'Nhà thiết kế công chúa' Nguyễn Minh Công trổ tài làm bánh Nam Bộ

02:09, 09/09/2021

Trân quý khoảnh khắc bên gia đình trong thời gian giãn cách xã hội, nhà thiết kế Nguyễn Minh Công làm bánh đãi cả nhà. Anh thích làm các loại bánh dân gian Nam Bộ: bánh da lợn, bánh bèo, bánh ướt, bánh chuối, bánh ít, bánh tằm khoai mì...

 

 

Nguyễn Minh Công chăm chút cho từng món ăn
Nguyễn Minh Công chăm chút cho từng món ăn "ngon nhưng cũng phải đẹp"

Trân quý khoảnh khắc bên gia đình trong thời gian giãn cách xã hội, nhà thiết kế Nguyễn Minh Công làm bánh đãi cả nhà. Anh thích làm các loại bánh dân gian Nam Bộ: bánh da lợn, bánh bèo, bánh ướt, bánh chuối, bánh ít, bánh tằm khoai mì...

Nhắc đến nhà thiết kế Nguyễn Minh Công, mọi người sẽ nghĩ ngay đến "nhà thiết kế công chúa" bởi sự nghiệp thời trang của anh gắn liền với những mẫu váy áo "đậm chất công chúa".

Anh đánh dấu sự nghiệp bằng những sô diễn thời trang ấn tượng, đặc biệt là dự án sách ảnh lưu lại những tác phẩm đẹp nhất trong 5 năm theo đuổi thời trang.

Trong những ngày giãn cách xã hội, Nguyễn Minh Công may mắn có nhiều thời gian ở bên gia đình. Anh cùng mọi người nấu ăn rồi thưởng thức cùng nhau.

Anh đã thực hiện nhiều loại bánh dân gian được nhiều người yêu thích như: bánh bèo, bánh ướt, bánh chuối, bánh ít, bánh tằm khoai mì..., đặc biệt là món bánh da lợn nằm trong top 100 loại bánh ngọt ngon nhất thế giới được trang ẩm thực nổi tiếng TasteAtlas công bố gần đây.

Nhà thiết kế Nguyễn Minh Công cho biết: "Trước đây hoàn cảnh khó khăn nên mẹ thường làm đủ các loại bánh cho cả nhà cùng ăn. Dịp này về quê (Vĩnh Long) có nhiều thời gian nên mình làm các loại bánh mẹ hay làm để nhớ lại tuổi thơ. Có lẽ được thừa hưởng gen khéo tay của mẹ nên mình làm món bánh nào cũng thành công ngay từ lần đầu tiên".

"Mình hay ví von nấu ăn cũng giống như thời trang. Mình phải dành tâm huyết cho món ăn, đặt toàn tâm toàn ý thì mới thành công được. Mình thấy nấu ăn giúp rèn luyện được tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và tinh tế", Nguyễn Minh Công cho biết thêm.

Vậy nên ngoài có nguyên liệu tốt, công thức hay thì người làm bánh cần phải cố gắng làm đến cùng mới có món ăn ngon. Nếu vội vàng bỏ đi bước nào đó dù là nhỏ nhất sẽ không thu về được kết quả tốt.

Công thức món bánh da lợn, bánh bèo, bánh ướt ngọt và chè bưởi của nhà thiết kế Nguyễn Minh Công:

* Bánh da lợn

Nguyên liệu:

Bột màu xanh

- 240g bột năng

- 80g bột gạo

- 200ml nước lá dứa

- 200ml nước cốt dừa

- 100g đường

Bột màu trắng

- 100g đậu xanh

- 50g bột năng

- 35g bột gạo

- 200ml nước cốt dừa

- 100g đường

- 1 ống vani

- Mè

Thực hiện:

Đậu xanh ngâm 3 tiếng, nấu chín tán nhuyễn cho vào bột năng, bột gạo hòa cùng nước cốt dừa để có phần bột màu trắng.

Cho phần bột năng và bột gạo vào hỗn hợp nước lá dứa và cốt dừa để có phần bột màu xanh.

Chuẩn bị khuôn: thoa dầu đều khuôn và đem hấp nóng 5 phút.

Sau đó, cho lớp bột đầu tiên vào. Lưu ý cho bột vào chén để canh định lượng cho các lớp bột đều nhau.

Lớp đầu tiên hấp 5 phút thì cho lớp thứ 2 vào, xen kẽ bột màu trắng và màu xanh, đồng thời tăng thời gian hấp thêm 1 phút mỗi lớp, tức là lớp thứ 2 sẽ là 6 phút.

Đến lớp cuối cùng thì hấp thêm 20 phút nữa để bánh chín đều.

Lấy bánh ra rắc một ít mè rang lên trên mặt. Bánh để tầm 3 đến 4 tiếng sẽ dùng được.

* Bánh bèo

Nguyên liệu:

- 400g bột gạo

- 40g bột năng

- 1 lít nước (650ml dùng trộn bột, 350ml dùng nấu đường)

- 100g đường thốt nốt

- 200g đậu xanh

- 500ml nước cốt dừa

Thực hiện:

Cho 650ml nước vào bột gạo, bột năng trộn đều. Sau đó, để 15 phút cho bột nở.

Nấu 350ml nước còn lại với 100g đường cho tan. Nước đường đang sôi cho hỗn hợp bột trên vào và để thêm 15 phút nữa thì đổ bánh. Lưu ý, cho thêm ít muối để bánh thanh hơn.

Thoa dầu ăn vào khuôn và đem hấp 5 phút. Tiếp theo, cho bột vào khuôn và hấp 6 phút bánh sẽ chín.

Đậu xanh sau khi ngâm, đem nấu chín. Sau đó, cho 100ml nước cốt dừa vào nấu nhừ đậu xanh.

400ml nước cốt dừa còn lại đem đun sôi cùng một ít bột năng để làm nước cốt dừa.

Bánh bèo ngọt khi ăn quệt một miếng nhân đậu xanh ăn kèm với nước cốt dừa sền sệt vừa béo vừa bùi lại dẻo tạo nên cảm giác ngon miệng.

* Bánh ướt ngọt

Nguyên liệu:

Phần vỏ bánh

- 300g bột năng

- 200g bột gạo

- 250g đường

- 1 lít nước

Phần nhân

- 200g đậu xanh

- Dừa rám vỏ

- Muối, đường

Thực hiện:

Cho bột năng, bột gạo và đường vào thau nước. Lưu ý cho thêm một ít dầu ăn để khi tráng bánh dễ lấy ra.

Dừa nạo trộn cùng đậu xanh đã nấu chín thêm ít đường và ít muối để cho phần nhân đậm đà.

Tráng bánh có thể dùng vải bọc hoặc lá chuối đều được.

Sau khi tráng xong cho nhân vào và cuộn lại. Bánh ăn cùng mè rang sẽ thơm ngon hơn.

* Chè bưởi

Nguyên liệu:

- 100g đậu xanh

- Cùi bưởi (1 trái)

- Bột năng

- 200g đường thốt nốt

- 100g đường cát

Thực hiện:

Đậu xanh ngâm và hấp vừa chín tới (còn nguyên hạt).

Cùi bưởi cắt sợi hoặc cắt hạt lựu. Sau đó rửa với muối khoảng 5 đến 7 lần cho hết chất the trong vỏ.

Tiếp theo đem luộc nhanh với ít phèn chua. Tác dụng của phèn giúp bưởi trắng và giòn hơn. Xả sạch với nước 4 đến 5 lần.

Sau đó, ướp đường cát và bột năng. Luộc đến khi cùi bưởi trong thì vớt ra ngâm vào nước đá.

Nấu đường thốt nốt cho tan, sau đó cho cùi bưởi lúc nãy vào nấu cùng đậu xanh. Nước sôi lại thì cho bột năng pha loãng tạo độ sánh đặc cho chè. Khi nước trong lại là có thể dùng được.

Chè bưởi ăn ngon nhất khi ăn cùng với đá lạnh, cùng nước cốt dừa và đậu phộng rang.

 

Theo Hoài Phương (Báo Tuổi Trẻ)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh