Hãy trân trọng, gìn giữ và vun đắp "gia đình"!

02:06, 26/06/2015

Cũng như "Tổ quốc", "gia đình" là 2 tiếng gọi rất đỗi thiêng liêng trong lòng của mỗi một con người khi nhắc đến! Dù bạn đi đâu, ở xa hay ở gần thì 2 tiếng gia đình vẫn mãi luôn trong tâm khảm bạn.

[links()]

Cũng như “Tổ quốc”, “gia đình” là 2 tiếng gọi rất đỗi thiêng liêng trong lòng của mỗi một con người khi nhắc đến! Dù bạn đi đâu, ở xa hay ở gần thì 2 tiếng gia đình vẫn mãi luôn trong tâm khảm bạn.

Gia đình còn là nơi hình thành và phát triển nhân cách. Ảnh: VINH HIỂN
Gia đình còn là nơi hình thành và phát triển nhân cách. Ảnh: VINH HIỂN

Có khi khắc khoải, cồn cào; có khi bồi hồi, rạo rực mong muốn được về, ở, sinh sống trong mái ấm gia đình. Để rồi ở đó, chúng ta sẽ có được cảm giác bình yên; được yêu thương, chở che, đùm bọc; được chăm sóc từng thành viên trong gia đình; được sống trong bầu không khí hạnh phúc mà đôi lúc tưởng chừng như chúng ta quên hẳn nó, với nhiều lý do. Vì sao như vậy? Lý giải điều này, chúng ta sẽ cảm nhận vì sao chúng ta phải trân trọng, gìn giữ và vun đắp “gia đình”.

Vai trò quan trọng của gia đình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng và quan tâm đến công tác gia đình. Người đã từng khẳng định: “Hạt nhân của xã hội là gia đình, chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”; “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt; gia đình tốt thì xã hội mới tốt” (trích trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập III, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội). Người chính là tấm gương sáng trong, tiêu biểu, rạng ngời; là sản phẩm của một gia đình hạt nhân vốn giàu truyền thống yêu nước. Người cũng là bằng chứng sống động về mọi mặt, mà các nước trên thế giới đều phải khâm phục. Như vậy, rất rõ ràng gia đình truyền thống Việt Nam đã không chỉ sinh ra vị lãnh tụ tài ba xuất chúng Hồ Chí Minh; mà còn sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, tiền hiền, dũng tướng trong mọi thời đại... và điều này được minh chứng cụ thể, đủ đầy qua những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Kế thừa tư tưởng của Người, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xem trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình. Trong Chỉ thị số 49-CT/TW của BCH Trung ương Đảng đã nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thông qua Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam để đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân, thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu chung là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Điều này, càng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước trong việc giữ gìn bản sắc gia đình Việt Nam.

Những việc cần làm

Thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; sống và làm việc theo đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chúng ta phải làm gì để gìn giữ, vun đắp cho gia đình, cho tế bào của xã hội, để góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc? Thiết nghĩ, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Đối với ngành chức năng: Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực gia đình; tích cực tuyên truyền vận động toàn dân xây dựng gia đình văn hóa, thì cần phải chú trọng đến những giải pháp cụ thể để ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hàng năm trở thành một ngày lễ kỷ niệm thật sự đi vào lòng mỗi người dân cũng giống như các ngày lễ đặc biệt khác trong năm; để khi đến ngày 28/6, bản thân của mỗi người ý thức được mình phải có trách nhiệm với gia đình; để những con người đất Việt xa xứ hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp của gia đình, những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Để rồi, mỗi người cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay về.

Đối với cộng đồng, xã hội: Chúng ta đừng sống vô cảm, lơ là đối với mọi người; đừng hãm hại lẫn nhau. Hãy quan tâm, giúp đỡ và động viên nhau; hãy sống chân thành với nhau trên tinh thần đồng chí, đồng đội, đồng bào.

Đối với cá nhân: Chúng ta đừng xao nhãng, bỏ mặc, thiếu quan tâm gia đình. Đừng từ bỏ gia đình; hãy dành thời gian để thể hiện sự yêu thương, chăm sóc, chia sẻ với các thành viên trong gia đình; hãy nâng niu, quý trọng tình cảm của gia đình, họ hàng, dòng tộc, xóm giềng.

Đối với hệ thống chính trị: Hệ thống chính trị của chúng ta là vì dân. Vì vậy, quan tâm đúng mức việc xây dựng gia đình của mọi người dân cũng là trách nhiệm của hệ thống chính trị. Nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở luôn phải xem trọng công tác gia đình, có giải pháp chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các mục tiêu về xây dựng gia đình văn hóa theo yêu cầu đề ra.

Trong mỗi chúng ta, dù ở vị trí nào, vai trò nào, nếu cùng suy gẫm, quan tâm thực hiện những vấn đề trên, thì trước tiên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chính chúng ta, cho gia đình chúng ta và cho cả cộng đồng xã hội; đồng thời sẽ góp phần to lớn trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta còn góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi những khó khăn thách thức, những trở ngại của mặt trái nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hiện nay như: nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang bị phai nhạt; tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ có xu hướng tăng lên… Những hạn chế này đang khiến cho nhiều gia đình Việt Nam có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nền tảng xã hội thiếu vững chắc.

Như vậy, bằng trách nhiệm của mỗi người, chúng ta hãy trân trọng, gìn giữ và vun đắp cho gia đình ngày càng là tế bào lành mạnh của xã hội, là nền tảng vững chắc của đất nước; đồng thời tích cực động viên mọi người thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, thể hiện trách nhiệm đối với tưong lai của dân tộc.

SEN VÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh