Từ những manh nha ban đầu ấy đã góp phần bồi đắp trong lòng Tứ ước vọng sau này được trở thành một nghệ sĩ cải lương "chính hiệu".
Lê Tứ sinh ra và lớn lên ở huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) trong gia đình mà cả hai bên nội ngoại đều là những tài tử miệt vườn. Lúc Lê Tứ 7- 8 tuổi, ông nội, ông ngoại đi chơi đờn ca tài tử trong thôn xóm, thường hay dẫn Tứ đi theo chơi rồi từ đó được dạy ca vài bài bản nhỏ.
Từ những manh nha ban đầu ấy đã góp phần bồi đắp trong lòng Tứ ước vọng sau này được trở thành một nghệ sĩ cải lương “chính hiệu”.
* NSƯT Lê Tứ đã đến với bộ môn cải lương như thế nào?
- Năm 1992, Tứ quyết định thi và đậu vào hệ trung học- khoa Diễn viên cải lương của Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh). Ngày xa quê lên TP Hồ Chí Minh nhập học, hành trang của Tứ mang theo chính là lời dặn dò ân cần nhưng khá buồn cười của mẹ:
“Mày ráng học giỏi để thành danh. Còn nếu học không xong thì ở trên luôn đó tự đi làm để sống đi nhen!”
Song, lời nói của mẹ đã là nguồn lực động viên cho Tứ rất nhiều khi đời sống sinh viên nhiều khó khăn và trong những ngày tháng mới ra trường lao đao, lận đận.
Năm 1998, có mặt tại Liên hoan Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc tại Đà Nẵng, Tứ đã đạt giải đặc biệt “Thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi” với vai diễn Từ Hải trong trích đoạn Vương Thúy Kiều. Rồi với những gì đã đạt được cũng như sự động viên của thầy cô, năm 2000, Tứ lại tiếp tục học lên hệ CĐ khoa Diễn viên.
Trong quá trình đang theo học tại trường, Tứ đã đến với giải Triển vọng Trần Hữu Trang. Và một lần nữa với vai Lục Vân Tiên, Tứ đã đạt số điểm gần như tuyệt đối để được đặc cách thẳng vào vòng chung kết.
Sau đó, Tứ lại được nhà trường cử sang Pháp biểu diễn trong chương trình hợp tác giữa trường với cộng đồng người Việt tại Pháp. Ấn tượng sâu đậm nhất mà Lê Tứ có được trong chuyến đi xuất ngoại này chính là tình cảm của bà con khán giả dành cho nghệ thuật dân tộc.
Khi các nghệ sĩ biểu diễn, ai nấy đều im lặng lắng nghe và ở những đoạn cao rào hay mỗi khi các nghệ sĩ xuống hò vọng cổ, mọi người đều vỗ tay vang dội. Chính thái độ thưởng thức nghệ thuật nghiêm túc ấy đã khiến cho các nghệ sĩ như Tứ có được những phút thăng hoa trong diễn xuất.
Năm 2002, Tứ tốt nghiệp Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh và được nhà trường giữ lại làm giảng viên môn kỹ thuật biểu diễn. Cùng với công tác giảng dạy, hiện Lê Tứ đang cộng tác với nhóm “Thắp sáng niềm tin” cũng như thường xuyên đi biểu diễn ở một số sân khấu.
* Bà xã Hà Như của NSƯT Lê Tứ nghe đâu xưa kia cũng là bạn đồng môn?
- Đúng vậy, năm 1992, Tứ từ Đồng Tháp, còn Hà Như từ Vĩnh Long cùng lên TP Hồ Chí Minh để học ở Trường Nghệ thuật sân khấu II.
Cùng học, cùng ra trường, cùng đi hát show, cùng niềm đam mê cải lương, cùng mối đồng cảm xa quê, do đó tình bạn giữa Tứ và Hà Như dần chuyển thành tình yêu lúc nào chẳng hay, nhưng xem ra vẫn chưa ai dám ngỏ lời. Đến năm 1997, trong chuyến sang Pháp lưu diễn, Tứ bất ngờ bị cảm, Hà Như đã chăm sóc Tứ rất tận tình. Và một ngày nọ sau khi đã về nước, Hà Như nhắn Tứ qua nhà chở đi chơi…
Cái thuở ban đầu lưu luyến của Tứ và Hà Như đã diễn ra như vậy. Năm 2000, chúng tôi quyết định “đổ gạo nấu cơm chung”, tính đến nay đã 16 năm rồi. Nói tóm lại, phần thưởng mà Lê Tứ đạt được là vị trí và cuộc sống nghệ thuật cùng gia đình hiện nay.
Tứ được khán giả mến mộ, các bạn đồng nghiệp và học sinh thương yêu và gia đình vợ con đầm ấm, hạnh phúc, kinh tế gia đình khá ổn định. Nghề hát bây giờ mà có được cuộc sống ổn định và gia đình hạnh phúc như Tứ thì thử hỏi còn mong muốn gì khác hơn nữa chứ?
* NSƯT Lê Tứ có thể cho bạn đọc báo Vĩnh Long biết về những chương trình mới anh đang tham gia trong thời gian tới?
- Ông bầu sân khấu kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn- người được biết đến như là bộ óc kiếm tiền giỏi nhất ngành sân khấu Việt Nam- đã phối hợp cùng đạo diễn NSƯT Hoa Hạ- Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh- giới thiệu dự án “Tôi yêu cải lương”, là một kế hoạch mang đậm khát vọng đưa cải lương trở về với thời hoàng kim một thuở.
Theo đó, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh sẽ đảm đương phần nghệ thuật, sân khấu kịch Idecaf sẽ lo phần tổ chức sản xuất (quảng bá để chương trình đến được đông đảo công chúng, bán vé, lên kế hoạch biểu diễn), Nhà hát Bến Thành hỗ trợ tối đa chi phí thuê rạp, âm thanh ánh sáng, cùng lực lượng phục vụ.
Các nghệ sĩ tham gia chương trình đều tự nguyện cắt giảm “cát-xê”. Tinh thần hợp tác mang tính hy sinh vì nghệ thuật này mong rằng sẽ giúp cho “Tôi yêu cải lương” tạo dựng được những vở tuồng hay nhưng giá vé khá rẻ so với mặt bằng chung.
Vở diễn đầu tiên mở màn chương trình “Tôi yêu cải lương” là “Trung thần” (tác giả- đạo diễn NSƯT Hoa Hạ, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt) lần lượt diễn ra vào ngày 26, 27/8, ngày 2, 3/9/2016 tại Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh). Sau vở này, đạo diễn Hoa Hạ cũng đã lên kế hoạch tái dựng một loạt các vở diễn kinh điển một thời như “Máu nhuộm sân chùa”, “Hoàng đế Quang Trung”, “Tô Ánh Nguyệt”.…
Những phần hay nhất của vở diễn này sẽ được giữ lại nguyên vẹn, đồng thời những gì bất hợp lý không phù hợp với tâm lý khán giả hiện đại sẽ được bỏ bớt. Toàn bộ kinh phí thu được qua chương trình sẽ được gây quỹ. Từ đó, nguồn ngân sách này sẽ được trao tặng học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo khó khăn, những lão nghệ sĩ già neo đơn, các chương trình từ thiện dành cho cộng đồng.
Bản thân Lê Tứ rất thích và hy vọng được đóng góp thật nhiều bằng tất cả công sức của mình cho chương trình này cũng không gì khác hơn là ước mong sân khấu cải lương sớm sống lại như thuở hoàng kim của nó!
* Xin rất cảm ơn NSƯT Lê Tứ đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi ngắn này!
NGUYỄN SINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin