Tài tử Kiều Chinh: sức khỏe và vẻ đẹp có được từ nội lực con người

07:05, 28/05/2016

Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh quan niệm: cái đẹp là vẻ đẹp tự nhiên của mỗi người. Cái đẹp cũng xuất phát từ trong lòng ra vẻ đẹp bề ngoài

Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh quan niệm: cái đẹp là vẻ đẹp tự nhiên của mỗi người. Cái đẹp cũng xuất phát từ trong lòng ra vẻ đẹp bề ngoài

Buổi sáng mùa hè ở Hà Nội, không quá oi bức nhưng trời cũng vẫn nóng. Nữ tài tử ăn vận giản dị đi dạo trên phố cổ, thỉnh thoảng dừng lại trò chuyện với những người bà tình cờ gặp và đôi lúc hoài niệm về những ngày xưa.

Những người trung tuổi trở lên dân gốc 36 phố phường hầu hết đều nhận ra bà và niềm nở hỏi chào. Nhưng cả những người trẻ cũng nhìn theo rồi thốt lên rằng chỉ ước sau này họ sẽ được như bà, khỏe và đẹp.

"Những nếp nhăn đẹp lắm chứ!"


Có người hỏi, theo nghiệp điện ảnh, sao bà không nhờ đến thẩm mỹ viện để “trang trí lại” vẻ đẹp của mình, để trông trẻ đẹp hơn nữa?. Bà mỉm cười: “Những nếp nhăn đẹp lắm chứ, nói lên được kinh nghiệm sống!”; rồi tâm sự:

“Nói về vẻ bề ngoài, tôi nghĩ trời sinh ra mỗi người mỗi vẻ, ai cũng đẹp. Vấn đề là quan niệm của con người về vẻ đẹp. Quan niệm của tôi, tôi nghĩ người đẹp là sự đẹp tự nhiên do trời sinh ra.

Cái đẹp cũng xuất phát từ trong lòng ra vẻ đẹp bề ngoài. Là một diễn viên, tôi thường xuyên đứng trước ống kính và ánh đèn chói lọi, thì ánh đèn và ống kính làm tăng sắc thái và hình ảnh của người diễn viên lên gấp nhiều lần. 

Tôi cho rằng cái đẹp nguyên gốc bao giờ cũng là một điểm gần gũi với khán giả, với mọi người hơn. 

Đó là quan niệm của cá nhân của tôi thôi, còn tôi biết trong cuộc sống mỗi người mỗi ý thích: Có người thích mặt tròn cho phúc hậu, có người thích mặt dài một chút, có người thích gầy gầy, xanh xao, một vẻ đẹp liêu trai...”

Gặp Đạt Lai Lạt Ma- sự kiện đáng nhớ trong đời
Nhưng làm thế nào để duy trì được sức khỏe và vẻ đẹp? Kiều Chinh chia sẻ:

“Tôi sống rất giản dị, ưa hoạt động. Năm ngoái tôi đi sang Ấn Độ, Dharamsala (Ấn Độ, trú xứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14). Tôi đi thăm các nhà sư ẩn tu trên núi Himalaya. Tôi không tưởng tượng là tôi cứ đi bộ như thế bao nhiêu tiếng đồng hồ, trèo lên biết bao bậc đá. Chuyến đi đó tôi rất sung sướng và hạnh phúc, tôi đã gặp được Đức Đạt Lai Lạt Ma, được ngài tiếp riêng…

Sự việc xảy ra như thế này: (Cám ơn “M”, người bạn trẻ đã rủ tôi đi nhưng rốt cuộc đã không đi và tôi đi một mình!). Tôi đến dự một khóa giảng của Ngài (những khóa giảng của Ngài thường có năm, bảy trăm hay cả ngàn người tới nghe). Trong ngày Ngài giảng, người trợ lý của Ngài nói rằng mỗi người tới nghe có thể viết vài câu những lời cầu xin, gửi tới Ngài để Ngài ban phúc.

Tôi nghĩ, rồi viết ra giấy, mới biết rằng tôi còn mong muốn rất nhiều điều, còn cầu xin nhiều quá. Tôi xé tờ giấy đó đi, thức đêm để viết lại.

Lần này tôi viết như một lá thơ cá nhân. “Thưa Ngài, con tên là Kiều Chinh, một diễn viên điện ảnh từ Việt Nam, exile (tha hương), đang sống tại nước Mỹ. (Tôi dùng chữ “exile” bởi chính ngài cũng exile từ Tibet (Tây Tạng). Thưa Ngài, như chúng ta biết, dòng sông Mekong là dòng sông lớn mạnh nhất của Đông Nam Á. Dòng sông ấy khởi nguồn từ Tibet quê hương của Ngài và chấm dứt (ending) tại Việt Nam- quê hương của con. Con xin ngài ban phép lành cho Hòa bình và Bình an cho hai quê hương, cũng như ban phép lành cho tất cả mọi sắc dân sống quanh dòng sông đó”. 


Chỉ viết vậy thôi, không ngờ tối hôm đó, tôi nhận được tin nhắn là: sáng mai Ngài muốn gặp cô, lúc 6h30 sáng, giờ uống nước trà. 


Thoạt đầu tôi nghĩ là ai trêu mình đây, nên tôi không trả lời. Ai mà chẳng muốn gặp Ngài, đâu có dễ để gặp được Ngài? 15 phút sau, tôi lại nhận được tin nhắn rằng hãy trả lời gấp để sắp xếp chương trình.

Lúc ấy tôi mới nghĩ(a) là sự thật rồi. Tôi trả lời. Rồi cả đêm hôm đó tôi không ngủ được…

Sáng sớm, Dharamsala đẹp vô cùng. 4 giờ sáng, tiếng cầu kinh của các vị sư Tibet vang lên trên những ngọn núi, giọng đọc kinh rất trầm, như từ trong lòng đất vọng lên. Mở cửa sổ, nhìn ra thấy sương mù mênh mông. Tôi đi bộ xuống núi, rồi leo lên núi khác, để gặp Ngài.

Thường ai gặp Ngài cũng cúi rạp xuống để tỏ lòng cung kính. Lúc Ngài đi ra, tôi chắp tay và cúi đầu thật thấp, mắt nhắm lại. Bỗng dưng tôi thấy có bàn tay vỗ vỗ lên đầu mình, đó là Ngài blessing (ban phúc).

Tôi hơi ngẩng lên, vẫn nghiêm trang cung kính nhìn Ngài. Nghe “tách!”, người thợ ảnh riêng của Ngài đã chụp một tấm hình. Ngài nắm chặt tay tôi, nhìn tôi mỉm cười và nói: “Smile” (cười lên đi!). “Tách!”, tấm ảnh thứ hai được chụp.Thế là tôi có được hai pô ảnh chụp với Ngài.

Tấm ảnh chụp cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma 14.
Tấm ảnh chụp cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma 14.

Lại nói vì sao tôi khỏe vậy? Là do lý trí. Có một cái gì đó thúc đẩy mình quên đi những mệt mỏi. Lúc sắp được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, leo núi chân tôi không mỏi mệt, vì đầu tôi đang nghĩ tới những điều khác. Với những việc khác tôi cũng nghĩ như vậy, nghĩ tới những điều tích cực...”

Hơn 50 ngôi trường cho trẻ em Việt Nam


Và tôi biết không chỉ nghĩ, bà luôn làm những điều tích cực. 23 năm trước đây, bà cùng với một số bạn bè là cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, cựu chiến binh Lewis Puller và nhà báo Terry Anderson lập ra tổ chức Quỹ Trẻ em Việt Nam (VFC: Vietnam Children’s Fun).

Cho đến nay, tổ chức này đã vận động tài chính, tổ chức xây được 50 ngôi trường cho trẻ em tại các vùng nghèo của Việt Nam từng bị ảnh hưởng của chiến tranh. Ngôi trường đầu tiên được xây dựng tại vĩ tuyến 17, nơi đã từng chia đôi đất nước hai miền Nam- Bắc. Ngôi trường thứ 50 vừa được khánh thành tại Quảng Nam. Ngôi trường thứ 51 đang được xây dựng tại Hà Giang…

Về Việt Nam đầu tháng 5/2016, bà ra Hà Nội thăm mộ ông bà, thăm người chú ruột năm nay ngoài 90 tuổi và những người cháu con của anh ruột bà.

“Tôi rất vui mỗi lần về Hà Nội, nơi tôi đã sống từ khi được sinh ra đến năm 16 tuổi. Tôi vẫn nghĩ Hà Nội là điểm chính của cuộc đời mình…”

Đây là lần thứ 5 bà về Việt Nam kể từ lần đầu- năm 1995. “Mỗi lần về, lại có những cảm nhận khác nhau, luôn làm tôi xúc động. Lần đầu tiên, tôi xúc động khi nhìn thấy mộ bố ở Yên Kỳ…; gặp lại người anh trai duy nhất sau hơn 40 năm xa cách. Tôi thăm nhà tù Hỏa Lò, thăm ngôi nhà cũ, thăm ngôi làng phía bên kia cầu Long Biên, thăm làng Mọc Cự Lộc- Chính Kinh, nơi có biết bao kỷ niệm hồi thơ bé...

Lần này tôi về Việt Nam, thăm Đà Nẵng, tôi rất vui. Tôi thấy Đà Nẵng thay đổi nhiều, được xây dựng thành một thành phố lớn với nhiều tòa nhà đẹp và thu hút đông du khách. Tôi yêu Hội An vô cùng, một đô thị cổ kính, dân chúng vẫn giữ nét cổ xưa của văn hóa mình, chính vì thế mà Hội An thu hút nhiều du khách ngoại quốc và các bạn trẻ.

Tôi đi Thăng Bình- Quảng Nam cắt băng khánh thành ngôi trường của Quỹ Trẻ em Việt Nam. Các em bé và gia đình tới dự. Tôi thấy vui khi các em nhỏ có trường khang trang để học. Tôi nghĩ học vấn quan trọng vô cùng, là hành trang, là chìa khóa cho các em mở cửa đi vào tương lai.

Những ngôi trường chúng tôi đều xây theo tiêu chuẩn của Mỹ, vì Giám đốc điều hành là ông Sam Russel- một kỹ sư người Mỹ, nó rất vững chai, những lúc làng mạc bị bão lụt thì trường có thể làm nơi trú ẩn của đồng bào. Tôi biết ơn những người đã tài trợ cho VCF và các thành viên VCF đã làm việc tự nguyện để xây dựng được 50 ngôi trường ở khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S...”

“Tôi tưởng đã về hưu lâu rồi mà càng ngày càng bận rộn”. Bà di chuyển rất nhiều, đi khắp nơi trên thế giới, nói chuyện, tham gia các hoạt động văn hóa, thiện nguyện… “Cám ơn bề trên cho tôi sức khỏe, nếu lúc không còn sức khỏe, đầu óc không suy nghĩ được nữa thì phải ngưng, nhưng bây giờ bề trên còn cho mình sức khỏe thì tôi còn tiếp tục làm việc…”.

Bà tâm sự: “Có rất nhiều điều muốn làm mà tôi không đủ sức: Những việc cần thiết để giúp đỡ người già, tôi muốn có học bổng cho các em nhỏ, mỗi trường có em nào học giỏi thì khuyến khích để các em học cao hơn. Thật sự có thể làm được việc này nhưng tôi quá bận, không thu xếp được thời gian...”


Bà không muốn nói về những gì đã làm được, bởi: “Làm việc thiện: nhu cầu còn rất lớn (ý nói vẫn còn rất nhiều người cần được trợ giúp-PV), nhưng những gì chúng tôi làm được vẫn còn nhỏ bé, như hạt cát trên biển…”.

Kiều Chinh trong phim
Kiều Chinh trong phim "Phúc Lạc Hội"

Kiều Chinh là nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Sự nghiệp điện ảnh của bà bắt đầu với vai diễn chính trong phim Hồi chuông Thiên Mụ, Đạo diễn Lê Dân (1957). Kiều Chinh là diễn viên chính là người sản xuất bộ phim phản chiến Người tình không chân dung (1971), đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc.

Cuốn phim này năm 1973 đã được trao 2 giải thưởng tại Hội diễn Á Châu: Giải Diễn viên chính cho vai nữ mà Kiều Chinh đảm nhận và Giải Phim chiến tranh hay nhất. Năm 2003 phim được trình chiếu tại Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế tại Hoa Kỳ và Kiều Chinh được trao giải thường Thành tựu trọn đời.

Sau năm 1975 Kiều Chinh định cư tại Mỹ, tham gia nhiều bộ phim Hollywood. Năm 1993, Kiều Chinh vào vai Suyuan trong phim Phúc Lạc hội (the Joy Luck Club) của đạo diễn Wayne Wang. Với vai diễn này, tại Liên hoan phim Phụ nữ ở Turin (Italia) năm 2003, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất đặc biệt.

Theo VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh