Những ngày giãn cách toàn xã hội, bữa cơm quê ở miệt đồng không câu nệ cầu kỳ, nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, khẩu vị của từng người trong gia đình trong thời gian "buộc chân bó gối".
Những ngày giãn cách toàn xã hội, bữa cơm quê ở miệt đồng không câu nệ cầu kỳ, nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, khẩu vị của từng người trong gia đình trong thời gian “buộc chân bó gối”.
Bữa ăn đơn giản miệt đồng ngày giãn cách |
Được ăn bữa cơm ngọt lành đậm vị quê hương thì còn gì bằng. Bữa cơm cây nhà lá vườn nhà tôi giản đơn lắm.
Chỉ có vị ngọt ngào tô canh rau tập tàng má hái ở sau hè, thoảng mùi thơm dĩa cá tươi chiên giòn mà anh rể tôi đổ dớn có được, chấm với nước mắm cá linh má nấu để dành ăn dần trong năm, món chả da đầu heo má làm cả chục đòn ăn dần, hũ dưa chua ăn cho đỡ ngán.
Trái cây cũng được chị hàng xóm cho hoặc tự trồng ở nhà. Bữa cơm quê những ngày này mỗi nhà mỗi khác, nhà tôi ở đồng xa chợ, siêu thị nên nhà có gì thì ăn nấy.
Canh rau tập tàng nhà tôi |
Đầu tiên, món canh rau tập tàng
Tập tàng là tên gọi chung của một tập hợp nhiều loại rau như: rau má, rau dền gai, rau sam, mã đề, mồng tơi, bồ ngót, lá lốt, rau trai, ngò tàu, rau ngổ, rau éo...
Ở món này, má tôi cắt bồ ngót, rau má, rau trai ở sau hè. Sau những trận mưa ở miền quê nên rau non và tươi xanh. Các loại rau má đem vô, tôi rửa sạch, để ráo nước.
Thay vì nấu đúng "chất" là phải có cua đồng, tép trấu mới bắt về nhưng trong tình hình dịch bệnh này thì má dùng thịt nạc heo băm nhuyễn, ướp chút xíu hành, tiêu, nước mắm cho thấm. Vừa tiết kiệm thời gian, lại ít tốn công.
Má bắc nồi nước chờ sôi, cho thịt băm vào, nước sôi thêm đợt nữa thịt chín, má cho lần lượt các loại rau tùy theo độ mềm, chín khác nhau: rau trai, bồ ngót, rau má rồi trộn đều các loại rau với nhau, vừa chín tới cho thêm ít tiêu xay là tắt bếp. Tôi và má làm món tiếp theo rất đơn giản, mà lại dễ làm.
Cá chiên giòn |
Cá đồng chiên giòn chấm nước mắm tỏi ớt
Được ông anh rể cho mớ cá đồng: cá chốt, cá sặc, cá chạch, cá trê..., tôi bắt bỏ vô rổ, bắt đầu làm cá. Mùa này, thân cá tiết nhiều chất nhớt nên khi làm phải rửa thật sạch đến khi hết nhớt thì thôi.
Tôi rửa 4, 5 đợt nước, sau đó cho thêm một ly nhỏ rượu uống vào bóp cá nhiều lần cho ra hết chất nhớt rồi rửa sạch bằng nước một lần nữa, để cá ráo nước.
Tôi bắt chảo lên bếp, cho dầu vào chờ chảo nóng, cho từng đợt cá vô chảo, chờ cá chín vàng rồi trở mặt cá, để lửa vừa. Trong lúc chờ cá chín vàng, tôi đi làm chén nước mắm chua ngọt cùng tỏi ớt. Sau khi cá chín vàng đạt được độ giòn thì tắt bếp gắp cá ra cho ráo dầu.
Canh rau tập tàng còn nóng, cá đồng chiên chấm mắm cá linh chua ngọt cùng cơm trắng là hao cơm dữ lắm rồi! Vậy mà má ở cái tuổi thất thập cổ lai hy lại lúi húi làm thêm mấy món khoái khẩu cho con cái.
Món má làm cho con cháu |
Chả da đầu heo ăn kèm dưa chua
Món ăn này khá đặc biệt từ hình dáng đến mùi vị. Là món ăn có hình thù giống phần não nhăn và được làm từ da heo, da đầu heo.
Nguyên liệu làm khá đơn giản, nhưng để làm nên món chả ngon, lạ miệng còn thêm chút bí quyết, chút tâm tình của người làm nên món ăn.
Tôi để ý thấy nguyên liệu làm món này có: thịt heo nạc 100%, tai heo, da heo, nấm tai mèo, các loại gia vị nêm nếm cho món ăn, mắm, muối, bột ngọt, đường... lá chuối, dây để gói chả.
Thịt nạc má đem về rửa sạch, để ráo. Rồi má cắt thành khúc nhỏ đều nhau. Phần da và tai heo cũng phải rửa sạch. Đem phần thịt nạc, da và tai heo đi luộc cho đến khi vừa chín tới. Tắt bếp. Vớt ra để ráo. Cắt da và tai heo thành từng lát mỏng.
Nấm mèo rửa sạch, ngâm nước ấm, sau đó lấy ra, cắt sạch phần đầu nấm. Dùng kéo cắt thành sợi nhuyễn.
Tôi thấy má bắt cái chảo gang thật to, đến khi chảo nóng đổ hỗn hợp da heo, tai heo, thịt nạc, nấm mèo nêm thêm gia vị cho vừa ăn, để lửa vừa đảo đều cho đến khi hỗn hợp vừa tươm mỡ thì nhanh tay tắt bếp.
Đây là cách làm rất lạ của má tôi nhưng khi tôi và người thân trong nhà ăn, miếng chả rất dẻo, ngon, mang phong vị "made by má tôi". Má dùng chiếc đũa bếp trộn đều cho hỗn hợp nguội hẳn. Má rắc thêm tiêu nguyên hạt cho thơm.
Công đoạn tiếp theo là gói chả. Tôi ra vườn rọc lá chuối, đem vô nhà lau sạch bụi, luộc sơ qua nước sôi, rồi tôi hơ qua lửa mục đích để làm giảm độ giòn của lá, má tôi sẽ dễ gói và tạo hình đòn chả sẽ đẹp hơn.
Má chọn những tấm lá đẹp nhất, to nhất. Sau đó, lấy tất cả hỗn hợp cho vào ngay giữa lá và gói thành hình trụ. Tôi thấy má dùng dây lạt để buộc thật chặt đòn chả. Gói kỹ hai phần đầu sao cho hỗn hợp được giữ cân đối và đẹp mắt. Vậy là đã làm xong đòn chả do má làm.
Má kêu tôi bỏ vô ngăn mát tủ lạnh ăn dần ngày dịch giã, có khi ăn được mấy tuần lễ qua ngày giãn cách. Món này ngon hơn khi ăn kèm dưa cải chua, dưa củ kiệu..., càng không thể thiếu chấm cùng muối tiêu tắc thì ngon không gì bằng!
Nhà tôi sống ở đồng, xung quanh là rừng tràm, ruộng lúa, kênh rạch chằng chịt, tận dụng đất rộng má trồng đủ thứ trái cây nào mít, chuối, thanh long, chôm chôm, nhãn, mía, đu đủ, dừa... nên hầu như nhà tôi quanh năm không cần mua trái cây.
Đến khi dịch ập đến, các thành viên trong nhà luôn ở tâm thế bình tĩnh, không hoang mang, sợ hãi. Cố gắng giữ sức khỏe để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Từ nơi vùng biên xa xôi, chút tâm tình gửi đến Sài Gòn thân thương, hào sảng, đầy nghĩa tình của chúng ta. Hãy cố gắng thêm chút nữa, rồi mọi chuyện sẽ qua thôi.
Nhịp sống hối hả, sôi động đời thường sẽ sớm trở lại. Để cùng nhau chờ đón một ngày mới nắng lên, khi ấy tất cả chúng ta từ mọi miền đất nước đều hạnh phúc và an vui!
Theo DIỆP LINH/ Báo điện tử Tuổi Trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin