Trước đây, vào những năm còn bao cấp, khi có dịp đi nước ngoài, các cán bộ ta thường tranh thủ mua sắm một số hàng hóa mà trong nước không có hoặc khan hiếm. Với một số nhà văn, sự thể cũng không nằm ngoài thông lệ đó.
Có lần, nhân được món nhuận bút cuốn truyện ngắn “Vang bóng một thời” của mình xuất bản ở Nga, nhà văn Nguyễn Tuân đã dùng số tiền nhuận bút đó tổ chức một bữa tiệc để thết đãi các nhà văn Nga và trong bữa tiệc đã dùng những loại rượu đắt tiền.
Chai rượu đắt tiền đến mức ngay các nhà văn Nga cũng không phải ai trong đời cũng một lần được nếm thử. Giải thích về hành động này, nhà văn Nguyễn Tuân nói rằng ông “muốn chứng minh cho các nhà văn Nga thấy không phải người Việt Nam nào đi nước ngoài cũng để mua bàn là và quạt tai voi” (những thứ hàng phổ biến mà người Việt Nam hay mua vào thời đó).
Câu chuyện làm tôi nhớ tới chi tiết mà nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã có lần kể lại. Đó là vào dịp đầu xuân 1983, ông đi làm phim ở Bratislava rồi qua Liên Xô (cũ) đáp máy bay về nước. Trong số những quà mua về biếu người thân, Đoàn Minh Tuấn không quên mua chai rượu Ararat (giá tiền bằng một chiếc bàn là cộng một chiếc quạt tai voi) về biếu nhà văn Nguyễn Tuân. Về việc này, các bạn văn đã nói vui: “Tết này, bác Nguyễn Tuân uống một cái quạt nhắm với bàn là Liên Xô vào bụng rồi đó”.
ĐẶNG TRUNG THÀNH- st
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin