Người giữ hồn ca dao xứ Vĩnh

03:09, 22/09/2015

Với thành tựu, bề dày hoạt động văn hóa văn nghệ, năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng) được kết nạp vào Hội Văn hóa dân gian Việt Nam. 

[links()]

Với thành tựu, bề dày hoạt động văn hóa văn nghệ, năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng) được kết nạp vào Hội Văn hóa dân gian Việt Nam.

Ông là người có công tổ chức sưu tầm, biên soạn, xuất bản tập sách “Ca dao, hò, vè Vĩnh Long” với nội dung phong phú về thiên nhiên, về con người, về tình yêu đôi lứa, về tình cảm gia đình và quan hệ xã hội, về thời cuộc… Đó cũng là tiếng lòng sâu lắng của người dân Vĩnh Long qua ca dao, hò vè,…

Tác giả Nguyễn Chiến Thắng.
Tác giả Nguyễn Chiến Thắng.

Ông Nguyễn Chiến Thắng xuất thân từ gia đình nông dân vùng đầm lầy Bưng Sẩm (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn- Vĩnh Long). Ông sinh ngày 15/6/1940 là con út thứ 10, được gia đình chăm chút, cưng chiều. Ngay từ khi còn nằm trong nôi, cậu bé Mười Thắng đã được mẹ cha, anh, chị ngọt ngào ru hát:

Ru em em ngủ cho lâu

Để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về.

 

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi…

 

Ở hiền thì lại gặp lành

Những người nhân đức trời dành phúc cho.

 

Miệng thèm bông súng củ co

Ghé về Bưng Sẩm ăn cho đã thèm.

 

Trà Ôn nước ngọt đất lành

Ai qua đến đó không đành bỏ đi.

Lớn lên, Mười Thắng được gia đình cho ăn học từ trường làng đến trường tỉnh và trường khu vực ở Cần Thơ. Hơn 10 năm ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò Mười Thắng luôn tâm niệm câu ca dao:

Thời gian vùn vụt qua nhanh

Gắng công đèn sách đua tranh với người

Đừng ham lêu lổng chơi bời

Kẻo mà uổng phí một thời tuổi xuân.

Đến năm 1964, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam. Mười Thắng rời ghế nhà trường đi tham gia kháng chiến. Anh làm phóng viên Thông tấn ở tỉnh Trà Vinh, rồi Ủy viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổng biên tập báo Đảng tỉnh Trà Vinh, tỉnh Cửu Long.

Đầu những năm 80 thế kỷ trước, Tỉnh ủy phân công ông làm Trưởng Ty Văn hóa tỉnh Cửu Long rồi Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, ông theo học lớp đại học tại chức (niên khóa 1981-1985) và nhận bằng cử nhân Văn.

Sẵn có tình cảm thiết tha với ca dao, dân ca của quê hương, đất nước mà gia đình, nhà trường gieo vào ông ngay từ khi còn niên thiếu cộng với việc liên tục làm công tác tư tưởng, văn hóa văn nghệ nên ông tích lũy được khá nhiều về kho tàng quý giá này. Về tục ngữ ca dao, hò, vè của địa phương và cả nước, ông thường xuyên sưu tầm, ghi chép vào sổ tay, thu thập sách, báo. Có thể nói tủ sách gia đình và bộ nhớ của ông chất chứa rất nhiều câu ca, điệu hò…

Năm 2004, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Long tổ chức sưu tầm biên soạn, xuất bản tập sách “Ca dao, hò, vè Vĩnh Long” do ông làm chủ biên và viết phần luận. Quyển sách có khổ vừa phải, dày hơn 300 trang với nội dung phong phú về thiên nhiên, về con người, về tình yêu đôi lứa, về tình cảm gia đình và quan hệ xã hội, về thời cuộc. Đó là tiếng lòng sâu lắng của người dân Vĩnh Long qua ca dao, hò vè,…

Vĩnh Long là miền đất mới, được Chúa Nguyễn thành lập từ năm 1732 lấy tên là Long Hồ dinh, vùng đất rộng lớn ở phía Nam sông Tiền, bao gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp (ngày nay). Vĩnh Long qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính với tên gọi Long Hồ dinh, trấn Vĩnh Thanh, tỉnh Vĩnh Long, còn người xưa thì gọi là xứ Vãng hay xứ Vĩnh.

Hỏi cô cắt cỏ bên bờ

Đây đến xứ Vãng mấy giờ tới nơi

Xứ Vãng anh đã đến rồi

Có về xứ Vĩnh theo tôi thì về

Trong quá trình khai hoang mở cõi của ông cha ta xuống phía Nam, trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ: núi cao, rừng rậm, biển cả, sông sâu “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”.

Chiều chiều én liệng trên trời

Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây

Chèo ghe sợ sấu cắn chân

Xuống bưng sợ rắn, lên rừng sợ ma

Còn đồng đế bạt ngàn không ít trâu rừng, hổ dữ:

Kể rằng đồng đế xưa kia

Có ông Phó tướng múa roi đi quyền

Dân làng thấy lạ đến xem

Phục ông Phó tướng bắt con cọp rằn

Tới miền đất mới con người không khỏi chạnh lòng nhớ cố hương:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ người dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

 

Chiều chiều mây phủ Sơn Trà

Lòng ta nhớ bạn nước mắt và lộn cơm.

Tuy nhiên với chí khí:

Làm trai cho đáng nên trai

Phú Xuân cũng trải Đồng Nai đã từng.

Dù có bao khó khăn trở ngại nhưng không mềm lòng chùn bước, quyết tâm bám trụ làm giàu trên quê hương thứ 2:

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương bạn nhớ quê thì đừng

Nhờ tấm lòng rộng mở “Người đi trước rước người đi sau” mà:

Bưng Bầu, Bưng Sẩm, Bưng Tường

Thương người nghèo khó tìm đường

tới đây

Tới đây thì ở lại đây

Chung lo mở cõi bắt tay vào mùa

Chỉ trong thời gian ngắn người dân xứ Vĩnh đã biến vùng đất hoang vu sình lầy thành nơi trù phú của đất nước:

Quê em Bưng Sẩm đẹp giàu

Chim đầy đồng cá lội đầy bưng

Củ co bông súng rau rừng

Quê hương mến khách tao phùng là đây

 

Đất Trà Ôn tiếng đồn con cá cháy

Đất Vĩnh Trị nổi tiếng nem ngon

Gạo Ba Kè vừa dẻo vừa thơm

Anh về ở đất Sài Côn

Nhiều năm vẫn nhớ rượu ngon Lộc Hòa

 

Cô kia cặp tóc đuôi gà

Nắm tay cô lại hỏi nhà cô đâu

Nhà em ở tận vùng sâu

Phía trên đám lức, đầu cầu ngó qua

Ngó qua thấy mía trổ cờ

Rẫy dưa trổ nụ, rẫy cà trổ bông

Một cảnh đẹp đồng quê trù phú, no đủ, tất cả tạo nên bức tranh toàn cảnh:

Vĩnh Long sông nước miệt vườn

Quanh năm cây trái phố phường vàng mơ

Là một tỉnh ở giữa đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, đất và người Vĩnh Long cơ bản tương đồng với các tỉnh trong khu vực:

Vĩnh Long gạo trắng nước trong

Ai vô tới đó lòng không muốn về

Nếu ta bỏ chữ Vĩnh Long thay vào đó tên bất cứ tỉnh nào ở miền Tây Nam Bộ đều đúng.

Trong kho tàng văn học Việt Nam, ca dao giữ vai trò rất quan trọng, là những viên ngọc quý, có nội dung và hình thức nghệ thuật vô cùng phong phú, tinh xảo, đã giúp ông Nguyễn Chiến Thắng sáng tác hàng trăm bài thơ. Ngoài số bài in chung, ông đã chọn và in riêng được 3 tập thơ để đời.

Năm 1996, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long kết hợp với một số đồng chí ở Viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn và xuất bản tập sách “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long” mà ông là đồng tác giả. Công trình nhận được giải ba của Hội Văn hóa dân gian Việt Nam.

Với thành tựu, bề dày hoạt động văn hóa văn nghệ, năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng được kết nạp vào Hội Văn hóa dân gian Việt Nam.

TRƯƠNG CÔNG GIANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh