi nhang thơm trong gian nhà chính, tôi nhớ những trang sử đã học. Trước mắt tôi, hiển hiện những người đàn bà hiền lành từng một thời gai góc trong ấp chiến lược; từng lạnh lùng mang cặp mắt ráo hoảnh mà tim nhỏ máu, đi nhận xác con, đi nhìn mặt chồng… Những trang sử ấy, ít nhắc đến tâm trạng người cha. Ông nội chồng tôi, đơn thân vượt núi, vượt sông gầy dựng một dòng tộc. Ông nghĩ gì, khi lần lượt một người con, hai người con, rồi đứa con trai duy nhất còn lại, vào bộ đội, vào du kích, lần lượt hy sinh? Ông nghĩ gì, ngày đất nước giải phóng, bạn bè các con ông trở về, xênh xang xe ngựa? Hay chỉ đơn giản, họ đã sống, đã bình yên quay lại dòng sông, mảnh vườn quen thuộc xưa? Một thời gian rất dài, ông nội tôi buồn, tôi biết.

Nhưng rồi, thời gian… Ông thanh thản trong ngôi nhà càng về sau càng thưa vắng, chỉ còn ba di ảnh trên bàn thờ, bà vợ già hiền thảo và những đứa cháu chắt thi thoảng đáo về. Tôi tiếc tôi đã quá ngại ngần ngày ông còn sống, không một lần dám ngồi kề. Không một lần dám đòi ông kể chuyện hồi xưa chèo ghe bầu vượt biển. Không dám hỏi dò, liệu ông có khóc trong những ngày lần lượt thắp nhang lên mồ ba đứa con yêu…

4. Tôi chỉ nghe kể đúng một chuyện: Rằng, ngày ba chồng tôi mất, trong đám ma lén lút có một người đàn bà không phải má tôi đã khóc. Người ấy, sau này đôi lần dẫn con trai về thăm ông. Ông đôi lần gặng hỏi, đứa cháu sao có nét giống thằng ba tao quá… Người ấy lắc đầu, một mực trả lời tại vì con quá thương ảnh.

Ông dặn chồng tôi:

- Không phải em ruột thì cũng là anh em. Rủi có gì tụi bây nhớ đùm bọc nhau.

*
* *

Ôi. Ông nội ơi!

DƯƠNG THANH THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh