Làm mẹ là thiên chức của phụ nữ, nhưng không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được niềm hạnh phúc lớn lao này.
[links()]
Làm mẹ là thiên chức của phụ nữ, nhưng không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được niềm hạnh phúc lớn lao này. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn vẫn gian nan đi tìm thiên chức ấy. Nhiều trường hợp hiếm muộn còn làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và đe dọa hạnh phúc vợ chồng.
Làm mẹ là thiên chức cao quý của người phụ nữ. Ảnh mang tính minh họa |
Cạn nước mắt vì “trông” con
Nhận cú điện thoại của N.H.- cô bạn thời đại học, không nằm ngoài phán đoán của tôi, lại là chuyện con cái. Nhưng lần này cô ấy không khóc bù lu bù loa kể cho tôi nghe hàng tá những nỗi niềm, bức xúc, nhiều chuyện xảy ra quanh chủ đề hiếm muộn của cô ấy. N.H. nói cô đã hết nước mắt để khóc, từ cái lần sẩy thai đầu tiên khóc như mưa rồi lần sau nữa cũng vậy. Đã 2 lần mất đi thiên chức làm mẹ, cô khóc quá nhiều cho nỗi đau của mình để giờ nước mắt đã cạn khô theo những lời “xì xào” không hay từ chính những người cô xem là gia đình mình.
Lấy chồng được 6 năm, 2 năm đầu chưa có con, gia đình 2 bên bắt đầu thấp thỏm, với nhiều cố gắng “quyết kiếm con”. Năm thứ 3, N.H. mang thai, bà con họ hàng chúc mừng vợ chồng trẻ. Nâng niu chăm sóc đứa con mới hình thành như báu vật, nhà nội kỹ lưỡng từng chút một, buộc con dâu phải tuân thủ đủ điều, ăn uống theo “thực đơn hẳn hoi” để đứa cháu nội đích tôn của họ được khỏe mạnh. Không ngờ mới hơn 2 tháng thì N.H. bị sẩy thai. Đau đớn cùng cực, không khí u buồn bao trùm cả gia đình, nhưng mọi người cũng an ủi động viên N.H. cố gắng vượt qua.
Một năm sau, cô lại có tin vui. Lần này, N.H. cẩn thận từng chút một, đi khám bác sĩ bảo thai yếu, cô bạn phải xin nghỉ làm cả tháng trời để nằm nhà dưỡng thai. Qua 3 tháng, cả nhà thở phào nhẹ nhõm mừng thầm, nhưng thật nghiệt ngã lại bị sẩy thai lần nữa. N.H. như rơi vào trạng thái trầm cảm, đau buồn cùng cực. Lần này như trái bom nổ chậm, gia đình bên chồng tuy không gay gắt kỳ thị ra mặt như thời phong kiến ngày xưa nhưng họ đã nói những lời khiến N.H. bị tổn thương, ánh mắt, tình cảm họ dành cho cô cũng không còn như trước…
Vợ chồng N.H. đã dắt nhau đi khám ở nhiều nơi đều nhận được kết quả bình thường, có khả năng đậu thai, chỉ do cơ thể vợ chồng họ cần phải điều trị bổ sung một vài chất cần thiết để chuẩn bị tốt cho lần mang thai sắp tới. Nhưng kể từ đó đến nay đã 2 năm, cô vẫn chưa có thai trở lại. Mẹ chồng bắt cô phải uống đủ thứ thuốc đông y để dễ có con mà vẫn trông ngóng mỏi mòn. Vì chồng N.H. là con trai duy nhất nên đề tài hiếm muộn của cô luôn được đem ra bàn tán, gièm pha mỗi khi có dịp họ hàng tề tựu, khiến N.H. cảm thấy rất ngột ngạt trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí cô rất áp lực và nhiều lần tìm cách từ chối đến những dịp gia đình có đám tiệc đông đúc.
Đừng gây áp lực cho phụ nữ
Hiếm muộn không chỉ là vấn đề của người phụ nữ. Nguyên nhân có khi xuất phát từ người chồng, có khi là người vợ, hoặc cả 2 người. Cần phải có cái nhìn đúng đắn, thật khoa học và phải tìm đến những bệnh viện uy tín để thăm khám. Qua đó, biết được nguyên nhân chính xác để có hướng điều trị thích hợp. Trong vấn đề này, vai trò của người chồng rất quan trọng, người vợ sẽ khó vượt qua áp lực nếu không có sự đồng cảm, san sẻ từ chồng. Nếu người chồng quan tâm tìm hiểu, phối hợp cùng vợ đi khám và điều trị cùng nhau thì dễ đạt được kết quả tốt. Người chồng cũng chính là cầu nối để giúp người thân hiểu được vấn đề và có cái nhìn cởi mở hơn, tránh những nhận định không tốt về vợ mình.
Nhiều cặp vợ chồng đã không nản lòng, bỏ cuộc. Họ phải trải qua hàng chục năm điều trị, khi mái tóc đã điểm sương mới vỡ òa niềm vui được ôm ấp, bồng bế đứa con của mình.
Hành trình chữa vô sinh rất gian nan, vì thế, các bạn trẻ trước khi kết hôn cần đi khám tiền hôn nhân. Sau khi kết hôn, nếu bình thường mà 1 năm không có thai cũng nên đi khám sớm để được điều trị, can thiệp kịp thời. Nếu thực sự hiếm muộn, người bệnh cần tin tưởng vào quá trình điều trị, tin tưởng may mắn sẽ mỉm cười để có một tâm lý tốt nhất trong quá trình điều trị.
Chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại Bệnh viện Từ Dũ được triển khai từ năm 1997. Hiện nay, Bệnh viện Từ Dũ đã trở thành trung tâm TTTON lớn, thực hiện được nhiều kỹ thuật, số chu kỳ thực hiện hàng năm và có tỷ lệ thành công thuộc loại cao trong khu vực Đông Nam Á. Không chỉ thành công với kỹ thuật TTTON mà nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh khác như phẫu thuật tạo hình tử cung, phẫu thuật nối vòi tử cung đều được thực hiện rất hiệu quả tại Việt Nam. |
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin