Tự sát vì tình có phải là hồi chuông cảnh báo cho lối sống sai lầm, lệch lạc hoặc chỉ nghĩ đến bản thân của một số người trẻ hiện nay khi thất vọng trong tình cảm?
[links()]
Tự sát vì tình có phải là hồi chuông cảnh báo cho lối sống sai lầm, lệch lạc hoặc chỉ nghĩ đến bản thân của một số người trẻ hiện nay khi thất vọng trong tình cảm?
Một tình yêu đẹp, bền vững phải xuất phát từ sự tôn trọng, tin tưởng, cùng nhau nhìn về một hướng.(Ảnh mang tính minh họa) |
Chọn cái chết để uy hiếp?
Nghe tin D.- cô em họ, uống thuốc sâu tự tử được phát hiện kịp thời đang nằm cấp cứu ở bệnh viện, tôi không cảm thấy kinh ngạc mà lại thở dài ngao ngán bởi đây là lần thứ ba cô ấy tìm cái chết để uy hiếp anh chàng người yêu của mình. D. và bạn trai quen nhau và yêu nhau suốt những năm đại học tại TP Hồ Chí Minh, tốt nghiệp ra trường vì là con gái duy nhất ở nhà nên D. phải về quê làm việc và sống gần cha mẹ. Anh chàng người yêu dân Sài Gòn dĩ nhiên phải sống và làm việc tại nơi ấy. Với bản tính hay nghi kỵ, hờn ghen vô cớ, cô em họ của tôi một tháng hết 20 ngày soi mói giận hờn người yêu vì “xa mặt cách lòng”. Còn anh chàng kia thật sự là một người tốt tính, yêu thương và hứa hẹn khoảng một hai năm nữa ổn định sự nghiệp sẽ về quê cưới cô nàng.
Nhưng vì không ở gần nhau nên có chút gì như gọi điện thoại không bắt máy hay lên facebook thấy ảnh bạn trai chụp chung với phụ nữ cho dù là đông người, chụp chung cùng đồng nghiệp, có cử chỉ gần gũi, vui vẻ gì với ai thì D. cũng hờn giận, gọi điện khóc lóc trách hờn đủ điều. Lần đầu tiên tự sát là sau một trận cãi nhau kịch liệt cũng vì tính ghen tuông vô cớ của D. Anh chàng người yêu một phen hoảng vía chạy bay xuống, ở bên cạnh chăm sóc cô chu đáo. Thấy “chiêu” của mình hiệu quả, D. đã làm lần thứ hai và nay là lần thứ 3 cũng chỉ vì lý do ghen tuông, yêu cầu anh chàng chạy ngay xuống với cô nhưng đã bị từ chối thẳng thừng. Tôi gọi điện thoại hỏi thăm người yêu của D. thì nhận thấy được một sự chán chường, mệt mỏi và hơn hết là một câu kết mà tôi cũng lo sợ không kém cho số phận em họ mình là ngay sau khi chăm sóc cô nàng khỏe mạnh lại anh ta sẽ nói lời chia tay vì không thể chấp nhận được tính cách “bệnh hoạn” của cô ấy. Đối với anh bây giờ chỉ là sự chán nản, sợ hãi và chịu đựng, tình yêu đã dần chết và anh không muốn cuộc đời của hai người còn rất trẻ như thế, tương lai lại có thể không lối thoát.
May mắn hơn D., T. T. cũng đã 2 lần tự tử vì người yêu đòi chia tay sau những lần cãi vã. Nhưng cuối cùng anh ta cũng chịu “đầu hàng” vì sợ mình mang tiếng là “tội đồ”. Đám cưới diễn ra, con trai đầu lòng ra đời, cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua nhưng người thân thiết tinh ý nhìn vào sẽ thấy được vợ chồng họ có cái gì đó không say đắm, không hòa hợp, anh chồng không có sự tôn trọng, nâng niu người vợ mình, mà T. luôn răm rắp nghe lời chồng, ở nhà nội trợ chăm sóc chồng con. Phải chăng tình yêu, sự tôn trọng dành cho T. đã dần chết theo 2 lần tự tử, giờ anh chỉ sống vì trách nhiệm?
Đừng hành động thiếu suy nghĩ
Việc tự tử vì tình là phản ứng tiêu cực để níu kéo những thứ không còn thuộc về mình. Hầu hết những bạn trẻ tìm đến lựa chọn này đều mong muốn tìm thấy lại sự yêu thương, quan tâm lo lắng của đối phương dành cho mình và trên hết là nghĩ rằng đối phương sợ điều này nên sẽ không làm tổn thương đến mình. Đó là những trường hợp dùng cái chết để “dọa” như trường hợp của D. ở trên, bởi trước khi tự tử, D. đều “bật tín hiệu” với một trong những người thân quen của mình để… ai nấy đều biết. Còn đối với những trường hợp thất tình muốn chết thật thì càng không nên. Bởi đấy là tính cách yếu đuối, ích kỷ,
không nghĩ đến những người thân yêu của mình.
Các bạn trẻ đừng suy nghĩ đơn giản như thế, việc tìm đến cái chết sẽ dần làm mất đi giá trị của bản thân trong mắt người khác, làm cho mâu thuẫn càng tăng thêm, lúc đó chỉ còn sự chịu đựng, trách nhiệm, thậm chí là sự chán chường.
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục thì giới trẻ ngày nay có cuộc sống quá đầy đủ, trong mắt họ chỉ nỗi đau do tình yêu mang đến là điều khốn khổ nhất và không thể chịu đựng. Các bạn nên nghĩ đến những điều tốt đẹp khác xung quanh mình, hãy sống thật tốt vì gia đình. Nếu những người trẻ có được những người bạn để tâm sự, có ba mẹ lắng nghe, động viên và hướng dẫn sống tích cực, kiên cường thì tin rằng chẳng ai bế tắc đến mức phải chọn cách tự tử.
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên rằng hãy yêu thương bản thân trước khi yêu thương một ai đó. Hãy thật thông minh, nhạy bén, quan sát, tìm hiểu bằng một cái đầu lạnh và một trái tim nóng để có thể chọn cho mình một người thực sự phù hợp. Các bậc phụ huynh cũng nên tâm lý để hiểu, đồng cảm với những suy nghĩ của con, là người bạn đồng hành để dễ dàng định hướng, chia sẻ với con những kỹ năng cần thiết.
Các bạn trẻ nên nhớ rằng bên cạnh mình có gia đình là nơi luôn rộng mở che chở cho đứa con của mình, rồi còn bạn bè, tương lai sự nghiệp và một cơ hội tốt đẹp khác đang chờ phía trước. Chỉ cần tỉnh táo, mạnh mẽ, sẵn sàng mở lòng ra và nhìn mọi thứ dưới một ánh mắt tích cực, mọi thứ tốt đẹp sẽ đến.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin