Trước khi bước chân vào làng "Đờn ca tài tử" và trở thành nghệ nhân nữ duy nhất trong số 24 nghệ nhân của tỉnh Vĩnh Long được Hội đồng Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý "Nghệ nhân ưu tú" lần đầu tiên của cả nước (năm 2015)
Trước khi bước chân vào làng “Đờn ca tài tử” và trở thành nghệ nhân nữ duy nhất trong số 24 nghệ nhân của tỉnh Vĩnh Long được Hội đồng Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú” lần đầu tiên của cả nước (năm 2015);
nghệ nhân Tuyết Nhung (tên thật Phạm Thị Thu Thủy, sinh năm 1964 tại TX Bình Minh) đã phải trải qua một chặng đường dài đầy thử thách, đòi hỏi lòng đam mê, yêu nghề và tính kiên trì không ngừng học hỏi, phấn đấu để đi lên.
Sinh ra trên quê hương của những giọng ca vàng, sống cùng năm tháng và vượt thời gian như: NSND Lệ Thủy, nghệ sĩ Lệ Thu, Dạ Hương,… Tuyết Nhung đã có lòng đam mê ca hát từ lúc lên 12 tuổi.
Để thỏa mãn với niềm đam mê của mình, Tuyết Nhung đã cùng các bạn bè đồng trang lứa thường xuyên tụ tập, chia vai diễn tuồng, ca hát theo các bài bản được in trong những cuốn bài ca vọng cổ, tuồng cải lương được bày bán ở chợ và từ làn sóng của các đài phát thanh: Sài Gòn, Cần Thơ.
* Lúc đó, Tuyết Nhung “mê” giọng ca của nghệ sĩ nào nhất?
- Nhiều lắm, chẳng hạn như nghệ sĩ Thanh Nga, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ,… sau này, khi lớn lên, em lại thích giọng ca của nghệ sĩ Cẩm Tiên.
* Đến năm nào Tuyết Nhung mới thật sự tham gia vào làng văn nghệ?
- Năm 1980, em xin vào đội văn công xã Đông Thành và sau 2 năm cùng đội đi diễn phục vụ quanh các xã trong huyện, em mới về công tác với Đài Truyền thanh huyện Bình Minh (nay là TX Bình Minh) rồi sang công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện.
Trong thời gian tham gia vào các hoạt động của Trung tâm Văn hóa huyện nhà, Tuyết Nhung đã được 2 danh cầm “Sáu Trinh” và “Năm Nốp” truyền dạy tận tình từ nhịp nhàng cho đến cách thể hiện cảm xúc qua từng bài bản trong kho tàng đờn ca tài tử và ca nhạc cải lương, để từ đó, tiếng hát ngọt ngào, truyền cảm mang âm hưởng giọng ca của NSƯT Thanh Kim Huệ của Tuyến Nhung đã được chắp cánh bay xa không những trong những đêm diễn phục vụ bà con khán giả trong và ngoài tỉnh mà còn được phát trên làn sóng của các đài phát thanh: Cửu Long (nay là Vĩnh Long), Hậu Giang (nay là TP Cần Thơ) và TP Hồ Chí Minh.
Song song đó, Tuyết Nhung cũng đã đoạt nhiều huy chương trong các kỳ tham gia hội diễn như: Huy chương vàng (HCV) Hội diễn “Đờn ca tài tử” tỉnh Vĩnh Long (năm 1987), HCV Hội diễn “Nghệ thuật quần chúng toàn quốc” (năm 1988), Giải nhất đơn ca cổ tại Hội diễn “Nghệ thuật quần chúng tỉnh Vĩnh Long (năm 2002) cùng nhiều HCV, HCB trong các đợt hội thi, hội diễn tại khu vực ĐBSCL sau hơn 30 năm theo nghề.
* Đã nhiều năm tham gia đờn ca tài tử, theo Tuyết Nhung, bản “Xuân Tình- lớp IV” có điểm khác biệt nào trong cách thể hiện giữa phong cách “tài tử” và “cải lương”?
- Qua tìm hiểu của em thì “Xuân Tình- lớp IV” có điểm khác biệt, vì đối với “cải lương” là vô “ư” ra “xáng” và dứt “liu”, còn ở “tài tử” thì vô “liu” ra “xáng” và dứt “ư”.
* Mong ước hiện nay của Tuyết Nhung gồm có những gì?
- Đã nhiều năm qua, em luôn nuôi hy vọng được thực hiện một album riêng cho mình, nhưng vì không đủ điều kiện, nên đến nay mong ước vẫn còn là ước mong.
Là Phó Chủ nhiệm CLB “Đờn ca tài tử” phường Đông Thuận (TX Bình Minh). Cho nên, tuy bề bộn công việc, nhưng Tuyết Nhung vẫn không quên dành một khoảng thời gian riêng cho văn nghệ.
Ngoài việc đi giao lưu với các CLB “Đờn ca tài tử” trong và ngoài tỉnh với tinh thần đoàn kết, học hỏi thêm, Tuyết Nhung còn ra công hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng ca hát cho 2 thanh niên ở trong phường với mong mỏi được phát triển thêm nhiều nhân tố mới cho lĩnh vực đờn ca tài tử.
|
Riêng bản thân Tuyết Nhung, cô đã tâm sự: Mặc dù tuổi đã trên 50, với lại hoàn cảnh kinh tế của gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết tâm tiếp tục duy trì, bảo tồn phong trào đờn ca tài tử đến khi nào không còn hát được nữa mới thôi. |
TRẦN MỘNG HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin