Món xôi tự nấu trong những ngày giãn cách, lại gợi nhớ dắt dây về những gói xôi thuở còn đi học, lại nhớ về "cuộc thi ẩm thực cổ xưa nhất" của tổ tiên thời các vua Hùng, lại tự hiểu thêm chút nữa tầm vóc, chiều sâu xa tinh tế trong phẩm vật bánh chưng, bánh dầy.
Món xôi ngày giãn cách gợi niềm tự hào văn hóa ẩm thực Việt Nam. |
(VLO) Món xôi tự nấu trong những ngày giãn cách, lại gợi nhớ dắt dây về những gói xôi thuở còn đi học, lại nhớ về “cuộc thi ẩm thực cổ xưa nhất” của tổ tiên thời các vua Hùng, lại tự hiểu thêm chút nữa tầm vóc, chiều sâu xa tinh tế trong phẩm vật bánh chưng, bánh dầy.
Và cảm thấy tự hào rằng, dân tộc Việt Nam đã góp vào nền ẩm thực nhân loại một bước tiến vĩ đại qua món ăn trải hàng ngàn năm mà vẫn chưa hề lỗi thời, lạc hậu.
Xôi chính là thành quả lao động của nền văn minh lúa nước khu vực Châu Á. Dấu tích còn lưu giữ đến ngày nay là những món xôi, bánh nếp được dâng cúng trang trọng trên bàn thờ mỗi gia đình dịp tết nhứt, giỗ quải, dâng cúng lên đình miếu, ngày giỗ Hùng Vương… tỏ lòng ghi dấu tri ơn.
Nhật Bản có món bánh nếp bắt buộc phải có trong Tết cổ truyền là bánh Omochi, hình dạng như bánh ít trần vậy nhưng vẫn chưa thể công phu bằng loại bánh chưng của người Việt Nam chúng ta.
Từ nhỏ, ai cũng đã được học bài lịch sử truyền ngôi đời vua Hùng thứ 18, đơn giản chỉ nghĩ là một món ăn ngon, rồi cả đời, rồi “mấy mươi mùa bánh chưng”, bánh tét trôi qua vẫn chưa hiểu thấu đáo, tầm vóc lớn lao trong “cuộc thi ẩm thực lịch sử” và món ăn vô cùng độc đáo, đặc sắc văn hóa- xã hội Việt từ thuở sơ khai.
Trong lịch sử tiến hóa nhân loại, nền văn minh tìm ra lửa đã đưa loài người từ bỏ tục ăn sống bước vào thời kỳ ăn chín; nhưng cơ bản món nướng chưa phải là sự dụng công của quy trình chế biến.
Bánh chưng của người Việt Nam là một bước tiến mới của loài người, có các dụng cụ bếp, cách thức nấu không trực tiếp với lửa và có sự chế biến cầu kỳ phối hợp gạo nếp với các loại ngũ cốc và thịt động vật. Thể hiện nền văn minh lúa nước phát triển qua giai đoạn nuôi trồng.
Đặc biệt, sự thông minh qua cách gói bánh bằng lá và thời gian nấu chín món ăn, có thể nói phẩm vật bánh chưng xuất hiện vào thời kỳ mấy ngàn năm trước nó là một phát minh vĩ đại, phát huy được những sản vật của nền văn minh lúa nước cổ xưa và tạo dựng nền tảng cho văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc.
Theo tiêu chí các cuộc thi ẩm thực thế giới ngày nay, cũng khó thể tìm ra món ăn nào được chế biến khó, cầu kỳ và bao trùm những ý nghĩa sâu xa, tinh tế như thế.
Người suy nghĩ ra phẩm vật đó vào thời kỳ cổ xưa, không đơn thuần là một “đầu bếp giỏi”, mà thể hiện tài kỷ trị đất nước và nói theo thời hiện đại còn có năng lực lo cho nền an ninh lương thực quốc gia.
Những suy nghĩ trên cơ sở văn hóa, khoa học, niềm tự hào không phải là sự suy diễn, tự đề cao; thực tế món bánh chưng của người Việt Nam thuộc về dân gian có nhiều người làm được, nhưng chưa chắc những “vua đầu bếp” thế giới có thể hoàn thành xuất sắc. Lạ chỗ đó và hay chỗ đó.
Trải mấy ngàn năm cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nền văn minh lúa nước được phát triển rực rỡ, lưu truyền và phong phú hóa, biến hóa theo tiến trình khai mở của từng vùng địa lý khác nhau.
Hạt gạo nếp vừa là biểu tượng văn hóa lịch sử, vừa là nguyên liệu vô giá được sánh như “hạt ngọc trời ban” được hóa thân vào vô vàn những món ăn dân dã đậm đà bản sắc và cả những món ăn tinh tế, cao sang. Một nguyên liệu chính nuôi sống con người, cũng có thể trở thành những món ăn chơi thỏa cái nhu cầu ẩm thực đa dạng.
Từ gói xôi lót dạ, cho đến phẩm vật dâng cúng trang nghiêm lên bàn thờ ông bà, tổ tiên, càng nghĩ càng thấy quý, thấy trân trọng tràn ngập sự hàm ơn nguồn cội.
Sự thích ứng, thích nghi và sự biến hóa phong phú của những món ăn từ gạo nếp, cũng tương đồng những đức tính quý báu của người Việt Nam cần cù, lao động vừa thông minh sáng tạo, vừa có thể linh hoạt ứng phó tùy không gian, hoàn cảnh mà thích nghi, mà thích ứng vượt qua.
Ngay những lúc này đây khi nhà hết gạo tẻ, thì cũng chỉ cần lon gạo nếp đồ nồi xôi đậu giản đơn, là có thể ngon miệng, no dai cho đến xế chiều.
Và không thể nào quên những món xôi gói lá chuối lót dạ đến trường, lâu lâu “sang chảnh” thì có gói xôi bao bằng những cái bánh kẹp thơm lừng, bên trong đầy đủ chất, vị của muối mè, dừa nạo, đậu đen…
Thấy tự hào ẩm thực Việt Nam của chúng ta, nhìn… lớt phớt bề ngoài khó lòng mà hiểu cho thấu đáo. Sinh ra và lớn lên, cả đời ăn xôi nếp cũng chắc gì hiểu hết một đời “hạt ngọc trời ban”!
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin