Đoàn viên bữa cơm rước ông bà

09:02, 07/02/2016

Theo tục lệ tổ tiên, bữa cơm rước ông bà ngày cuối năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khoảnh khắc sum vầy ấm áp nhất, là sợi dây gắn kết gia đình, là bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Trong sâu thẳm mỗi người Việt Nam không ai là không nhớ đến bữa cơm chiều cuối năm.

 

Theo tục lệ tổ tiên, bữa cơm rước ông bà ngày cuối năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khoảnh khắc sum vầy ấm áp nhất, là sợi dây gắn kết gia đình, là bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Trong sâu thẳm mỗi người Việt Nam không ai là không nhớ đến bữa cơm chiều cuối năm.

Bữa cơm rước ông bà của mỗi gia đình có những nét độc đáo khác nhau.
Bữa cơm rước ông bà của mỗi gia đình có những nét độc đáo khác nhau.
Nét đẹp từ ngàn xưa

Người Việt Nam từ ngàn xưa đã có truyền thống thờ cúng tổ tiên và được duy trì cho đến ngày nay. Vào ngày cuối năm, con cháu thành tâm lo mâm cơm dâng cúng tổ tiên, rước ông bà về vui tết cùng gia đình. Đây là phong tục đẹp, một truyền thống quý báu, nhắc nhở mọi người nhớ về nguồn cội, nuôi dưỡng lòng tri ân.

Bữa cơm tất niên là bữa ăn cuối cùng của năm cũ nên thường được thực hiện vào chiều 29 hoặc 30 tết. Lúc đó, mọi công việc chuẩn bị tết cơ bản đã xong, nhà cửa đã trang hoàng, bàn thờ đã đầy đủ, nhang cúng mời tổ tiên được trịnh trọng thắp lên. Trong không khí ấm áp, bên mâm cơm có đủ các món truyền thống, con cháu thành kính nói với ông bà những việc đã làm tốt và những việc chưa làm được, hy vọng về một năm mới thuận lợi, bình an.

 

Thịt kho rệu, dưa cải chua là món không thể thiếu trên mâm cơm tết.
Thịt kho rệu, dưa cải chua là món không thể thiếu trên mâm cơm tết.

Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm ngũ quả thì mỗi vùng miền lại có những đặc sản, món ăn mang phong vị rất riêng. Người miền Nam giản dị, mộc mạc trong ẩm thực ngày cuối năm với những món ăn như thịt kho rệu, khổ qua dồn thịt hầm, bánh tét, tôm khô- củ kiệu, thịt gà luộc… Nhiều gia đình khá giả còn thêm các món chả lụa, bì, bánh tráng cuốn thịt luộc, chả giò, tôm rim nước dừa, vịt tiềm,…

Ngày cuối năm, từ sáng sớm, gia đình cô Trần Thị Mạnh (xã An Bình- Long Hồ) đã chạy ghe đi chợ tết mua hoa tươi, trái cây, thịt cá, rau củ để chuẩn bị cho bữa cơm cúng ông bà. Mỗi người trong gia đình đều có nhiệm vụ riêng, người thì lau dọn bàn thờ, người thì trang trí nhà cửa, chuẩn bị đón năm mới với hy vọng mọi điều tốt lành sẽ đến. “Bữa cơm rước ông bà của nhà tôi đơn giản thôi, nhưng nhất định phải có thịt kho rệu, dưa cải chua, khổ qua hầm, món xào thập cẩm, bánh tét, dưa hấu. Đặc biệt mọi người đều rất thích món bì nên cách một ngày trước tôi đã làm bì để vừa cúng ông bà vừa để con cháu thưởng thức”- cô Mạnh chia sẻ.

Còn đối với cô Trịnh Thị Lùng (Phường 4- TP Vĩnh Long) thì mâm cơm cúng ông bà nhất thiết phải có 3 món canh, kho, xào. Có thể làm các món khác nhau nhưng thường là rau củ xào, thịt kho rệu, canh khổ qua hoặc canh chua. “Tôi thường rước ông bà theo khẩu vị của ông bà, nếu ngày xưa ông bà thích ăn món gì thì mình làm món đó dâng lên bàn thờ để tỏ lòng thành kính”- cô Trịnh Thị Lùng chia sẻ.

Sum vầy bên nhau

Người Việt Nam rất coi trọng bữa cơm chiều cuối năm. Mọi người dù có đi làm, đi học xa, dù bận rộn đến đâu thì cũng cố gắng về tụ họp với gia đình trong thời khắc quan trọng này. Vậy nên người ta thường gọi mâm cơm chiều cuối năm là bữa cơm đoàn viên.

Chả lụa, bánh tét cũng luôn là món nằm bàn của nhiều gia đình.
Chả lụa, bánh tét cũng luôn là món nằm bàn của nhiều gia đình.

Mỗi khi xuân về, cảm giác hồi hộp, thiêng liêng, phấn chấn khi được dự bữa cơm tất niên và đón năm mới cùng những người thân yêu bao giờ cũng vẹn nguyên các giá trị. Điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người Việt Nam, trong đó có những người Việt Nam xa xứ.

Chị Trần Ngọc Diệp đang sinh sống tại Mỹ xúc động chia sẻ: “Bữa cơm rước ông bà luôn mang ý nghĩa quan trọng nhất đối với tôi. Cảm giác ấm áp, yên bình bên cạnh những người thân yêu, ăn uống những món ngon ngày tết, thăm hỏi vui vẻ với mọi người luôn khiến tôi nhớ thương, khắc khoải. Vì thế năm nào tôi cũng cố gắng sắp xếp để được về quê ăn tết, đón giao thừa cùng cả nhà”.

Bữa cơm tất niên, bữa cơm đoàn viên có ý nghĩa thiêng liêng, trọng đại, là sợi dây vô hình kết nối các thành viên, các thế hệ mỗi độ xuân về. Gia đình nào bữa cơm ấy càng đông, càng nhiều thế hệ quây quần thì hạnh phúc càng viên mãn.l

BÀI, ẢNH: ĐĂNG KHÔI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh