Suy nghĩ độc lập, sống tự lập

11:09, 25/09/2015

Ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi thấy mình có phúc hơn những người khác. Tôi có chồng là doanh nhân thành đạt, có các con ngoan ngoãn, học giỏi và có tính tự lập từ nhỏ. Khi những người bạn của tôi lo lắng không dám đi công tác xa vì "không biết cha con nó ăn uống ra sao" thì tôi hoàn toàn yên tâm. 

[links()]

Ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi thấy mình có phúc hơn những người khác. Tôi có chồng là doanh nhân thành đạt, có các con ngoan ngoãn, học giỏi và có tính tự lập từ nhỏ. Khi những người bạn của tôi lo lắng không dám đi công tác xa vì “không biết cha con nó ăn uống ra sao” thì tôi hoàn toàn yên tâm. Chồng tôi tuy là doanh nhân (nhà có người giúp việc) nhưng sẵn sàng lao vào bếp xắt thịt, rửa rau, làm nước chấm. Còn con trai, con gái tôi đều có thể nấu cơm, luộc rau, chiên trứng,… thậm chí còn bày vẽ món trứng chiên cà chua hay rau xào tỏi. Trong khi có người lo lắng con đi ra đường không biết sa ngã lúc nào thì các con tôi đều xác định, muốn làm người tốt, có đủ điều kiện sống tốt nhất thì chỉ có cách là chăm học. Nhờ vậy, các con học rất giỏi.

Để làm được điều đó, vợ chồng tôi phải tốn nhiều công sức dạy con từ khi các con còn rất nhỏ. Thế mà gần đây tôi bị mẹ chồng cho là tôi “đày con chẳng khác nào Osin”. Số là bà lên chơi nhà, thấy các con tôi phải tự dọn phòng mỗi sáng, tự giặt ủi quần áo, bà la toáng lên: “Thuê Osin làm gì mà bắt cháu tui cực khổ vậy, phải dành thời gian cho chúng nó học hành nữa chứ”. Tôi cố giải thích cho bà hiểu rằng đó là công việc nên làm của một người, không nên ỷ lại vào Osin. Bà giận dỗi bỏ về. Điều đáng ngạc nhiên là chồng tôi cũng “quay ngang”, cho là tôi quá đáng. Vợ chồng vì thế mà không vui.

Vì vậy, tôi đâm hoang mang, không biết mình dạy con có “quá đáng” như chồng tôi nói không? Mong trả lời.

Mỹ Phượng

Bạn nuôi con và dạy con như vậy thì còn ai bằng. Nhìn ra thế giới, dường như chỉ có các bà mẹ Việt Nam là ưu ái con nhiều quá, có người còn nuôi con trong “lồng kính”, không cho tiếp xúc với người lạ vì sợ lây bệnh; không cho con làm gì, vì nghĩ con có quyền được thụ hưởng những gì cha mẹ có. Nói chung, các con sống và làm theo lời các ông bố, bà mẹ mà nhiều khi không dám có chính kiến riêng mình. Lối sống lệ thuộc đó dẫn đến cuộc sống thụ động sau này. Vì vậy, trước muôn vàn hiện tượng phức tạp bên ngoài, các con trở nên thiếu “sức đề kháng” và cũng không đủ khả năng, bản lĩnh đánh giá bản chất vấn đề cũng như xử lý nó. Nhiều em vì vậy mà có những hành động ứng xử tiêu cực khi có va chạm hay gặp cú sốc nào đó.

Hoa Hồng khẳng định với bạn rằng bạn đã khéo dạy con và cũng khéo “thuần phục” ông chồng của mình cùng tham gia vào cách dạy con đó. Hãy tiếp tục dạy con những kỹ năng sống, để khi ra đời, con cái không bỡ ngỡ…

Hãy điểm lại những tháng ngày hạnh phúc khi cả nhà cùng vào bếp để có bữa ăn sốt nóng, ấm áp! Và cũng nên xem lại cách giao tiếp với mẹ chồng khi đó ra sao, nếu cần thì nên xin lỗi mẹ chồng.

Hoa Hồng tin rằng, chồng bạn sẽ vui và cùng bạn dạy con biết suy nghĩ độc lập, biết sống tự lập.

HOA HỒNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh