Vượt mọi khó khăn từ tình yêu thương

03:06, 29/06/2015

Mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là hạnh phúc được chắt chiu, gầy dựng từ tình yêu thương của những thành viên trong nhà. Tình thương đó là điểm tựa vững chắc để vợ chồng cùng vượt qua những khó khăn, lớn lao hơn là con cái ngoan hiền, học hành giỏi giang.

[links()]

Mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là hạnh phúc được chắt chiu, gầy dựng từ tình yêu thương của những thành viên trong nhà. Tình thương đó là điểm tựa vững chắc để vợ chồng cùng vượt qua những khó khăn, lớn lao hơn là con cái ngoan hiền, học hành giỏi giang.

 Các gia đình tham gia thi nấu ăn.
Các gia đình tham gia thi nấu ăn.

Cô giáo Lê Thị Hồng Lộc (ấp Phước Long, xã Lộc Hòa- Long Hồ): Dạy con ưu tiên mua quyển tự điển trước khi mua đôi dép mới”

Cô giáo Lê Thị Hồng Lộc.
Cô giáo Lê Thị Hồng Lộc.

Là giáo viên, nên chị Hồng Lộc dạy dỗ con cái vào nề nếp ngay từ nhỏ. Có 4 điều quan trọng chị đặt ra với con mình, đó là: tính tự lập, lòng yêu thương, ưu tiên hàng đầu cho việc học và phải biết tiết kiệm trước khi biết tiêu xài. Những phút trải lòng chân thành của cô giáo Hồng Lộc rất đáng để các bậc phụ huynh quan tâm: “Tôi dạy con tính tự lập ngay từ việc nhỏ nhất. Điều đó giúp các con tự ý thức và lớn lên không ỷ lại, lệ thuộc vào người khác. Các con phải biết nấu cơm, phải tự giặt quần áo, nhờ vậy dù cha mẹ có đi xa thì vẫn cảm thấy an tâm”.

Những đứa trẻ dù có thông minh, giỏi giang đến đâu cũng cần phải biết yêu thương, phải ý thức được tình yêu thương của gia đình và phải biết quan tâm đến những người xung quanh. Theo chị Hồng Lộc, đó là cội rễ để hình thành nên nhân cách của các con: “Để con cái biết yêu thương và ý thức được tình yêu thương từ gia đình, là cội rễ của mọi mối quan hệ trong cuộc sống, tôi dạy các con biết quan tâm đến những người xung quanh. Chẳng hạn như có quà bánh từ nhà, vào lớp chia cho các bạn cùng bàn, có nhiều hơn thì chia cho các bạn cùng tổ...”.

Riêng việc học của các con luôn được đặt lên ưu tiên hàng đầu, nhưng chị không tạo nên áp lực bằng những kỳ vọng, mà chỉ định hướng, tiếp sức và động viên con cái. Có một điều rất hay là chị Hồng Lộc dạy con biết quý trọng đồng tiền, không hoang phí và làm khổ cha mẹ. Các con biết tiết kiệm qua nhận thức phải luôn giải quyết cái “cần có” trước cái “muốn có”. Chẳng hạn mua một quyển tự điển sẽ được ưu tiên trước khi mua một đôi dép mới.

Dạy con chu đáo từ những việc nhỏ nhất, giúp con hình thành nhân cách tốt; đồng thời với sự đảm đang và lòng yêu thương dành cho chồng con, mà cô giáo Hồng Lộc cùng với gia đình vượt qua những giai đoạn khốn khó nhất, khi chồng bị bệnh nặng, nhà cửa trống huơ, trống hoác khi cơn bão số 9 năm 2006 đi qua. Giờ đây, 2 cô con gái đều đã tốt nghiệp đại học. Đó chính là quả ngọt hạnh phúc gia đình, bù đắp cho những tháng ngày cơ cực đã qua.

Nông dân giỏi Nguyễn Văn Tạo (xã Trường An- TP Vĩnh Long): Tan biến mệt mỏi khi về tới cổng thấy nụ cười vợ con

 Ông Nguyễn Văn Tạo.
Ông Nguyễn Văn Tạo.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, nên khi lập gia đình ra riêng ông Tạo cũng làm nông dân canh tác 2 công ruộng và 2 công vườn cha mẹ cho. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, kinh tế còn rất khó khăn, việc canh tác ruộng vườn không đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, 2 đứa con lần lượt ra đời nên khó càng thêm khó. Nhưng nhờ chí thú làm ăn, có quyết tâm cao với phương châm sống: “Có chí thì nên”, ông Tạo bền bỉ cải tạo mảnh vườn, trồng xen 80 gốc dừa, tận dụng diện tích canh tác rau màu tăng thu nhập, cho đến nay ông đã mua thêm được 6 công vườn, kinh tế gia đình rất ổn định.

Ông Tạo tâm sự: “Càng vất vả thì vợ chồng tôi càng cần cù, trì chí, tích cực lao động hơn”. Vợ chồng hạnh phúc, con cái có công việc ổn định, gia đình văn hóa mẫu mực, nên ông Tạo được bà con tín nhiệm bầu vào rất nhiều tổ chức, đoàn thể ở xóm ấp. Do đó, ông luôn bận rộn với nhiều công tác xã hội; nhưng “mỗi khi về tới cổng nhà thấy vợ, con cười tươi đứng đón, còn các cháu giành nhau để được ông ôm, đứa kêu ông nội, đứa kêu ông ngoại, tôi cúi xuống ôm hôn các cháu, là bao nhiêu phiền não, bực bội và mệt mỏi tan biến ngay”- ông Tạo chia sẻ trong nụ cười rạng rỡ.

Gương điển hình xây dựng nông thôn mới Cao Thanh Hùng (xã Long Mỹ- Mang Thít): “Chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Ông Cao Thanh Hùng.
Ông Cao Thanh Hùng.

Đối với ông Hùng, một gia đình hạnh phúc thật sự là khi “vợ chồng luôn hòa thuận, yêu thương và cùng nhau nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái nên người”. Mặc dù sống ở vùng nông thôn, nhưng ông luôn ý thức rằng, phải cho con cái học hành tới nơi, tới chốn để giúp ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội, để các con biết sống có trách nhiệm, có nề nếp, biết yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ. Nhờ đó, cả 4 người con của ông Hùng đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Nhưng trong những tháng năm nuôi các con ăn học, gia đình ông Hùng cũng từng lâm vào cảnh túng thiếu, phải vay mượn hai bên nội ngoại. Giờ đây kinh tế ổn định, ông lại rất hăng hái tham gia các công tác xã hội, có nhiều đóng góp cho địa phương, như: hỗ trợ Trường THCS Long Mỹ 2 triệu đồng mua máy vi tính, hỗ trợ cho Trung tâm Văn hóa- Đình làng Long Mỹ 3 triệu đồng mua bộ lư; gần đây nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Hùng đã tự nguyện hiến 800m2 đất ruộng để làm đường giao thông nông thôn. Ông Hùng cho rằng: “Dù việc làm của tôi rất nhỏ nhưng tôi cảm thấy tự hào, vì đã góp một phần công sức xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển vững mạnh”.

Mỗi một gia đình văn hóa, hạnh phúc như một đóa hoa đẹp, góp hương sắc vào vườn hoa chung của toàn xã hội. Như phát biểu tại hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu 2013- 2015 của ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Chúng tôi tin tưởng rằng, 109 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc về dự hội nghị hôm nay sẽ luôn là tấm gương sáng, cùng với chính quyền địa phương xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh nhất là xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, phòng ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, không có nạn bạo hành trong gia đình, để mọi thành viên được sống yên vui, hạnh phúc”.

Qua cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013- 2015, đời sống vật chất và tinh thần của từng hộ gia đình không ngừng được nâng lên, tình đoàn kết xóm làng được tăng cường, ý thức chấp hành luật pháp càng cao... góp phần chuyển biến tích cực đến các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh